Hiện nay, mức phạt hành chính đối với bên thuê lại lao động có hành vi không thông báo nội quy lao động của mình cho người lao động thuê lại là bao nhiêu? – Anh Thành (Bình Phước).
>> Đang trong thời gian bị tạm giam, công ty có được xử lý kỷ luật lao động không?
>> Công ty có quyền quy định ngày nghỉ hàng tuần không phải là Chủ nhật không?
Căn cứ Điều 57 Bộ luật Lao động 2019, quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động được quy định như sau:
- Thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình.
- Không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.
- Thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
- Thỏa thuận với người lao động thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt.
- Trả lại người lao động thuê lại không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động.
- Cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động.
Theo quy định nêu trên, bên thuê lại lao động vừa có quyền và nghĩa vụ thông báo cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình. Trường hợp bên thuê lại lao động không thực hiện thông báo nội quy và các quy chế khác của mình cho người lao động thuê lại thì sẽ bị phạt hành chính theo mức phạt tại Mục 2 dưới đây.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Không thông báo nội quy lao động cho người lao động thuê lại, có bị phạt?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, bên thuê lại lao động có hành vi không thông báo nội quy lao động của mình cho người lao động thuê lại thì sẽ bị phạt hành chính như sau:
Điều 13. Vi phạm quy định về cho thuê lại lao động
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với bên thuê lại lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không thông báo hoặc không hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết một trong các nội dung sau: nội quy lao động; các yếu tố nguy hiểm; yếu tố có hại; các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và các quy chế khác của mình;
…
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm được quy định như sau:
Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
…
Như vậy, trường hợp bên thuê lại lao động là cá nhân thực hiện hành vi không thông báo nội quy lao động của mình cho người lao động thuê lại thì có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Trường hợp bên thuê lại lao động là tổ chức thực hiện hành vi nêu trên thì bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Căn cứ Điều 53 Bộ luật Lao động 2019, nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động được quy định như sau:
- Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.
- Bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
+ Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;
+ Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;
+ Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
- Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
+ Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
+ Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
+ Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
- Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.