Có phải theo quy định mới thì từ ngày 01/7/2023, nhiều người lao động sẽ giảm tiền lương thực nhận, do tăng số tiền đóng bảo hiểm xã hội? – Nhật Nam (TP. Hồ Chí Minh).
>> Toàn văn Nghị định 24/2023/NĐ-CP về lương cơ sở (có hiệu lực từ 01/7/2023)
>> Đồng loạt tăng lương, phụ cấp theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP từ 01/7/2023
Từ ngày 01/7/2023, tiền lương cơ sở tăng lên 1.800.000 đồng/tháng (hơn 20,8%) theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP. Do đó, tiền lương tính đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa cũng được điều chỉnh theo quy định mới này, dẫn đến tiền lương thực nhận của một số người lao động sẽ bị giảm so với quy định hiện hành. Cụ thể như sau:
Căn cứ khoản 5 Điều 14 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014); khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tiền lương tháng đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, tiền lương tháng đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện này là 29.800.000 đồng; từ ngày 01/7/2023 là 36.000.000 đồng.
File Excel tính tiền đóng BHXH với cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ từ 01/7/2023 |
Các trường hợp người lao động bị giảm tiền lương thực nhận từ 01/7/2023 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 18 quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, số tiền đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa như sau:
- Bảo hiểm y tế: 447.000 đồng/tháng; từ ngày 01/7/2023 là 540.000 đồng/tháng.
- Bảo hiểm xã hội: 2.384.000 đồng/tháng; từ ngày 01/7/2023 là 2.880.000 đồng/tháng.
Căn cứ vào nội dung ở trên, từ ngày 01/7/2023 người lao động nào có tiền lương tính đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc trên 29.800.000 đồng sẽ bị giảm tiền lương thực nhận (nếu không được công ty tăng lương).
Ví dụ: Người lao động A có tiền lương tính đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc là 36.000.000 đồng.
Hiện tại, người lao động A đóng bảo hiểm y tế 447.000 đồng/tháng, bảo hiểm xã hội 2.384.000 đồng/tháng nhưng đến ngày 01/7/2023 thì số tiền đóng bảo hiểm y tế là 540.000 đồng/tháng, bảo hiểm xã hội 2.880.000 đồng/tháng.
Như vậy, từ ngày 01/7/2023, mỗi tháng người lao động A sẽ đóng thêm 589.000 đồng bảo hiểm bắt buộc (trong đó bao gồm: đóng thêm 93.000 đồng tiền bảo hiểm y tế, 496.000 đồng bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Nếu đến ngày 01/7/2023, người lao động A không được công ty tăng lương thì tiền lương thực nhận của người lao động A sẽ giảm so với hiện nay.
Điều 89. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc - Luật Bảo hiểm xã hội 2014 1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở. 2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. 3. Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở. 4. Chính phủ quy định chi tiết việc truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này. |