Không phải hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động của người nước ngoài trong trường hợp nào?
Không phải hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động của người nước ngoài trong trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 10 Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, có cụm từ bị thay thế bởi điểm d khoản 13 Điều 1 Nghị định 70/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động
...
10. Hợp pháp hóa lãnh sự, chứng thực các giấy tờ:
Các giấy tờ quy định tại các khoản 2, 3, 4, 6 và 8 Điều này là 01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật; dịch ra tiếng Việt và công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo đó, trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động thì đối với các giấy tờ do nước ngoài cấp được quy định tại các khoản 2, 3, 4, 6 và 8 Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm b, điểm c khoản 5 Điều 1 Nghị định 70/2023/NĐ-CP) thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự. Tuy nhiên, không cần hợp pháp hóa lãnh sự đối với những giấy tờ này trong trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo:
- Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên; hoặc
- Nguyên tắc có đi có lại; hoặc
- Quy định của pháp luật.
Không phải hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ trong hồ sơ xin cấp giấy phép lao động của người nước ngoài trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần đáp ứng những điều kiện gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
1. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
c) Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật này.
2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
3. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Theo đó, để làm việc tại Việt Nam, người nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc;
- Có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Không đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài?
Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Trình tự cấp giấy phép lao động
1. Trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam, người nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc được quy định như sau:
a) Người sử dụng lao động đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức quy định tại điểm a, b, e, g, i và k khoản 1 Điều 2 Nghị định này;
b) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hoặc tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam mà người lao động nước ngoài đến làm việc theo hình thức quy định tại điểm c và d khoản 1 Điều 2 Nghị định này;
c) Người lao động nước ngoài vào Việt Nam để chào bán dịch vụ, người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại theo hình thức quy định tại điểm đ và h khoản 1 Điều 2 Nghị định này.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động dự kiến làm việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo Mẫu số 12/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Mẫu giấy phép lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội in và phát hành thống nhất. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
...
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động dự kiến làm việc có thẩm quyền cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.
- Cơ quan xét xử cao nhất của nước ta là gì?
- Từ 1/7/2025 công chứng viên được phân công hướng dẫn tập sự phải có bao nhiêu năm kinh nghiệm hành nghề công chứng?
- Người lao động đã thành lập tổ chức nào để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình?
- Không còn quy định được miễn đào tạo nghề đấu giá từ 01/01/2025 đúng không?
- Thời điểm tổ chức Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT là khi nào?