Theo quy định, công ty có được sa thải nhân viên trong thời gian nhân viên đó đang bị tạm giam hay không? – Hưng Hải (Quảng Trị).
>> Công ty có quyền quy định ngày nghỉ hàng tuần không phải là Chủ nhật không?
>> Công ty có trách nhiệm giới thiệu người lao động bị tai nạn lao động giám định y khoa?
Căn cứ khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, công ty không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
Điều 122. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động
…
4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;
c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này;
d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
…
Như vậy, người lao động đang bị tạm giam thì công ty không được phép áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động (sa thải) với người lao động này.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Người lao động đang trong thời gian bị tạm giam, công ty có được xử lý kỷ luật lao động không?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ điểm đ khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, công ty xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian bị tạm giam có thể bị phạt hành chính như sau:
Điều 19. Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
…
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
…
đ) Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: nghỉ ốm đau; nghỉ điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm giữ; đang bị tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật Lao động.
…
Ngoài ra, căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt áp dụng đối với tổ chức vi phạm được quy định như sau:
Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
…
Như vậy, công ty xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian bị tạm giam có thể bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng (mức phạt đối với tổ chức vi phạm bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân vi phạm).
Căn cứ Điều 123 Bộ luật Lao động 2019, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
(i) Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng.
(ii) Khi hết thời gian quy định tại khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.
(iii) Người sử dụng lao động phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động trong thời hạn quy định tại đoạn (i) và (ii) nêu trên.