Rủi ro gì khi người lao động thỏa thuận thử việc bằng miệng?
Thỏa thuận thử việc có bắt buộc phải lập thành hợp đồng hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, các bên khi có thỏa thuận thử việc thì có thể ghi nhận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng thử việc.
Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 lại không đặt ra quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng thử việc mà chỉ quy định về hình thức của hợp đồng lao động.
Theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động có thể được giao kết dưới 03 hình thức: văn bản, lời nói, dữ liệu điện tử. Trong đó, với hợp đồng lao động bằng lời nói chỉ được áp dụng đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng nhưng với trường hợp này người lao động sẽ không phải thử việc (căn cứ khoản 3 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019).
Chính vì vậy, nếu lựa chọn thỏa thuận thử việc tại hợp đồng lao động, các bên sẽ phải tiến hành giao kết hợp đồng bằng văn bản hoặc thông qua dữ liệu điện tử. Còn nếu giao kết hợp đồng thử việc, các bên được tùy chọn hình thức của hợp đồng.
Như vậy, khi thử việc, các bên không bắt buộc phải ký thành hợp đồng mà có thể thỏa thuận miệng về hợp đồng thử việc. Đồng nghĩa với đó, dù có thỏa thuận về thử việc nhưng không ký hợp đồng vẫn được coi là đúng luật.
Rủi ro gì khi người lao động thỏa thuận thử việc bằng miệng? (Hình từ Internet)
Rủi ro gì khi người lao động thỏa thuận thử việc bằng miệng?
Như đã phân tích, thử việc không bắt buộc phải ký hợp đồng bằng văn bản mà các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận miệng với nhau. Tuy nhiên, nếu thỏa thuận thử việc bằng miệng, người lao động sẽ gặp phải nhiều rủi ro, đơn cử như:
(1) Dễ bị xâm phạm các quyền lợi chính đáng trong thời gian thử việc
Trong thời gian thử việc người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi sau:
- Đảm bảo về thời gian thử việc: Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Lao động 2019, thời gian thử việc sẽ không quá 180 ngày với công việc của người quản lý doanh nghiệp; không quá 60 ngày với công việc cần trình độ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày với công việc cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; không quá 06 ngày làm việc với công việc khác.
- Lương thử việc: Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2019, người lao động thử việc được trả ít nhất 85% tiền lương cho công việc làm thử.
- Ngoài ra cũng được đảm bảo về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi,…
Tuy nhiên, nếu các bên chỉ thỏa thuận miệng về vấn đề thử việc, những quyền lợi trên của người lao động sẽ rất dễ bị vi phạm do không có căn cứ chứng minh thỏa thuận trước đó. Nhiều trường hợp, người sử dụng lao động chỉ trả 80% lương cho người lao động hoặc kéo dài thời gian thử việc so với quy định,…
(2) Không có căn cứ để giải quyết quyền lợi khi xảy ra tranh chấp
Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Lao động 2019, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường. Như vậy, dù thử việc có ký hợp đồng hay không thì các bên cũng có quyền tự do hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước.
Tuy nhiên, với tâm lý không ký hợp đồng nên không có văn bản ràng buộc về pháp lý nên doanh nghiệp dễ dàng cho người lao động nghỉ việc theo ý muốn của mình.
Do không có giấy tờ ràng buộc về pháp lý nên nếu người lao động nghỉ việc khi đang trong quá trình làm thử thường bị doanh nghiệp từ chối thanh toán các khoản tiền lương và quyền lợi khác liên quan.
Khi đó, người lao động sẽ gặp khó khăn khi phải chứng minh trước cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bởi họ không hề có một văn bản pháp lý nào chứng minh rằng mình đã thử việc ở doanh nghiệp này. Đây là một thiệt thòi lớn khi người lao động thử việc mà không giao kết hợp đồng
Chính vì vậy, người lao động cần hết sức lưu ý, để đảm bảo quyền lợi cho mình, nên yêu cầu ký hợp đồng thử việc bằng văn bản để có cơ sở đòi hỏi các quyền lợi chính đáng.
Các bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc như thế nào?
Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Lao động 2019, trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc, khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng lao động thử việc. Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Như vậy, đối với người lao động làm việc hết thời gian thử việc, trước khi chấm dứt hợp đồng sẽ có quyền được biết kết quả thử việc của mình. Trong trường hợp người lao đạt yêu cầu có thể tiếp tục ký hợp đồng chính thức, hoặc chấm dứt hợp đồng thử việc khi hết thời gian thử việc.
Đồng thời, người lao động và người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt thỏa thuận thử việc kể cả trường hợp chưa làm hết thời gian thử việc. Khi chấm dứt thỏa thuận thử việc, người lao động và người sử dụng lao động hoàn toàn không cần báo trước và không phải bồi thường.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Gửi Bộ Nội vụ kế hoạch biên chế công chức hằng năm chậm nhất ngày 15/6 đúng không?
- Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập cho đến nay đã đổi tên mấy lần? Những điều CBCCVC là đảng viên không được làm là gì?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?