Bên cạnh các trường hợp người lao động được nghỉ làm mà vẫn hưởng nguyên lương, người lao động còn có quyền nghỉ không hưởng lương. Mời Quý thành viên cùng tìm hiểu các vấn đề mà người lao động cần lưu ý khi thực hiện quyền này trong bài viết sau.
>> Bảng lương y, bác sĩ năm 2022
>> Các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu và cách xử lý
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động (sau đây gọi là "doanh nghiệp") khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
Ngoài ra, người lao động còn được quyền thỏa thuận với doanh nghiệp để nghỉ không hưởng lương. Dù pháp luật không quy định, nhưng có thể hiểu rằng, trong trường hợp này, người lao động có dự định nghỉ không hưởng lương vẫn phải thực hiện thông báo trước với doanh nghiệp, và được doanh nghiệp chấp thuận trước khi nghỉ.
Khi đó, người lao động không bị giới hạn số ngày trong năm và số ngày nghỉ trong mỗi lần, miễn là người lao động thỏa thuận được với doanh nghiệp.
Một vấn đề quan trọng nữa cần lưu ý là thời gian nghỉ không hưởng lương vẫn tính vào thời gian thực hiện hợp đồng lao động. Do đó, nếu thời điểm hết thời gian nghỉ không hưởng lương xảy ra trước hoặc trùng với thời điểm hết hạn hợp đồng lao động xác định thời hạn thì hai bên phải thực hiện chấm dứt hợp đồng hoặc thỏa thuận giao kết hợp đồng mới.
Hiện nay, việc trích nộp bảo hiểm được thực hiện theo tháng và căn cứ trên tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 4 Điều 42 của Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
Vì vậy, nếu người lao động nghỉ không hưởng lương mà dẫn đến việc người lao động không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều không cần phải đóng bảo hiểm của tháng đó và doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục báo giảm lao động.
Ngược lại, nếu tính cả thời gian nghỉ không hưởng lương mà người lao động không làm việc, không hưởng lương dưới 14 ngày làm việc trong tháng thì vẫn phải tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp không cần thực hiện thêm thủ tục nào khác.
Ví dụ: Thời gian làm việc bình thường của công ty A là từ thứ hai đến thứ sáu, được nghỉ thứ 7 và chủ nhật. Chị B là nhân viên của công ty A, giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 2 năm với công ty A từ ngày 01/01/2019. Vì lý do cá nhân, chị thỏa thuận với công ty A nghỉ không hưởng lương từ ngày 11/11/2019 đến ngày 05/12/2019, sau đó đi làm lại bình thường. Xét thời gian nghỉ không hưởng lương của chị A trong tháng 11 và 12/2019: trong tháng 11/2019, chị B không làm việc và không hưởng lương 15 ngày làm việc; trong tháng 12/2019, chị B không làm việc và không hưởng lương 3 ngày làm việc. Như vậy, theo quy định nêu trên thì: - Trong tháng 11/2019, công ty A và chị B không phải tham gia bảo hiểm, đồng thời, công ty A phải báo giảm chị B với cơ quan bảo hiểm quản lý trực tiếp; - Trong tháng 12/2019, công ty A và chị B phải tham gia bảo hiểm, đồng thời, công ty A phải báo tăng chị B với cơ quan bảo hiểm quản lý trực tiếp. |
Trong trường hợp người lao động có người thân chết, kết hôn như đã đề cập ở mục 1 của bài viết này và đã thông báo với doanh nghiệp mà doanh nghiệp không cho phép người lao động nghỉ không hưởng lương là không phù hợp với quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 04 - 10 triệu đồng vì hành vi này theo quy định tại Điều 5 và Khoản 1 Điều 17 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Trong trường hợp người lao động đề xuất thỏa thuận nghỉ không hưởng lương với doanh nghiệp, thì doanh nghiệp có quyền xem xét đề xuất của người lao động và quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận. Doanh nghiệp không chấp thuận đề xuất của người lao động thì cũng không vi phạm pháp luật.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
- Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.