Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có phải bồi thường cho người sử dụng lao động?
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước bao nhiêu ngày để không bị vi phạm hợp đồng?
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có phải bồi thường cho người sử dụng lao động?
- Khi người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước?
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước bao nhiêu ngày để không bị vi phạm hợp đồng?
Căn cứ khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, công ty có ký hợp đồng xác định thời hạn 2 năm với bạn nên trường hợp bạn muốn chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn thì bạn sẽ phải báo trước 30 ngày.
Do bạn chỉ mới báo trước 20 ngày rồi nghỉ luôn nên được xác định là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định.
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có phải bồi thường cho người sử dụng lao động? (Hình từ Internet)
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có phải bồi thường cho người sử dụng lao động?
Căn cứ Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:
Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc.
2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.
Như vậy, trường hợp của bạn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật nên bạn có những nghĩa vụ sau đây:
- Bạn sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc,
- Bạn phải bồi thường cho công ty nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động;
- Bạn phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương của bạn trong 10 ngày không báo trước,
- Bạn phải hoàn trả chi phí đào tạo cho công ty theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật lao động (nếu có).
Theo đó, chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Lao động 2019 bao gồm:
Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề
...
3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.
Khi người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước?
Căn cứ khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
...
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Như vậy, nếu thuộc một trong bảy trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nêu trên, người lao động không vi phạm vào quy định chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
- Cơ quan xét xử cao nhất của nước ta là gì?
- Từ 1/7/2025 công chứng viên được phân công hướng dẫn tập sự phải có bao nhiêu năm kinh nghiệm hành nghề công chứng?
- Người lao động đã thành lập tổ chức nào để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình?
- Không còn quy định được miễn đào tạo nghề đấu giá từ 01/01/2025 đúng không?
- Thời điểm tổ chức Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT là khi nào?