Trợ cấp thất nghiệp là khoản bù đắp nhằm hỗ trợ người lao động trong thời gian không có việc làm. Tuy nhiên không phải mọi người lao động không có việc làm đều được hưởng, mà phải đáp ứng đủ các điều kiện thì mới được hưởng.
>> NLĐ thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì sẽ tham gia thế nào?
>> Các “Báo cáo” thường gặp trong lĩnh vực: Kế toán - Lao động – Bảo hiểm
Theo quy định tại điều 49 Luật Việc làm 2013 về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, cụ thể như sau:
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây: 1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; 2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này; 3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này; 4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp …. |
Theo quy định trên, ta thấy có 5 điều kiện bắt buộc phải có để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Điều kiện 1: Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:
- Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội;
- Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.
Ví dụ: Ông A làm việc tại công ty X theo hình thức hợp đồng lao động không xác định thời hạn, vì cần giải quyết một số việc riêng nên ông A và công ty thoả thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ ngày 01/7/2017 đến 01/9/2017. Thời gian này ông không hưởng lương tại công ty do đó cũng không tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hết thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, ông A viết đơn xin nghỉ việc và công ty ra quyết định nghỉ việc để ông đi đăng ký thất nghiệp. Sổ Bảo hiểm xã hội của ông chốt ngày 5/9/2017 trong đó thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của ông chỉ tính đến hết tháng 6/2017. Như vậy, trường hợp của ông A được coi là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Trường hợp những tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà sổ BHXH thể hiện nghỉ không lương thì Trrung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) một số tỉnh, thành phố từ chối giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động vì không thuộc đối tượng đang đóng BHTN. Một số TTDVVL đề nghị người lao động phải cung cấp quyết định tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc để làm cơ sở tiếp nhận, giải quyết trợ cấp thất nghiệp. Việc từ chối trên buộc người lao động phải quay về các cơ quan BHXH nơi chốt sổ cuối cùng để xin điều chỉnh lại thời gian nghỉ không lương trên sổ BHXH thành tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và nhờ đơn vị sử dụng lao động ban hành quyết định tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc.
Điều kiện 2: Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
Trong đó, các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật của người lao động là việc chấm dứt trái với quy định tại điều 37 Bộ luật Lao động 2012. Qúy thành viên xem chi tiết tại công việc Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.
Với quy định về các trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật như trên thì việc chấm dứt HĐLĐ được xem xét trong điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm luôn cả trường hợp người lao động bị kỉ luật sa thải. Việc này tạo điều kiện cho người lao động dù bị kỉ luật lao động vẫn có cơ hội được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng được những điều kiện còn lại.
Điều kiện 3: Thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp là từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với HĐLĐ không xác định thời hạn và HĐLĐ xác định thời hạn / từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng đối với HĐLĐ mùa vụ.
Tiếp tục ví dụ tại điều kiện 1, thời điểm chấm dứt HĐLĐ ghi trên quyết định chấm dứt HĐLĐ của công ty X với ông A là ngày 1/9/2017 và HĐLĐ của ông A là HĐLĐ không xác định thời hạn. Do đó xét trong khoảng thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ là từ ngày 1/9/2015 đến 1/9/2017, nếu ông A đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên thì được xét hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Điều kiện 4: Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 điều 46 Luật Việc làm 2013.
Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
Trường hợp người lao động nộp sau thời hạn này thì sẽ mất lượt hưởng trợ cấp thất nghiệp ở lần đó. Khoản trợ cấp này sẽ được tích lũy cho những lần hưởng tiếp sau đó.
Qúy thành viên có thể xem chi tiết tại công việc Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Điều kiện 5: Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động nộp đầy đủ hồ sơ hưởng BHTN trong thời hạn 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ khi đăng ký thất nghiệp (ngày thứ nhất trong thời hạn 15 ngày là ngày làm việc ngay sau khi người lao động đăng ký thất nghiệp). Trung tâm giới thiệu việc làm chỉ nhận hồ sơ hưởng BHTN khi đã có đầy đủ các giấy tờ theo quy định, sau đó phải trao lại cho người lao động phiếu hẹn trả lời kết quả theo đúng quy định.
- Nếu sau 15 ngày này người lao động vẫn chưa tìm được việc làm thì thời gian được hưởng trợ cấp tính từ ngày thứ 16 kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Trường hợp trong thời gian 15 ngày này mà người lao động có việc làm (bao gồm luôn cả thử việc) thì người lao động thông báo trung thực để trung tâm giới thiệu việc làm biết. Trường hợp này người lao động không đáp ứng đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra theo điều 27 Nghị định 88/2015/NĐ-CP, nếu người lao động kê khai không đúng sự thật khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Ví dụ: Ông A nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ngày 5/9/2017 thì trong thời gian từ ngày 5/9/2017 đến 20/9/2017, ông A vẫn không có việc làm thì mới đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Các trường hợp loại trừ:
Người lao động khi rơi vào một trong các trường hợp sau thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Chết.
Qúy thành viên có thể xem thêm về trợ cấp thất nghiệp tại bài viết Những điều cần biết về bảo hiểm thất nghiệp.
Căn cứ pháp lý:
Tường Vân