Có được quyền xử lý kỷ luật nhân viên ngoài quy định trong bảng nội quy công ty không?
Xử lý kỷ luật nhận viên bắt buộc phải quy định trong bảng nội quy công ty, đúng không?
Nội quy công ty hay còn gọi là nội quy lao động, theo khoản 1 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải ban hành nội quy lao động. Đặc biệt, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì doanh nghiệp phải có nội quy lao động bằng văn bản.
Đối với những nội dung bắt buộc trong nội quy lao động được thể hiện rõ ràng trong quy định về nội dung nội quy lao động tại khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP bao gồm:
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trật tự tại nơi làm việc;
- An toàn, vệ sinh lao động;
- Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
- Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
- Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
- Trách nhiệm vật chất;
- Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
Đây là những nội dung cơ bản mà một bảng nội quy lao động cần có, nếu công ty thấy cần thiết phải quy định thêm các vấn đề khác thì có thể đề ra trong nội quy của công ty mình.
Với điều kiện những nội dung đó không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan.
Có được quyền xử lý kỷ luật nhân viên ngoài quy định trong bảng nội quy công ty không?
Có được quyền xử lý kỷ luật nhân viên ngoài quy định trong bảng nội quy công ty không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 có quy định hành vi nghiêm cấm nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động trong đó thể hiện rõ về việc nghiêm cấm công ty xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Do đó, nếu cố tình xử lý kỷ luật nhân viên trong trường hợp ngoài quy định trong nội quy công ty, công ty sẽ bị coi là xử lý kỷ luật lao động không đúng quy định pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên nếu hợp đồng lao động đã thỏa thuận về việc kỷ luật lao động hoặc pháp luật lao động có quy định thì doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó để tiến hành xử lý kỷ luật đối với người lao động vi phạm.
Xử phạt hành vi xử lý kỷ luật nhân viên ngoài quy định trong nội quy công ty của công ty như thế nào?
Như phân tích ở trên, dù nhân viên có hành vi vi phạm nhưng hành vi này:
- Không có trong bảng nội quy công ty;
- Hợp đồng lao động đã thoả thuận trước đó không có đề cập gì đến hành vi vi phạm;
- Hay pháp luật lao động không có quy định.
Mà công ty vẫn cố tình xử lý kỷ luật nhân viên thì đây được xem là hành vi vi phạm và bị xử phạt với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động.
(khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần.
Như vậy, với hành vi vi phạm này công ty sẽ bị xử phạt từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng có quy định thêm trong trường hợp công ty xử lý kỷ luật nhân viên với hình thức sa thải nhân viên thì phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động tương ứng với những ngày nghỉ việc.
(khoản 4 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
- Tổng hợp các Bộ luật Lao động qua các thời kỳ cụ thể ra sao?
- NLĐ có được thỏa thuận để nhận việc về làm tại nhà không?
- Bầu cử tại đại hội công đoàn bằng hình thức biểu quyết giơ tay trong trường hợp nào?
- Mẫu thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động 2025 khi chưa hết thời hạn hợp đồng thế nào?
- Công ty yêu cầu thử việc đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng có bị phạt không?