Hiện nay, đa số các công việc đều yêu cầu người lao động phải có bằng cấp (thông thường tối thiểu phải có bằng tốt nghiệp cấp 3). Không ít người lao động do không đáp ứng đủ điều kiện về trình độ học vấn mà đã mua và sử dụng bằng cấp giả. Vậy, hành vi sử dụng bằng cấp giả của người lao động sẽ bị xử lý như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ trả lời cho câu hỏi này.
>> Các quy định về thu hồi giấy phép cho thuê lại lao động năm 2022
>> NLĐ bị tai nạn ngoài nơi làm việc, trách nhiệm bồi thường, trợ cấp thuộc về ai?
Căn cứ Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), người lao động (NLĐ) có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng đủ hai điều kiện sau:
- Sử dụng bằng cấp giả, và
- Dùng bằng cấp giả để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Theo đó, tại Khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
“Điều 16. Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động
…
2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.”
Như vậy, việc NLĐ dùng bằng cấp giả để lừa dối người sử dụng lao động về trình độ học vấn của mình là hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động (hành vi trái pháp luật).
Do đó, NLĐ dùng bằng giả để được nhận vào làm việc hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt được như sau:
- Hình phạt chính: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
- Nếu hành vi thuộc vào các tình tiết tăng nặng như phạm tội lần 02, có tổ chức, thu lợi bất chính với một số tiền cụ thể,… thì có thể chịu mức phạt cao nhất là 07 năm.
- Ngoài ra, NLĐ còn có thể bị phạt bổ sung với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Căn cứ Khoản 4 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả như sau:
“Điều 17. Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp
...
4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự..”
Như vậy, người lao động khi mua và sử dụng bằng cấp giả (mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự) sẽ chịu các hình phạt sau:
- Hình thức xử phạt chính: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng;
- Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (mà cụ thể ở đây là bằng cấp giả).
Có thể thấy, khác với trách nhiệm hình sự, NLĐ sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính khi thực hiện hành vi mua, sử dụng bằng cấp giả mà không cần quan tâm đến mục đích của hành vi có nhằm thực hiện một hành vi trái pháp luật khác không.
Ngoài việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính, người lao động là viên chức còn bị xử lý kỷ luật khi sử dụng bằng cấp giả.
Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 19. Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
…
4. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;”
Như vậy, NLĐ là viên chức sử dụng bằng cấp giả để được tuyển dụng vào làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ phải chịu hình thức kỷ luật buộc thôi việc.
Căn cứ Điểm g Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) khi:
- NLĐ cung cấp không trung thực thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ mà người sử dụng lao động yêu cầu.
- Việc cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng NLĐ.
Theo đó, việc NLĐ sử dụng bằng cấp giả để được nhận vào làm việc là hành vi cung cấp thông tin về trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề. Rõ ràng có thể thấy người sử dụng lao động vì tin tưởng vào bằng cấp giả đó mới tuyển NLĐ vào làm việc, tức là hành vi sử dụng bằng giả của NLĐ đã làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng.
Do đó, khi người sử dụng lao động phát hiện NLĐ sử dụng bằng giả thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người này.
Trên đây là quy định về Người lao động sử dụng bằng cấp giả để được nhận vào làm việc có bị phạt tù không? Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý: