Trong năm 2024 thì việc bảo hành và bảo trì công trình xây dựng được pháp luật quy định như thế nào? Mong được giải đáp cụ thể về vấn đề này! – Trường Phong (Bình Dương).
>> Quy định về giám sát thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao công trình 2024 (Phần 2)
>> Những yêu cầu khi chuẩn bị xây dựng công trình trong năm 2024
Hiện nay, quy định trong lĩnh vực xây dựng được áp dụng theo Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung năm 2016, năm 2018, năm 2019 và năm 2020 (sau đây gọi tắt là Luật Xây dựng). Theo đó, việc bảo hành và bảo trì công trình xây dựng trong năm 2024 được quy định cụ thể như sau:
Căn cứ Điều 125 Luật Xây dựng, việc bảo hành công trình xây dựng trong năm 2024 được quy định như sau:
(i) Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo hành công trình do mình thi công. Nhà thầu cung ứng thiết bị công trình, thiết bị công nghệ có trách nhiệm bảo hành thiết bị do mình cung cấp.
(ii) Nội dung bảo hành công trình gồm khắc phục, sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng, khiếm khuyết do lỗi của nhà thầu gây ra.
(iii) Thời gian bảo hành công trình, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ được xác định theo loại, cấp công trình xây dựng và quy định của nhà sản xuất hoặc hợp đồng cung cấp thiết bị.
Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực (Cập nhật ngày 01/11/2023) |
Quy định về việc bảo hành, bảo trì công trình xây dựng trong năm 2024 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Việc bảo trì công trình xây dựng trong năm 2024 được quy định tại Điều 126 Luật Xây dựng như sau:
(i) Yêu cầu về bảo trì công trình xây dựng:
- Công trình, hạng mục công trình xây dựng khi đưa vào sử dụng phải được bảo trì.
- Quy trình bảo trì phải được chủ đầu tư tổ chức lập và phê duyệt trước khi đưa công trình, hạng mục công trình xây dựng vào sử dụng; phù hợp với mục đích sử dụng, loại và cấp công trình xây dựng, hạng mục công trình, thiết bị được xây dựng và lắp đặt vào công trình.
- Việc bảo trì phải bảo đảm an toàn đối với con người, tài sản và công trình.
(ii) Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm bảo trì công trình xây dựng, máy, thiết bị công trình.
(iii) Việc bảo trì công trình xây dựng, thiết bị công trình phải được thực hiện theo kế hoạch bảo trì và quy trình bảo trì được phê duyệt.
(iv) Công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng phải được tổ chức đánh giá định kỳ về an toàn của công trình xây dựng trong quá trình vận hành và sử dụng.
(v) Chính phủ quy định chi tiết về bảo trì, đánh giá định kỳ về an toàn của công trình xây dựng trong quá trình sử dụng và trách nhiệm công bố công trình xây dựng hết thời hạn sử dụng.
Căn cứ Điều 127 Luật Xây dựng, việc dừng khai thác sử dụng công trình xây dựng được quy định như sau:
(i) Chủ đầu tư, chủ quản lý khai thác sử dụng công trình hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc dừng khai thác sử dụng công trình xây dựng khi công trình hết thời hạn sử dụng, có nguy cơ gây mất an toàn, gây sự cố công trình ảnh hưởng đến an toàn của người sử dụng, an toàn của công trình lân cận, môi trường và của cộng đồng.
(ii) Khi quyết định dừng khai thác sử dụng đối với công trình sử dụng chung, chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản thông báo bằng văn bản đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng công trình về quyết định của mình.
(iii) Việc khai thác sử dụng công trình xây dựng chỉ được tiếp tục khi đã được khắc phục sự cố hoặc được loại bỏ các nguy cơ gây mất an toàn. Trường hợp công trình hết thời hạn sử dụng, nếu có yêu cầu tiếp tục sử dụng thì chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng phải thực hiện kiểm định chất lượng, gia cố, cải tạo, sửa chữa hư hỏng (nếu có) bảo đảm an toàn, công năng sử dụng của công trình.