Trong quá trình hoạt động kinh doanh, sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải đóng những loại bảo hiểm nào theo quy định của pháp luật hiện hành? – Trường Giang (TP. Hồ Chí Minh).
Theo quy định tại điểm a, b, h khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong trường hợp doanh nghiệp có người lao động thuộc các đối tượng dưới đây thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động:
- Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa doanh nghiệp với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
+ Người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương.
- Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Lưu ý: Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (căn cứ khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm y tế cho người lao động thuốc người lao động thuộc các đối tượng sau đây:
- Người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.
- Người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương.
(Căn cứ vào khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13).
Doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi người lao động làm việc theo HĐLĐ say đây:
- HĐLĐ không xác định thời hạn.
- HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Tuy nhiên, người lao động thuộc đối tượng nêu trên đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
(Căn cứ Điều 43 Luật Việc làm 2013).
Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản sửa đổi, hướng dẫn thi hành 2023 |
Các loại bảo hiểm bắt buộc đối với doanh nghiệp năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Trường hợp doanh nghiệp là chủ xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 67/2023/NĐ-CP).
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy thì phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho cơ sở.
Cụ thể, cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ là các cơ sở quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
(i) Bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng:
Doanh nghiệp là chủ đầu tư có trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng đối với các công trình sau:
- Công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng quy định tại Phụ lục X Nghị định 15/2021/NĐ-CP.
- Công trình đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao hoặc có nguy cơ tác động xấu đến môi trường quy định tại Phụ lục III và Phụ lục IV Nghị định 08/2022/NĐ-CP và thuộc danh mục dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường.
- Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
(ii) Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng
Đối tượng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng là trách nhiệm dân sự của doanh nghiệp là nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng đối với người thứ ba phát sinh từ việc thực hiện công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình xây dựng từ cấp II trở lên (căn cứ Điều 41 Nghị định 67/2023/NĐ-CP).
(iii) Bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường
Doanh nghiệp là nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường theo quy định của pháp luật (căn cứ khoản 1 Điều 48 Nghị định 67/2023/NĐ-CP).
Công ty luật có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của công ty theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
(Căn cứ khoản 6 Điều 40 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 17 Điều 1 Luật số 20/2012/QH13).
Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phù hợp với hoạt động môi giới bảo hiểm (căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 137 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).
Trên đây là một số bảo hiểm bắt buộc thường gặp đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, tùy vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp sẽ phải tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.