Thủ tục bán nhà ở cũ thuộc tài sản công từ ngày 25/09/2024, được thực hiện theo quy định tại Quyết định 891/QĐ-BXD năm 2024 do Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực từ ngày ký.
>> Thời hạn hiệu lực và nội dung của thư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai từ 10/12/2024
Theo đó, thủ tục bán nhà ở cũ thuộc tài sản công được quy định tại STT 6 Mục II Phần II B Quyết định 891/QĐ-BXD năm 2024 về công bố thủ tục hành chính mới, được thay thế trong lĩnh vực nhà ở thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Cách thức thực hiện thủ tục bán nhà ở cũ thuộc tài sản công đối với 02 trường hợp cụ thể dưới đây:
(i) Nhà ở do địa phương quản lý:
- Nộp hồ sơ trực tiếp.
- Qua dịch vụ bưu chính.
- Trực tuyến.
Đến Trung tâm phục vụ hành chính công của UBND cấp tỉnh hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
(ii) Nhà ở do Bộ Quốc phòng quản lý:
- Nộp hồ sơ trực tiếp.
- Qua dịch vụ bưu chính.
- Trực tuyến (nếu có).
Đến cơ quan quản lý nhà ở thuộc Bộ Quốc phòng hoặc đến đơn vị quản lý vận hành được Bộ Quốc phòng giao thực hiện tiếp nhận hồ sơ.
Luật Nhà ở và văn bản hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 12/09/2024] |
Mẫu Đơn đề nghị mua nhà ở mới nhất |
Thủ tục bán nhà ở cũ thuộc tài sản công (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Người đang thuê nhà ở cũ thuộc tài sản công cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm những loại giấy tờ sau đây:
(i) Đơn đề nghị mua nhà ở được lập theo Mẫu số 03 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 95/2024/NĐ-CP.
(ii) Bản chính hợp đồng thuê nhà ở.
(iii) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu giấy tờ chứng minh đã nộp đủ tiền thuê nhà ở và chi phí quản lý vận hành nhà ở đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mua nhà ở đối với loại nhà ở phải nộp chi phí quản lý vận hành nhà ở; trường hợp là vợ chồng thì phải có bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp người có tên trong hợp đồng thuê nhà ở đã xuất cảnh ra nước ngoài thì phải có văn bản ủy quyền (có xác nhận của cơ quan công chứng hoặc chứng thực theo quy định) cho các thành viên khác đứng tên mua nhà ở; nếu có thành viên có tên trong hợp đồng thuê nhà ở đã chết thì phải có giấy chứng tử kèm theo.
Trường hợp có thành viên thuê nhà ở khước từ quyền mua và đứng tên trong Giấy chứng nhận đối với nhà ở thì phải có văn bản khước từ quyền mua, không đứng tên trong Giấy chứng nhận và cam kết không có tranh chấp, khiếu kiện về việc mua bán nhà ở này.
(iv) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền mua nhà ở (nếu có).
Thời hạn giải quyết hồ sơ thực hiện thủ tục bán nhà ở cũ thuộc tài sản công không quá 45 ngày, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính là người đang thuê nhà ở cũ thuộc tài sản công
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định:
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với nhà ở thuộc địa phương quản lý).
+ Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan quản lý nhà ở trực thuộc Bộ Quốc phòng nếu được giao quyết định.
- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính
+ Sở Xây dựng, đơn vị quản lý vận hành nhà ở (đối với nhà ở thuộc địa phương quản lý)
+ Cơ quan quản lý nhà ở trực thuộc Bộ Quốc phòng, đơn vị quản lý vận hành nhà ở (đối với nhà ở thuộc Bộ Quốc phòng quản lý).
Kết quả thực hiện thủ tục bán nhà ở cũ thuộc tài sản công là Quyết định bán nhà ở cũ thuộc tài sản công.
Không quy định về lệ phí thực hiện thủ tục thủ tục bán nhà ở cũ thuộc tài sản công là Quyết định bán nhà ở cũ thuộc tài sản công.
Đơn đề nghị mua nhà ở được lập theo Mẫu số 03 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 95/2024/NĐ-CP.
- Đối tượng được mua nhà ở cũ thuộc tải sản công phải là người đang thực tế sử dụng nhà ở theo quy định tại Điều 62 Nghị định 95/2024/NĐ-CP.
- Người mua phải có đơn đề nghị mua nhà ở lập theo Mẫu số 03 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 95/2024/NĐ-CP.
- Có hợp đồng thuê nhà ở ký với đơn vị quản lý vận hành nhà ở và có tên trong hợp đồng thuê nhà ở; trường hợp có nhiều thành viên cùng đứng tên trong hợp đồng thuê nhà ở thì các thành viên này phải thỏa thuận cử người đại diện đứng tên ký hợp đồng mua bán nhà ở với cơ quan quản lý nhà ở.
- Đã đóng đầy đủ tiền thuê nhà ở theo quy định trong hợp đồng thuê nhà ở và đóng đầy đủ các chi phí quản lý vận hành nhà ở tính đến thời điểm ký hợp đồng mua bán nhà ở (nếu có).
Trường hợp đã sử dụng nhà ở trước thời điểm ký kết hợp đồng thuê nhà ở hoặc có hợp đồng thuê nhà ở mà Nhà nước chưa thu tiền thuê nhà thì người thuê phải nộp truy thu tiền thuê nhà ở theo thời gian thực tế đã sử dụng nhà ở.
- Nhà ở phải không thuộc diện quy định tại Điều 68 Nghị định 95/2024/NĐ-CP.
- Nhà ở đang thuê phải thuộc diện được bố trí sử dụng từ trước ngày 19/01/2007.
- Đối với nhà ở thuộc diện phải xác lập sở hữu toàn dân theo quy định thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải hoàn tất thủ tục xác lập sở hữu toàn dân và thực hiện ký hợp đồng thuê nhà ở theo quy định trước khi bán nhà ở này.
- Đối với loại nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng được bố trí sử dụng để ở từ trước ngày 19/01/2007 thì nhà ở này phải đảm bảo các điều kiện: khu đất đã bố trí làm nhà ở đó có khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên trụ sở, cơ quan; nhà ở có lối đi riêng, không che chắn mặt tiền trụ sở, cơ quan, không ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan xung quanh; cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng và nhà ở này phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở tại địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Trường hợp nhà ở do cơ quan, đơn vị có quỹ nhà ở tự quản chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà ở tiếp nhận, quản lý hoặc nhà ở tự quản không còn cơ quan, đơn vị quản lý nhưng tại thời điểm tiếp nhận, nhà ở này đã bị phá dỡ, xây dựng lại thì cơ quan quản lý nhà ở vẫn tiếp nhận và căn cứ theo từng trường hợp cụ thể để thực hiện bán cho người đang thuê.
Xem thêm: Mẫu hợp đồng mua bán nhà ở cũ thuộc tài sản công hiện nay là mẫu nào?