Phát hiện lao động thử việc có thai, công ty cho nghỉ việc có được không?
Có được yêu cầu lao động thử việc cam kết không mang thai trong thời gian thử việc?
Lao động nữ khi mang thai sẽ phần nào ảnh hưởng đến việc duy trì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do theo quy định pháp luật đối tượng này sẽ được đãi ngộ, hưởng nhiều chính sách ưu tiên.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp thường yêu cầu lao động nữ ký cam kết không mang thai, sinh con trong những năm đầu làm việc.
Tuy nhiên, việc này đã vi phạm đến quyền quyết định thời gian và khoảng cách sinh con của mỗi cặp vợ chồng được quy định tại Điều 10 Pháp lệnh dân số 06/2003/PL-UBTVQH11, được sửa đổi bởi Điều 1 Pháp lệnh 08/2008/PL-UBTVQH12 có nội dung như sau:
Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản:
1. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con;
2. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định;
3. Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản”. Theo đó, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền tự quyết định thời gian sinh con và khoảng cách sinh con.
Như vậy, việc người sử dụng lao động yêu cầu lao động nữ cam kết không mang thai đã can thiệp, cản trở quyền tự do quyết định thời điểm sinh con của cá nhân. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Vì vậy, dù người lao động có đồng ý ký vào bản cam kết không mang thai khi làm việc thì văn bản này cũng không có giá trị pháp lý.
Phát hiện lao động thử việc có thai, công ty cho nghỉ việc có được không? (Hình từ Internet)
Phát hiện lao động thử việc có thai, công ty cho nghỉ việc có được không?
Khi được tuyển dụng, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc.
Đây là khoảng thời gian để người sử dụng lao động đánh giá chất lượng làm việc của người lao động. Đồng thời, cũng là thời gian người lao động dần làm quen với công việc được tuyển dụng.
Tại khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Thử việc
…
2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.
...
Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 có nội dung như sau:
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
...
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Kết thúc thời gian thử việc
1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Theo đó, khi hết thời gian thử việc người sử dụng lao động cần chứng minh việc làm thử không đạt yêu cầu thì sẽ có quyền chấm dứt hợp đồng thử việc. Bên cạnh đó, pháp luật quy định trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc bất cứ lúc nào và không cần báo trước.
Điều này có thể hiểu, tính ràng buộc của các bên trong việc giao kết hợp đồng thử việc không cao. Pháp luật không yêu cầu phải có lý do mới được hủy bỏ hợp đồng thử việc, cũng không có quy định nào về việc người sử dụng lao động được quyền chấm dứt thử việc khi người lao động mang thai.
Tuy vậy, về mặt logic thì nếu không vì lý do người lao động thử việc không đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động cũng sẽ không hủy bỏ hợp đồng thử việc.
Như vậy, khi người lao động mang thai trong thời gian thử việc thì công ty vẫn có quyền chấm dứt hợp đồng. Hiện nay pháp luật lao động cũng chưa có chế tài xử lý về vấn đề người sử dụng lao động chấm dứt thử việc vì phát hiện người lao động mang thai.
Lao động nữ mang thai trong thời gian thử việc có được hưởng chế độ thai sản khi đi khám thai không?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì yếu tố đầu tiên để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là có sự giao kết hợp đồng lao động.
Do vậy, thử việc theo hợp đồng thử việc thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tuy nhiên, nếu người thử việc theo hợp đồng lao động (có nội dung thử việc) thì sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đồng thời tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
Thời gian hưởng chế độ khi khám thai
1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Theo quy định trên, nếu người lao động thử việc có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì trong thời gian mang thai, lao động thử việc vẫn được hưởng chế độ thai sản khi đi khám thai nếu đáp ứng được điều kiện.
Cụ thể, người này sẽ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày làm việc.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập cho đến nay đã đổi tên mấy lần? Những điều CBCCVC là đảng viên không được làm là gì?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?