Có phải Công đoàn Lao động Việt Nam vừa đồng ý lùi đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng không? Cụ thể như thế nào? – Quyền Linh (Bình Phước).
>> Bộ luật Lao động 2019 và văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ 18/9/2023)
>> Trình tự cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài từ ngày 18/09/2023
Ngày 31/8/2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành Quyết định 7823/QĐ-TLĐ về việc lùi đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo Quyết định 7823/QĐ-TLĐ ngày 31/8/2023, đối tượng được lùi đóng phí công đoàn bao gồm các doanh nghiệp bị giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 01/01/2023 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được lùi đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023.
Ban Thường vụ các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn xem xét, xác định và chịu trách nhiệm về việc quyết định cho doanh nghiệp bi cắt, giảm đơn hàng được lùi đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023.
Toàn văn Quyết định 7823/QĐ-TLĐ 2023 lùi đóng phí công đoàn đối với doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng |
Lùi đóng kinh phí công đoàn đến 31/12/2023 với doanh nghiệp giảm 50% lao động (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp không thuộc diện lùi đóng năm 2023 được quy định như sau:
- Cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan, đơn vị mở tài khoản giao dịch căn cứ giấy rút kinh phí công đoàn, thực hiện việc kiểm soát chi và chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi của tổ chức công đoàn tại ngân hàng.
- Tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
- Tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh đóng kinh phí công đoàn theo tháng hoặc quý một lần cùng với thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trên cơ sở đăng ký với tổ chức công đoàn.
Như vậy, thời điểm đóng kinh phí công đoàn năm 2023 đối với các doanh nghiệp không thuộc diện lùi đóng sẽ cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Mức phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp có hành vi chậm đóng kinh phí công đoàn được quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
“Điều 38. Vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn
1. Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng kinh phí công đoàn;
…
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”
Ngoài ra, khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
…”
Như vậy, doanh nghiệp có hành vi chậm đóng kinh phí công đoàn có thể bị phạt tiền với mức từ 24% đến dưới 30% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp có hành vi vi phạm này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, doanh nghiệp phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.