Doanh nghiệp thuộc diện phải đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đóng thì bị xử phạt thế nào?
Đối tượng người sử dụng lao động nào phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc?
Tại khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
Đối tượng áp dụng
...
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
...
Theo đó, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác;
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Người sử dụng lao động thuộc diện phải đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đóng thì bị xử phạt thế nào? (Hình từ Internet)
Người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội vào ngày nào trong tháng?
Tại Điều 7 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017,được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 có quy định như sau:
Phương thức đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Đóng hằng tháng
Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
2. Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đăng ký phương thức đóng 03 hoặc 06 tháng một lần với cơ quan BHXH; cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan Lao động kiểm tra tại đơn vị trước khi quyết định phương thức đóng của đơn vị. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.
...
Theo đó, người sử dụng lao động có thể đóng bảo hiểm xã hội vào bất kì ngày nào trong tháng nhưng chậm nhất ngày cuối cùng của tháng đó.
Đối với người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì đăng ký phương thức đóng bảo hiểm xã hội linh hoạt:
- Đóng hằng tháng.
- Đóng 03 tháng/lần.
- Đóng 06 tháng/lần.
Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Người sử dụng lao động thuộc diện phải đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đóng thì bị xử phạt hành chính thế nào?
Tại khoản 5 và 6 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
...
5. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng;
d) Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
6. Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
...
Theo quy định trên, trường hợp người sử dụng lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc nhưng không đóng (Trường hợp này phải không được xem là trốn đóng và chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) thì sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với một trong các lỗi:
- Đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm: Mức phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.
- Không đóng bảo hiểm cho toàn bộ người lao động: Mức phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt quy định nêu trên chỉ là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?