Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Công văn 8136/BTC-QLKT 2022 báo cáo tổng kết thi hành Luật Kế toán

Số hiệu: 8136/BTC-QLKT Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Tạ Anh Tuấn
Ngày ban hành: 16/08/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8136/BTC-QLKT
V/v Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Kế toán

Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 2022

Kính gửi: ………………………………………………………..

Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóavà Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/05/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng kế hoạch trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội.

Để có căn cứ thực hiện, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Báo cáo Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Kế toán, trong đó tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Luật Kế toán, xác định những tồn tại, hạn chế, bất cập trong triển khai Luật Kế toán, từ đó đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.

Đề nghị Quý đơn vị tham gia ý kiến đối với dự thảo Báo cáo Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Kế toán nêu trên, trong đó, đề nghị Quý đơn vị nêu rõ những tồn tại, vướng mắc của đơn vị và các đề xuất cụ thể để sửa đổi, bổ sung.

Ý kiến đề nghị gửi về Bộ Tài chính trước ngày 06/09/2022 để tổng hợp.

Mọi chi tiết xin liên hệ với Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán) Ông Phan Anh Quân - ĐT 024.22202828 (8637); Bà Trần Huyền Thanh - ĐT 024.22202828 (8636).

Xin trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý đơn vị./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ
trưởng (để báo cáo);
-
Vụ Pháp chế;
- Lưu VT, QLKT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Tạ Anh Tuấn

DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ GỬI XIN Ý KIẾN TỔNG KẾT ĐÁNH GIÁ THI HÀNH LUẬT KẾ TOÁN

I. CÁC BỘ, NGÀNH

1. Bộ Quốc phòng

2. Bộ Công an

3. Bộ Ngoại giao

4. Bộ Nội vụ

5. Bộ pháp

6. Bộ KHĐT

7. Bộ Công thương

8. Bộ Nông nghiệp

9. Bộ Giao thông vận tải

10. Bộ Xây dựng

11. Bộ Tài nguyên và môi trường

12. Bộ Thông tin và truyền thông

13. Bộ Lao động thương binh và hội

14. Bộ Văn hóa thể thao và du lịch

15. Bộ Khoa học và công nghệ

16. Bộ Giáo dục và đào tạo

17. Bộ Y tế

18. Ngân hàng Nhà nước

19. Thanh tra Chính phủ

20. Văn phòng Chính phủ

21. Kiểm toán Nhà nước

22. Ủy ban quản lý vốn Nhà nước

II. CÁC ĐỊA PHƯƠNG

63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

III. CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, HỌC VIỆN

1. Học viện tài chính

2. Đại học kinh tế quốc dân

3. Đại học ngoại thương

4. Đại học thương mại

BÁO CÁO

TỔNG KẾT THỰC TIỄN THI HÀNH LUẬT KẾ TOÁN 2015

(Từ năm 2017 đến nay)

Luật Kế toán năm 2015[1] có hiệu lực từ năm 2017, đã tiếp cận hơn các nguyên tắc, thông lệ chung về kế toán, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam; làm cơ sở cho việc hoàn chỉnh khung pháp lý đầy đủ về kế toán theo hướng tiếp cận gần hơn các thông lệ quốc tế, tổ chức triển khai lập báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc và các địa phương, tổ chức thực hiện kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; hỗ trợ và hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thực hiện công tác kế toán phù hợp, hiệu quả.

Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/03/2022 của Chính phủ, Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/05/2022, Bộ Tài chính báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Kế toán giai đoạn 2017 đến nay, từ đó đề xuất các nội dung bổ sung, sửa đổi nhằm thực hiện kế hoạch xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán 2015, như sau:

Phần I

CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT KẾ TOÁN

1. Công tác phổ biến, tuyên truyền, theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ pháp lý, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Kế toán

Luật Kế toán số 88/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kế toán đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, hội thảo phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; đăng tải bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Tài chính cũng chủ động theo dõi quá trình triển khai thi hành Luật Kế toán, kịp thời phát hiện và tiếp nhận ý kiến phản ánh từ các đơn vị kế toán để có hướng dẫn khắc phục, giải đáp vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thi hành Luật. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động phối hợp với các tổ chức, đơn vị khác trong công tác đào tạo, hỗ trợ pháp lý cho các đơn vị kế toán trong việc tuân thủ quy định pháp luật về kế toán, tài chính, ngân sách, thuế và pháp luật khác. Những hoạt động trên đã giúp cho Luật Kế toán nhanh chóng phát huy tác dụng, đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực kế toán Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Về phía các đơn vị kế toán, theo quy định của Luật Kế toán đều có tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán, để tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong việc áp dụng, thi hành pháp luật. Các nội dung này không chỉ liên quan đến kế toán, mà còn bao gồm cả các nội dung khác có liên quan như các quy định về ngân sách, tài chính, thuế; xây dựng quy trình, quy chế nội bộ; ký kết và thực hiện hợp đồng; kê khai nộp thuế, bảo hiểm; thanh toán với đối tác, người mua, người bán,… Từ đó, giúp cho đơn vị kế toán thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ với nhà nước, người lao động và các bên liên quan đúng theo quy định của pháp luật.

2. Công tác chỉ đạo, tổ chức ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành

Sau khi Luật Kế toán 2015 được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 196/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành các Luật được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, trong đó có Luật Kế toán. Việc tổ chức triển khai thi hành Luật Kế toán được Chính phủ và Bộ Tài chính chỉ đạo sát sao thông qua việc ban hành các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện. Từ khi Luật Kế toán được ban hành đến nay, đã có nhiều văn bản do Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thực hiện, trong đó có 05 Nghị định của Chính phủ và 39 Thông tư của Bộ Tài chính (Phụ lục kèm theo).

Các văn bản quy pháp pháp luật trên đã bao quát khá toàn diện các vấn đề pháp lý về lĩnh vực kế toán, khá phù hợp với thực tiễn và tạo lập được hành lang pháp lý vững chắc, góp phần thúc đẩy hoạt động kế toán phát triển.

Nhìn chung, các văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Kế toán được ban hành kịp thời, đảm bảo tiến độ đề ra, tạo lập được một hệ thống văn bản pháp luật về kế toán đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác có liên quan. Các văn bản này, ngoài các mục tiêu về kế toán còn đáp ứng mục tiêu thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm chi phí cho đơn vị kế toán, các bên liên quan, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước và chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Qua đó, góp phần đưa Luật Kế toán vào cuộc sống, đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong việc áp dụng pháp luật trên thực tế.

Phần II

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CHỦ YẾU TRONG THI HÀNH LUẬT KẾ TOÁN

1. Đánh giá chung

Việc ban hành Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn trong gần 6 năm qua đã tạo cơ sở pháp lý để kế toán thực hiện vai trò là công cụ quản lý kinh tế quan trọng và chức năng tạo lập hệ thống thông tin về kinh tế - tài chính - ngân sách phục vụ cho việc điều hành và quyết định kinh tế của Nhà nước cũng như của mỗi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Từ đó góp phần thực hiện thành công các giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Luật Kế toán 2015 là Luật quy định chi tiết, được kế thừa trên cơ sở Luật Kế toán 2003, có sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới nhằm phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế, xã hội. Các nội dung được quy định chi tiết bao gồm các quy định chung; công tác kế toán bao gồm chứng từ kế toán, tài khoản kế toán và sổ kế toán, báo cáo tài chính; kiểm tra kế toán; kiểm kê tài sản, bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán; công việc kế toán trong trường hợp đơn vị kế toán chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản; tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán; hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán; quản lý nhà nước về kế toán.

Theo đó, một số nội dung trong Luật Kế toán 2015 đã có những đổi mới khá cơ bản so với Luật Kế toán 2003. Ví dụ, trong nội dung nguyên tắc kế toán đã đề cập đến “giá trị hợp lý” để tạo cơ sở cho việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế trong doanh nghiệp; ban hành các chuẩn mực kế toán có liên quan trong lĩnh vực này bao gồm cả các chuẩn mực về công cụ tài chính, hợp đồng bảo hiểm, tài sản cố định và bất động sản đầu tư. Ngoài ra, Luật Kế toán 2015 cũng có quy định về báo cáo tài chính nhà nước và hoạt động kiểm toán nội bộ. Đây là các vấn đề mới đã được Chính phủ hướng dẫn và tổ chức thực hiện tại các đơn vị liên quan trong thời gian qua.

Để triển khai Luật Kế toán, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới và tổ chức nghề nghiệp về kế toán. Đây là những nội dung cần thiết, được Luật Kế toán giao cho Chính phủ hướng dẫn để đảm bảo đầy đủ căn cứ để tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán độc lập quy định về hành vi vi phạm hành chính, thời hiệu xử phạt, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán độc lập.

2. Đánh giá việc thực hiện một số quy định cụ thể trong Luật Kế toán

2.1. Về nội dung công tác kế toán

Nội dung công tác kế toán bao gồm các hoạt động tổ chức thu thập thông tin kế toán theo các chứng từ tài liệu kế toán; tổ chức phân loại và ghi nhận trên cơ sở dữ liệu kế toán của đơn vị theo hệ thống tài khoản và sổ kế toán; tổ chức cung cấp thông tin theo các biểu mẫu báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán. Các chế độ kế toán đã quy định đầy đủ về nội dung công tác kế toán áp dụng cho từng loại hình đơn vị trong lĩnh vực kế toán doanh nghiệp và kế toán nhà nước. Theo đó các đơn vị kế toán thực hiện các chế độ kế toán theo quy định, tuân thủ đúng các quy định của Luật Kế toán về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính.

Về lĩnh vực kế toán doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán chung cho các đơn vị thuộc các loại hình, quy mô khác nhau. Các quy định này phù hợp với hệ thống 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành. Hiện nay, Bộ Tài chính đang triển khai việc dự thảo chế độ kế toán doanh nghiệp, với những nội dung bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý.

Về lĩnh vực kế toán nhà nước, các đơn vị kế toán nhà nước thực hiện theo chế độ kế toán quy định phù hợp theo từng lĩnh vực, như chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án đầu tư công, chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN, chế độ kế toán thuế nội địa, chế độ kế toán thu thuế và thu khác hàng hóa xuất, nhập khẩu, chế độ kế toán nợ công, chế độ kế toán bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,... Các chế độ kế toán này đều hướng dẫn các đơn vị thuộc lĩnh vực kế toán nhà nước lập báo cáo tài chính của đơn vị theo quy định của Luật Kế toán.

2.2. Về công tác kiểm tra kế toán

Luật Kế toán đã quy định cụ thể các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác kế toán, bao quát đầy đủ các đơn vị từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra cũng đã quy định về các nội dung kiểm tra kế toán, thời gian kiểm tra kế toán, quyền và trách nhiệm của đoàn kiểm tra kế toán, quyền và trách nhiệm của đơn vị kế toán được kiểm tra kế toán. Các quy định này là căn cứ để các Bộ, ngành các địa phương tổ chức công tác kiểm tra kế toán phù hợp với tổ chức hoạt động, bộ máy và yêu cầu quản lý của đơn vị mình.

Về lĩnh vực kế toán doanh nghiệp, công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chuẩn mực và chế độ kế toán tại các doanh nghiệp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, phục vụ việc quản lý, giám sát tài chính, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc giám sát còn thông qua các hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính, phân tích, đánh giá, xếp loại doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách tài chính doanh nghiệp, công bố công khai thông tin về kết quả kinh doanh và tình hình tài chính doanh nghiệp… được duy trì hiệu quả. Các yêu cầu về kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, chế độ kế toán và kiểm tra kế toán được thực hiện theo quy định của Luật Kế toán, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Kế toán và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kế toán như cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước,… trực tiếp thực hiện các công việc kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật về kế toán.

Về lĩnh vực kế toán nhà nước, các yêu cầu về kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, chế độ kế toán và kiểm tra kế toán được thực hiện theo quy định của Luật Kế toán, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP , các chế độ kế toán mà đơn vị là đối tượng áp dụng. Hiện nay, việc giám sát thực thi các quy định của pháp luật về kế toán tại các đơn vị kế toán nhà nước do các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kế toán như cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước,… trực tiếp thực hiện. Ngoài ra, các đơn vị sử dụng NSNN còn tổ chức thực hiện công tác tự kiểm tra theo hướng dẫn tại Quyết định số 67/2004/QĐ-BTC ngày 13/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế về tự kiểm tra tài chính, kế toán tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

2.3. Về kiểm kê tài sản, bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán

Luật Kế toán đã quy định các trường hợp phải kiểm kê tài sản, các nội dung chính của việc bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán trong đó có thời hạn lưu trữ tài liệu, trách nhiệm của đơn vị kế toán trong trường hợp tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại.

Các nội dung cụ thể về bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán được quy định trong Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán, làm căn cứ cho các đơn vị tổ chức thực hiện đối với tài liệu trên giấy và tài liệu dưới hình thức dữ liệu điện tử.

2.4. Về công việc kế toán trong trường hợp đơn vị kế toán chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản

Luật Kế toán đã quy định rõ nội dung công việc trong các trường hợp cụ thể, làm cơ sở cho các đơn vị tổ chức thực hiện khi phát sinh các hoạt động. Khi phát sinh các trường hợp trong thực tế, các đơn vị căn cứ quy định của Luật Kế toán đã tổ chức thực hiện các công việc kế toán, thực hiện các phương án tài chính, hoàn tất các tài liệu có liên quan để thực hiện kết thúc hoạt động tại các đơn vị cũ và tổ chức hoạt động tại các đơn vị mới theo quy định của pháp luật.

2.5. Về tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán

Luật Kế toán đã quy định rõ đơn vị kế toán phải tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán; việc tổ chức bộ máy, bố trí người làm kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán, kế toán trưởng thực hiện theo quy định của Chính phủ. Đối với người đại diện theo pháp luật, Luật cũng quy định trách nhiệm tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc quyết định thuê doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán theo đúng quy định của Luật Kế toán. Căn cứ các quy định này, các đơn vị kế toán đều phải tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người đứng đầu bộ máy kế toán theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện được quy định trong Luật Kế toán.

Ngoài ra Luật cũng quy định đơn vị kế toán được ký hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hộ kinh doanh dịch vụ kế toán để thuê dịch vụ làm kế toán hoặc dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định của pháp luật.

2.6. Về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán

Luật Kế toán 2015 đã thể hiện các nội dung về dịch vụ kế toán trong điều kiện hội nhập. Với mục tiêu hội nhập kinh tế nói chung và lĩnh vực kế toán nói riêng, quy định của Luật về cơ bản được quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán. Với việc triển khai Luật Kế toán, thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, có thể đánh giá số lượng doanh nghiệp dịch vụ kế toán đăng ký hoạt động kinh doanh do mới bắt đầu thực hiện nên còn hạn chế, quy mô còn khá nhỏ. Mặc dù doanh nghiệp thành lập mới tăng qua từng năm[2], tuy nhiên về số lượng khách hàng mới chỉ đạt con số 10.970 khách hàng trong năm 2020, tăng 48% so với năm 2019.

2.7. Về hoạt động quản lý nhà nước

Luật Kế toán quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kế toán. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về kế toán, có các nhiệm vụ, quyền hạn về xây dựng trình Chính phủ quyết định chiến lược, chính sách phát triển kế toán; xây dựng, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về kế toán; cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán và đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán; quy định việc thi, cấp, thu hồi và quản lý chứng chỉ kế toán viên; kiểm tra kế toán; kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán; giám sát việc tuân thủ chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán; quy định việc cập nhật kiến thức cho kế toán viên hành nghề; tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học về kế toán và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kế toán; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về kế toán;

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về kế toán trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về kế toán tại địa phương.

Với các quy định nêu trên, việc phối hợp thực hiện giữa Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan chưa thực sự hiệu quả, thường xuyên, liên tục. Vì vậy, cần nghiên cứu giải pháp để làm tốt hơn nữa công tác phối hợp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ với Bộ Tài chính phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị theo quy định của pháp luật.

2.8. Về hệ thống chuẩn mực kế toán

a) Về chuẩn mực kế toán doanh nghiệp, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2005, Bộ Tài chính đã ban hành 26 chuẩn mực kế toán doanh nghiệp. Hệ thống 26 chuẩn mực kế toán và các chế độ kế toán có phạm vi áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, đã đóng góp đáng kể vào việc quản trị, điều hành của các doanh nghiệp, phản ánh được nhiều giao dịch của nền kinh tế thị trường, phù hợp với yêu cầu quản lý của Nhà nước trong giai đoạn cải cách và hội nhập kinh tế thế giới.

Tuy nhiên trong giai đoạn 2011 - 2020, các chuẩn mực này chưa được cập nhật và ban hành đầy đủ so với chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, trước các yêu cầu của nền kinh tế xã hội, hội nhập kinh tế và sự phát triển của công nghệ thông tin, ngày 16/3/2020, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam, bao gồm 2 mục tiêu sau:

- Xây dựng phương án, lộ trình và công bố, hỗ trợ áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam cho từng nhóm đối tượng cụ thể được xác định, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp đối với người sử dụng báo cáo tài chính.

- Ban hành mới và tổ chức thực hiện hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) theo nguyên tắc tiếp thu tối đa thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam và nhu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

b) Về chuẩn mực kế toán công, ngày 31/7/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1299/QĐ-BTC phê duyệt Đề án xây dựng và công bố chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam, bao gồm các mục tiêu sau:

- Nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam (VPSAS) trên cơ sở Chuẩn mực kế toán công quốc tế. Hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công phải đảm bảo các yêu cầu hội nhập kinh tế của đất nước; đồng bộ với cải cách, đổi mới chính sách quản lý kinh tế, chính sách quản lý tài chính công của Việt Nam; là cơ sở để cung cấp thông tin tài chính kịp thời, trung thực nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai minh bạch trong quản lý các nguồn lực của Chính phủ.

- Việc nghiên cứu, xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam gắn với việc triển khai đề án xây dựng mô hình lập báo cáo tài chính nhà nước; làm cơ sở, nền tảng cho hệ thống cơ chế, chính sách tài chính Nhà nước với hệ thống văn bản pháp luật liên quan như Luật NSNN; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý nợ công; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Chứng khoán… đã và đang được cải cách phù hợp chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

- Hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam là căn cứ ban hành hệ thống chế độ kế toán hướng dẫn cụ thể phù hợp với từng loại hình đơn vị, đặc điểm tổ chức hoạt động trong mối quan hệ phù hợp với các cơ chế chính sách về tài chính công và ngân sách nhà nước.

Theo lộ trình của Đề án công bố chuẩn mực kế toán công Việt Nam, từ năm 2020 đến năm 2024 sẽ ban hành và công bố 21 chuẩn mực kế toán công Việt Nam. Thực hiện kế hoạch của Đề án, đến tháng 7/2022 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định công bố 11 chuẩn mực kế toán công Việt Nam.

2.9. Về báo cáo tài chính nhà nước

Triển khai Luật Kế toán, Bộ Tài chính đã xây dựng Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn lập báo cáo tài chính nhà nước trên cơ sở tổng hợp báo cáo tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan khác thuộc khu vực nhà nước từ năm tài chính 2018. Báo cáo này dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước và lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương.

Về cơ bản, báo cáo tài chính nhà nước đã cung cấp thông tin về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, nợ công, vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tài sản, nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước. Tuy nhiên cũng cần hoàn thiện thông tin của báo cáo tài chính nhà nước theo hướng đầy đủ, chính xác hơn.

2.10. Về kiểm toán nội bộ

Điều 39 Luật Kế toán quy định về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ, trong đó có giao cho Chính phủ quy định chi tiết về kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Thực hiện yêu cầu này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ quy định về kiểm toán nội bộ tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị sự nghiệp công lập có quy mô lớn có đủ điều kiện và các doanh nghiệp theo nguyên tắc độc lập về nghiệp vụ, hiệu quả, phù hợp với tổ chức hoạt động của từng đơn vị. Bộ Tài chính cũng đã ban hành các Thông tư hướng dẫn chuẩn mực kiểm toán nội bộ và quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ cho các đơn vị.

Các đơn vị thuộc đối tượng quy định cần phải tổ chức bộ phận kiểm toán nội bộ nhằm: Kiểm tra tính phù hợp, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ; Kiểm tra và xác nhận chất lượng, độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính của báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị trước khi trình ký duyệt; Kiểm tra việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động, quản lý, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính, kế toán, chính sách, nghị quyết, quyết định của lãnh đạo đơn vị kế toán; Phát hiện những sơ hở, yếu kém, gian lận trong quản lý, bảo vệ tài sản của đơn vị; đề xuất các giải pháp nhằm cải tiến, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị kế toán.

2.11. Về hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp

Hiện nay có 02 tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán là Hiệp Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA). Hội viên của cả 02 tổ chức nghề nghiệp này là những người làm nghề kế toán và kiểm toán tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp ở Việt Nam, việc tham gia cả 02 hội nghề nghiệp này đều trên cơ sở tự nguyện, không mang tính bắt buộc.

Tổ chức nghề nghiệp là cầu nối quan trọng giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp và xã hội; thực hiện chức năng phản biện xã hội, tham gia xây dựng văn bản pháp luật phản ánh các bất cập, vướng mắc trong thực thi pháp luật. Qua hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp, chức năng, nhiệm vụ của quản lý Nhà nước và hoạt động quản lý nghề nghiệp cũng đã hình thành và phân biệt rõ nét hơn. Đây là thực tế khách quan, xuất phát từ thông lệ quốc tế và sự cần thiết của công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế đối với lĩnh vực kế toán ở Việt Nam.

Trong những năm gần đây Bộ Tài chính đã thực hiện tăng cường quản lý nhà nước về kế toán trên cơ sở đổi mới cơ chế hoạt động, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý nghề nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế. Duy trì sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp nhằm tăng cường công tác giám sát chất lượng hành nghề kế toán, đảm bảo việc hành nghề thực hiện đúng quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng của các đối tượng hành nghề dịch vụ kế toán ngang tầm các quốc gia phát triển trong khu vực và thế giới.

2.12. Về nguồn nhân lực kế toán

Đã đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ người làm kế toán trong các lĩnh vực kế toán nhà nước, kế toán doanh nghiệp; đội ngũ kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề có trình độ chuyên môn, có đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp tốt. Đối với nhân lực kế toán trong khu vực nhà nước, ngoài việc đáp ứng các tiêu chí chung trong lĩnh vực kế toán còn phải nắm vững các quy định về cơ chế tài chính đặc thù trong lĩnh vực tài chính công, các quy định về quản lý NSNN trong nước, các nguồn vốn cho vay, viện trợ, đầu tư công,...

Thường xuyên đổi mới phương pháp, chương trình đào tạo về kế toán tại các cơ sở đào tạo; đổi mới quy định và cách thức tổ chức thi kế toán viên. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, người làm kế toán; cập nhật kiến thức cho người hành nghề kế toán. Nguồn lực bổ sung hàng năm từ các cơ sở đào tạo, trường đại học, cao đẳng chuyên ngành kế toán có số lượng đông đảo và chất lượng tốt, được đào tạo với chương trình ngày càng gắn với yêu cầu thực tế.

Số lượng người có chứng chỉ kế toán viên cho đến thời điểm tháng 12/2021 là 1.091 người, trong đó có 419 người đang làm việc trong các doanh nghiệp dịch vụ kế toán (chiếm 38% số người có chứng chỉ kế toán viên).

Tất cả các kế toán viên đều có trình độ cử nhân về tài chính, kế toán - kiểm toán, ngân hàng,… trở lên, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm thực tế và được trải qua kỳ thi cấp quốc gia để được cấp chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên. Với kinh nghiệm công tác và việc trải qua kỳ thi để được cấp chứng chỉ, các kế toán viên hành nghề đều có kiến thức tổng hợp về pháp luật kinh tế, tài chính doanh nghiệp, chính sách thuế, kế toán - kiểm toán. Khi đăng ký hành nghề kế toán, để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp, hàng năm kế toán viên phải cập nhật kiến thức theo thời gian quy định hàng năm.

2.13. Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kế toán

Sau hơn 20 năm, hội nhập trong lĩnh vực kế toán, Việt Nam đã có những thay đổi cơ bản về các quy định trong khung pháp lý, hướng đến mục tiêu cho phát triển ngành nghề và dịch vụ kế toán - kiểm toán. Trong thực tế triển khai, Việt Nam đã có những quan hệ, hợp tác với các tổ chức kế toán quốc tế và các nước thông qua các hoạt động ký thỏa thuận trong các Hiệp định WTO, Hiệp định với khối ASEAN; tham gia Ủy ban điều phối về kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN; tham gia làm thành viên của Liên đoàn Kế toán ASEAN (AFA), Châu Á - Thái Bình Dương (CAPA), thế giới (IFAC).

Bộ Tài chính, các tổ chức nghề nghiệp thường xuyên tham gia Hội nghị, hội thảo quốc tế, khu vực về kế toán; tham gia ký thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán ASEAN; tham gia Hội nghị thường niên của Liên hiệp quốc về thương mại và đầu tư (UNTAC) tại Thụy Sỹ; thành viên của Nhóm các nhà ban hành chuẩn mực kế toán Châu Á - Châu Đại Dương (AOSSG).

Duy trì các hoạt động đẩy mạnh phối hợp hoạt động với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế hoạt động tại Việt Nam như: ACCA, CPA Úc, ICAEW; Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động kế toán phát triển. Tham gia hội nghị nhóm các nền kinh tế mới nổi (EEG).

2.14. Về việc ứng dụng công nghệ thông tin và các hoạt động khác

Tại các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý và tổ chức thực hiện công tác kế toán, phù với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Tại cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị thu, chi ngân sách nhà nước đã thực hiện cải cách hành chính một cách thực chất với các giải pháp cụ thể, thiết thực; triển khai và đưa vào áp dụng các dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực kế toán ở cấp độ cao nhất phù hợp với điều kiện cho phép; xây dựng và tổng hợp các thông tin dữ liệu để công khai thông tin về hành nghề kế toán phục vụ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân.

Tại các đơn vị, tổ chức, cơ sở đào tạo và tổ chức nghề nghiệp, thực hiện ứng dụng công nghệ trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo; đẩy mạnh quá trình số hóa hướng tới hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán phù hợp, hiệu quả.

Phần III

CÁC HẠN CHẾ, BẤT CẬP TRONG TRIỂN KHAI LUẬT KẾ TOÁN

1. Các quy định của Luật Kế toán đã có độ trễ so với thực tế

- Môi trường hoạt động liên quan đến kế toán ở Việt Nam luôn có nhiều biến đổi. Việc mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế đòi hỏi các cơ chế chính sách về tài chính, kế toán phải điều chỉnh kịp thời; phù hợp với các thành phần kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, các chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; các cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động của các doanh nghiệp được mở rộng ra trên phạm vi ngoài nước. Vì vậy, đòi hỏi các quy định về kế toán ngày càng tiệm cận hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

- Phạm vi, đối tượng của hoạt động kế toán rất rộng, bao gồm các đơn vị trong khu vực công, khu vực doanh nghiệp, với quy mô, đặc điểm tổ chức và hoạt động, mức độ sở hữu vốn của nhà nước khác nhau, vì vậy, một số quy định cần phải được bao trùm, đảm bảo hợp lý. Một số trường hợp cần thiết phải có các quy định cụ thể hơn để tránh vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Các quy định này có thể được nêu ở các văn bản hướng dẫn Luật, tuy nhiên Luật Kế toán cần có các quy định liên quan một cách phù hợp. Ví dụ, quy định về tổ chức bộ máy kế toán, các chức danh về người làm kế toán, kể cả kế toán trưởng, mối quan hệ giữa người đứng đầu về kế toán với lãnh đạo và các bộ phận liên quan tại đơn vị đã có các vướng mắc phát sinh, cần có các quy định có tính nguyên tắc để thực hiện.

- Ý thức trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị, của thủ trưởng các đơn vị kế toán, những người làm công tác kế toán ở các đơn vị chưa nghiêm, dẫn đến các hành vi không tuân thủ quy định về quản lý tài chính, kế toán, xảy ra các sai phạm cần phải xử lý. Các sai sót có thể phát sinh từ những nguyên nhân chủ quan, khách quan, việc thể hiện trách nhiệm đối với công tác kế toán dẫn đến chất lượng báo cáo tài chính chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí có những sai sót từ các lý do chủ quan của bản thân đơn vị kế toán và người đứng đầu đơn vị kế toán. Một số đơn vị kế toán muốn có BCTC “đẹp” để thực hiện các mục đích khác nhau. Do đó, không ít đơn vị đã cố tình vi phạm các quy định của chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán khi lập và trình bày BCTC, dẫn đến BCTC không phản ánh đúng tình hình tài chính của đơn vị, với thông tin không trung thực hoặc bị che giấu.

- Khung khổ pháp lý liên quan đến kế toán, thuộc các lĩnh vực khác nhau còn có những khác biệt nhất định, có những điểm chưa đồng bộ do yêu cầu, bản chất của hoạt động quản lý. Các khác biệt về cơ chế chính sách liên quan đến chính sách thuế hoặc các quy định khác dẫn đến việc các đơn vị dường như chỉ quan tâm và tập trung đến việc thực hiện theo chính sách thuế, hoàn tất các thủ tục để thực hiện nghĩa vụ thuế, không quan tâm nhiều đến việc thực hiện theo quy định của kế toán để cung cấp thông tin tài chính của đơn vị theo quy định của Luật Kế toán, chuẩn mực kế toán.

- Cách mạng công nghệ cùng với yêu cầu của quá trình số hóa, nhất là quá trình chuyển đổi số, dẫn đến các quy định về kế toán trong Luật Kế toán hiện hành chưa theo kịp thực tế. Các đơn vị phản ánh vướng mắc trong việc thực hiện ký chứng từ, luân chuyển xử lý chứng từ, lưu trữ tài liệu kế toán, ..... Mặc dù các giao dịch kinh tế trên phương tiện điện tử hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các pháp luật chuyên ngành khác, tuy nhiên trong phạm vi Luật kế toán, cũng cần có những quy định để làm rõ hơn, đồng bộ với Luật Giao dịch điện tử và các quy định pháp luật khác có liên quan và phù hợp với quá trình chuyển đổi số.

- Các phần mềm kế toán hiện nay được phát triển khá đa dạng, chất lượng khác nhau, nguyên nhân xuất phát từ kinh nghiệm, khả năng của nhà cung cấp phần mềm kế toán; xuất phát từ khả năng nắm bắt và đưa ra yêu cầu kỹ thuật của đơn vị kế toán đối với nhà cung cấp phần mềm, từ việc hiểu biết và sử dụng các ứng dụng của đội ngũ kế toán viên, nhân viên của các đơn vị kế toán. Thực tế này đòi hỏi có những quy định phù hợp để đảm bảo chất lượng của các phần mềm kế toán, các ứng dụng hệ thống mà đơn vị kế toán sử dụng trong công tác kế toán, công tác quản lý đơn vị.

2. Một số quy định của Luật Kế toán đã bộc lộ bất cập, tồn tại

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nói trên, tuy nhiên Luật Kế toán 2015, hay nói rộng hơn là công tác kế toán ở Việt Nam cũng còn có những khó khăn, hạn chế nhất định, cụ thể là:

- Luật Kế toán quy định tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau khi ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính. Đây là quy định nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm phản ánh đầy đủ giá trị của tài sản và nợ phải trả. Tuy nhiên trong thực tế triển khai, còn nhiều các vướng mắc để tổ chức thực hiện, theo đó cần được xác định rõ các điều kiện liên quan để có thể thực hiện được việc ghi nhận theo giá trị hợp lý.

- Về chế độ kế toán, theo Luật Kế toán, Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về kế toán, theo đó có quyền hạn ban hành các Thông tư, văn bản hướng dẫn với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hướng dẫn. Tuy nhiên trên thực tế hệ thống tổ chức tín dụng vẫn áp dụng theo chế độ kế toán riêng, với các nội dung chưa được kịp thời cập nhật. Xét về bản chất hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp với mục đích kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, có thể xếp vào khu vực kế toán doanh nghiệp, tuy nhiên cũng có những đặc thù riêng do đặc điểm hoạt động của tổ chức này. Việc thống nhất chế độ kế toán là hết sức cần thiết, bao gồm các nội dung như chứng từ kế toán, hệ thống tài khoản kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính. Vì vậy, nội dung này cần được nghiên cứu, xem xét để có quy định thống nhất, phù hợp.

- Một số quy định về nội dung công tác kế toán, từ khâu chứng từ, tài khoản, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quản trị cần được rà soát, đánh giá để quy định phù hợp. Ví dụ đối với quy định về báo cáo tài chính, các quy định nội dung, hình thức và thời hạn công khai báo cáo tài chính còn dẫn đến cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện, dẫn đến một số trường hợp không thực hiện; các đối tượng có nhu cầu thông tin cũng hiểu khác nhau trong việc tiếp cận thông tin công khai về báo cáo tài chính.

- Quá trình số hóa và chuyển đổi số, hiện đại hóa công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán không chỉ đòi hỏi việc ứng dụng tại các đơn vị kế toán, mà còn phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về kế toán phù hợp với môi trường điện tử. Ví dụ quy định về chữ ký, quy định về ghi chép kế toán, về việc in, lưu giữ chứng từ điện tử, in và lưu giữ sổ kế toán cần đảm bảo phù hợp, nhằm tiết kiệm tránh lãng phí trong khâu in, ấn nhưng phải hiệu quả, an toàn.

- Các quy định về đơn vị kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, tiêu chuẩn điều kiện của người làm kế toán, tiêu chuẩn điều kiện của kế toán trưởng đã phát sinh vướng mắc trong thực tế. Ví dụ đối với các đơn vị kế toán nhà nước, việc bố trí bộ phận kế toán riêng, hoặc trực thuộc các phòng/ban, việc tổ chức đơn vị kế toán phụ thuộc, đơn vị kế toán báo sổ,... luôn gặp các vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ, về nguyên tắc bất kiêm nhiệm, về việc ủy quyền thực hiện công việc kế toán.

- Luật Kế toán 2015 đã quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và phương thức tổ chức nhằm phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những tồn tại trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dịch vụ, trong đăng ký kinh doanh và hành nghề dịch vụ kế toán. Vì vậy, thị trường dịch vụ mặc dù đã phát triển những chưa đúng theo kỳ vọng và yêu cầu của thực tế. Bên cạnh đó các quy định về trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ và được cung cấp dịch vụ cũng cần được làm rõ hơn, nhất là các đơn vị khách hàng phát triển cả về quy mô và số lượng. Ngoài ra, các quy định liên quan đến nội dung này ở các văn bản pháp luật khác cũng dẫn đến việc không thống nhất trong công tác thực hiện.

- Về tổ chức nghề nghiệp về kế toán đã được quy định rõ trong Luật Kế toán. Theo đó, tổ chức nghề nghiệp về kế toán được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về Hội và có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán. Tổ chức nghề nghiệp về kế toán được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho người làm kế toán, kế toán viên hành nghề và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kế toán do Chính phủ quy định. Tuy nhiên tổ chức nghề nghiệp chưa phát triển thành tổ chức tự quản, hoạt động nghề nghiệp kế toán như ở các nước trên thế giới, thể hiện vai trò quan trọng, và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng chuẩn mực kế toán và tham gia giám sát chất lượng dịch vụ kế toán của các kế toán viên hành nghề.

- Về chất lượng công tác kế toán cũng là một nội dung cần quan tâm. Trong thời gian qua, nhất là trước khi Luật Kế toán được ban hành và các chế độ, chuẩn mực kế toán được hướng dẫn, chất lượng công tác kế toán đã được coi trọng, người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán đã quan tâm đến công tác tổ chức kế toán, kế toán nghiệp vụ, kế toán thống kê, kế toán tài chính; tuy nhiên chất lượng kế toán còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và đòi hỏi của xã hội, các biểu hiện hạch toán kế toán không trung thực, gian lận đã xảy ra và cơ quan pháp luật xử lý; báo cáo tài chính chưa kịp thời và độ tin cậy chưa cao. Nguyên nhân tồn tại nêu trên xuất phát từ tính tuân thủ pháp luật, cần được hướng dẫn đầy đủ và có chế tài xử lý nghiêm khi có vi phạm.

3. Các quy định pháp luật có liên quan có thay đổi

- Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13 tháng 6 năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 quy định về áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử. Nội dung cơ bản là quy định các doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ để góp phần khắc phục những gian lận trong việc sử dụng hóa đơn giấy, giảm chi phí cho người nộp thuế, nâng cao tính cạnh trạnh của toàn nền kinh tế, xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, phục vụ xây dựng quản lý thuế điện tử. Quy định về nguyên tắc lập, quản lý và sử dụng hóa đơn; áp dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử...

Các quy định nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2022; theo đó khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022. Căn cứ quy định của Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản quy phạm pháp luật của liên quan (Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Kế toán, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, đã tạo đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc triển khai hóa đơn, chứng từ điện tử trên toàn quốc, đảm bảo đến ngày 01/7/2022 áp dụng hóa đơn điện tử được triển khai trên phạm vi cả nước.

- Luật Quản lý thuế có những nội dung chưa đồng bộ với Luật Kế toán về việc ký trên báo cáo tài chính. Theo Luật Kế toán, người lập, kế toán trưởng và người đại diện pháp luật phải ký tên trên BCTC của doanh nghiệp. Tuy nhiên, BCTC của doanh nghiệp khi nộp cho cơ quan thuế trên hệ thống kê khai chỉ bắt buộc người đại diện pháp luật ký số, không bắt buộc kế toán/kế toán trưởng phải ký trên BCTC. Điều này dẫn đến sự chưa thống nhất giữa Luật Kế toán và Luật Quản lý thuế đối với việc ký BCTC của doanh nghiệp.

- Luật Quản lý thuế quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ, theo đó Điều 150 được bổ sung Điều 70a Luật Kế toán quy định tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế được cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ khi có ít nhất 1 người có chứng chỉ kế toán viên. Trong khi đó Luật Kế toán yêu cầu doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có ít nhất 02 kế toán viên hành nghề với tỷ lệ góp vốn phải chiếm ít nhất 50% vốn điều lệ, vốn của tổ chức phải chiếm tối đa là 35% và phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán thì mới được cung cấp dịch vụ kế toán, trong quá trình cung cấp dịch vụ kế toán phải chịu sự kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán của BTC về đăng ký hành nghề, về hồ sơ cung cấp dịch vụ, về các nghĩa vụ thông báo và báo cáo,... Ngoài ra, 02 kế toán viên hành nghề là người được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán kèm theo các thủ tục và điều kiện chặt chẽ. Tuy nhiên, đối với đại lý thuế chỉ cần có 1 người có chứng chỉ kế toán viên, không cần đăng ký để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán như kế toán viên hành nghề trong doanh nghiệp dịch vụ kế toán, không phải nộp phí cấp giấy chứng nhận, không phải tuân thủ các quy định về nghĩa vụ thông báo và báo cáo, cơ quan thuế ở các địa phương sẽ kiểm tra các đại lý thuế như khi kiểm tra người nộp thuế,....

Các vướng mắc nêu trên cần được nghiên cứu để đảm bảo quy định thống nhất, đồng bộ về giấy phép hành nghề, kinh doanh dịch vụ kế toán theo hướng đảm bảo sự tương đồng về yêu cầu, thủ tục, nghĩa vụ... của đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán.

Phần IV

CÁC ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

1. Quan điểm, mục tiêu

1.1. Quan điểm

- Xác định kế toán là công cụ quản lý quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của kinh tế - xã hội đất nước. Từ đó, cần tạo lập đầy đủ và nâng cao chất lượng thông tin kế toán, để kế toán thực sự là công cụ quản lý kinh tế quan trọng trong việc tạo lập hệ thống thông tin phục vụ cho việc điều hành và quyết định kinh tế của Nhà nước cũng như của mỗi doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức.

- Cần xác định rõ các mục tiêu trong ngắn hạn và dài hạn, thiết lập một cách có hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về kế toán, áp dụng hệ thống chuẩn mực, phương pháp nghiệp vụ phù hợp với thông lệ quốc tế với lộ trình phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kế toán đảm bảo tính tuân thủ pháp luật về kế toán; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; phát triển và nâng cao vị thế của các tổ chức nghề nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện quy định pháp luật về kế toán.

- Cần quan tâm đến việc tăng cường, nâng cao vai trò và năng lực của các cơ quản lý nhà nước, của các tổ chức nghề nghiệp trong việc hoạch định khung khổ pháp lý, tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát tính tuân thủ pháp luật về kế toán.

- Phát triển các hoạt động hội nhập quốc tế, với việc thực hiện theo thông lệ quốc tế nâng cao chất lượng thông tin kế toán, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu của hội nhập quốc tế.

- Cần nhận thức sự phát triển, cải tiến của quy trình, kỹ thuật kế toán cần phù hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với quá trình chuyển đổi số và trình độ chuyên môn và kỹ năng của nguồn nhân lực tại các đơn vị, tổ chức. Theo đó cần có các giải pháp phù hợp, thích ứng với quá trình chuyển đổi số, gắn với các hoạt động số hóa để cải cách quy trình, cải cách các thủ tục hành chính có liên quan hướng đến mục tiêu tài chính số.

1.2. Mục tiêu

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán một cách đầy đủ, toàn diện và đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức, cá nhân trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, cung cấp thông tin kế toán phục vụ cho quản lý, điều hành, ra quyết định và xác định nghĩa vụ của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.

- Xây dựng khung pháp lý để áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) cập nhật hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính của Việt Nam (VFRS) trên cơ sở thông lệ quốc tế phù hợp với nền kinh tế thị trường của Việt Nam; đảm bảo tính so sánh được của thông tin kinh tế, tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức trong nền kinh tế; phục vụ việc thu hút vốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực kế toán công quốc tế, triển khai áp dụng phù hợp với pháp luật của Việt Nam.

- Xây dựng cơ chế phù hợp với đặc thù của lĩnh vực hoạt động nhằm:

+ Tăng cường năng lực hoạt động của cơ quan quản lý, giám sát về kế toán. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát hoạt động kế toán tại các doanh nghiệp, đơn vị kế toán và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán.

+ Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý phù hợp, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của các đơn vị kế toán và các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính và dịch vụ kế toán.

- Phát triển thị trường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ kế toán; thực hiện tái cơ cấu lượng cầu và nguồn cung dịch vụ kế toán phù hợp với quy định pháp luật và nhu cầu của nền kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ chuyên gia, người hành nghề kế toán để cung cấp dịch vụ có chất lượng cao; Triển khai và mở rộng các hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán đối với thị trường ngoài nước.

- Phát triển nguồn nhân lực kế toán về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu thực tế; Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, kết hợp lý luận và thực tiễn, gắn liền với quy trình số hóa và chuyển đổi số về kế toán. Đổi mới quy trình, phương thức cấp chứng chỉ nghề nghiệp, chứng chỉ hành nghề phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam. Có giải pháp hỗ trợ để nâng cao trình độ và hoạt động nghiệp vụ của đội ngũ kế toán làm việc trong các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

- Phát huy vai trò, thống nhất và tăng cường năng lực hoạt động của tổ chức nghề nghiệp về kế toán, trong việc xây dựng văn bản pháp luật; đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; phối hợp kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của chuẩn mực nghề nghiệp.

- Phát triển sâu rộng hoạt động hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc về kế toán; học tập kinh nghiệm để phát triển hệ thống kế toán Việt Nam; nâng cao vị thế và hiệu quả hoạt động của kế toán Việt Nam trên thế giới và khu vực.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong việc xây dựng khung khổ pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện tại các đơn vị; xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến kế toán phục vụ hoạt động của các đơn vị và hoạt động quản lý, giám sát kế toán.

2. Đề xuất các nội dung cụ thể cần điều chỉnh trong Luật Kế toán

2.1. Rà soát các quy định để phù hợp với quá trình số hóa và chuyển đổi số trong kế toán

Các quy định hiện nay về chứng từ, sổ kế toán, báo cáo tài chính và các tài liệu kế toán khác được chủ yếu hướng theo quy định trên giấy, đồng thời quy định thêm cho các trường hợp giao dịch điện tử. Vì vậy, các quy định về chứng từ kế toán điện tử, lập và lưu trữ chứng từ kế toán, ký chứng từ kế toán cần được quy định chủ yếu trên phương diện điện tử. Các trường hợp thực hiện trên giấy được quy định theo hướng quy định thêm do phát sinh ít và có xu hướng tiếp tục giảm cùng với việc chuyển đổi số. Mục tiêu cần đạt được là giúp các đơn vị có cơ sở thực hiện, xử lý và lưu giữ thông tin trên các ứng dụng, hạn chế việc in ấn, chuyển đổi chứng từ, tài liệu kế toán sang chứng từ, tài liệu trên giấy gây lãng phí.

Các quy định về chứng từ kế toán, sổ kế toán được xây dựng quy định đối với hoạt động kế toán ghi chép thủ công, trên giấy. Ví dụ quy định khi viết chứng từ phải dùng bút mực, số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, chỗ trống phải gạch chéo, chứng từ phải lập đủ số liên theo quy định; ký chứng từ bằng mực không phai, chữ ký trên chứng từ của 1 người phải thống nhất, đóng dấu giáp lai sổ kế toán, sổ kế toán phải được ghi bằng bút mực; không ghi xen thêm vào phía trên hoặc phía dưới; không ghi chồng lên nhau; không ghi cách dòng; trường hợp ghi không hết trang phải gạch chéo phần không ghi; khi ghi hết trang phải cộng số liệu tổng cộng của trang và chuyển số liệu tổng cộng sang trang kế tiếp. Các quy định về kế toán trên máy, dữ liệu điện tử chỉ được quy định bổ sung thêm, nên không được đầy đủ, toàn diện.

Về thời hạn lưu trữ, Luật Kế toán (Điều 41) quy định về bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán[3]. Trên thực tế có những tài liệu kế toán được quy định có thời hạn lưu trữ là 5 năm, 10 năm, tuy nhiên những tài liệu này là căn cứ để lập cũng như liên quan đến tài liệu kế toán lưu trữ vĩnh viễn. Vì vậy quy định như trên sẽ gây khó khăn trong việc xác định việc tiêu hủy các tài liệu kế toán có thời hạn lưu trữ khác nhau trong cùng một bộ hồ sơ. Vấn đề này còn khó khăn hơn khi thực hiện lưu trữ trên máy, khi các dữ liệu có mối quan hệ liên kết với nhau, tạo thành cơ sở dữ liệu, việc tiêu hủy tài liệu kế toán sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dữ liệu của đơn vị.

Để đáp ứng yêu cầu số hóa và chuyển đổi số, một số quy định trong Luật Kế toán cần được nghiên cứu, chỉnh sửa như sau:

- Rà soát các quy định về chứng từ kế toán, sổ kế toán, sửa chữa sai sót kế toán không phù hợp với thực tế ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay, cần phải được sửa đổi cho phù hợp.

- Rà soát các quy định về chữ ký trên chứng từ kế toán (ký tất cả các liên chứng từ bằng bút mực xanh), tài liệu kế toán và các nội dung khác liên quan, để có sửa đổi phù hợp với việc tạo lập, luân chuyển, xử lý và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, icloud…

- Rà soát các quy định liên quan đến giao dịch kinh tế trên môi trường điện tử, thực tế ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong việc giao dịch kinh tế, thực tế của việc thực hiện các quy định về giao dịch điện tử. Các nội dung này cần phù hợp, đồng bộ với việc triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc.

2.2. Về chuẩn mực kế toán doanh nghiệp

Luật Kế toán 2015 (Điều 7) giao cho Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trên thực tế, Bộ Tài chính đã ban hành 26 chuẩn mực kế toán doanh nghiệp, cùng với các chế độ kế toán áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên trong giai đoạn 2011 - 2020, các chuẩn mực này chưa được cập nhật và ban hành đầy đủ. Vì vậy, trước các yêu cầu của nền kinh tế xã hội, hội nhập kinh tế và sự phát triển của công nghệ thông tin, sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/3/2020 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam.

Phương án triển khai chuẩn mực kế toán là dài hạn, vì vậy Luật Kế toán có thể cần có quy định rõ hơn về việc cho phép các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể được áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ngoài ra có thể xem xét việc thành lập ủy ban chuẩn mực kế toán trực thuộc Bộ Tài chính, xác định rõ thẩm quyền cho ủy ban này theo hướng thành viên do Bộ i chính bổ nhiệm nhưng có quyền ra quyết định độc lập về chuyên môn, hoạt động và ra quyết định trên cơ chế tập thể….

2.3. Về đơn vị tiền tệ trong kế toán

Luật Kế toán (Điều 10) quy định “Đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán là Đồng Việt Nam, ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”. Trong trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh bằng ngoại tệ, thì đơn vị kế toán phải ghi theo nguyên tệ và Đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam. Đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng một loại ngoại tệ thì được tự lựa chọn loại ngoại tệ đó làm đơn vị tiền tệ để kế toán, chịu trách nhiệm trước pháp luật và thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Khi lập báo cáo tài chính sử dụng tại Việt Nam, đơn vị kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Trên thực tế, đã có phát sinh vướng mắc khi thực hiện các quy định nêu trên, trên thực tế trong trường hợp doanh nghiệp có đồng tiền chức năng khác với VND thì đơn vị phải sử dụng đồng tiền chức năng theo chuẩn mực kế toán. Việc quy định đơn vị có thể lựa chọn đơn vị kế toán là VND như trong Luật Kế toán hiện nay không phù hợp với chuẩn mực kế toán, trên thực tế đã gây khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp. Vì vậy, cần nghiên cứu và quy định rõ về đơn vị tiền tệ chức năng và về đơn vị tiền tệ báo cáo.

2.4. Về chữ số sử dụng trong kế toán

Luật Kế toán (Điều 11) quy định sau chữ số hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ phải đặt dấu chấm (.); khi còn ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị thì sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,). Quy định này chưa phù hợp với thực tế ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay, phát sinh ngay tại môi trường sản xuất của các hệ thống ứng dụng, gây khó khăn cho công tác kế toán, nhất là đối với các đơn vị ứng dụng phần mềm kế toán do nước ngoài cung cấp. Trường hợp này, các đơn vị phải thiết lập tùy chỉnh lại hệ thống, làm tăng thêm chi phí, nhưng lại làm giảm hiệu năng của hệ thống do phải chuyển đổi theo quy định của Việt Nam.

Vì vậy, nội dung này cần nghiên cứu các quy định phù hợp, đáp ứng yêu cầu số hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán. Theo đó nên có quy định linh hoạt phù hợp với thông lệ quốc tế, tuy nhiên cần lưu ý nội dung quy định chuyển tiếp trong tổ chức thực hiện.

2.5. Về dịch chứng từ, tài liệu kế toán

Luật Kế toán (Điều 11) quy định chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Trên thực tế việc dịch chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính quy định nêu trên là một vấn đề khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện kể cả liên quan đến lưu trữ tài liệu kế toán.

Vấn đề này cần nghiên cứu quy định rõ hơn, cụ thể theo hướng chỉ quy định dịch liên chứng từ phục vụ trực tiếp ghi sổ kế toán hoặc liên quan trực tiếp đến thanh toán, như “Hóa đơn” hoặc các chứng từ liên quan khác.

2.6. Về kỳ kế toán kéo dài

Luật Kế toán (Điều 12) quy định trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian ngắn hơn 90 ngày thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm; kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải ngắn hơn 15 tháng. Trong trường hợp này, việc sử dụng không thống nhất đơn vị tính ngày và tháng dẫn đến trên thực tế phát sinh vướng mắc vì 03 tháng liên tục có thể là 90 ngày hoặc nhiều hơn 90 ngày. Nếu đơn vị áp dụng 03 tháng tròn thì tổng số ngày có thể vượt quá 90 ngày.

Vì vậy, nội dung này cần được rà soát để quy định thống nhất đơn vị tính theo thời gian, tránh phát sinh vướng mắc trong thực tế.

2.7. Về hành vi bị cấm trong hành nghề kế toán

Luật Kế toán (Điều 13) quy định hành vi nghiêm cấm thuê đơn vị không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán để cung cấp dịch vụ kế toán là chưa phù hợp với thực tế dịch vụ kế toán và khó kiểm soát, xử lý vi phạm. Hiện nay, quy định này tương tự như đối với dịch vụ kiểm toán.

Về nội dung này, cần rà soát để có quy định rõ hơn về các điều kiện thực hiện dịch vụ kế toán, nhằm phát triển thị trường, giảm bớt chi phí và nguồn nhân lực cho đơn vị. Ngoài ra, tiếp tục rà soát Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán để có quy định phù hợp với quy định của Luật Kế toán.

2.8. Về niêm phong, tạm giữ, tịch thu chứng từ, tài liệu kế toán

Đối với các tài liệu kế toán trên giấy, việc quy định niêm phong, tạm giữ, tịch thu các tài liệu kế toán, nhất là chứng từ kế toán đã được thực hiện phổ biến, không có vướng mắc, không ảnh hưởng đến số liệu ghi sổ kế toán. Tuy nhiên, đối với chứng từ điện tử, tài liệu kế toán điện tử, các hoạt động như niêm phong, tạm giữ, tịch thu các dữ liệu chưa được định nghĩa rõ ràng, không có cơ sở để thực hiện giao nhận tài liệu kế toán, hoặc nếu có giao nhận tài liệu thì có thể ảnh hưởng đến dữ liệu trên sổ kế toán, trên cơ sở dữ liệu của đơn vị.

Vì vậy, cần xem xét lại và quy định phù hợp về việc tạm giữ hoặc tịch thu chứng từ kế toán thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải sao chụp chứng từ bị tạm giữ, bị tịch thu, ký xác nhận trên chứng từ sao chụp và giao bản sao chụp cho đơn vị kế toán; đồng thời lập biên bản ghi rõ lý do, số lượng từng loại chứng từ kế toán bị tạm giữ hoặc bị tịch thu và ký tên, đóng dấu.

2.9. Quy định về sổ kế toán

- Khoản 2 Điều 25 quy định ”Mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm”. Quy định trên là chưa thực sự rõ ràng, đầy đủ và thống nhất quy định tại khoản 10 Điều 13 các hành vi nghiêm cấm ”Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên”. Trên thực tế đơn vị có thể cần phải mở sổ kế toán cho mục đích kế toán quản trị, quy định nêu trên không rõ về hệ thống kế toán tài chính, như vậy sẽ không phù hợp đối với mở hệ thống sổ cho mục đích kế toán quản trị.

- Một số quy định về sổ kế toán, ví dụ quy định về ghi sổ, chữa sổ kế toán vẫn chủ yếu dựa trên việc ghi sổ bằng tay trong khi hiện nay việc ghi sổ kế toán tại các đơn vị chủ yếu được thực hiện bằng phương tiện điện tử, việc ghi sổ kế toán bằng phương tiện điện tử chỉ được quy định tại khoản 7 Điều 26Đơn vị kế toán được ghi sổ kế toán bằng phương tiện điện tử...”. Quy định nêu trên không bao quát hết các đơn vị và vì vậy không phù hợp trong bối cảnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động kế toán hiện nay và xu thế trong tương lai.

2.10. Về báo cáo tài chính

Luật Kế toán (Điều 29) quy định báo cáo tài chính của đơn vị kế toán dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính và kết quả hoạt động của đơn vị kế toán. Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán gồm: Báo cáo tình hình tài chính; Báo cáo kết quả hoạt động; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh báo cáo tài chính; Báo cáo khác theo quy định của pháp luật.

Việc liệt kê tên cụ thể các BCTC của đơn vị kế toán như Luật hiện nay, có thể dẫn đến khó khăn trong việc xác định danh mục báo cáo cho các đơn vị kế toán, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về kế toán. Trong đó lưu ý đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, rất nhỏ sẽ gặp khó khăn cùng với việc tổ chức bộ máy kế toán.

Trong trường hợp thuê dịch vụ kế toán, cần cân nhắc thêm về quy định yêu cầu cả người lập, kế toán trưởng và người đại diện pháp luật đều ký tên trên BCTC của doanh nghiệp, đơn vị kế toán. Theo thông lệ, nhiều quốc gia chỉ quy định người đại diện pháp luật chịu trách nhiệm trước pháp luật về BCTC của doanh nghiệp, việc người đại diện pháp luật thuê tổ chức, cá nhân nào làm kế toán, dịch vụ kế toán cho họ thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nên họ mới cần tìm đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán uy tín, chất lượng.

2.11. Về việc tăng cường tính công khai, minh bạch

Luật Kế toán (Điều 31) đã quy định về nội dung công khai báo cáo tài chính đối với đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị không sử dụng ngân sách, đơn vị kế toán sử dụng các khoản đóng góp của công chúng, đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên hình thức và thời hạn công khai (Điều 32) chưa thực sự được quy định rõ đối với đơn vị kế toán, các hình thức công khai không tương đồng nhau, dẫn đến đơn vị làm hình thức, chiếu lệ[4]. Việc tiếp cận thông tin công khai của người quan tâm sử dụng thông tin báo cáo trên thực tế bị hạn chế hoặc có những trường hợp khác bị pháp luật ràng buộc về tính bảo mật.

Ngoài ra, cần rà soát lại, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với đối tượng, nội dung, hình thức công khai báo cáo tài chính của các luật khác[5]. Một số định hướng cụ thể đối với công khai báo cáo tài chính:

- Quy định lại nội dung công khai BCTC và hình thức công khai cho cụ thể và rõ ràng.

- Bổ sung quy định làm rõ phạm vi công khai báo cáo tài chính; đối tượng nhận thông tin công khai báo cáo tài chính; quy định cụ thể hoặc cân nhắc bỏ nội dung chỉ yêu cầu công khai một số chỉ tiêu của báo cáo tài chính, thay vì đó nên quy định công khai cả báo cáo tài chính chứ không chỉ công khai một số nội dung.

- Về hình thức công khai nên có hình thức bắt buộc như đăng tải trên trang/cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp, đơn vị kế toán, ngoài ra có thể chọn công khai thêm theo các hình thức khác.

2.12. Về kiểm toán nội bộ

Luật Kế toán (Điều 39) quy định kiểm toán nội bộ có nhiệm vụ: Kiểm tra tính phù hợp, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ; Kiểm tra và xác nhận chất lượng, độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính của báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị trước khi trình ký duyệt; Kiểm tra việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động, quản lý, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính, kế toán, chính sách, nghị quyết, quyết định của lãnh đạo đơn vị kế toán; Phát hiện những sơ hở, yếu kém, gian lận trong quản lý, bảo vệ tài sản của đơn vị; đề xuất các giải pháp nhằm cải tiến, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị kế toán.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 quy định chi tiết về kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Bộ Tài chính cũng đã ban hành các Thông tư hướng dẫn chuẩn mực kiểm toán nội bộ và quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ cho các đơn vị. Tuy nhiên đến nay, vẫn phát sinh vướng mắc trong khâu tổ chức bộ máy kiểm toán nội bộ, đảm bảo tính độc lập, không phát sinh tăng bộ máy tại các đơn vị cả Trung ương và địa phương.

2.13. Về đơn vị kế toán

Luật Kế toán (Điều 49) quy định về tổ chức bộ máy kế toán của đơn vị kế toán, về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán trong việc tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc quyết định thuê dịch vụ kế toán. Tuy nhiên, việc xác định định đơn vị nào là đơn vị kế toán chưa được nêu rõ trong Luật, khi chỉ quy định các đơn vị thuộc đối tượng áp dụng của Luật Kế toán có lập báo cáo tài chính thì được coi là đơn vị kế toán. Trong khi đó, việc quy định các đơn vị lập báo cáo tài chính được nêu trong các Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán, được ban hành bởi Bộ Tài chính.

Thực tế phát sinh, các đơn vị có quy mô rất nhỏ, đặc biệt là trong khu vực công, cũng phải tổ chức bộ máy kế toán, trong khi tổ chức bộ máy của đơn vị không đủ người để bố trí bộ máy kế toán[6]. Một số trường hợp, bộ máy kế toán được bố trí trong các phòng, ban, bộ phận của đơn vị mà không thể tổ chức thành bộ phận riêng, nên rất khó trong việc tổ chức, điều hành công việc. Trên thực tế, một số đơn vị hạch toán phụ thuộc, nhưng vẫn tổ chức bộ máy kế toán do xác định mình là đơn vị kế toán và lập báo cáo tài chính.

Theo quy định hiện nay, đơn vị kế toán là đơn vị phải lập BCTC, trong đó có các doanh nghiệp siêu nhỏ. Thực tế, trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ thuộc đối tượng nộp thuế TNDN tỷ lệ ấn định cũng phải lập BCTC sẽ không phù hợp với thực tế, yêu cầu quản lý và điều kiện của doanh nghiệp, tuy nhiên cần xác định doanh nghiệp loại này có phải là đơn vị kế toán không, vì doanh nghiệp này cũng hoạt động độc lập, cũng phải kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Từ các vướng mắc nêu trên, cần có quy định phù hợp hơn về đơn vị kế toán hoặc có những quy định rõ ràng hơn về đơn vị báo cáo. Từ đó xác định rõ đơn vị nào phải lập báo cáo tài chính, đơn vị nào phải tổ chức bộ máy kế toán, từ đó giảm bớt chi phí xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, doanh nghiệp.

2.14. Về quy định đối với người làm kế toán

- Luật Kế toán (Điều 54) quy định về tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán. Cụ thể quy định người làm kế toán phải có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán (kế toán trưởng từ trình độ trung cấp trở lên). Ngoài ra Khoản 5, Điều 18 Nghị định 174/2017/NĐ-CP quy định: Người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về kế toán là người đã tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc các học viện ở trong và ngoài nước…”. Quy định này không phù hợp với thực tế về các ngành, chuyên ngành đào tạo của hệ thống giáo dục hiện nay. Trên thực tế có nhiều trường hợp tốt nghiệp đại học các ngành khác chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán (ví dụ như: quản trị kinh doanh) tuy nhưng trên bảng điểm ghi rõ: chuyên ngành kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành quản trị tài chính kế toán. Các trường hợp này được coi là có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán.

- Luật Kế toán (Điều 54) quy định tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởngCó chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng”. Hiện nay, chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng bao gồm chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng doanh nghiệp và hành chính sự nghiệp, tuy nhiên trong Luật Kế toán và Nghị định hướng dẫn chưa có quy định trường hợp có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng doanh nghiệp có thể bổ nhiệm kế toán trưởng của các đơn vị trong lĩnh vực nhà nước không và ngược lại. Nghị định 174/2017/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, điều kiện của kế toán trưởng và phụ trách kế toán giống nhau, gây khó khăn vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện, vì nếu đã đủ tiêu chuẩn là phụ trách kế toán thì đơn vị có thể bổ nhiệm kế toán trưởng. Ngoài ra, một số người có chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên trong và ngoài nước, nhưng không có điều kiện học để cấp bằng kế toán trưởng, vì vậy không đủ điều kiện để được bổ nhiệm kế toán trưởng, vì các chứng chỉ này không thay thế được chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng.

- Luật Kế toán (Điều 53) quy định kế toán trưởng của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ ngoài nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này còn có nhiệm vụ giúp người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán giám sát tài chính tại đơn vị kế toán. Như vậy, quy định trong Luật (Khoản 2 Điều 53) chưa đề cập đến nhiệm vụ kế toán trưởng tại các đơn vị kế toán là cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp; tổ chức, đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước giúp người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán giám sát tài chính tại đơn vị.

Từ thực tế nêu trên cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về người làm kế toán, phụ trách kế toán và kế toán trưởng cho phù hợp với thực tế hiện nay và thời gian tới.

2.15. Về tổ chức bộ máy kế toán, kế toán trưởng

Hiện nay, Luật Kế toán (Điều 54) quy định điều kiện để bổ nhiệm kế toán trưởng là phải có chứng chỉ kế toán trưởng, mà không có quy định về chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên. Trên thực tế, những người có chuyên môn nghiệp vụ có chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên lại không có thời gian đi học để có chứng chỉ kế toán trưởng. Vì vậy đối với tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng nên bổ sung thêm điều kiện có chứng chỉ kế toán trưởng hoặc chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên.

Quy định tiêu chuẩn của kế toán trưởng và người phụ trách kế toán đều như nhau nên đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, có thể bố trí người phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng sẽ không có ý nghĩa trong thực tiễn.

Cần bổ sung thêm quy định về việc kế toán trưởng phải chịu trách nhiệm đối với báo cáo tài chính trong giai đoạn mà mình được phân công là kế toán trưởng.

Qua thực tế triển khai Luật Kế toán, một số ý kiến từ thực tế cho rằng việc bố trí kế toán trưởng tại các đơn vị kế toán nhà nước hoặc khu vực công là không thực sự cần thiết. Đối với đơn vị có quy mô nhỏ, việc phải bố trí đơn vị kế toán sẽ gây khó khăn cho đơn vị. Tuy nhiên nếu không bố trí bộ máy kế toán, cần có các quy định phù hợp về chế độ báo cáo, chấp hành ngân sách của đơn vị. Vì vậy, nội dung này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với yêu cầu quản lý ngân sách, tài chính công ở cả Trung ương và địa phương.

2.16. Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán

- Luật Kế toán (Điều 59) quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài được góp vốn với các cá nhân để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán. Tuy nhiên Khoản 4 Điều 59 quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam phải góp vốn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán đã được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Trên thực tế, tài liệu để chứng minh doanh nghiệp kinh doanh nước ngoài kinh doanh dịch vụ kế toán gặp nhiều khó khăn, công tác quản lý không có hiệu quả thực tế, vì vậy, đề nghị xem xét lại quy định này.

- Luật Kế toán quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Trong quá trình thực hiện, đã có vướng mắc phát sinh trong thực tế. Đối với nội dung này, cần quy định rõ là một hay tất cả người đại diện theo pháp luật là kế toán viên hành nghề theo 2 trường hợp như sau:

+ Đối với loại hình Công ty TNHH, hợp danh thì chỉ nên quy định 01 người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc là kế toán viên hành nghề. Không nên yêu cầu tất cả người đại diện theo pháp luật là kế toán viên hành nghề, vì doanh nghiệp có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực, có nhiều người đại diện theo pháp luật, mỗi người phụ trách theo lĩnh vực khác nhau

+ Quy định rõ hơn về việc có nhiều người đại diện pháp luật thì tất cả người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải là kế toán viên hành nghề.

- Ngoài ra, cần rà soát để điều chỉnh các quy định sau đây:

+ Rà soát để quy định phù hợp với cam kết WTO về việc không hạn chế việc nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán tại Việt Nam.

+ Rà soát, sửa đổi điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp tư nhân theo hướng chỉ nên quy định có 01 kế toán viên hành nghề hoặc là ít nhất 1 kế toán viên hành nghề thay vì yêu cầu 2 kế toán viên hành nghề.

+ Rà soát sửa quy định yêu cầu xóa cụm từ “dịch vụ kế toán” trong tên gọi. Qua triển khai thực tế thực tế tên gọi của doanh nghiệp có thể chỉ có cụm từ “kế toán” nhưng không thể yêu cầu xóa bỏ được (tương tự như tại Điều 13).

+ Tại khoản 4 Điều 61, đề nghị bỏ quy định hợp đồng lao động đối với kế toán viên hành nghề. Lý do là trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đã có quy định hồ sơ đăng ký hành nghề kế toán của cá nhân đã có bản sao hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán.

+ Đề nghị sửa lại quy định về các trường hợp cấp lại GCN đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán về người đại diện pháp luật, giám đốc, tổng giám đốc (thay vì chỉ là thay đổi họ và tên như hiện nay), trong đó xem xét bỏ trường hợp thay đổi địa chỉ trụ sở chi nhánh kinh doanh dịch vụ kế toán

+ Xem xét lại quy định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán nếu không khắc phục được sai phạm về duy trì điều kiện kinh doanh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày đình chỉ. Đề nghị bổ sung quy định trong thời hạn sau 06 tháng kể từ ngày không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán thì doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán vì thực tế có nhiều trường hợp không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán nhưng không thông báo cho Bộ Tài chính nên không bị cảnh báo, không bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán, khi phát hiện đã quá cả thời hạn bị đình chỉ nhưng thực tế không bị đình chỉ nên không thể thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.

+ Trên thực tế, khi không đủ điều kiện đăng ký hành nghề thì đương nhiên không được hành nghề kế toán. Vì vậy nghiên cứu việc bĐiểm b Khoản 6 Điều 69 về việc kế toán viên hành nghề không đủ điều kiện đăng ký hành nghề thì bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán.

2.17. Về cung cấp dịch vụ kế toán

Luật Kế toán quy định để thành lập doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ kế toán, trong đó Giám đốc doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề kế toán từ 02 năm trở lên. Doanh nghiệp có thể được thành lập dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (tương tự như đối với doanh nghiệp kiểm toán độc lập) và có vốn điều lệ theo quy định của Chính phủ. Những người có chứng chỉ hành nghề kế toán làm việc trong doanh nghiệp phải tham gia góp vốn tối thiểu 50% vốn điều lệ đơn vị.

Tuy nhiên các quy định hiện nay có thể hạn chế việc phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán. Mặt khác, các quy định này cũng không tương đồng với quy định trong Luật Quản lý thuế về việc cung cấp dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Chính vì vậy, cần rà soát lại điều kiện hành nghề, điều kiện đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán để quy định phù hợp với thực tế và đồng bộ với các quy định pháp luật khác về hành nghề kế toán.

2.1.8. Về tổ chức nghề nghiệp kế toán

Luật Kế toán (Điều 70) quy định về các tổ chức nghề nghiệp kế toán như sau: “Tổ chức nghề nghiệp về kế toán được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về Hội và có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán. Tổ chức nghề nghiệp về kế toán được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho người làm kế toán, kế toán viên hành nghề và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kế toán do Chính phủ quy định”.

Hiện nay tổ chức nghề nghiệp kế toán là Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã được chuyển đổi thành mô hình Hiệp hội. Việc thành lập tổ chức và hoạt động của Hội được thực hiện theo quy định pháp luật về Hội, với trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật về kế toán, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể của pháp luật về Hội.

Thực hiện Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2030, căn cứ quy định của pháp luật về Hội, cần nghiên cứu quy định phù hợp trong Luật Kế toán, để Hội nghề nghiệp có thể tham gia hiệu quả vào việc xây dựng pháp luật về kế toán - kiểm toán, xây dựng ban hành các quy định pháp lý liên quan đến trách nhiệm hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về về kế toán - kiểm toán; xây dựng mô hình tổ chức hoạt động nghề nghiệp thống nhất, tự quản, chuyên nghiệp, theo thông lệ quốc tế, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Nâng cao hiệu quả việc tham gia xây dựng và phản biện cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực quản lý, giám sát việc tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, các chuẩn mực và quy định về đạo đức nghề nghiệp của các kế toán viên, kiểm toán viên; kiểm tra chất lượng dịch vụ và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho người hành nghề kế toán - kiểm toán; tổ chức thi và cấp các chứng chỉ nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Cụ thể là cần nghiên cứu để giao các hoạt động nghề nghiệp phù hợp với pháp luật và năng lực của hội nghề nghiệp theo lộ trình phù hợp, đảm bảo nguyên tắc ổn định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2.19. Về quản ký nhà nước về kế toán

Ngoài việc nghiên cứu quy định để các đơn vị phối hợp có hiệu quả, thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, cần có nghiên cứu để quy định trong Luật Kế toán về việc phân cấp công tác quản lý, kiểm tra, giám sát rõ hơn nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn.

Nghiên cứu để quy định rõ hơn trong Luật Kế toán trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc hướng dẫn chế độ kế toán đối với ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

2.20. Về phần mềm kế toán

Các phần mềm kế toán hiện nay được phát triển khá đa dạng, chất lượng khác nhau, nguyên nhân xuất phát từ kinh nghiệm, khả năng của nhà cung cấp phần mềm kế toán; xuất phát từ khả năng nắm bắt và đưa ra yêu cầu kỹ thuật của đơn vị kế toán đối với nhà cung cấp phần mềm, từ việc hiểu biết và sử dụng các ứng dụng của đội ngũ kế toán viên, nhân viên của các đơn vị kế toán.

Thực tế này đòi hỏi trong Luật Kế toán cần có những quy định mới, có tính nguyên tắc, là các yêu cầu về mặt nghiệp vụ, để đảm bảo chất lượng của các phần mềm kế toán, các ứng dụng hệ thống mà đơn vị kế toán sử dụng trong công tác kế toán, công tác quản lý đơn vị.

3. Các nội dung liên quan cần thực hiện để triển khai Luật Kế toán

3.1. Ban hành, công bố các hệ thống chuẩn mực kế toán

- Xác định khung báo cáo phù hợp đối với từng loại hình doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả của thông tin tài chính, kế toán[7]. Triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam theo lộ trình do Bộ Tài chính xác định đối với các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện áp dụng. Xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam thay thế hệ thống chuẩn mực kế toán doanh nghiệp Việt Nam. Ban hành các văn bản hướng dẫn kế toán phù hợp đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Đối với hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính, cần có định hướng rõ hơn và đảm bảo các điều kiện để sử dụng giá trị hợp lý trong việc ghi nhận và trình bày báo cáo tài chính. Đây là nội dung khá phức tạp, cho đến nay vẫn còn gặp các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị các điều kiện triển khai áp dụng.

- Công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực kế toán công quốc tế, phù hợp với xu hướng cải cách quản lý tài chính công và ngân sách nhà nước của Việt Nam. Hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam đảm bảo yêu cầu tạo lập cơ sở thống nhất cho việc ghi chép kế toán, là mực thước và khuôn mẫu lập và trình bày thông tin tài chính của các đơn vị kế toán thuộc khu vực Nhà nước, báo cáo tài chính nhà nước và chính quyền địa phương.

3.2. Tăng cường năng lực cơ quan quản lý, giám sát về kế toán và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tính tuân thủ pháp luật về kế toán

- Nâng cao năng lực cho cơ quan trực tiếp thực hiện chức năng quản lý, giám sát về kế toán; có giải pháp phù hợp thu hút nhân sự có chất lượng cao để thực hiện tốt và có hiệu quả nhiệm vụ quản lý, giám sát về kế toán. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và triển khai phương án phù hợp để tổ chức hoạt động theo mô hình tham vấn ý kiến tư vấn về kế toán, nhằm có các quyết định phù hợp với thông lệ quốc tế, pháp luật của Việt Nam và thực tiễn của đơn vị.

- Đổi mới và triển khai hiệu quả nội dung, phương thức và điều kiện thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động kế toán. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chức năng nhiệm vụ kiểm tra, giám sát báo cáo tài chính và việc chấp hành pháp luật kế toán. Phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp, cơ sở đào tạo và đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm thực tế về hành nghề kế toán để tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ kế toán, ngoại ngữ, kỹ năng kiểm tra, giám sát báo cáo tài chính, việc tuân thủ pháp luật kế toán.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về kế toán của các doanh nghiệp, tổ chức trong khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp. Chú trọng đến cơ chế giám sát việc tuân thủ chuẩn mực kế toán của các công ty niêm yết và các công ty có lợi ích công chúng khác. Đảm bảo điều kiện để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường dịch vụ kế toán; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Cụ thể hóa trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán và các cá nhân trong việc tăng cường tính công khai, minh bạch tình hình tài chính, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư và các bên liên quan đối với báo cáo tài chính và các thông tin tài chính khác.

- Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật và các chuẩn mực chuyên môn nghiệp vụ của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán; việc tổ chức hệ thống thông tin, sử dụng phần mềm phục vụ công tác kế toán tại các doanh nghiệp, đơn vị kế toán và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán. Thực hiện có hiệu quả việc công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán, cơ quan, tổ chức kinh tế; trong đó lưu ý đối với đơn vị có lợi ích công chúng.

- Tăng cường việc kiểm tra, hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả hoạt động kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và đơn vị sự nghiệp công lập có quy mô lớn theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính[8].

3.3. Phát triển thị trường dịch vụ kế toán

- Xác định tiêu chí đối với các đơn vị có lợi ích công chúng theo hướng bổ sung các đối tượng cần thiết, cùng với các yêu cầu về công khai, minh bạch BCTC chặt chẽ và hiệu quả hơn nhằm đảm bảo lợi ích công chúng và sự phát triển bền vững chung của nền kinh tế. Nghiên cứu, xác định về đối tượng kiểm toán BCTC hàng năm là các đơn vị sự nghiệp công lập quy mô lớn, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về chi thường xuyên.

- Xây dựng các tiêu chí, định hướng về quy mô, số lượng và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp dịch vụ kế toán phù hợp với yêu cầu của thực tế, thông qua việc hoàn thiện cơ chế và điều kiện hành nghề; tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ kế toán viên; thực hiện hiệu quả các giải pháp đối với nguồn cung dịch vụ, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán.

- Hoàn thiện và triển khai thực hiện các quy định pháp lý, tạo cơ sở và điều kiện cho việc đàm phán, tham gia các thỏa thuận quốc tế và công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ kế toán với các nước trong khu vực và trên thế giới.

3.4. Phát triển các hội nghề nghiệp

- Căn cứ quy định của pháp luật về Hội, pháp luật về kế toán, xây dựng ban hành các quy định pháp lý liên quan đến trách nhiệm hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán; xây dựng mô hình tổ chức hoạt động nghề nghiệp thống nhất, tự quản, chuyên nghiệp, theo thông lệ quốc tế, thu hút đông đảo hội viên tham gia.

- Nâng cao hiệu quả việc tham gia xây dựng và phản biện cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực quản lý, giám sát việc tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, các chuẩn mực và quy định về đạo đức nghề nghiệp của các kế toán viên; kiểm tra chất lượng dịch vụ và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho người hành nghề kế toán.

- Nghiên cứu để chuyển giao các hoạt động nghề nghiệp phù hợp với pháp luật và năng lực của hội nghề nghiệp theo lộ trình phù hợp, đảm bảo nguyên tắc ổn định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp trong khu vực và trên thế giới, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hội nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy hội nhập kế toán.

3.5. Phát triển nguồn nhân lực về kế toán

- Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế toán, kết hợp lý luận và thực tiễn, gắn liền với quy trình số hóa và chuyển đổi số về kế toán. Quan tâm đến đội ngũ nhân lực chất lượng cao về kế toán, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán và các tổ chức khác trong toàn bộ nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

- Đổi mới phương thức học, tổ chức thi và cấp chứng chỉ kế toán viên, đảm bảo các kiến thức và kỹ năng theo đúng yêu cầu, thông lệ quốc tế, đảm bảo các điều kiện công nhận lẫn nhau trong khu vực và trên thế giới.

- Nâng cao ý thức kỷ luật, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của kế toán viên thông qua việc đổi mới quy định về nội dung, hình thức đào tạo, cập nhật kiến thức; quan tâm, khuyến khích các chương trình đào tạo chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế nhằm tiếp cận kiến thức và kỹ năng hành nghề theo thông lệ quốc tế.

- Đổi mới nội dung, hình thức và chương trình đào tạo, bồi dưỡng kế toán trưởng; xây dựng nội dung, chương trình cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm cho kế toán trưởng của các đơn vị có lợi ích công chúng.

- Có giải pháp hỗ trợ để nâng cao trình độ và hoạt động nghiệp vụ của đội ngũ kế toán làm việc trong các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

3.6. Tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế

- Tăng cường mối quan hệ và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán và các tổ chức phi Chính phủ trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về kế toán; hỗ trợ kỹ thuật đổi mới mô hình quản lý nghề nghiệp kế toán cũng như các kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ khác về kế toán.

- Nghiên cứu mô hình của các nước phát triển để vận dụng vào Việt Nam trong việc tổ chức, quản lý hoạt động kiểm tra, giám sát báo cáo tài chính; hoạt động xây dựng, áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính; xây dựng kỹ thuật nghiệp vụ kế toán; phát triển dịch vụ kế toán; hoàn thiện mô hình đào tạo, thi, cấp chứng chỉ kế toán viên.

- Nghiên cứu, triển khai các giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hội nhập kế toán; thị trường dịch vụ kế toán với các nước trên thế giới và khu vực.

- Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, mở rộng trao đổi kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN, gia tăng số lượng kế viên Việt Nam đạt chứng chỉ kế toán chuyên nghiệp ASEAN và tham gia cung cấp dịch vụ kế toán tại các nước ASEAN.

- Tham gia vào quá trình xây dựng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, chuẩn mực kế toán công của các Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế. Tiếp tục hỗ trợ tổ chức nghề nghiệp thực hiện đầy đủ vai trò thành viên của các tổ chức Liên đoàn tế toán quốc tế (IFAC), Hiệp hội kế toán ASEAN (AFA) và thành viên Hiệp hội kế toán Châu Á - Thái Bình Dương (CAPA).

3.7. Ứng dụng công nghệ thông tin và các hoạt động khác

- Về ứng dụng công nghệ: Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đơn vị kế toán; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán và người hành nghề kế toán. Ứng dụng hiệu quả thành tựu phát triển của công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của quá trình số hóa và chuyển đổi số trong hoạt động kế toán tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị kế toán.

- Về các hoạt động khác:

+ Triển khai có hiệu quả và chất lượng công tác lập báo cáo tài chính nhà nước nhằm phản ánh đầy đủ thông tin về tài sản, nguồn lực và nghĩa vụ của Chính phủ, chính quyền địa phương, làm cơ sở cho việc hoạch định các cơ chế, chính sách quản lý điều hành tài chính, ngân sách.

+ Xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ công tác quản lý, giám sát thị trường dịch vụ kế toán; kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý, giám sát kế toán, thị trường chứng khoán; đảm bảo việc công bố thông tin minh bạch, kịp thời cho thị trường về đội ngũ các doanh nghiệp kế toán cũng như các kế toán viên hành nghề.

+ Các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức hệ thống thông tin, dữ liệu về thông tin tài chính của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán, phục vụ việc khai thác dữ liệu theo dịch vụ công của các tổ chức, cá nhân đảm bảo thông tin chính thống được sử dụng trong các quan hệ, giao dịch kinh tế.

+ Tổ chức bộ máy kế toán tài chính tại các đơn vị kế toán nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng việc lập và trình bày báo cáo tài chính nhà nước, nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị trong việc quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản và nguồn lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương./.

Phụ lục

VĂN BẢN HƯỚNG DẪN LUẬT KẾ TOÁN

(1) Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán;

(2) Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ về Báo cáo tài chính nhà nước;

(3) Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/03/2018 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập;

(4) Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ quy định về kiểm toán nội bộ;

(5) Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập;

(6) Thông tư số 53/2016/TT-BTC ngày 21/03/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp;

(7) Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 16/8/2016 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa;

(8) Thông tư số 271/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán;

(9) Thông tư số 292/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 hướng dẫn cập nhật kiến thức hằng năm cho kế toán viên hành nghề và người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán;

(10) Thông tư số 296/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 hướng dẫn về cấp, thu hồi và quản lý Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán;

(11) Thông tư số 297/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 về cấp, quản lý và sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán;

(12) Thông tư 317/2016/TT-BTC ngày 07/12/2016 hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

(13) Thông tư số 24/2017/TT-BTC ngày 28/3/2017 hướng dẫn chế độ kế toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

(14) Thông tư 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 hướng dẫn Chế độ kế toán Ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

(15) Thông tư số 91/2017/TT-BTC ngày 31/08/2017 của Bộ Tài chính quy định về việc thi, cấp, quản lý Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ kế toán viên;

(16) Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp;

(17) Thông tư số 16/2018/TT-BTC ngày 07/02/2018 hướng dẫn một số Điều về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

(18) Thông tư số 23/2018/TT-BTC ngày 12/3/2018 hướng dẫn kế toán chứng quyền có bảo đảm đối với công ty chứng khoán là tổ chức phát hành;

(19) Thông tư số 74/2018/TT-BTC ngày 16/08/2018 hướng dẫn chế độ kế toán đối với các khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương; thống kê, theo dõi các khoản nợ cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ;

(20) Thông tư 99/2018/TT-BTC ngày 01/11/2018 hướng dẫn lập báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán nhà nước là đơn vị kế toán cấp trên do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

(21) Thông tư số 102/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 hướng dẫn kế toán Bảo hiểm xã hội;

(22) Thông tư 103/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 hướng dẫn kế toán áp dụng cho Quỹ “Vì người nghèo” do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

(23) Thông tư 108/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

(24) Thông tư 109/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 về hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho Quỹ Tích lũy trả nợ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

(25) Thông tư 112/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 174/2015/TT-BTC ngày 10/11/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

(26) Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ;

(27) Thông tư số 133/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 hướng dẫn lập báo cáo tài chính nhà nước;

(28) Thông tư số 05/2019/TT-BTC ngày 25/01/2019 hướng dẫn kế toán áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô;

(29) Thông tư số 44/2019/TT-BTC ngày 19/07/2019 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư 292/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cập nhật kiến thức hằng năm cho kế toán viên hành nghề và người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán và Thông tư số 296/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về cấp, thu hồi và quản lý Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán;

(30) Thông tư 70/2019/TT-BTC ngày 03/10/2019 về hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

(31) Thông tư 76/2019/TT-BTC ngày 05/11/2019 về hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

(32) Thông tư 79/2019/TT-BTC 14/11/2019 về hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

(33) Thông tư số 89/2019/TT-BTC ngày 26/12/2019 hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam;

(34) Thông tư số 19/2020/TT-BTC ngày 31/03/2020 sửa đổi Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/07/2017 hướng dẫn Chế độ kế toán Ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành;

(35) Thông tư 39/2020/TT-BTC ngày 15/05/2020 sửa đổi chế độ báo cáo tại Thông tư trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập;

(36) Thông tư 40/2020/TT-BTC ngày 15/05/2020 về hướng dẫn chế độ báo cáo trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập tại Nghị định 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 hướng dẫn Luật Kế toán và Nghị định 17/2012/NĐ-CP ngày 13/03/2012 hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập;

(37) Thông tư 66/2020/TT-BTC ngày 10/07/2020 ban hành Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho doanh nghiệp;

(38) Thông tư 78/2020/TT-BTC ngày 14/08/2020 về hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự;

(39) Thông tư số 08/2021/TT-BTC ngày 25/01/2021 ban hành chuẩn mực kiểm toán nội bộ và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp;

(40) Thông tư 09/2021/TT-BTC ngày 25/01/2021 về hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán;

(41) Thông tư 26/2021/TT-BTC ngày 07/04/2021 về hướng dẫn công tác kế toán khi thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần;

(42) Thông tư số 39/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 133/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập báo cáo tài chính nhà nước;

(43) Thông tư 88/2021/TT-BTC ngày 11/10/2021 hướng dẫn chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

(44) Thông tư 90/2021/TT-BTC ngày 13/10/2021 hướng dẫn kế toán áp dụng cho Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.



[1] Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015.

[2] Năm 2018 có 91 doanh nghiệp tăng 12,8% so với năm 2017; năm 2019 có 118 doanh nghiệp tăng 30% so với năm 2018; năm 2020 có 148 doanh nghiệp tăng 25,4% so với năm 2019; năm 2021 có 153 doanh nghiệp, tăng 3% so với năm 2020.

[3] Tại Khoản 1, 2, 3 quy định tài liệu kế toán phải được lưu trữ trong thời hạn 5 năm, 10 năm và lưu trữ vĩnh viễn.

[4] Ví dụ đơn vị thực hiện một trong các hình thức công khai như phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản; niêm yết; đăng tải trên trang thông tin điện tử; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

[5] Ví dụ Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bảo hiểm,... có các quy định đặc thù.

[6] Một số tổ chức xã hội cấp tỉnh, như Hội người mù, Hội khuyến học được xác định là đơn vị kế toán. Tuy nhiên tổ chức bộ máy không đủ để hình thành lên bộ máy kế toán tại đơn vị.

[7] Khung báo cáo cho các doanh nghiệp bao gồm: Các doanh nghiệp áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế; các doanh nghiệp áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam; các doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ.

[8] Theo quy định của Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về Kiểm toán nội bộ.

MINISTRY OF FINANCE OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
---------------

No. 8136/BTC-QLKT
Re: Report on the summary of  the implementation of the Law on Accounting

Hanoi, August 16, 2022  

 

To: ………………………………………………………..

To implement Resolution No. 30/NQ-CP promulgating the Action Plan of the Government of Vietnam on implementing the Conclusion of the 4th Conference of the XIII CPV Central Committee on accelerating the construction and correction of the CPV and the political system; resolutely prevent and strictly handle officials and CPV members that are degraded in terms of political ideology, morality, and lifestyle, signs of self-development and self-transformation, and perform the Auditing and Accounting Strategy by 2030 promulgated with Decision No. 633/QD-TTg dated May 23, 2022 of the Prime Minister of Vietnam, The Ministry of Finance of Vietnam is developing plans for presenting the Prime Minister of Vietnam with reports of the National Assembly of Vietnam on putting the project on the Law on amendments to the Law on Accounting to the law and ordinance development program 2024 of the National Assembly.

To have bases for the implementation, the Ministry of Finance of Vietnam has developed drafts of the Report on the summary of the implementation of the Law on Accounting, which has the final assessment of the implementation of the Law on Accounting and identifies shortcomings, limitations, and inadequacies in the implementation of the Law on Accounting, thereby proposing contents that need to be amended and supplemented in accordance with reality.

Units shall provide suggestions on the draft of the Report on the summary of the implementation of the Law on Accounting mentioned above with specified difficulties of units and specified proposals for amendment and supplement.

Suggestions shall be sent to the Ministry of Finance of Vietnam before September 6, 2022 for summary.

For more details, contact the Ministry of Finance of Vietnam (Department of Accounting and Auditing Regulations) Mr. Phan Anh Quan - phone number 024.22202828 (8637); Ms. Tran Huyen Thanh - phone number 024.22202828 (8636).

Thank you for your cooperation./.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Ta Anh Tuan

 

LIST OF UNITS THAT REQUEST SUGGESTIONS ON THE FINAL ASSESSMENT OF THE IMPLEMENTATION OF THE LAW ON ACCOUNTING

I. MINISTRIES AND CENTRAL AUTHORITIES

1. Ministry of National Defense of Vietnam

2. Ministry of Public Security of Vietnam

3. Ministry of Foreign Affairs of Vietnam

4. Ministry of Home Affairs of Vietnam

5. The Ministry of Justice of Vietnam

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Ministry of Industry and Trade of Vietnam

8. Ministry of Agriculture of Vietnam

9. Ministry of Transport of Vietnam

10. Ministry of Construction of Vietnam

11. Ministry of Natural Resources and Environment of Vietnam  

12. Ministry of Information and Communications of Vietnam

13. Ministry of Labor - War Invalids and Social Affairs of Vietnam

14. Ministry of Culture, Sports and Tourism of Vietnam

15. Ministry of Science and Technology of Vietnam

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



17. Ministry of Health of Vietnam

18. State Bank of Vietnam

19. Government Inspectorate of Vietnam

20. Government Office of Vietnam

21. State Audit Office of Vietnam

22. Commission for the Management of State Capital

II. PROVINCES

63 provinces and centrally affiliated cities.

III. UNIVERSITIES AND ACADEMIES

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. National Economics University

3. Foreign Trade University

4. Thuongmai University

 

REPORT

SUMMARY ON THE IMPLEMENTATION OF THE LAW ON ACCOUNTING 2015

(From 2017 to present)

The Law on Accounting 2015[1] came into force in 2017 and provided a clearer approach to general principles and practices of accounting, suitable for the conditions and situations of Vietnam and serves as the basis for completing the full legal framework of accounting in the direction of a closer approach to international practices, organized the preparation of state financial reports nationwide and at the provincial level and the implementation of internal audit at enterprises, state agencies, and public service providers; provided support and guidelines for small and micro enterprises on the appropriate and efficient implementation of accounting.

To implement the Action Plan of the Government of Vietnam in Resolution No. 30/NQ-CP dated March 1, 2022 and the Auditing and Accounting Strategy by 2030 promulgated by Decision No. 633/QD-TTg dated May 23, 2022, the Ministry of Finance of Vietnam is reporting on the summary of the implementation of the Law on Accounting from 2017 to present and proposing amendments and supplements to implement the plan for the development of the Draft of the Law on Amendments to the Law on Accounting 2015 as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



LEADERSHIP, DIRECTIVE, AND ORGANIZATION OF THE IMPLEMENTATION OF THE LAW ON ACCOUNTING

1. Universalization, dissemination, monitoring, urging, legal support, and guidelines for resolving difficulties during the implementation of the Law on Accounting

The Law on Accounting No. 88/2015/QH13 was approved by the XIII National Assembly of Vietnam at the 10th meeting session on November 20, 2015 and came into force on January 1, 2017. The Ministry of Finance of Vietnam has taken charge and cooperated with relevant agencies and organizations in implementing activities of universalization and dissemination of accounting laws to relevant enterprises, organizations, and individuals via forms such as organization of conferences and seminars for universalizing legislative documents and articles posted on means of mass communication. 

The Ministry of Finance of Vietnam shall also proactively monitor the implementation process of the Law on Accounting, promptly detect and receive feedback from accounting units to provide guidelines on remedies and solutions to difficulties in the actual enforcement of Laws. Additionally, the Ministry of Finance of Vietnam has actively and proactively cooperated with relevant organizations and units in providing training and legal aid for accounting units regarding compliance with laws on accounting, finance, budget, tax, and relevant laws. The operations mentioned above have assisted the Law on Accounting to quickly take effect, integrate into life, and contribute to the promotion of the development of accounting in Vietnam in particular and the economy of Vietnam in general.

According to the Law on Accounting, accounting units all have the organization of the accounting apparatus and shall arrange accountants, chief accountants, or accounting officers to provide advisory services and suggestions for heads of enterprises, agencies, and units regarding the implementation and enforcement of laws. These contents are not only related to accounting but also include other relevant contents such as regulations of budget, finance, and tax; development of internal regulations and procedures; conclusion and implementation of contracts; declaration and payment of tax and insurance; payment with partners, buyers, sellers, etc., thereby, assisting accounting units in fully implementing tasks and obligations with the state, workers, and relevant parties in compliance with the law.

2. Directive and organization of the promulgation of documents elaborating on implementation guidelines

After the promulgation of the Law on Accounting 2015, the Prime Minister of Vietnam promulgated Decision No. 196/QD-TTg dated February 1, 2016 on promulgation of the List and assignment of agencies presiding over the compilation of drafts of documents of the Government of Vietnam and Prime Minister of Vietnam elaborating on the implementation of approved Laws at the 10th meeting session of the XIII National Assembly of Vietnam, in which contain the Law on Accounting. The organization of the implementation of the Law on Accounting is strictly directed by the Government of Vietnam and the Ministry of Finance of Vietnam by promulgating Decrees and Circulars guiding the implementation. Since the promulgation of the Law on Accounting up to now, there have been many documents guiding its implementation promulgated by the Government of Vietnam and the Ministry of Finance of Vietnam, including 5 Decrees on the Government of Vietnam and 39 Circulars of the Ministry of Finance of Vietnam (attached Appendix).

The mentioned legislative documents are relatively comprehensive regarding legal issues in accounting, consistent with reality, and have created a solid legal corridor, contributing to the promotion of the development of accounting activities.

Generally, documents elaborating on the implementation of the Law on Accounting were promptly promulgated, ensuring the proposed progress and creating a legal system of legislative documents on accounting that was synchronous and consistent with other relevant legislative documents.  These documents, in addition to accounting objectives, also satisfy objectives about the simplification of administrative procedures, application of information technology, and reduction of costs for accounting units and relevant parties, consistent with the development of the socio-economy of Vietnam and international standards and practices. Thereby, contributing to the integration of the Law on Accounting into life, ensuring uniformity and efficiency in the practical application of laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



ASSESSMENT OF MAJOR RESULTS IN THE IMPLEMENTATION OF THE LAW ON ACCOUNTING

1. General assessment

The promulgation of the Law on Accounting and its guiding document over the past 6 years has created a legal basis for accounting to perform its role as an important economic management tool and functions of creating an information system on the economy – finance - budget serving the economic operation and decisions of the State as well as of each unit, organization, and enterprise. Thereby, contributing to the successful implementation of major solutions to the directive and operation of the implementation of socio-economic development plans according to the Socio-Economic Development Strategy and Resolutions of the Government of Vietnam on major tasks and solutions to the operation of the implementation of socio-economic development plans.

The Law on Accounting 2015 is a detailed Law based on the Law on Accounting 2003, which has amended and added several new contents consistent with the actual conditions of the economy and society. Contents that have been elaborated are general provisions; accounting work including accounting records, accounting accounts, accounting notebooks, and financial reports; accounting inspection; asset inventory, preservation, and storage of accounting documents; accounting work in cases where accounting units face division, separation, consolidation, merger, conversion of type or form of ownership, dissolution, termination of operation, or bankruptcy; organization of the accounting apparatus and accountants; accounting service business operation; state management of accounting.

According to the Law on Accounting 2015, several contents have had relatively basic innovations compared to the Law on Accounting 2003. For example, the content of the accounting principle mentioned the "fair value" to create a basis for the application of international financial reporting standards in enterprises and promulgate relevant accounting standards, including standards of financial tools, insurance policies, fixed assets, and investment properties. Additionally, the Law on Accounting 2015 also has regulations on state financial reports and internal audits. These are new issues that have been guided and organized by the Government of Vietnam at relevant units in the past time.

To implement the Law on Accounting, the Government of Vietnam promulgated Decree No. 174/2016/ND-CP on December 30, 2016 elaborating on the Law on Accounting on accounting work, organization of the accounting apparatus, accountants, accounting service business operations, provision of transboundary accounting services, and professional associations of accounting. These are the necessary contents assigned to the Government of Vietnam by the Law on Accounting to provide guidelines and ensure adequate bases for implementation.

Additionally, the Government of Vietnam also promulgated Decree No. 41/2018/ND-CP on March 12, 2018 on administrative penalties for violations against regulations on accounting - independent audit providing for administrative violations, the prescriptive period for imposition of penalties, penalties, fines, remedial measures, and competence to record and impose penalties for administrative violations against regulations on accounting - independent audit.

2. Assessment of the implementation of several specific regulations in the Law on Accounting

2.1. Regarding contents of the accounting work

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Regarding corporate accounting, the Ministry of Finance of Vietnam has promulgated Circulars guiding general accounting regulations for units of different types and scales. These regulations are consistent with the system of 26 accounting standards of Vietnam promulgated by the Ministry of Finance of Vietnam. Currently, the Ministry of Finance of Vietnam is implementing the preparation of the draft of corporate accounting regulations, with appropriate amendments and supplements consistent with reality and management requirements.

Regarding state accounting, state accounting units shall comply with accounting regulations appropriate for each field, such as administrative accounting regulations on public services, accounting regulations applicable to management boards of public investment projects, accounting regulations on the State Budget and professional activities of the State Treasury, accounting regulations on inland tax, accounting regulations on tax collection and other collection regarding imported and exported goods, accounting regulations on public debts, accounting regulations on social insurance, health insurance, etc.  These accounting regulations all guide units of state accounting to prepare their financial reports following the Law on Accounting. 

2.2. Regarding accounting inspection work

The Law on Accounting has specified agencies that are competent to inspect the accounting work, covering units from central to local levels. Additionally, the Law on Accounting has also stipulated contents of accounting inspection, accounting inspection time, rights and responsibilities of accounting inspection teams, and rights and responsibilities of accounting units that receive accounting inspection. These regulations are bases for Ministries, central authorities, and local authorities to organize the accounting inspection work consistent with the organization of operations, apparatus, and management requirements of their units.

Regarding corporate accounting, the inspection and supervision of the implementation of accounting standards and regulations at enterprises are to innovate and improve the efficiency of operations of enterprises, serving the management, financial supervision, and state capital investment at enterprises.  The supervision is also efficiently maintained via activities of the audit of financial reports, analysis, assessment, classification of enterprises, inspection, examination, supervision of the implementation of financial regulations and policies on enterprises, disclosure of information on the business result and financial situation of enterprises, etc. Requirements for inspection and supervision of the enforcement of laws, accounting regulations, and accounting inspections shall comply with the Law on Accounting, Decree No. 174/2016/ND-CP guiding the Law on Accounting, and guiding Circulars of the Ministry of Finance of Vietnam. Agencies competent to conduct accounting inspections, such as the inspectorate, state audit office, etc., shall directly inspect and supervise the enforcement of regulations of accounting laws.

Regarding state accounting, requirements for inspection and supervision of the enforcement of laws, accounting regulations, and accounting inspections shall comply with the Law on Accounting, Decree No. 174/2016/ND-CP, and accounting regulations that units are regulated entities.  Currently, the supervision of the enforcement of accounting laws at state accounting units is performed by agencies competent to conduct accounting inspections, such as the inspectorate, state audit office, etc. Additionally, units that use the State Budget also implement the self-inspection following guidelines of Decision No. 67/2004/QD-BTC dated August 13, 2004 of the Minister of Finance of Vietnam on the promulgation of regulations on self-inspection of finance and accounting at agencies and units that use the state budget.

2.3. Regarding asset inventory and preservation and storage of accounting documents

The Law on Accounting has stipulated cases of the necessity of asset inventory and the main contents of the preservation and storage of accounting documents, including the document storage period and responsibilities of accounting units if accounting units are lost or damaged.

Specific contents of the preservation and storage of accounting documents, prescribed in Decree No. 174/2016/ND-CP dated December 30, 2016 of the Government of Vietnam elaborating on the Law on Accounting, are bases for units to organize the implementation regarding paper documents and electronic documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Law on Accounting has specified the contents of work in specific cases as the bases for units to organize the implementation when operations arise. When cases arise in reality, units shall, based on the regulation of the Law on Accounting that has organized the implementation of accounting work, conduct financial schemes and complete relevant documents to terminate the operations of old units and organize operations at new units according to the law.

2.5. Regarding the organization of the accounting apparatus and accountants

The Law on Accounting has specified that accounting units have to organize the accounting apparatus and allocate accountants or rent accounting services; the organization of the apparatus and allocation of accountants, chief accountants, accounting officers, or rental of accounting services or chief accountant services shall comply with regulations of the Government of Vietnam. Regarding legal representatives, the Law also specifies the responsibilities to organize the accounting apparatus, allocate accountants, or decide to hire accounting service enterprises or households consistent with the regulations of the Law on Accounting. Based on these regulations, all accounting units must organize the accounting apparatus and allocate the head of such apparatus following standards and conditions prescribed in the Law on Accounting.

Additionally, the Law also specifies accounting units that may sign contracts with accounting service enterprises or households to rent accounting services or chief accountant services according to regulations of the law.

2.6. Regarding accounting service business operations

The Law on Accounting 2015 has shown the contents of accounting services in terms of integration. With the objectives of economic integration in general and accounting in particular, regulations of the Law are basically and relatively adequate and clear and have enabled the establishment and development of accounting service providers. With the implementation of the Law on Accounting, the accounting service market of Vietnam has achieved remarkable results, gradually meeting the practical requirements of the socio-economy.

However, it is possible to assess that the number of accounting service enterprises that register for business operations is limited and on a small scale due to the newly started implementation. Even though the number of newly established enterprises increases every year[2], the number of new customers only reached 10.970 in 2020, which increased by 48% compared to 2019.

2.7. Regarding state management operations

The Law on Accounting stipulates that the Government shall ensure uniformity regarding the state management of accounting. The Ministry of Finance of Vietnam shall take responsibility before the Government of Vietnam for implementing state management of accounting and submitting construction tasks and entitlements to the Government of Vietnam for decisions on strategies and policies on the development of accounting; developing and suggesting the Government of Vietnam for promulgation or promulgating legislative documents on accounting under its jurisdiction; issuing, reissuing, and revoking Certificates of Registration for Accounting Service Practice and Certificates of Eligibility for engaging in the accounting service business; suspending the accounting service practice and business; stipulating the exams, issuance, revocation, and management of accountant certificates; inspecting accounting operations; stipulating the update of knowledge for accountants; organizing and managing the scientific research on accounting and application of information technology to accounting operations; inspecting and settling complaints and denunciations and handling violations against accounting laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



People’s Committees of provinces shall, within their scope of tasks and entitlements, perform the state management of accounting in their areas.

With the regulations mentioned above, the cooperation between the Ministry of Finance of Vietnam and relevant units is not efficient, regular, and continuous.  Therefore, it is necessary to study measures to improve the cooperation between Ministries and ministerial agencies with the Ministry of Finance of Vietnam consistent with the tasks and entitlements of each unit as prescribed by law.

2.8. Regarding the system of accounting standards

a) Regarding corporate accounting standards, from 2000 to 2005, the Ministry of Finance of Vietnam promulgated 26 corporate accounting standards.  The system of 26 corporate accounting standards and accounting regulations applicable to all enterprises in all economic fields and sectors operating in Vietnam has greatly contributed to the administration and operation of enterprises, reflecting many transactions of the market economy and suitable for requirements for management of the State in the period of reform and world economic integration.

However, during 2011 - 2020, such standards have not been fully updated and promulgated compared to international standards. Therefore, before requirements of the market economy, economic integration, and development of information technology, on March 16, 2020, with the consent of the Prime Minister of Vietnam, the Minister of Finance of Vietnam promulgated Decision No. 345/QD-BTC on approval of Schemes for the application of standards of financial reports in Vietnam, including the following 2 objectives:  

- Preparation of schemes, road maps, and disclosure and provision of support for the application of International Financial Reporting Standards (IFRS) in Vietnam for each specifically identified group of subjects, suitable for international practices to improve the transparency and truthfulness of financial reports and enhance the accountability of enterprises to users of financial reports.

- New promulgation and organization of the implementation of the system of Vietnam Financial Reporting Standards (VFRS) according to the principles of maximum absorption of international practices, suitable for the characteristics of the economy of Vietnam and requirements of enterprises, ensuring the feasibility during the implementation.

b) Regarding public sector accounting standards, on July 31, 2019, the Minister of Finance of Vietnam promulgated Decision No. 1299/QD-BTC approving the Scheme for the development and disclosure of the public sector accounting standards of Vietnam, including the following objectives: 

- To study, develop, promulgate and announce Vietnam’s public sector accounting standards (VPSAS) on the basis of international public sector accounting standards. Vietnam's public sector accounting standards applied by public sector entities must meet the national requirements for economic integration, be consistent with reforms and innovations in policies on economic management and public sector financial management of Vietnam, and be used as the basis for providing financial information in a timely and honest manner so as to improve competence, efficiency, and transparency in the management of resources of the Government of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Vietnam’s public sector standards shall be used as the basis for promulgating specific guidelines on accounting for each type of public sector entity in conformity with their organization and operation, as well as regulations on public finance and the state budget.

According to the roadmap of the Scheme for disclosure of Vietnam’s public sector accounting standards, from 2020 to 2024, 21 Vietnam’s public sector accounting standards will be promulgated and disclosed. To implement plans of the Scheme, by July 2022, the Minister of Finance of Vietnam has promulgated 11 Vietnam’s public sector accounting standards.

2.9. Regarding state financial reports

To implement the Law on Accounting, the Ministry of Finance of Vietnam has developed Decrees of the Government of Vietnam and documents on guidelines for the preparation of state financial reports based on the summary of financial reports of state agencies, public service providers, economic organizations, and relevant units of the state sector from the 2018 fiscal year. This report is used to summarize and explain the state financial situation, results of state financial operations, and transfer currencies from state financial operations nationwide and in each province.

Basically, state financial reports have provided information on the state budget collection and expenditures, state financial funds, public debts, state funding at enterprises, properties, capital resources, and the use of capital resources of the State. However, it is necessary to complete information provided by state financial reports in a more adequate and accurate manner.

2.10. Regarding internal audit

Article 39 of the Law on Accounting stipulates internal control and audit, including the assignment of the Government of Vietnam to elaborate on internal audits in enterprises, state agencies, and public service providers. To perform this request, the Government of Vietnam has promulgated Decree No. 05/2019/ND-CP on January 22, 2019 on internal audits at Ministries, ministerial agencies affiliated to the Government of Vietnam, People's Committees of provinces and centrally affiliated cities, eligible large-scale public service providers, and enterprises following the principles of professional independence, efficiency, and consistency with organizational operations of each unit.  The Ministry of Finance of Vietnam has promulgated Circulars guiding standards of internal audits and regulations on internal audits for units.  

Regulated units shall organize internal audit departments to test the suitability, effectiveness, and efficiency of the internal audit system; inspect and confirm the quality and reliability of economic and financial information of financial reports and reports on accounting administration before submitting them for approval; inspect compliance with principles of operations and management, compliance with the law, regulations on finance and accounting, policies, resolutions, and decisions of heads of accounting units; detect loopholes, weaknesses, and frauds in the management and protection of assets of units; propose measures to improve and perfect the system of management and operation of accounting units.

2.11. Regarding operations of professional organizations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Professional organizations are important bridges between state agencies, enterprises, and society, implementing functions of social criticism and participating in the development of legal documents showing inadequacies and difficulties in law enforcement. Via operations of professional organizations, the functions and tasks of state management and professional management operations have been established and distinguished more clearly. This is the objective reality, starting from international practices and the necessity of the renovation, opening, and international integration regarding the accounting field in Vietnam.

In recent years, the Ministry of Finance of Vietnam has increased state management of accounting on the basis of renovating operational mechanisms as well as improving the professional management quality consistent with international practices. It is necessary to maintain close cooperation between state management agencies and professional organizations to increase the quality supervision of accounting practice, ensuring that the practice strictly complies with the law and improving the quality of people practicing accounting services on par with developed countries in the region and the world.

2.12. Regarding accounting human resources

It is necessary to train, construct, and develop accounting staff of state accounting and corporate accounting and auditing staff and accountants with good professional qualifications, ethics, and responsibilities. Regarding accounting human resources of the state sector, aside from satisfying the general accounting criteria, it is necessary to thoroughly understand typical financial regulations on public sector accounting, regulations on the management of the state budget in Vietnam, capital sources for loans, aid, public investment, etc.

It is necessary to regularly innovate accounting training methods and programs at training institutions and regulations and methods of organizing accountant exams. Provide advanced knowledge training for accounting officials and officers; update knowledge for accountants. The additional annual resource from training institutions, universities, and colleges of accounting must have a large quantity and good quality, trained with programs increasingly associated with actual requirements.

The number of people who have accountant certificates by December 2021 is 1.091 people, including 419 people working in accounting service enterprises (accounting for 38% of the number of people with accountant certificates).

All accountants must have at least bachelor's degrees in finance, audit - accounting, banking, etc., 3 practical years of experience, and have passed the national exam for issuance of certificates of accountants or auditors. With work experience and passing the exam for issuance of certificates, practicing accountants must all have the summary knowledge of laws on the economy, corporate finance, tax policies, and accounting - audits. During the registration for accounting practice, to ensure service quality, accountants must update their knowledge according to the annually prescribed time.

2.13. Regarding international cooperation in accounting

After more than 20 years of integration into accounting, Vietnam has made fundamental changes in regulations prescribed in the legal framework, aiming for the development of the professions and services of accounting and audits.  In reality, Vietnam has made many relationships and cooperation with international accounting organizations and countries via signing agreements in WTO Agreements, Agreements with ASEAN; participating in the ASEAN Chartered Professional Accountant Coordinating Committee; participating as a member of the ASEAN Federation of Accountants (AFA), Confederation of Asian and Pacific Accountants (CAPA), and International Federation of Accountants (IFAC).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The maintenance of promotional operations for cooperation with international organizations operating in Vietnam such as: ACCA, CPA Australia; World Bank (WB), Asian Development Bank (ADB), Japan International Cooperation Agency (JICA), etc., is for supporting and promoting the development of accounting operations. Participation in the Emerging Economies Group (EEG).

2.14. Regarding the application of information technology and other operations

At units, organizations, and enterprises, the application of information technology has been implemented in the management and implementation of accounting work, consistent with the development of the Fourth Industrial Revolution.  

At state management agencies and state budget collection and expenditure units, the administrative reform has been implemented in a substantive manner with specific and practical solutions; online public services have been implemented and applied to administrative procedures for accounting at the highest level, consistent with the permitted conditions; databases have been developed and summarized for the disclosure of information on accounting practice serving the requirements of organizations and individuals.

Units, organizations, training institutions, and professional organizations shall apply technology to research and training; promote digitalization in the direction of digital transformation in the accounting sector suitably and effectively.

Part III

LIMITATIONS AND INADEQUACIES IN THE IMPLEMANTATION OF THE LAW ON ACCOUNTING

1. Regulations of the Law on Accounting lag behind reality

- The operational environment related to accounting in Vietnam is always changing. The opening of the market and international integration require that policies on finance and accounting have to be promptly adjusted, consistent with economic compositions, including enterprises with 100% foreign funding, foreign enterprises branches in Vietnam, and international integration commitments to gradually be deeper and operations of enterprises to be expanded abroad. Therefore, it is necessary to require regulations on accounting to be more consistent with international practices and standards.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- The sense of responsibility and law compliance of units, heads of accounting units, and accountants in units are not strict enough, leading to failure to comply with the regulations on the management of finance and accounting and violations that require handling. Errors may arise from subjective and objective reasons, such as the expression of responsibility for accounting work leading to the failure to meet the quality requirement for financial reports, and there are even errors due to subjective reasons of accounting units and heads of accounting units. Several accounting units want to have a “beautiful” financial report to perform different purposes. Therefore, many units have intentionally violated accounting standards and regulations when preparing and presenting financial reports, leading to such reports not showing the correct financial situations of units with false or concealed information.

- The legal framework related to accounting in different fields has certain differences with contents that are not synchronous due to the requirement and nature of management operations. Differences in policies related to tax policies and other regulations lead to the fact that units seem to only pay attention to and focus on following tax policies and completing procedures to perform tax obligations and do not care about compliance with regulations on accounting to provide information on the finance of units according to the Law on Accounting and accounting standards.

- The industrial revolution and requirements for the process of digitalization, especially digital transformation, all lead to regulations on accounting in the Law on Accounting failing to be consistent with reality. Units shall report on difficulties in the implementation of signing documents, rotating the processing of documents, storing accounting documents, etc. Although economic transactions by electronic means are currently performed under the Law on Electronic transaction and other specialized laws, within the scope of the Law on Accounting, there must be regulations for clarification and synchronicity with the Law on Electronic Transactions and other relevant laws, suitable for the process of digital transformation.

- Currently, accounting software is developed relatively diverse with different qualities due to the experience and capability of accounting software providers and the ability of accounting units to grasp and provide technical requirements for software providers based on the understanding and use of applications of accountant staff and employees of accounting units. This reality requires appropriate regulations to ensure the quality of accounting software and system applications that accounting units use during their accounting work and management.

2. Several regulations of the Law on Accounting have shown limitations and inadequacies

Even with the achieved important results mentioned above, the Law on Accounting 2015, or the accounting work in Vietnam in general, still has certain difficulties and limitations, specifically:

- The Law on Accounting stipulates that property and liability are initially recorded according to the original price. After the initial recording, regarding certain types of properties and liabilities whose values frequently fluctuate according to market prices, their values can be reliably determined at the end of the period of financial report preparation. This is the regulation to be consistent with international practices and fully show the values of properties and liabilities. However, in practice, there are many difficulties in organizing the implementation, accordingly, it is necessary to identify relevant conditions for the recording by reasonable prices. 

- Regarding accounting regulations, according to the Law on Accounting, the Ministry of Finance of Vietnam is the agency that takes responsibility before the Government of Vietnam for performing the state management of accounting and is entitled to promulgate Circulars and guiding documents as a state management agency specialized in guidance. However, in reality, the credit institution system still applies separate accounting regulations, with contents that have not been promptly updated.  In terms of the nature of operations of credit institutions that are also enterprises with purposes of conducting business in the field of currency and credit, they may be classified in the corporate accounting area, however, they also have their peculiarities due to the operation characteristics of this kind of organization.   The uniformity of accounting regulations is essential, including contents such as accounting records, accounting account systems, accounting notebooks, and financial reports. Therefore, this content needs to be studied and considered for having uniform and appropriate regulations.

- Certain regulations on the contents of the accounting work, from the documents, accounts, accounting notebooks, financial reports, and administration reports, need to be reviewed and assessed for appropriateness. For example, regarding regulations on financial reports, regulations on the contents, form, and deadline for disclosing financial reports also lead to different interpretations in the implementation process, leading to cases of failure to implement; entities that require information also have different interpretations in terms of access to public information on financial reports.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Regulations on accounting units, organization of the accounting apparatus, standards and criteria for accountants, and standards and criteria for chief accountants have generated difficulties in reality. For example, regarding state accounting units, the arrangement of separate or affiliated accounting units of departments and the organization of affiliated accounting units, bookkeeping units, etc., always have difficulties in functions, tasks, non-recurrent role principles, and authorizations to perform accounting work.

- The Law on Accounting 2015 has stipulated the conditions for engaging in accounting service business and methods of organization to develop and improve the service quality.  However, in reality, there are still shortcomings in the business operations of service enterprises, business registration, and accounting service practice. Therefore, even though the service market has developed, it has yet to meet the expectations and requirements of reality.   Additionally, regulations on the responsibilities of service providers and service receivers also need to be clarified, especially developed customer units in terms of scale and quantity. Moreover, regulations related to this content in other legal regulations also lead to inconsistency in the implementation.

- Regarding professional accounting organizations, they have been specified in the Law on Accounting. According to the Law, professional accounting organizations are established and operated following laws on associations and shall comply with accounting laws. Professional accounting organizations may provide advanced training and knowledge update for accounting officers and accountants, and perform tasks related to accounting as prescribed by the Government of Vietnam. However, professional organizations have not developed into self-governing organizations with public accounting operations like in other countries around the world, showing essential roles, cooperating with state management agencies in developing accounting standards, and participating in the supervision of accounting service quality of accountants.

- The quality of accounting work is also notable content. Recently, especially before the promulgation of the Law on Accounting and guidelines on accounting regulations and standards, the quality of accounting work has been appreciated, legal representatives of accounting units have paid attention to the organization of accounting, professional accounting, statistical accounting, and financial accounting; however, the accounting quality has yet to satisfy the management requirements, and demands of the society, signs of dishonest and fraud accounting recording have happened and have been handled by legal agencies; financial reports have not been prompt with inadequate reliability. Reasons for the shortcomings mentioned above are from compliance with the law, they must be adequately guided, and there must be strict sanctions when there are violations.

3. Regulations of relevant laws that have been amended

- The Law on Tax Administration No. 38/2019/QH14 was approved by the National Assembly of Vietnam on June 13, 2019 and came into force as of July 1, 2020, on the application of electronic invoices and documents. The law fundamentally stipulates that enterprises shall use electronic invoices in selling goods and providing services to remedy frauds in the use of paper invoices reduce the cost for taxpayers, improve the competitiveness of the whole economy, develop a database on invoices, and serve the development of electronic tax management. The law also has regulations on principles of preparation, management, and use of invoices; application of invoices when selling goods and providing services; database on electronic invoices and documents, etc.  

The regulations mentioned above came into force as of July 1, 2022; such regulations encourage agencies, organizations, and individuals to apply regulations on electronic invoices and documents of this Law before July 1, 2022. Pursuant to regulations of the Law on Tax Administration No. 38/2019/QH14 and legislative documents of relevant laws (the Law on Value-Added Tax, Law on Accounting, Law on Electronic Transactions, and Law on Information Technology), the Government of Vietnam promulgated Decree No. 123/2020/ND-CP on October 19, 2020 on invoices and documents; the Ministry of Finance of Vietnam promulgated Circular No. 78/2021/TT-BTC on September 17, 2021 guiding a number of Articles of the Law on Tax Administration dated June 13, 2019, and Decree No. 123/2020/ND-CP dated October 19, 2020 of the Government of Vietnam on invoices and documents. Accordingly, they have created an adequate legal basis for the implementation of electronic invoices and documents nationwide, ensuring that by July 1, 2022, the application of electronic invoices will be implemented nationwide.

- The Law on Tax Administration has contents that are not consistent with the Law on Accounting regarding the signature on financial reports. According to the Law on Accounting, chief accountants and legal representatives must sign their signatures on enterprises' financial reports. However, the declaration system only requires legal representatives to provide digital signatures; the signatures of accountants or chief accountants are optional when submitting enterprises' financial reports.

- The Law on Tad Administration stipulates the conditions for providing accounting services for micro-enterprises, and according to the Law, Article 150 has added Article 70a of the Law on Accounting on regulations on tax agents may provide tax services for micro-enterprises if at least one of their employees has an accountant certificate. Meanwhile, the Law on Accounting requires accounting service enterprises must have at least 2 practicing accountants with the capital contribution percentage must account for at least 50% of the charter capital and the organization’s capital must account for a maximum of 35% and must be granted a certificate of eligibility for engaging in the accounting service business before providing accounting services, during the process of providing accounting services, they must be subject to the inspection of accounting service operations of the Ministry of Finance of Vietnam regarding practice registration, service supply documents, obligation to notify and report, etc.  Additionally, the 2 practicing accountants are persons granted certificates of account practice registration with strict procedures and conditions. However, tax agents only need 1 person with granted accountant certificates, are exempted from applying for certificates of accounting service practice like practicing accountants in accounting service enterprises, and are exempted from certificate issuance fees and compliance with regulations on the notifying and reporting obligations. Local tax agencies will inspect tax agents like when inspecting taxpayers, etc.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Part IV

AMENDMENT SUGGESTIONS

1. Viewpoints and objectives

1.1 Viewpoints

- Identifying accounting as the essential management tool in the stage of the new socio-economic development of the country. From there, it is necessary to adequately create and improve the quality of accounting information so that accounting is truly the essential economic management tool in the creation of the information system serving the operation and economic decisions of the State as well as of each enterprise, unit, and organization.

- It is necessary to identify short-term and long-term objectives, systematically establish synchronous solutions to further improve the legal framework of accounting, apply the system of professional standards and solutions consistent with international practices with appropriate roadmaps; improve the inspection and supervision of accounting to ensure compliance with accounting laws; improve the quality of training and advanced training in human resources; develop and improve the status of professional organizations; apply information technology to the management and organization of the implementation of accounting laws.

- It is necessary to pay attention to the increase and improvement of the role and capacity of state management agencies and professional organizations regarding the legal framework planning, organization of the implementation, inspection, and supervision of compliance with accounting laws.

- The development of international integration activities and the implementation of international practices to improve the quality of accounting information contribute to improving competitiveness and satisfying requirements for international integration.

- It is necessary to realize that the development and improvement of accounting processes and techniques have to be suitable with the application of information technology, consistent with the process of digital transformation, and professional qualifications and skills of human resources at units and organizations. Accordingly, it is necessary to have appropriate solutions, adapting to the digital transformation process in association with activities of digitalization to reform processes and administrative procedures related to the objectives of digital finance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- To complete the system of accounting laws adequately, comprehensively, and synchronously, consistent with international practices and conditions of Vietnam to increase the role and responsibility of enterprises, organizing units, and individuals in improving the quality of operations, providing information on accounting for management, operation, and issuance of decisions, and determining obligations of agencies, enterprises, and organizations.

- Develop the legal framework to apply to the International Financial Reporting Standards (IFRS) and update the system of Vietnam Financial Reporting Standards (VFRS) based on international practices consistent with the market economy of Vietnam; ensure the comparability of economic and financial information of enterprises and organizations in the economy; serve the capital attraction of domestic and foreign investors. Disclose the system of public sector accounting standards of Vietnam based on the international public sector accounting standards and apply it consistent with the law of Vietnam.

- Develop mechanisms suitable for the characteristics of the operating field to:

+ Increase the operating capacity of accounting management and supervision agencies. Improve the efficiency of the management and supervision of accounting at enterprises, accounting units, and accounting service providers.

+ Increase inspection and supervision and adopt appropriate sanctions to ensure compliance with the law of accounting units and accounting service providers to improve the quality of financial reports and accounting services.

- Develop the market, improve quality, and diversify accounting service products; restructure the demand and supply of accounting services following regulations of the law and the needs of the socio-economy. Improve the quality and quantity of professionals and accountants to provide high-quality services; implement and expand the provision of accounting services regarding foreign markets.

- Develop the human resources of accounting regarding the quantity and quality to satisfy the practical requirements; innovate contents, programs, and measures to provide training and advanced training for the human resources and combine theory and practice associated with the digitalization and digital transformation process in terms of accounting. Innovate processes and methods of issuing professional certificates and practicing certificates consistent with international practices and conditions of Vietnam. Adopt supporting measures to improve the professional qualifications and operations of the accountant staff working in the medium, small, and micro-enterprises.

- Promote the role, unify, and increase the operational capacity of professional accounting organizations in the development of legal documents; provide training and advanced training in the professional specialty; cooperate in inspecting and supervising compliance with professional standards.

- Deeply develop international integration activities, expand cooperation with international accounting organizations; study the experience to develop the accounting system of Vietnam; improve the status and operational efficiency of Vietnam's accounting in the world and the region.  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Suggestions on specific contents that need adjustment in the Law on Accounting

2.1. Review regulations to be consistent with the digitalization and digital transformation process in accounting

Current regulations on accounting records, notebooks, financial reports, and other accounting documents are mainly oriented to be paperwork-related while stipulating additional regulations for cases of electronic transactions.  Therefore, regulations on electronic accounting records, preparation and storage of accounting records, and signing of accounting records must be mainly stipulated based on the electronic aspect. Cases of implementation on paper must be stipulated as additional cases due to little generation and should tend to continue to decrease due to digital transformation. Objectives to be achieved are to help units have the basis for the implementation, handling, and storage of information on applications, limiting the printing and conversion of accounting documents to paper documents, causing waste. 

Regulations on accounting records and notebooks are developed based on regulations on accounting paperwork. For example, according to regulations, when writing documents, it must be done by using ink pens, numbers and letters must be continuous, without interruption, blank spaces must be crossed, documents must have sufficient copies according to regulations; signatures must be made by indelible ink, signatures on documents of 1 person must be consistent, accounting notebooks must be fan-stamped; accounting notebooks must be written by ink pens; do not write additional information in the margin outside of the printing space; do not overlap the writing; do not write with line spacing; in case the page is not fully written, the unwritten part must be crossed out; when the page is finished, add up the page totals and move them to the next page, etc. Regulations on accounting on computers and electronic data are only additionally stipulated, therefore, are not sufficient and comprehensive.

Regarding storage time, the Law on Accounting (Article 41) stipulates the preservation and storage of accounting documents[3]. In reality, there are accounting documents that have a storage time of 5 or 10 years according to regulations, however, these documents are the bases for preparing as well as relating to permanently stored accounting documents.  Therefore, the regulations mentioned above will cause difficulties in determining the destruction of accounting documents with different storage times in the same dossier. This issue is also more difficult in implementing the storage on computers when data has a relationship with each other, forming a database. The destruction of accounting documents will affect all data of the unit.

In order to satisfy the requirements for digitalization and digital transformation, certain regulations in the Law on Accounting must be studied and amended as follows:

- Review regulations on accounting records and notebooks and repair errors in notebooks that are inconsistent with the current practical implementation of information technology in an appropriate manner.

- Review regulations on signatures on accounting records (sign every copy with blue ink pens), accounting documents, and other relevant contents for amendments consistent with the establishment, transfer, processing, and storage via electronic means, iCloud, etc.

- Review regulations related to economic transactions in the electronic environment, practical application of information technology and digital technology in economic transactions, and practical implementation of regulations on electronic transactions. These contents must be consistent and synchronous with the implementation of electronic invoices nationwide.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Law on Accounting 2015 (Article 7) assigns the Ministry of Finance of Vietnam to stipulate accounting standards and codes of ethics for accountants based on international accounting standards and Vietnam's conditions.  In reality, the Ministry of Finance of Vietnam has promulgated 26 corporate accounting standards as well as accounting regulations applicable to all enterprises in all economic fields and sectors operating in Vietnam.  However, during 2011 - 2020, such standards have not been fully updated and promulgated. Therefore, before requirements of the market economy, economic integration, and development of information technology, after reporting to the Prime Minister of Vietnam, on March 16, 2020, the Minister of Finance of Vietnam promulgated Decision No. 345/QD-BTC on approval of Schemes for the application of standards of financial reports in Vietnam. 

The scheme for the implementation of accounting standards is long-term, therefore, the Law on Accounting may need to have clearer regulations on allowing enterprises in Vietnam to apply International Financial Reporting Standards according to the guidelines of the Ministry of Finance of Vietnam. Additionally, it may be considered to establish an accounting standard committee affiliated to the Ministry of Finance of Vietnam, determine the competency of such committee in the direction of members assigned by the Ministry of Finance of Vietnam are competent to issue independent professional, operational decisions and decisions on a collective basis, etc.

2.3. Regarding the currency in accounting

The Law on Accounting (Article 10) stipulates that “The accounting currency is Vietnam dong; its Vietnamese symbol is “đ” and international symbol is "VND”. Where an economic/financial transaction in a foreign currency occurs, the accounting unit must record the foreign currency and VND at the actual exchange rate, unless otherwise prescribed by law; if there is no exchange rate between the foreign currency and VND, it shall be exchanged into another foreign currency that has an exchange rate with VND. An accounting unit whose most revenues and expenditures are in a foreign currency may use such foreign currency as the accounting currency and has to take legal responsibility for such action and notify its supervisory tax authority. When making a financial statement which is used in Vietnam, the accounting unit must convert the foreign currency into VND at the actual exchange rate, unless otherwise prescribed by law”.

In reality, there are many difficulties while implementing the regulations mentioned above. Because in reality, in case of enterprises have currencies with different functions from the VND, and units must use such currencies following accounting standards. Regulations on units that may select the VND accounting currency as prescribed in the current Law on Accounting are inconsistent with accounting standards and have caused many difficulties for units and enterprises. Therefore, it is necessary to further study and specify regulations on functional currencies and reporting currencies.

2.4. Regarding numbers used in accounting

The Law on Accounting (Article 11) stipulates that the thousands separator is a dot (.); and the decimal mark is a comma (,). This regulation is inconsistent with the current practical application of information technology, generated in the production environment of application systems, causing difficulties in accounting, especially for units that apply accounting software provided by foreign countries. In this case, units have to re-configure the system, which increases the cost but reduces the performance of the system due to conversion as prescribed by Vietnam's regulations.

Therefore, this content must be studied with appropriate regulations, satisfying the requirement for digitalization and digital transformation in accounting. Accordingly, it is necessary to have regulations that are flexible and consistent with international practices. However, it is also necessary to pay attention to the contents of transitional regulations on implementation.

2.5. Regarding the translation of accounting documents and records

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



This issue needs further study and clearer regulations, specifically in the direction of stipulating only transactions of copies serving the recording of accounting notebooks or directly related to payment, such as “Invoices” or other relevant documents.

2.6. Regarding the extended accounting period

The Law on Accounting (Article 12) stipulates that if the first or last annual accounting period is shorter than 90 days, it may be aggregated with the next or previous annual accounting period, respectively; the first or last annual accounting period must be shorter than 15 months. In this case, the inconsistent use of day and month units leads to problems in practice, because 3 consecutive months maybe 90 or more than 90 days. If units are to apply for 3 full months, the total days may exceed 90 days.

Therefore, this content must be reviewed to stipulate uniform time units, avoiding the generation of problems in practice. 

2.7. Prohibited acts in accounting practice

The Law on Accounting (Article 13) has regulations prohibiting the act of hiring units ineligible for engaging in the accounting service business to provide accounting services, which is inconsistent with the actual accounting services and is difficult to control and handle violations. Currently, this regulation is similar to regulations on auditing services.

Regarding this content, it is necessary to review to have clearer regulations on conditions for conducting accounting services to develop the market and reduce costs and human resources for units. Additionally, it is necessary to continue to review Decrees on fines in accounting to have regulations that are consistent with the Law on Accounting.

2.8. Regarding the sealing, custody, and confiscation of accounting documents and records

Regarding paper accounting documents, regulations on the sealing, custody, and confiscation of accounting documents, especially accounting records that are commonly implemented with no problems, not affecting the data in accounting notebooks.  However, regarding electronic records and electronic accounting documents, the sealing, custody, and confiscation of such documents are not clearly stipulated, there is no basis for the delivery of accounting documents, or if there is a delivery of documents, it may affect the data in accounting notebooks or databases of units.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2.9. Regulations on accounting notebooks

- Clause 2 Article 25 stipulates that “Each accounting unit shall use only one accounting notebook system for an annual accounting period.” The regulation mentioned above is not clear, adequate, and consistent with regulations prescribed in Clause 10 Article 10, which stipulates that the act of “establishing two or more accounting notebook systems” is prohibited. In reality, units may have to open accounting notebooks for accounting administration, the mentioned regulation is not clear in terms of the financial accounting system, therefore, is not suitable for opening notebook systems for accounting administration.

- Certain regulations on accounting notebooks, such as regulations on recording and correcting accounting notebooks are still mainly based on manual recording, while currently, the recording of accounting notebooks at units is mainly conducted via electronic means, the recording via electronic means is only partially stipulated in Clause 7 Article 26 “Accounting units may make electronic accounting notebooks, etc.” The mentioned regulation does not cover every unit, therefore, is inconsistent with the situation of technology application in the current accounting operations and future trends.  

2.10. Regarding financial reports 

The Law on Accounting (Article 29) stipulates that financial reports of an accounting unit are used for aggregating and describing its financial conditions and performance. Financial reports of an accounting unit include: Financial condition report; Business performance report; Cash flow report; Note to financial reports; Other reports as prescribed by law.

The specific listing of financial reports of accounting units, like the current Law, may lead to difficulties in determining the list of reports for accounting units to be consistent with international accounting practices. Especially, small and micro-enterprises will face the mentioned difficulties as well as difficulties in organizing the accounting apparatus.

In the case of hiring accounting services, it is necessary to consider regulations on requirements for the financial report makers, chief accountants, and legal representatives to all provide their signatures on financial reports on enterprises and accounting units. According to practices, many countries only stipulate that legal representatives shall take legal liability for enterprises' financial reports. When legal representatives hire organizations or individuals to provide them with accounting work or services, they still have to take legal liability. Therefore, they have to look for quality and reputable accounting service providers.

2.11. Regarding the increase of publicity and transparency

The Law on Accounting (Article 31) has stipulated the content of the disclosure of financial reports for units using and not using the state budget, accounting units using the people’s contributions, and accounting units engaging in the business. However the form and deadline for disclosure (Article 32) are not clearly defined regarding accounting units, and forms of disclosure are not similar, leading to the perfunctory implementation of units[4]. The access to disclosed information of interested users of reporting information is limited in practice, or in other cases, such information is bound to confidentiality by the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Re-stipulate contents of the disclosure of financial reports and forms of disclosure in a more specific and clarified manner.  

- Add regulations that clarify the scope of the disclosure of financial reports and subjects that receive disclosed information on financial reports; specifically stipulate or consider annulling contents that require the disclosure of several targets of financial reports, instead of such contents, it is necessary to stipulate the disclosure of the whole financial reports and not parts of them.

- Regarding disclosure forms, there should be compulsory forms such as posting on pages or electronic information portals of enterprises and accounting units. Additionally, it may be possible to select additional disclosure under other forms.

2.12. Regarding internal audit

The Law on Accounting (Article 39) stipulates that internal audit departments shall test the suitability, effectiveness, and efficiency of the internal audit system; inspect and confirm the quality and reliability of economic and financial information of financial reports and reports on accounting administration before submitting them for approval; inspect compliance with principles of operations and management, compliance with the law, regulations on finance and accounting, policies, resolutions, and decisions of heads of accounting units; detect loopholes, weaknesses, and frauds in the management and protection of assets of units; propose measures to improve and perfect the system of management and operation of accounting units.

The Government of Vietnam promulgated Decree No. 05/2019/ND-CP on January 22, 2019, elaborating on internal audits in enterprises, state agencies, and public service providers. The Ministry of Finance of Vietnam also promulgated Circulars guiding internal audit standards and model regulations on internal audits for units. However, until now, there are still difficulties in organizing the internal audit apparatus, ensuring independence, and preventing the increase of the apparatus at units at central and local levels.

2.13. Regarding the accounting units 

The Law on Accounting (Article 49) stipulates the organize the accounting apparatus of accounting units, the responsibilities of legal representatives of accounting units in the organization of the accounting apparatus, and the allocation of accountants or decisions on hiring accounting services. However, the identification of accounting units is not specified in the Law. The Law only stipulates that regulated entities of the Law that prepare financial reports are considered accounting units. Meanwhile, regulations on units that prepare financial reports are mentioned in Circulars guiding accounting regulations, promulgated by the Ministry of Finance of Vietnam. 

In reality, micro-units, especially in the public sector, also have to organize the accounting apparatus, while the organizational apparatus of such units does not have sufficient personnel to allocate the accounting apparatus[6]. In some cases, the accounting apparatus is integrated into departments or divisions and cannot be organized into separate departments, leading to difficulties in organizing and operating the work. In practice, some affiliated recording units have to organize the accounting apparatus because they are identified as accounting units because they prepare financial reports.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



From the difficulties mentioned above, there must be more appropriate regulations on accounting units or clearer regulations on reporting units. From there, identify which units have to prepare financial reports and which units have to organize the accounting apparatus, reducing social costs and resolving difficulties for units and enterprises.

2.14. Regarding regulations on accountants

- The Law on Accounting (Article 54) stipulates the standards, rights, and responsibilities of accountants. Specifically, the Law stipulates that accountants must have professional accounting qualifications (chief accountants must be at least at intermediate levels). Additionally, Clause 5 Article 18 of Decree No. 174/2017/ND-CP stipulates that “a trained accountant means a person who has an associate degree, diploma, bachelor’s degree or post-graduate degree in finance, accounting or audit granted by higher education institutions in Vietnam and overseas, etc.”. This regulation is inconsistent with the reality of the training majors and specialties of the current education system. In reality, there are many cases of people with bachelor's degrees in majors different from finance, accounting, and audit (for example, business administration), but their transcripts clearly state: accounting or unit major or financial management and accounting major. These cases are considered as having professional accounting qualifications.

- The Law on Accounting (Article 54) stipulates that one of the standards and conditions of chief accountants is to “have chief accountant advanced training certificates”. Currently, chief accountant advanced training certificates include corporate and public service chief accountant advanced training certificates. However, in the Law on Accounting and guiding Decrees, there are no regulations on whether persons with corporate chief accountant advanced training certificates can be appointed as chief accountants of units in the state sector or not and vice versa. Decree No. 174/2017/ND-CP stipulates that the standards and conditions of accountants and accounting officer are the same, causing difficulties with the implementation. Because if one person is eligible for being an accounting officer, the unit may appoint that person as the chief accountant. Additionally, several persons may have domestic or foreign accountant certificates or auditor certificates, but do not have the conditions to study for the grant of chief accountant certificates. Therefore, such persons are eligible for the appointment as chief accountants because the certificates they have cannot replace the chief accountant advanced training certificates.

- The Law on Accounting (Article 53) stipulates that chief accountants of state agencies, organizations, and public service providers using state budget, and enterprises whose over 50% charter capital is held by the State, apart from the tasks specified in Clause 1 of this Article, are also responsible for assisting the accounting units’ legal representatives in financial supervision of the accounting units. Therefore, regulations prescribed in the Law (Clause 2 Article 53) have yet to mention the tasks of chief accountants at accounting units that are agencies with tasks of state budget collection and expenditure at various levels; public service providers not using the state budget assisting legal representatives of accounting units in the financial management of such units.

From the reality mentioned above, it is necessary to review and amend regulations on accountants, accounting officers, and chief accountants consistent with the current and future reality.

2.15. Regarding the organization of the accounting apparatus and chief accountants

Currently, the Law on Accounting (Article 54) stipulates the conditions for appointing chief accountants are to have chief accountant certificates without stipulating accountant certificates or auditor certificates. In reality, persons with professional qualifications and accountant certificates or auditor certificates do not have time to study for the grant of chief accountant certificates. Therefore, regarding the standards and conditions of chief accountants, it is necessary to have additional conditions for having chief accountant certificates or accountant certificates, or auditor certificates.

Regulations on standards of chief accountants and accounting officers are similar Therefore, small and micro-enterprises may allocate accounting officers without having to allocate chief accountants, which is practically meaningless.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Via the practical implementation of the Law on Accounting, several opinions from reality suggest that the arrangement of chief accountants at accounting units in the state or public sector is not necessary. Regarding small-scale units, the arrangement of accounting units will cause difficulties. However, if the accounting apparatus is not maintained, there must be appropriate regulations on reports and compliance with the budget of units. Therefore, this content must be carefully studied to be consistent with the requirement for budget management and public finance at central and local levels. 

2.16. Regarding accounting service business operations

- The Law on Accounting (Article 59) stipulates that foreign accounting service enterprises may conduct capital contributions with individuals to establish accounting service enterprises.   However, Clause 4 Article 59 stipulates that foreign accounting service enterprises engaging in the business of accounting services in Vietnam shall conduct capital contributions with established accounting service enterprises operating in Vietnam. In reality, documents proving that foreign enterprises engage in the business of accounting services face many difficulties and the management does not have practical results. Therefore, this regulation is requested to be reconsidered.

- The Law on Accounting stipulates the conditions for granting Certificates of Eligibility for engaging in the accounting service business.  During the implementation, there have been many difficulties generated in reality. Regarding this content, it is necessary to clearly stipulate if one or all of the legal representatives are practicing accountants according to the 2 following cases:

+ Regarding the type of Limited Liability Company or partnership, there should only be 1 legal representative, director, or general director who is a practicing accountant. It is not recommended to request all legal representatives to be practicing accountants because enterprises may operate in many sectors, and with many legal representatives, each one will be in charge of a different sector.

+ Have clearer regulations on having many legal representatives. If an accounting service enterprise has many legal representatives, all of them must be practicing accountants.

- Additionally, it is necessary to:

+ Conduct reviews to have regulations consistent with WTO Agreements on not restricting foreign investors from establishing accounting service enterprises in Vietnam.

+ Review and amend business conditions for private enterprises in the direction of regulations on having only 1 practicing accountant or at least 1 practicing accountant instead of requiring 2 practicing accountants. 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



+ Request the removal of the regulation on labor contracts for practicing accountants prescribed in Clause 4 Article 61. The reason is that in the application for the certificate of eligibility for engaging in the accounting service business, it is stated that the application for accounting practice of an individual already has copies of the full-time labor contract at the accounting service unit.

+ Request the amendments to cases of re-issuance of certificates of eligibility for engaging in the accounting service business when there are changes to information on certificates of eligibility for engaging in the accounting service business on legal representatives, directors, and general directors (instead of just changes to the first and last name like now), including consideration for removing cases of changing the address of headquarters of accounting service branches.

+ Reconsider regulations on revoking certificates of eligibility for engaging in the accounting service business if there is a failure to remedy violations of the maintenance of business conditions within 60 days from the date of suspension. Request additional regulations on enterprises will have their certificates of eligibility for engaging in the accounting service business revoked within 6 months from the date of notifications of ineligibility for engaging in the accounting service business. Because in reality, there have been many cases of ineligibility for engaging in the accounting service business, but the Ministry of Finance of Vietnam is not notified, so enterprises are not warned or suspended from engaging in the business of accounting services. When such acts are discovered, the suspension period has expired, but enterprises are not suspended, so certificates of eligibility for engaging in the accounting service business of such enterprises cannot be revoked.

+ In reality, when an enterprise is ineligible for registering the practice, it will be prohibited from conducting accounting practice. Therefore, study the annulment of Point b clause 6 Article 69 on practicing accountants ineligible for registering the practice will be suspended from practicing accounting services.

2.17. Regarding accounting service provision

The Law on Accounting stipulates that to establish an enterprise that provides accounting services, there must be at least 2 persons with accountant certificates, and the director of the enterprise must have a practicing certificate of accounting for at least 2 years. Enterprises may be established under the form of a Limited Liability Company with two or more members (similar to independent audit enterprises) and have the charter capital following regulations of the Government of Vietnam. Persons with practicing certificates of accounting working in enterprises shall contribute capital of at least 50% of the charter capital of units.

However, current regulations may limit the development of enterprises providing accounting services. On the other hand, these regulations are not similar to regulations in the Law on Tax Administration on the provision of accounting services for micro-enterprises.

Therefore, it is necessary to re-review practicing conditions and conditions for registering the business of accounting services to be consistent with reality and synchronous with other regulations of laws on accounting practice.

2.1.8. Regarding professional accounting organizations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Currently, the Vietnam Federation of Accountants and Auditors (VAA) is a professional accounting organization that has been converted to the model of an Association. The establishment of the organization and operations of the Association shall comply with regulations on associations, with the obligation to comply with accounting laws. However, there are no specific regulations on laws on associations.

To implement the Accounting and Auditing Strategy by 2030, according to regulations on laws on associations, it is necessary to have appropriate regulations in the Law on Accounting for professional associations may efficiently participate in the development of laws on accounting - audit, the development and promulgation of legal regulations related to operational responsibilities of professional organizations of accounting - audit, and the development of organizational models of public operations in a uniform, self-governing, and professional manner, complying with international practices and attracting a large number of participants.   Improve the efficiency of the participation in the development and criticism of policies; improve the capacity for the management and supervision of compliance with professional standards, standards and regulations on professional ethics of accountants and auditors; inspect the quality of services and provide advanced training in professional knowledge and professional ethics for accountants - auditors; organize exams and issue professional certificates under regulations of laws.

Specifically, it is necessary to conduct a study to assign professional operations consistent with the law and capacity of professional associations following an appropriate roadmap, ensuring principles of stabilization and taking legal liability.

2.19. Regarding state management of accounting

Aside from studying regulations for units to cooperate efficiently, the comprehensive program on state administrative reform 2021 - 2030 shall be implemented, and it is necessary to study regulations in the Law on Accounting on the decentralization in the management, inspection, and supervision in a more ’clarified manner to ensure feasibility and efficiency in practice.

Study to have clearer regulations in the Law on Accounting on responsibilities of agencies and units in providing guidelines on accounting for banks and credit institutions.

2.20. Regarding accounting software

Currently, accounting software is developed relatively diverse with different qualities due to the experience and capability of accounting software providers and the ability of accounting units to grasp and provide technical requirements for software providers based on the understanding and use of applications of accountant staff and employees of accounting units.

This reality requires new and principled regulations in the Law on Accounting, which are professional requirements, to ensure the quality of accounting software and system applications that accounting units use during their accounting work and management.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3.1. Promulgation and disclosure of accounting standard systems

- Determine the appropriate reporting framework suitable for each type of enterprise to improve the efficiency of information on finance and accounting[7]. Implement the application of international financial reporting standards in Vietnam following the roadmap determined by the Ministry of Finance of Vietnam for enterprises requesting the application or eligible for such application. Develop and implement Vietnam's financial reporting standards consistent with international practices and conditions of Vietnam to replace Vietnam's system of corporate accounting standards. Promulgate documents on accounting guidelines for medium, small, and micro-enterprises.

Regarding the system of financial reporting standards, there must be clearer orientation and assurance of conditions for using fair value in recording and presenting financial reports. This content is relatively complicated, and up until now, there are still difficulties in preparing conditions for the implementation and application.

- Disclose Vietnam's public sector accounting standards based on international public sector accounting standards, consistent with the reform trend of the management of public finance and the state budget of Vietnam. Vietnam's public sector accounting standards shall ensure requirements for establishing a uniform basis for accounting recording, which is the standard and format for preparing and presenting financial information of accounting units in the State sector, state financial reports, and local financial reports.   

3.2. Intensification of the capacity of accounting management and supervision agencies and efficiency of the inspection and supervision of compliance with accounting laws  

- Increase the capacity of agencies directly implementing accounting management and supervision; adopt appropriate measures to attract high-quality human resources to perform tasks of accounting management and supervision in a good and effective manner. Study international experience and implement appropriate schemes for organizing operations following accounting consultation models to issue decisions consistent with international practices, laws of Vietnam, and units’ practices.

- Innovate and effectively implement contents, methods, and conditions for implementing the management and supervision of accounting operations. Increase cooperation with agencies and units with tasks of inspecting and supervising financial reports and compliance with accounting laws. Cooperate with professional organizations, training institutions, and professional staff with practical experience in accounting practice to increase professional training in accounting, foreign languages, and skills in inspecting and supervising financial reports and compliance with accounting laws.

- Rely on functions and tasks to ensure the human resources for implementing the supervision of compliance with accounting laws of enterprises and organizations in the state sector and corporate sector. Focus on policies on the supervision of compliance with accounting standards of listed companies and other companies with public interest. Ensure conditions for improving the efficiency of management and supervision of the accounting service market; strictly handle violations against accounting standards and standards of professional ethics as prescribed by law.

- Concretize responsibilities and obligations of enterprises, accounting units, and individuals in increasing the publicity and transparency of financial situations, ensuring equality rights in the access to information of investors and relevant parties regarding financial reports and other financial information.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Increase the inspection and guidelines on the effective implementation of internal audits at enterprises, People’s Committees of provinces and centrally affiliated cities, Ministries, ministerial agencies, governmental agencies, and large-scale public service providers according to regulations of the Government of Vietnam and guidelines of the Ministry of Finance of Vietnam[8].

3.3. Development of the accounting service market  

- Determine the criteria for units with public interest in the direction of supplementing necessary subjects together with requirements for publicity and transparency of financial reports more strictly and efficiently to ensure public interests and the sustainable development of the economy. Study and determine subjects of annual financial report audit, which are large-scale public service providers, especially public service providers that cover their recurrent expenditures and expenditures on investment and public service providers that cover their recurrent expenditures.

- Develop criteria and orientations of the scale, quantity, and quality of services of accounting service enterprises consistent with practical requirements via the completion of practice policies and conditions; increase the quantity and quality of accountant staff; effectively implement solutions regarding the service supply resources to improve accounting service quality.

 - Complete and implement legal regulations, creating bases and conditions for negotiation and participation in international agreements and mutual recognition agreements regarding accounting services with other countries in the region and the world.

3.4. Development of professional associations

- Rely on regulations of laws on associations and accounting laws to develop and issue legal regulations related to operational responsibilities of professional accounting organizations; develop organizational models of professional operations in a uniform, self-governing, and professional manner, complying with international practices and attracting a large number of participants.

- Improve the efficiency of the participation in the development and criticism of policies; improve the capacity for the management and supervision of compliance with professional standards, standards, and regulations on professional ethics of accountants and auditors; inspect the quality of services and provide advanced training in professional knowledge and professional ethics for accountants.

- Study to transfer professional operations consistent with the law and capacity of professional associations following an appropriate roadmap, ensuring principles of stabilization and taking legal liability.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3.5. Development of accounting human resources

- Innovate contents, programs, and measures to provide training and advanced training for human resources and combine theory and practice associated with the digitalization and digital transformation process in terms of accounting. Pay attention to the high-quality accounting human resources serving requirements of enterprises, accounting units, and other organizations in the whole economy in the context of deeper integration. 

- Innovate methods of studying, organizing exams, and issuing accountant certificates, ensuring that knowledge and skills satisfy requirements, international practices, and conditions for mutual recognition in the region and the world.

- Improve accountants' sense of discipline, professional qualifications, and professional ethics by innovating regulations on contents and forms of training and knowledge updates; care for and encourage training programs on international professional certificates to access practicing knowledge and skills according to international practices.

- Innovate the contents, forms, and programs on chief accountant training and advanced training; develop contents and programs on annual professional knowledge updates for chief accountants of units with public interest.

- Adopt supporting measures to improve the professional qualifications and operations of accountant staff working in medium, small, and micro-enterprises.

3.6. Intensification and expansion of international cooperation

- Increase relationships and take advantage of the support of international professional accounting organizations and non-governmental organizations in studying and exchanging accounting experience; provide technical support for the innovation of the management model of the accounting profession as well as other professional accounting techniques.

- Study models of developed countries to apply to Vietnam in the organization and management of the inspection and supervision of financial reports and activities of developing and applying financial reporting standards; development of professional accounting techniques; development of accounting services; completion of models of training, exams, and issuance of accountant certificates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Increase ASEAN cooperation in the mutual recognition of accounting services, expand the exchange of professional accountants of ASEAN standards, and increase the number of Vietnamese accountants achieving ASEAN professional accounting certificates and participating in the provision of accounting services in ASEAN countries.

- Participate in the process of developing international financial reporting standards and public sector accounting standards of international accounting standard committees. Continue to provide support for professional organizations to adequately implement the membership role of organizations of the International Federation of Accountants (IFAC), ASEAN Federation of Accountants (AFA), and members of the Confederation of Asian and Pacific Accountants (CAPA).

3.7. Application of information technology and other operations

- Regarding technology application: Continue to review, reduce, and simplify administrative procedures to create favorable conditions and save time and costs for enterprises, accounting units, accounting service enterprises, and accountants. Effectively apply development achievements of information technology, satisfying requirements for the process of digitalization and digital transformation in accounting at state agencies, enterprises, and accounting units.

- Regarding other operations:  

+ Effectively and qualitatively implement the preparation of state financial reports to adequately show information on property, resources, and obligations of the Government of Vietnam and local authorities as the basis for the planning for policies on management and operation of finance and budget.

+ Develop a system of data serving the management and supervision of the accounting service market; connect information between agencies managing and supervising accounting and the stock market; ensure transparent and timely disclosure of information for the market regarding the staff of accounting enterprises, as well as practicing accountants.

+ Relevant units shall cooperate in organizing the system of information and data on the financial information of enterprises and accounting units for the utilization of data according to public services of organizations and individuals, ensuring official information is used in economic relationships and transactions.

+ Organize the accounting and financial apparatus at state accounting units in a lean and effective direction. Implement measures to improve the quality of the preparation and presentation of state financial reports, improving the accountability of units in the effective management and use of state property and resources from central to local levels. /.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



APPENDIX

DOCUMENTS GUIDING THE LAW ON ACCOUNTING

(1) Decree No. 174/2016/ND-CP dated December 30, 2016 of the Government of Vietnam elaborating on the Law on Accounting;

(2) Decree No. 25/2017/ND-CP dated March 14, 2017 of the Government of Vietnam on state financial reports;

(3) Decree No. 41/2018/ND-CP dated March 12, 2018 of the Government of Vietnam penalties for administrative violations in the fields of accounting and independent audit;  

(4) Decree No. 05/2019/ND-CP dated January 22, 2019 of the Government of Vietnam on internal audit;

(5) Decree No. 102/2021/ND-CP dated November 16, 2021 of the Government of Vietnam on amendments to some Articles of Decrees on penalties for administrative violations against regulations on tax and invoice; customs; insurance business and lottery business; management and use of public property; thrift practice and wastefulness prevention; national reserve; state treasury; accounting and independent audit;

(6) Circular No. 53/2016/TT-BTC dated March 21, 2016 on amendments to Circular No. 200/2014/TT-BTC dated December 22, 2014 guiding the corporate accounting system;

(7) Circular No. 133/2016/TT-BTC dated August 16, 2016 on accounting for small and medium enterprises;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(9) Circular No. 292/2016/TT-BTC dated November 15, 2016 on guidelines on the annual knowledge update for practicing accountants and persons registering for accounting practice;

(10) Circular No. 296/2016/TT-BTC dated November 15, 2016 on guidelines on the issuance, revocation, and management of accounting service practice registration certificates;

(11) Circular No. 297/2016/TT-BTC dated November 15, 2016 on issuance, management, and use of certificates of eligibility for engaging in the accounting service business;

(12) Circular No. 317/2016/TT-BTC dated December 7, 2016 on guidelines for accountants to apply regarding the Environment Protection Fund of Vietnam promulgated by the Minister of Finance of Vietnam;

(13) Circular No. 24/2017/TT-BTC dated March 28, 2017 on guidelines on accounting for cooperatives and unions of cooperatives; 

(14) Circular No. 77/2017/TT-BTC dated July 28, 2017 guiding regulations on State Budget Accounting and State Treasury Professional Operations promulgated by the Minister of Finance of Vietnam;

(15) Circular No. 91/2017/TT-BTC dated August 31, 2017 of the Ministry of Finance on exams, issuance, and management of auditor certificates and account certificates;

(16) Circular No. 107/2017/TT-BTC dated October 10, 2017 guiding administrative and public accounting regulations;

(17) Circular No. 16/2018/TT-BTC dated February 7, 2018 on guidelines for financial regulations applied to credit organizations and foreign bank branches;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(19) Circular No. 74/2018/TT-BTC dated August 16, 2018 on guidelines on accounting regulations for loans and repayments of the Government of Vietnam and local authorities; statistics and monitoring of debts from re-lending and guarantees of the Government of Vietnam;

(20) Circular No. 99/2018/TT-BTC dated November 1, 2018 on guidelines on the preparation of summarized financial reports of state accounting agencies that are superior accounting units promulgated by the Minister of Finance of Vietnam;

(21) Circular No. 102/2018/TT-BTC dated November 14, 2018 guiding social insurance accounting;

(22) Circular No. 103/2018/TT-BTC dated November 14, 2018 on accounting applied to the “For the Poor” Fund promulgated by the Minister of Finance of Vietnam; 

(23) Circular No. 108/2018/TT-BTC dated November 15, 2018 guiding national reserve accounting promulgated by the Minister of Finance of Vietnam;

(24) Circular No. 109/2018/TT-BTC dated November 15, 2018 on accounting applied to the Accumulated Fund for Debt Repayment promulgated by the Minister of Finance of Vietnam;

(25) Circular No. 112/2018/TT-BTC dated November 15, 2018 of the Ministry of Finance of Vietnam on amendments to Circular No. 174/2015/TT-BTC dated November 10, 2015 of the Ministry of Finance of Vietnam on guidelines on professional tax accounting and other collections regarding imported and exported goods promulgated by the Minister of Finance of Vietnam;

(26) Circular No. 132/2018/TT-BTC dated December 28, 2018 on accounting for micro-enterprises;

(27) Circular No. 133/2018/TT-BTC dated December 28, 2018 on guidelines on the preparation of state financial reports;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(29) Circular No. 44/2019/TT-BTC dated July 19, 2019 on amendments to Circular No. 292/2016/TT-BTC dated November 15, 2016 of the Minister of Finance of Vietnam on guidelines on the annual knowledge update for practicing accountants and persons registering for accounting practice and Circular No. 296/2016/TT-BTC dated November 15, 2016 of the Minister of Finance of Vietnam on guidelines on the issuance, revocation, and management of accounting service practice registration certificates;

(30) Circular No, 70/2019/TT-BTC dated October 3, 2018 guiding regulations on budget accounting and commune finance promulgated by the Minister of Finance of Vietnam;

(31) Circular No. 76/2019/TT-BTC dated November 5, 2019 guiding regulations on traffic and irrigation infrastructure property accounting promulgated by the Minister of Finance of Vietnam;

(32) Circular No. 79/2019/TT-BTC dated November 14, 2019 guiding accounting regulations applied to project management boards using public capital investment promulgated by the Minister of Finance of Vietnam;

(33) Circular No. 89/2019/TT-BTC dated December 26, 2019 guiding accounting regulations applied to the Vietnam Securities Depository;

(34) Circular No. 19/2020/TT-BTC dated March 31, 2020 on amendments to Circular No. 77/2017/TT-BTC dated July 28, 2017 guiding regulations on State Budget Accounting and State Treasury Professional Operations promulgated by the Ministry of Finance of Vietnam;

(35) Circular No. 39/2020/TT-BTC dated May 15, 2020 on amendments to reporting regulations prescribed in Circulars on accounting and independent audit;

(36) Circular No. 40/2020/TT-BTC dated May 15, 2020 guiding reporting regulations on accounting and independent audit prescribed in Decree No. 174/2016/ND-CP dated December 30, 2016 guiding the Law on Accounting and Decree No. 17/2012/ND-CP dated March 13, 2012 guiding the Law on Independent Audit;

(37) Circular No. 66/2020/TT-BTC dated July 10, 2020 promulgating modal regulations on internal audit applied to enterprises;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(39) Circular No. 08/2021/TT-BTC dated January 25, 2021 promulgating standards of internal audits and principles of professional ethics;

(40) Circular No. 09/2021/TT-BTC dated January 25, 2021 guiding the inspection of accounting service operations;

(41) Circular No. 26/2021/TT-BTC dated April 7, 2021 guiding accounting work during the conversion of public service providers into joint-stock companies;

(42) Circular No. 39/2021/TT-BTC dated June 1, 2021 on amendments to Circular No. 133/2018/TT-BTC dated December 29, 2018 of the Minister of Finance guiding the preparation of state financial reports;

(43) Circular No. 88/2021/TT-BTC dated October 11, 2021 on accounting for households businesses and individual businesses promulgated by the Minister of Finance of Vietnam;

(44) Circular No. 90/2021/TT-BTC dated October 13, 2021 guiding accounting regulations applied to the Non-Budget State Financial Fund promulgated by the Minister of Finance of Vietnam. 

 

 

[1] The Law on Accounting No. 88/2015/QH13 dated November 20, 2015.  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



[3] Clauses 1, 2, and 3 stipulate that accounting documents must be stored for a period of 5 years, 10 years, and permanently stored.

[4] For example, when units perform one of the methods of disclosing, such as issuing publications; notifying in writing; listing; posting on their pages or other forms as prescribed by law.

[5] For example, the Law on Credit Institutions, Law on Securities, Law on Investment, Law on Insurance Business, etc., have their typical regulations.

[6] Several provincial social organizations, such as the Association for the Blind and Association for Study Promotion are identified as accounting units. However, their organizational apparatus is ineligible for establishing the accounting apparatus.

[7] The reporting framework for enterprises includes: enterprises that apply international financial reporting standards; enterprises that apply Vietnam's financial reporting standards; enterprises that apply regulations on corporate accounting for small and medium enterprises and enterprises that apply regulations on corporate accounting for micro-enterprises.

[8] According to Decree No. 05/2019/ND-CP dated January 22, 2019 of the Government of Vietnam on internal audit.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn 8136/BTC-QLKT ngày 16/08/2022 về báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Kế toán do Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.704

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.113.197
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!