Những hành vi nào bị cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường năm 2024? Doanh nghiệp vi phạm hoạt động bảo vệ môi trường sẽ bị áp dụng những chế tài nào? – Kiều Oanh (Thái Bình).
>> Quy định về chuyển giao chứng thư điện tử từ ngày 01/7/2024
>> Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử từ ngày 01/7/2024
Căn cứ Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường 2020, những hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường:
(i) Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
(ii) Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường.
(iii) Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.
(iv) Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.
(v) Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
(vi) Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.
(vii) Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế.
(viii) Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(ix) Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường.
(x) Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
(xi) Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(xii) Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên.
(xiii) Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
(xiv) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cùng các văn bản hướng dẫn (còn hiệu lực) |
Chế tài đối với doanh nghiệp vi phạm hoạt động bảo vệ môi trường 2024
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 4 Nghị định 45/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp vi phạm hoạt động bảo vệ môi trường năm 2024 sẽ bị áp dụng những chế tài sau:
- Hình thức xử phạt chính: cảnh cáo; phạt tiền tối đa 2 tỷ đồng.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với các giấy phép quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định 45/2022/NĐ-CP hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành.
+ Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; tịch thu sản phẩm có giá trị sau khi tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật.
+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 45/2022/NĐ-CP.
Căn cứ khoản 5 Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), chế tài đối với doanh nghiệp phạm tội gây ô nhiễm môi trường như sau:
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 3 tỷ đồng đến 7 tỷ đồng.
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 7 tỷ đồng đến 12 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 12 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
- Doanh nghiệp còn có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.