Doanh nghiệp bảo hiểm muốn tách nguồn vốn chủ sở hữu hay nguồn phí bảo hiểm thì cần thực hiện thủ tục gì không? Nếu có thì cần nộp những giấy tờ gì? – Mỹ Thoa (Đồng Tháp).
>> Quy định về lợi nhuận, phân phối lợi nhuận trong doanh nghiệp bảo hiểm
>> Quy định về dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm sức khỏe
Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Nghị định 46/2023/NĐ-CP, thủ tục đăng ký nguyên tắc tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm được thực hiện như sau:
Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đăng ký với Bộ Tài chính các nguyên tắc tách, phân bổ tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí chung liên quan đến cả quỹ chủ sở hữu và quỹ chủ hợp đồng trước khi áp dụng. Cụ thể như sau:
Hồ sơ đăng ký và thay đổi bao gồm các tài liệu sau:
- Văn bản đề nghị đăng ký hoặc thay đổi theo mẫu quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
- Tài liệu giải trình về các nguyên tắc tách, phân bổ dự kiến áp dụng có xác nhận của chuyên gia tính toán của doanh nghiệp, chi nhánh. Trường hợp thay đổi thì hồ sơ còn bao gồm tài liệu giải trình sự thay đổi.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có công văn ghi nhận. Trường hợp từ chối ghi nhận, Bộ Tài chính có công văn giải thích rõ lý do.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Hồ sơ, trình tự đăng ký tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có nguyên tắc tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm không phù hợp với quy định của Nghị định 46/2023/NĐ-CP thì thực hiện đăng ký lại với Bộ Tài chính trong vòng 06 tháng kể từ ngày 01/7/2023, áp dụng cho năm tài chính từ ngày 01/01/2023.
Việc đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu được quy định tại Điều 46 Nghị định 46/2023/NĐ-CP như sau:
- Việc đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu bằng với mức vốn quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều 37 Nghị định 46/2023/NĐ-CP hoặc biên khả năng thanh toán tối thiểu, tùy theo số nào lớn hơn, được thực hiện tại Việt Nam theo quy định về đầu tư nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.
- Việc đầu tư ra nước ngoài từ nguồn vốn chủ sở hữu thực hiện theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
Điều 37. Quản lý vốn chủ sở hữu - Nghị định 46/2023/NĐ-CP 1. Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải duy trì nguồn vốn chủ sở hữu bảo đảm biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu và đáp ứng các quy định sau đây: a) Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được cấp phép trước ngày 01 tháng 01 năm 2023: Trước ngày 01 tháng 01 năm 2028, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định quy định tại Điều 10 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP; từ ngày 01 tháng 01 năm 2028, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn điều lệ tối thiểu theo quy định tại Điều 35 Nghị định này; b) Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được cấp phép kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn điều lệ tối thiểu theo quy định tại Điều 35 Nghị định này. 2. Trong suốt quá trình hoạt động, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải duy trì nguồn vốn chủ sở hữu bảo đảm biên khả năng thanh toán của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu và đáp ứng các quy định sau đây: a) Đối với các chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp phép trước ngày 01 tháng 01 năm 2023: Trước ngày 01 tháng 01 năm 2028, vốn được cấp, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định quy định tại Điều 10 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP; từ ngày 01 tháng 01 năm 2028, vốn được cấp, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn được cấp tối thiểu theo quy định tại Điều 36 Nghị định này; b) Đối với các chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp phép kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, vốn được cấp, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn được cấp tối thiểu theo quy định tại Điều 36 Nghị định này. |