Trong năm 2024, việc xây dựng công trình đặc thù và xây dựng công trình bí mật nhà nước được pháp luật quy định như thế nào? Xin cảm ơn! – Nguyễn Khang (Sóc Trăng).
>> Quy định về việc bảo hành, bảo trì công trình xây dựng trong năm 2024
>> Quy định về giám sát thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao công trình 2024 (Phần 2)
Việc xây dựng công trình đặc thù trong năm 2024 được quy định tại Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung năm 2016, năm 2018, năm 2019 và năm 2020 (sau đây gọi tắt là Luật Xây dựng), cụ thể như sau:
Căn cứ Điều 128 Luật Xây dựng, các loại công trình xây dựng đặc thù bao gồm:
(i) Công trình bí mật nhà nước.
(ii) Công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp.
(iii) Công trình xây dựng tạm.
Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực (Cập nhật ngày 01/11/2023) |
Quy định về xây dựng công trình đặc thù trong năm 2024 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Việc xây dựng công trình bí mật nhà nước được quy định tại Điều 129 Luật Xây dựng, cụ thể như sau:
(i) Công trình bí mật nhà nước được xây dựng theo yêu cầu phải bảo đảm bí mật trong các hoạt động đầu tư xây dựng thuộc các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác.
(ii) Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình bí mật nhà nước có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện và tổ chức thực hiện xây dựng các công trình từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công xây dựng công trình đến giai đoạn nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
Lưu ý: Chính phủ quyết định việc xây dựng công trình bí mật nhà nước.
Việc xây dựng công trình khẩn cấp được quy định tại Điều 130 Luật Xây dựng như sau:
(i) Công trình xây dựng khẩn cấp gồm:
- Công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo phải thực hiện nhanh để kịp thời đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh năng lượng, nguồn nước, ứng phó sự cố môi trường, phát triển hệ thống công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
(ii) Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền quyết định việc xây dựng đối với công trình quy định tại gạch đầu dòng thứ nhất khoản (i) Mục 2.2 này thuộc phạm vi quản lý. Người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng để tổ chức thực hiện xây dựng công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đối với công trình xây dựng khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
(iii) Thủ tướng Chính phủ quyết định các cơ chế đặc thù đối với từng công trình quy định tại gạch đầu dòng thứ hai khoản (i) Mục 2.2 này bao gồm khảo sát, thiết kế xây dựng công trình; hình thức lựa chọn nhà thầu và các cơ chế đặc thù khác theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng. Người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện các cơ chế đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các công việc liên quan khác đến quá trình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật có liên quan.
(iv) Sau khi kết thúc thi công xây dựng công trình khẩn cấp, người được giao xây dựng công trình khẩn cấp phải thực hiện các công việc sau:
- Kiểm tra, đánh giá lại chất lượng công trình đã được xây dựng và thực hiện bảo hành công trình.
- Hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình và lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật về xây dựng.
- Quyết toán công trình theo quy định của pháp luật.
(v) Người được giao quản lý sử dụng công trình phải lập kế hoạch quản lý sử dụng công trình hoặc phá dỡ công trình để hoàn trả lại mặt bằng nếu công trình xây dựng khẩn cấp không phù hợp với quy hoạch xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.
Việc xây dựng công trình tạm được quy định như sau:
(i) Công trình xây dựng tạm là công trình được xây dựng có thời hạn phục vụ các mục đích sau:
- Thi công xây dựng công trình chính.
- Sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác trong thời gian quy định tại khoản (ii) Mục 2.3 này.
(ii) Đối với công trình xây dựng tạm sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác trong thời gian quy định phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình tạm.
(iii) Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng và thực hiện xây dựng công trình tạm. Trường hợp công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng, thiết kế xây dựng công trình phải được thẩm tra về điều kiện bảo đảm an toàn và gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương để theo dõi và kiểm tra theo quy định.
(iv) Công trình xây dựng tạm phải được phá dỡ khi đưa công trình chính của dự án đầu tư xây dựng vào khai thác sử dụng hoặc khi hết thời gian tồn tại của công trình. Chủ đầu tư được đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận việc tiếp tục khai thác sử dụng công trình xây dựng tạm nhằm thi công xây dựng công trình chính nếu công trình phù hợp với quy hoạch; bảo đảm các yêu cầu về an toàn chịu lực, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.
(Căn cứ theo quy định tại Điều 131 Luật Xây dựng).