Cho tôi hỏi: Năm 2023 hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm có những điểm gì nổi bật, pháp luật quy định như thế nào? – Khả Ngân (Hà Nam).
>> Lưu ý nổi bật về hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại năm 2023
>> Các trường hợp không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm nhân thọ năm 2023
Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể về định nghĩa bảo hiểm trách nhiệm là gì. Có thể hiểu bảo hiểm trách nhiệm là trách nhiệm pháp lý mang tính tài sản áp dụng khi có sự vi phạm pháp luật dân sự. Mục đích của hợp đồng bảo hiểm này nhằm bù đắp tổn hại về vật chất của người bị thiệt hại.
Theo quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023) đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm như sau:
Điều 57. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm
Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm là đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.
Những điểm nổi bật về hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm năm 2023 (Ảnh minh họa - Hình từ Internet)
Căn cứ theo Điều 58, 59, 60 và 61 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, những điểm nổi bật của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm được quy định cụ thể như sau:
- Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường do có hành vi gây thiệt hại cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm.
- Người thứ ba không có quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm là số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả cho người được bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
- Trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả cho người được bảo hiểm những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật người được bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người thứ ba.
- Ngoài việc trả tiền bồi thường nêu trên, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài còn phải trả các chi phí liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về trách nhiệm đối với người thứ ba và lãi phải trả cho người thứ ba do người được bảo hiểm chậm trả tiền bồi thường theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
- Tổng số tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được nêu trên không vượt quá giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
- Trường hợp người được bảo hiểm phải đóng tiền bảo lãnh hoặc ký quỹ để bảo đảm cho tài sản không bị lưu giữ hoặc để tránh việc khởi kiện tại tòa án thì theo yêu cầu của người được bảo hiểm và thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải thực hiện việc bảo lãnh hoặc ký quỹ trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền thay mặt người được bảo hiểm để thương lượng với người thứ ba về mức độ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có thể bồi thường trực tiếp cho người được bảo hiểm hoặc cho người thứ ba bị thiệt hại theo yêu cầu của người được bảo hiểm.
>> Xem thêm bài viết liên quan:
>> Lưu ý nổi bật về hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại năm 2023
>> Các trường hợp không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm nhân thọ năm 2023
>> Quyền lợi của bên mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe năm 2023