Đánh thuế thu nhập cá nhân đối với toàn bộ tiền tăng ca hay sao?
Tiền tăng ca được tính thế nào?
Tăng ca được hiểu là làm thêm giờ. Khi sử dụng lao động làm thêm giờ (tăng ca) cần phải đáp ứng một số điều kiện tại Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động tăng (làm thêm giờ) sẽ được trả lương theo đơn giá tiền lương, hoặc tiền lương thực trả. Cụ thể tiền tăng ca được tính như sau:
- Nếu người lao động đi làm vào ngày thường: Doanh nghiệp phải trả ít nhất 150% lương
- Nếu người lao động đi làm vào ngày nghỉ hàng tuần: Doanh nghiệp phải trả ít nhất 200% lương
- Nếu người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ Tết, ngày nghỉ có hưởng lương: Doanh nghiệp phải trả ít nhất 300% lương, chưa kể tiền lương ngày lễ Tết đối với người hưởng lương ngày.
Đánh thuế thu nhập cá nhân đối với toàn bộ tiền tăng ca hay sao? (Hình từ Internet)
Đánh thuế thuế thu nhập cá nhân đối với toàn bộ tiền tăng ca hay sao?
Căn cứ theo điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định như sau:
Các khoản thu nhập được miễn thuế
1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:
...
i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:
i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.
Ví dụ 2: Ông A có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 40.000 đồng/giờ.
- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường, cá nhân được trả 60.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
60.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 20.000 đồng/giờ
- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, cá nhân được trả 80.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
80.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 40.000 đồng/giờ
i.2) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.
...
Theo quy định, thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 là các khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Có thể hiểu rằng, tiền tăng ca được miễn thuế TNCN nhưng sẽ không được miễn toàn bộ mà chỉ miễn đối với phần thu nhập được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc trong giờ theo quy định.
Tiền tăng ca được miễn thuế = Toàn bộ tiền tăng ca được trả - Tiền tăng ca tính theo ngày làm việc bình thường.
Tính thuế TNCN đối với tiền tăng ca như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2, 3 Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC có nội dung bị bãi bỏ bởi khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định như sau:
Căn cứ tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể như sau:
1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này trừ (-) các khoản giảm trừ sau:
a) Các khoản giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 9 Thông tư này.
b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư này.
c) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 9 Thông tư này.
2. Thuế suất
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân, cụ thể như sau:
...
Theo đó, tính thuế thu nhập cá nhân với tiền tăng ca của người lao động như sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất.
Trong đó, thuế suất sẽ được xác định theo biểu thuế lũy tiến từng phần sau:
Bậc thuế | Phần thu nhập tính thuế/tháng (đơn vị: triệu đồng) | Phần thu nhập tính thuế/năm (đơn vị: triệu đồng) | Thuế suất (%) |
1 | Đến 5 | Đến 60 | 5 |
2 | Trên 5 đến 10 | Trên 60 đến 120 | 10 |
3 | Trên 10 đến 18 | Trên 120 đến 216 | 15 |
4 | Trên 18 đến 32 | Trên 216 đến 384 | 20 |
5 | Trên 32 đến 52 | Trên 384 đến 624 | 25 |
6 | Trên 52 đến 80 | Trên 624 đến 960 | 30 |
7 | Trên 80 | Trên 960 | 35 |
Hướng dẫn các bước tính thuế TNCN đối với tiền tăng ca:
Bước 1: Tính thu nhập chịu thuế theo công thức:
Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập nhận được - Khoản được miễn thuế (khoản tiền được trả cao hơn)
Bước 2: Tính các khoản được giảm trừ
Bước 3: Tính thu nhập tính thuế theo công thức:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ
Bước 4: Tính số thuế phải nộp theo công thức:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Lưu ý: cần xác định đúng thuế suất căn cứ vào biểu thuế lũy tiến từng phần
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?