Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động mới nhất

Bộ luật lao động hiện hành được ban hành ngày 20/11/2019, tùy thuộc vào từng nội dung, Quốc hội sẽ giao cho Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc cơ quan khác quy định chi tiết hơn.

1. Bộ luật lao động quy định 07 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động

Điều 8 Bộ luật lao động 2019 quy định 07 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động bao gồm:

1. Phân biệt đối xử trong lao động.

2. Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.

3. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

4. Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.

5. Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

6. Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

7. Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.

2. Hai loại hợp đồng lao động

Căn cứ Điều 20 Bộ luật lao động 2019 thì chỉ còn hai loại hợp đồng lao động (không còn Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng) bao gồm:

- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

- Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

3. Nội dung của Hợp đồng lao động

Theo Khoản 1 Điều 21 Bộ luật lao động 2019 thì Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

c) Công việc và địa điểm làm việc;

d) Thời hạn của hợp đồng lao động;

đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Nội dung của Hợp đồng lao động được hướng dẫn cụ thể tại Chương II Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

4. Tổng hợp các văn bản hướng dẫn Bộ luật lao động

1

Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu

Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Điều 169 của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu trong đó hướng dẫn cụ thể tuổi nghỉ hưu gắn với tháng, năm sinh tương ứng cũng như xác định tuổi nghỉ hưu trong trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường

2

Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động

Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2021 quy định chi tiết các nội dung của Bộ luật lao động 2019 bao gồm: Quản lý lao động; Hợp đồng lao động; Cho thuê lại lao động, Tổ chức đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc,chế độ Tiền lương, Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; Lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới; Lao động là người giúp việc gia đình và Giải quyết tranh chấp lao động

3

Nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Nghị định 152/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2021 quy định chi tiết các nội dung của Bộ luật lao động 2019 bao gồm: Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Tuyển dụng, giới thiệu, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

4

Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Nghị định 12/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 17/01/2022 quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, đối tượng xử phạt, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản, thủ tục xử phạt, việc thi hành các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

5

Nghị định 83/2022/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

- Nghị định 83/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/10/2022 quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo các nguyên tắc: 

+ Bảo đảm khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định.

+ Cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức theo quy định tại Nghị định 83/2022/NĐ-CP nhưng phải bảo đảm tuổi nghỉ hưu không vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.

+ Cán bộ, công chức quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 83/2022/NĐ-CP khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn vẫn tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

+ Trong thời gian thực hiện chính sách nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nếu cán bộ, công chức có nguyện vọng nghỉ làm việc thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.

- Thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn:

+ Đối với cán bộ, công chức quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 83/2022/NĐ-CP, thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không vượt quá 60 tuổi.
+ Đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 83/2022/NĐ-CP, thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.

6

Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Nghị định 70/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 18/09/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2020/NĐ-CP, đơn cử như: Sửa đổi quy định về "Giám đốc điều hành" tại Khoản 5 Điều 3; sửa đổi quy định về sử dụng người lao động nước ngoài tại Điều 4; sửa đổi 02 trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động tại Khoản 6, Khoản 14 Điều 7; ...

7

Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

Nghị định 74/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo vùng như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.960.000

23.800

Vùng II

4.410.000

21.200

Vùng III

3.860.000

18.600

Vùng IV

3.450.000

16.600

 

8

Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/03/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2019 về lao động chưa thành niên bao gồm:
- Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc theo quy định tại khoản 4 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019.
-  Danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm theo quy định tại khoản 3 Điều 143 Bộ luật Lao động 2019.
- Danh mục nghề, công việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm theo quy định tại khoản 2 Điều 146 Bộ luật Lao động 2019.
- Danh mục công việc, nơi làm việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên theo quy định khoản 3 Điều 147 Bộ luật Lao động 2019.

9

Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2019 bao gồm:
- Nội dung của hợp đồng lao động theo khoản 1, 2 và 3 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019.
- Thành phần, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Hội đồng thương lượng tập thể theo khoản 4 Điều 73 Bộ luật Lao động 2019.
- Danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con theo khoản 1 Điều 142 Bộ luật Lao động 2019 bao gồm cả lao động nữ và lao động nam.

 

10

Thông tư 04/2021/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc trong hầm lò do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Thông tư 04/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/09/2021 quy định chi tiết về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi áp dụng đối với người lao động làm việc trong hầm lò tại các công trình khai thác mỏ hầm lò, người sử dụng lao động là tổ chức, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực khai thác than, khoáng sản bằng phương pháp hầm lò.

11

Thông tư 19/2021/TT-BLĐTBXH về Danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để làm căn cứ xác định các trường hợp có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 19/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 30/01/2022 quy định về Danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để làm căn cứ xác định các trường hợp có thể nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động và Điều 5 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.

12

Thông tư 12/2022/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Thông tư 12/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 09/09/2022 quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí áp dụng đối với:

- Người sử dụng lao động là tổ chức, cá nhân sử dụng lao động hoạt động trong các lĩnh vực: quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình dầu khí trên đất liền;

- Người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí tại các cơ sở sản xuất của người sử dụng lao động quy định tại điểm a khoản này.

13

Thông tư 20/2023/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Thông tư 20/2023/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 25/12/2023 quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển áp dụng đối với:

- Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển;

- Người lao động làm việc trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển tại các công trình dầu khí trên biển.

14

Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2022 Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025 do Chính phủ ban hành

Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2022 ban hành Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025 với các nhiệm vụ chính như:

- Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, cung cấp dịch vụ công về an toàn, vệ sinh lao động lao động.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.

- Quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.

15

Quyết định 449/QĐ-TTg năm 2021 về thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 449/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 26/03/2021 hướng dẫn việc thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương và chuyên gia độc lập

Hội đồng tiền lương quốc gia thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hoạt động theo quy định tại Điều 49, Điều 50 và Điều 53 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. 

 

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.141.41.194
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!