Trong suốt quá trình hoạt động, trách nhiệm về quản lý vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện như thế nào theo Nghị định 46/2023/NĐ-CP? – Quang Khôi (Bình Định).
>> Toàn văn điểm mới Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội 2024
>> Vốn được cấp tối thiểu của chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài
Tại Điều 37 Nghị định 46/2023/NĐ-CP, quản lý vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm và chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam được quy định cụ thể như sau:
Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải duy trì nguồn vốn chủ sở hữu bảo đảm biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu và đáp ứng các quy định sau đây:
- Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được cấp phép trước ngày 01/01/2023: Trước ngày 01/01/2028, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định quy định tại Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP; từ ngày 01/01/2028, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn điều lệ tối thiểu theo quy định tại Điều 35 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
- Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được cấp phép kể từ ngày 01/01/2023, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn điều lệ tối thiểu theo quy định tại Điều 35 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Quy định về quản lý vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bảo hiểm
(Ảnh minh hoạ - Nguồn từ Internet)
Trong suốt quá trình hoạt động, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải duy trì nguồn vốn chủ sở hữu bảo đảm biên khả năng thanh toán của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu và đáp ứng các quy định sau đây:
- Đối với các chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp phép trước ngày 01/01/2023: Trước ngày 01/01/2028, vốn được cấp, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định quy định tại Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP; từ ngày 01/01/2028, vốn được cấp, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn được cấp tối thiểu theo quy định tại Điều 36 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
- Đối với các chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp phép kể từ ngày 01/01/2023, vốn được cấp, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn được cấp tối thiểu theo quy định tại Điều 36 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
Lưu ý:
Hằng quý, căn cứ vào báo cáo tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đánh giá lại nguồn vốn chủ sở hữu.
Trường hợp nguồn vốn chủ sở hữu chưa đáp ứng quy định nêu tại mục 1.1 và mục 1.2, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện các thủ tục bổ sung vốn theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 19 Nghị định 46/2023/NĐ-CP trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc quý.
Tại Điều 106 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải gửi Bộ Tài chính các báo cáo sau đây:
(1) Báo cáo tài chính; trường hợp có ý kiến hoặc kết luận không phải là chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán độc lập đối với bất kỳ báo cáo, hoạt động nào được kiểm toán, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo Bộ Tài chính nguyên nhân, thực trạng.
(2) Báo cáo hoạt động nghiệp vụ.
(3) Báo cáo tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm.
(4) Báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và quản trị rủi ro.
(5) Báo cáo thay đổi về vốn liên quan đến từng loại rủi ro.
Ngoài báo cáo nêu trên, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo Bộ Tài chính trong trường hợp sau đây:
- Khi xảy ra những diễn biến bất thường có ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, uy tín của doanh nghiệp, chi nhánh trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
- Khi không đáp ứng yêu cầu về tài chính và các yêu cầu khác theo quy định.