Trước tình hình diễn biết phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều người lao động phải ngừng việc để thực hiện chủ trương giãn cách xã hội. Vậy, thời gian ngừng việc vì Covid-19 người lao động có phải đóng bảo hiểm xã hội hay không?
>> Hướng dẫn đóng BHXH tự nguyện, gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia
>> Toàn bộ thông tin cần biết về thẻ Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục
Nguồn Internet
Theo Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 hướng dẫn về việc đóng BHXH trong thời gian nghỉ làm như sau:
Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
Do đó, nếu người lao động ngừng việc vì Covid-19 thì việc đóng BHXH được chia thành các trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Nghỉ làm nhưng dưới 14 ngày thì người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải đóng BHXH.
- Trường hợp 2: Nghỉ làm và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên, người lao động và người sử dụng lao động sẽ không đóng BHXH.
- Trường hợp 3: Nghỉ làm từ 14 ngày làm việc trở lên nhưng vẫn được hưởng lương thì người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải đóng BHXH.
Ngoài ra, tại mục 2 Công văn 264/QHLĐTL-TL của Cục quan hệ và tiền lương thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn một số trường hợp ngừng việc được hưởng lương như sau:
(1) Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
(2) Người lao động phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
(3) Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
(4) Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc.
Tiền lương đóng BHXH trong thời gian ngừng việc
Khi ngừng việc vì Covid-19, người lao động và người sử dụng lao động vẫn có trường hợp đóng BHXH. Mức lương đóng BHXH trong thời gian ngừng việc sẽ có sự điều chỉnh theo khoản 8 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định:
Người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.
Do đó, trong thời gian ngừng việc, mức đóng BHXH tính trên tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc, chứ không phải tiền lương được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 99 của Bộ luật Lao động 2019 . Tiền lương này được thỏa thuận bởi người lao động và người sử dụng lao động, cụ thể:
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 (áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP):
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I: 4.420.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II: 3.920.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III: 3.430.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng.
Căn cứ pháp lý:
Quyết định 595/QĐ-BHXH
Bộ luật Lao động 2019