Sắp tới tôi sẽ thành lập công ty, không biết nghĩa vụ của công ty đối với tổ chức đại diện người lao động 2023 được quy định như thế nào? – Văn Tâm (Quảng Nam).
>> Điều lệ tổ chức của người lao động tại công ty 2023 phải có nội dung nào?
>> Các trường hợp bị thu hồi giấy phép lao động năm 2023?
Khái niệm về người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động đã được Bộ luật Lao động 2019 quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 như sau:
- Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Căn cứ theo điểm c, điểm đ khoản 1 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có các quyền đối với tổ chức đại diện người lao động như sau:
- Yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Nghĩa vụ của công ty đối với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ theo quy định tại Điều 177 Bộ luật Lao động 2019, công ty có các nghĩa vụ đối với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:
(1) Không được cản trở, gây khó khăn khi người lao động tiến hành các hoạt động hợp pháp nhằm thành lập, gia nhập và tham gia các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
(2) Công nhận và tôn trọng các quyền của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đã được thành lập hợp pháp.
(3) Phải thỏa thuận bằng văn bản với ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sau 30 ngày kể từ ngày báo cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định. Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động thì người lao động, ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
(4) Phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.
(5) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi công ty có tổ chức đại diện người lao động, thì công ty cần phải thực hiện đúng các nghĩa vụ đã nêu trên đối với tổ chức này.