>>> Xem công việc pháp lý mới tại đây.

Tổ chức hội nghị người lao động định kỳ trong Công ty Cổ Phần

tổ chức đại diện người lao động

Ảnh minh họa (Nguồn từ Internet)

Hội nghị người lao động do công ty cổ phần phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) tổ chức hằng năm theo hình thức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu.

Công ty cổ phần căn cứ vào quy chế dân chủ tại cơ sở, tổ chức hội nghị với những người lao động đang làm việc trong công ty định kỳ ít nhất 01 lần mỗi năm hoặc khi có yêu cầu của các bên hoặc khi có vụ việc cần thiết được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019, bao gồm những nội dung sau:

1. Những trường hợp cần tổ chức hội nghị người lao động đối với công ty cổ phần

- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

- Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.

- Phương án sử dụng lao động.

- Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.

- Thưởng.

- Nội quy lao động.

- Tạm đình chỉ công việc.

2. Những nội dung khác mà các bên có thể lựa chọn để tiến hành hội nghị người lao động

- Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.

- Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc.

- Điều kiện làm việc.

- Yêu cầu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động đối với người sử dụng lao động.

- Yêu cầu của người sử dụng lao động đối với người lao động, tổ chức đại diện người lao động.

- Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.

Lưu ý: Công đoàn chủ động bám sát quy định của pháp luật và Điều 47 Nghị định 145/2020/NĐ-CP để đề xuất hình thức, nội dung, quy trình tổ chức hội nghị người lao động (hội nghị); những công đoàn có dưới 10 người lao động thì không phải tổ chức hội nghị.

Công ty có thể ban hành riêng quy chế tổ chức hội nghị người lao động (sau đây gọi tắt là Hội nghị) sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) và phải phổ biến công khai đến những người lao động; Hoặc, quy định chi tiết việc tổ chức hội nghị người lao động trong quy chế dân chủ tại cơ sở.

Hội nghị người lao động được tổ chức theo hình thức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu. Đối với doanh nghiệp có từ 100 lao động trở xuống thì đề xuất lựa chọn hình thức hội nghị toàn thể; doanh nghiệp có từ trên 101 lao động trở lên hoặc có địa điểm làm việc ở nhiều nơi thì đề xuất tổ chức hội nghị đại biểu hoặc toàn thể do các bên thống nhất.

3. Thành phần Đại biểu tham dự hội nghị người lao động

- Hội nghị toàn thể: Thành phần tham dự là toàn thể người lao động của doanh nghiệp.

- Hội nghị đại biểu:

+ Đại biểu đương nhiên: Công đoàn đề xuất, thống nhất với công ty thành phần đương nhiên bên công ty gồm thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty; Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc; Ban kiểm soát; Kế toán trưởng, Trưởng phòng nhân sự; đại diện cấp ủy đảng; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội (nếu có); Ban Thanh tra nhân dân; ban chấp hành công đoàn hoặc đại diện ban chấp hành công đoàn cấp trên nơi chưa có công đoàn cơ sở (trên cơ sở thống nhất với công ty) và các trường hợp khác do hai bên thỏa thuận, thống nhất và được quy định trong Quy chế.

+ Đại biểu bầu: Công đoàn đề xuất, thống nhất với công ty đối tượng, số lượng bầu đại biểu dự hội nghị cho phù hợp, tổ chức hội nghị bầu bảo đảm dân chủ, khách quan, có tính đại diện các tổ, đội, phòng, ban, phân xưởng, giới tính, dân tộc (nếu có)… Căn cứ vào điều kiện tổ chức hội nghị, Công đoàn phối hợp với công ty thống nhất tỷ lệ được bầu trên số người lao động tăng thêm. Ví dụ: doanh nghiệp có từ 101 người lao động trở lên thì cứ 100 người lao động tăng thêm thì được bầu thêm 02 đại biểu.

4. Maket hội nghị người lao động

Công đoàn thống nhất với công ty về mẫu, nội dung maket tổ chức hội nghị người lao động (Mẫu 06 phụ lục).

Lưu ý: Công ty có trách nhiệm ban hành văn bản mời và triệu tập toàn thể thành phần tham dự hội nghị người lao động theo sự thống nhất giữa 02 bên.

5. Tổ chức Hội nghị người lao động

Công đoàn chủ động đề xuất, thống nhất với công ty vận dụng, áp dụng khoản 2, Mục II, Phần I Hướng dẫn 11/HD-TLĐ năm 2024 để tổ chức hội nghị người lao động. Đồng thời bổ sung thêm vào diễn tiến hội nghị nội dung: Bầu thành viên tham gia đối thoại bên người lao động (sau nội dung Chủ trì hội nghị giải trình, tiếp thu ý kiến).

6. Tổ chức thực hiện nghị quyết hội nghị người lao động

Công đoàn chủ động đề xuất, thống nhất với công ty vận dụng, áp dụng quy định về tổ chức thực hiện nghị quyết theo Hướng dẫn 11/HD-TLĐ năm 2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

7. Tổ chức hội nghị người lao động cấp tập đoàn, tổng công ty

Khuyến khích công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với công ty tổ chức hội nghị người lao động cấp tập đoàn, tổng công ty. Thời điểm tổ chức do hai bên thống nhất.

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

47,597
Bài viết liên quan:
Câu hỏi thường gặp: