Có phải thử việc khi quay lại công ty cũ làm việc hay không?
Có phải thử việc khi quay lại công ty cũ làm việc hay không?
Theo quy định về thời gian thử việc nêu tại Điều 25 Bộ luật Lao động 2019, pháp luật chỉ cho phép được thử việc một lần đối với một công việc. Tuy nhiên, do người lao động trước đó đã chấm dứt hợp đồng lao động một thời gian nên khi quay trở lại, người lao động vẫn là một ứng viên và phải qua quá trình tuyển dụng của công ty như những ứng viên khác.
Nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của công ty đề ra thì người lao động sẽ được tiếp nhận và giao kết hợp đồng lao động mới, hợp đồng lao động trước đó sẽ không có giá trị trong lần làm việc này.
Bên cạnh đó, mặc dù cùng một công việc nhưng không phải công việc lúc nào cũng giống nhau, mỗi một khoảng thời gian sẽ có sự khác nhau nhất định. Vì thế, ngay cả khi trước đó người lao động đã thành thạo công việc nhưng vẫn cần có thời gian để tìm hiểu, nắm bắt công việc mới.
Chính vì vậy, rất hiếm trường hợp công ty tin tưởng một cách tuyệt đối vào người lao động khi tuyển dụng lại, dù làm công việc đã làm trước đó, mà không trải qua quá trình thử việc. Nhiều nhà tuyển dụng vẫn muốn người lao động trải qua quá trình thử việc để có đánh giá mới về người lao động có phù hợp với công việc hay không.
Đồng thời, tại Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định, khi có thỏa thuận về việc làm thử, phía công ty và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động.
Như vậy, nếu khi quay lại công ty cũ làm việc mà công ty cũ yêu cầu thử việc, người lao động hoàn toàn có thể phải thử việc lại.
Có phải thử việc khi quay lại công ty cũ làm việc hay không? (Hình từ Internet)
Thời gian thử việc khi quay lại công ty cũ làm việc có khác so với lần thử việc đầu tiên hay không?
Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Lao động 2019, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc. Người lao động chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện về số ngày thử việc sau đây:
- Thời gian thử việc không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp;
- Thời gian thử việc không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
- Thời gian thử việc không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
- Thời gian thử việc không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Có thể thấy, thời gian thử việc khi quay lại công ty cũ làm việc vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật lao động. Tuy nhiên, người lao động có thể đề xuất thời gian thử việc ngắn hơn do đã có kinh nghiệm làm việc tốt trong lĩnh vực và vị trí tương đương.
Nội dung hợp đồng thử việc khác gì so với nội dung hợp đồng lao động?
Theo quy định tại Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, nội dung hợp đồng thử việc và nội dung hợp đồng lao động chính thức có nhiều điểm giống nhau và khác nhau. Các nội dung về chế độ nâng bậc, nâng lương, các nội dung về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay đào tạo nâng cao trình độ được loại ra.
Nội dung chính của hợp đồng thử việc gồm các nội dung được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể gồm có:
- Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Thời hạn của hợp đồng lao động;
- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
Ngoài ra, hợp đồng thử việc còn có thể đưa các nội dung về trách nhiệm nghĩa vụ của các bên trong quá trình thử việc, các điều khoản phạt nếu vi phạm thỏa thuận.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Gửi Bộ Nội vụ kế hoạch biên chế công chức hằng năm chậm nhất ngày 15/6 đúng không?
- Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập cho đến nay đã đổi tên mấy lần? Những điều CBCCVC là đảng viên không được làm là gì?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?