Học nghề, tập nghề là một trong những hoạt động phổ biến trong các doanh nghiệp hiện nay. Các doanh nghiệp hay người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề mục đích chính là để đào tạo cho người lao động. Song, trong quá trình đào tạo cũng như làm việc tạo ra sản phẩm thì cũng có không ít thiệt hại phát sinh mà một trong những nguyên nhân xuất phát từ chính những người học nghề, tập nghề (sau đây gọi tắt là “người học nghề”). Như vậy, câu hỏi đặt ra là nếu người học nghề gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?
>> 04 câu hỏi thường gặp khi xây dựng thang, bảng lương năm 2019
>> Một số thay đổi trong Lao động -Tiền lương năm 2019
Thứ nhất, người học nghề được pháp luật quy định như thế nào?
Theo Điều 61 Bộ luật lao động 2012 quy định về học nghề, tập nghề như sau:
“Điều 61. Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí.
Người học nghề, tập nghề trong trường hợp này phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
2. Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.
3. Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động tham gia đánh giá kỹ năng nghề để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.”
Như vậy người học nghề được tham gia học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp theo hợp đồng đào tạo nghề; được lựa chọn nghề và học tại nơi làm việc phù hợp với nhu cầu việc làm của mình; được trả lương theo thỏa thuận nếu tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách; được tạo điều kiện tham gia đánh giá kỹ năng về nghề để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hai do người học nghề gây ra
Như đã đề cập ở phần trên thì khi học nghề, tập nghề người lao động và doanh nghiệp phải ký hợp đồng đào tạo nghề. Theo đó hợp đồng đào tạo nghề về cơ bản là do các bên tự thoả thuận với nhau, tuy nhiên trong hợp đồng cần phải có nội dung sau:
- Nghề đào tạo;
- Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;
- Chi phí đào tạo;
- Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;
- Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Mặt khác theo quy định tại Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015 thì “cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định.”
=> Từ những quy định trên cho thấy người học nghề gây thiệt hại khi thực hiện công việc được giao thì doanh nghiệp - người sử dụng lao động phải bồi thường thiệt hại theo nguyên tắc toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về số tiền bồi thường, hình thức bồi thường,.. Trong trường hợp người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại thì doanh nghiệp hoàn toàn có quyền yêu cầu người học nghề hoàn trả một khoản tiền.
(Lưu ý: Trường hợp người học nghề gây thiệt hại khi thực hiện những công việc không được giao thì doanh nghiệp không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại; trách nhiệm bồi thường thuộc về chính người học nghề).
Căn cứ pháp lý:
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Bảo Toàn