Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày liên tục trở lên có phải bồi thường không?
- Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày liên tục trở lên có phải bồi thường không?
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật có được nhận trợ cấp thôi việc không?
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật có được nhận trợ cấp thất nghiệp không?
Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày liên tục trở lên có phải bồi thường không?
Theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019, quy định trách nhiệm của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật, trong đó có yêu cầu người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước; đồng thời, người lao động phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Lao động 2019.
Có thể thấy, pháp luật lao động quy định trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn của người lao động khi đơn phương trái pháp luật. Như vậy, để xác định người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày liên tục trở lên có phải bồi thường hay không thì phải xác định người lao động có đang đơn phương trái quy định pháp luật không?
Tại Điều 39 Bộ luật Lao động 2019, quy định đơn phương trái quy định pháp luật là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 35, 36 và 37 Bộ luật Lao động 2019.
Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 người lao động có quyền thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động khi hợp đồng lao động vẫn còn thời hạn. Để thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải thực hiện báo trước cho người sử dụng lao động một thời hạn nhất định, trừ trường hợp tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
Theo đó, để thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật thì người lao động phải thực hiện báo trước đúng theo thời hạn luật định về việc chấm dứt hợp đồng lao động cho người sử dụng lao động và trong thời gian báo trước này, người lao động vẫn phải thực hiện đúng theo nội dung đã thỏa thuận tại hợp đồng lao động, không được tự ý bỏ việc. Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đúng theo yêu cầu nêu trên thì được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định pháp luật.
Tuy nhiên, tại điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 cũng có quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động trong trường hợp “Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên” và quyền xử lý kỷ luật sa thải người lao động khi “tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng” theo khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019.
Theo các quy định này, người sử dụng lao động, khi có căn cứ cho rằng người lao động tự ý bỏ việc từ 05 ngày liên tục trở lên, không có lý do chính đáng thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thực hiện sa thải.
Vậy, vấn đề đặt ra, trường hợp người lao động tự ý bỏ việc từ 05 ngày làm việc trở lên mà không có lý do chính đáng, người sử dụng lao động lựa chọn phương án xử lý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật sa thải, giả sử quy trình xử lý đơn phương hoặc sa thải đúng theo quy định pháp luật thì trường hợp này người lao động có bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật nữa hay không? Vì lúc này hợp đồng lao động chấm dứt do công ty thực hiện đơn phương chấm dứt hoặc xử lý sa thải.
Để hướng dẫn xử lý cho trường hợp này, ngày 28/6/2022, Thứ trưởng Lê Văn Thanh chủ trì cuộc họp giữa một số đơn vị thuộc Bộ (Vụ Pháp chế, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Cục An toàn lao động, Vụ Bảo hiểm xã hội, Thanh tra Bộ) về nội dung trả lời một số câu hỏi về Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở kết luận của Thứ trưởng Lê Văn Thanh tại cuộc họp, để có cách hiểu, thực hiện thống nhất giữa các đơn vị thuộc Bộ, Vụ Pháp chế Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã thông báo kết luận tại Công văn 308/CV-PC 2022. Trong đó, có nội dung hướng dẫn trả lời cho câu hỏi “NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên” (điểm e khoản 1 Điều 36 BLLĐ) thì có được coi là NLĐ đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật (Điều 39 BLLĐ) không?” như sau:
- Để xác định hành vi của NLĐ là đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì NSDLĐ phải chứng minh ý chí chủ quan của NLĐ là muốn chấm dứt HĐLĐ và không muốn quay trở lại làm việc nữa.
- Khi NSDLĐ chứng minh được NLĐ không có nhu cầu làm việc nữa và NLĐ đã tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên (kể cả trong khoảng thời gian từ ngày thông báo cho NSDLĐ đến ngày HĐLĐ chấm dứt theo thông báo) thì trường hợp này được coi là NLĐ đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.
- Đối với các trường hợp khác thì không có cơ sở để khẳng định NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Trong trường hợp này, NSDLĐ có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 BLLĐ hoặc xử lý kỷ luật NLĐ theo quy định tại khoản 4 Điều 125 BLLĐ.
Dựa trên hướng dẫn tại Công văn 308/CV-PC 2022 thì khi có căn cứ khẳng định, người lao động tự ý bỏ việc từ 05 ngày làm việc trở lên là do ý chí chủ quan của người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động và không muốn quay trở lại làm việc nữa thì mới được coi là người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật.
Các trường hợp không có cơ sở để khẳng định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 hoặc xử lý kỷ luật người lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy, trong trường hợp công ty đủ cơ sở xác định người lao động đơn phương trái quy định pháp luật khi tự ý bỏ việc từ 05 ngày làm việc trở lên thì công ty có quyền yêu cầu người lao động thực hiện các trách nhiệm tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày liên tục trở lên có phải bồi thường không?
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật có được nhận trợ cấp thôi việc không?
Căn cứ khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
…
Căn cứ khoản 1 Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc.
…
Từ các quy định trên, trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật thì không được nhận trợ cấp thôi việc.
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật có được nhận trợ cấp thất nghiệp không?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định:
Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
…
Theo đó, trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định pháp luật thì không thuộc đối tượng được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.











- Chính thức trình Trung ương 05 bảng lương mới để cải cách tiền lương sau khi Bộ Chính trị triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm vào thời điểm nào?
- Tổng hợp lời chúc ngày 27 2, lời chúc ngày Thầy thuốc Việt Nam hay và ý nghĩa nhất? Người hành nghề khám chữa bệnh có nghĩa vụ gì đối với xã hội?
- Mức tiền cụ thể thay thế mức lương cơ sở 2.34 triệu đồng/tháng áp dụng đối tượng hưởng lương phụ cấp cơ quan Đảng, Nhà nước là mức lương cơ bản khi nào?
- Chốt 01 bảng lương mới công chức viên chức: Quy định mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương là bảng lương nào?
- Chính thức Bộ Chính trị kết luận: Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị 2025 với những nội dung nhiệm vụ chính gì?