Tiếp nối bài này, mời quý thành viên xem tiếp bài viết Điểm mới về cấp Thị thực cho NLĐNN làm việc tại Việt Nam từ 01/7/2020 (Phần 2) sau đây:
>> Doanh nghiệp có được kéo dài thời gian thử việc của nhân viên?
>> Điểm mới về cấp Thị thực cho NLĐNN làm việc tại Việt Nam từ 01/7/2020 (Phần 1)
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014; Khoản 5 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019, điều kiện để được cấp thị thực cụ thể như sau:
(1) Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
(2) Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ một số trường hợp dưới đây:
2.1. Cấp thị thực điện tử theo đề nghị của người nước ngoài;
2.2. Cấp thị thực điện tử theo đề nghị của cơ quan, tổ chức;
2.3. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực có giá trị không quá 30 ngày cho người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam khảo sát thị trường, du lịch, thăm người thân, chữa bệnh.
Như vậy, quy định mới đã bổ sung thêm đối tượng tại mục 2.1 và 2.2 (nêu trên) không cần có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời bảo lãnh nhưng vẫn có thể được cấp thị thực nếu đáp ứng đủ những điều kiện khác.
(3) Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
(4) Tùy vào đối tượng cụ thể, phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh dưới đây:
- Đối với người nước ngoài vào đầu tư: Giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư
- Đối với người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam: Giấy phép hành nghề theo quy định của Luật luật sư;
- Người nước ngoài vào lao động: Giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động;
- Người nước ngoài vào học tập: Văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014; Khoản 7 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019; những trường hợp sau được miễn thị thực:
- Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
- Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam;
- Theo quy định tại Điều 13 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.
Trước khi làm thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam phải gửi văn bản thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh kèm theo hồ sơ, bao gồm:
(1) Bản sao có chứng thực giấy phép hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập tổ chức;
(2) Văn bản giới thiệu con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài trực tiếp gửi văn bản đề nghị cấp thị thực (Mẫu NA2, NA3 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA) tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; hoặc lựa chọn gửi văn bản đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài và nhận kết quả trả lời qua giao dịch điện tử tại Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Thời gian giải quyết: Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp thị thực, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.
Trường hợp cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế thì thời hạn dao động từ 12 giờ làm việc đến 03 ngày làm việc tùy trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 16 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
Sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam thông báo cho người nước ngoài để làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
- Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Kim Hằng