Một số quy định về phòng thủ dân sự theo Luật phòng thủ dân sự 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
14/05/2024 14:14 PM

Xin được hỏi phòng thủ dân sự là gì và những quy định về phòng thủ dân sự như thế nào? – Đức Văn (Khánh Hòa)

Những quy định về phòng thủ dân sự theo Luật phòng thủ dân sự năm 2023

Những quy định về phòng thủ dân sự theo Luật phòng thủ dân sự năm 2023 (Hình từ internet)

Thế nào là phòng thủ dân sự là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng thủ dân sự 2023  thì phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Phòng thủ dân sự là khái niệm không được nhiều người biết đến và thường bị nhầm lẫn với phòng thủ quân sự hơn. Nhưng đây là một bộ phận phòng thủ quan trọng của quốc gia, nhằm đối phó với các sự cố thảm họa, thiên tai, hậu quả chiến tranh,…Vai trò của phòng thủ dân sự mang tính nhân đạo, với nhiệm vụ chính bảo vệ và giúp đỡ người dân của quốc gia đó trước những nguy cơ đe dọa trên.

Một số quy định về phòng thủ dân sự theo Luật phòng thủ dân sự 2023

*Nguyên tắc hoạt động của phòng thủ dân sự

- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và Nhân dân.

- Được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương; có sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và lực lượng trong hoạt động phòng thủ dân sự.

- Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm bốn tại chỗ kết hợp với chi viện, hỗ trợ của trung ương, địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cơ, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống Nhân dân.

- Kết hợp phòng thủ dân sự với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, bảo vệ môi trường, hộ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Việc áp dụng các biện pháp, huy động nguồn lực trong phòng thủ dân sự phải kịp thời, hợp lý, khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với đối tượng, cấp độ phòng thủ dân sự theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Hoạt động phòng thủ dân sự phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch, bình đẳng giới và ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương.

(Điều 3 Luật Phòng thủ dân sự 2023)

*Cấp độ phòng thủ dân sự

 - Phòng thủ dân sự cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trọng phạm vi địa bàn cấp huyện, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách và chính quyền địa phương cấp xã;

- Phòng thủ dân sự cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp huyện;

- Phòng thủ dân sự cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp tỉnh.

(khoản 3 Điều 7 Luật Phòng thủ dân sự 2023)

*Biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa

Khi có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp quy định tại các luật khác có liên quan và biện pháp sau đây:

- Hướng dẫn và thực hiện sơ tán người, tài sản đến khu vực an toàn; bảo đảm phương tiện, trang bị bảo vệ cá nhân, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người tại địa điểm sơ tán;

- Đặt biển báo hiệu, trạm gác và hạn chế người, phương tiện vào khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa;

- Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chuyên trách tiếp cận hiện trường để kịp thời tiến hành các biện pháp ứng phó với sự cố, thảm họa;

- Tạm dừng một số hoạt động có thể làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa hoặc giảm hiệu quả các biện pháp ứng phó với sự cố, thảm họa;

- Chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó sự cố, thảm họa.

(Điều 18 Luật Phòng thủ dân sự 2023)

*Lực lượng phòng thủ dân sự

- Lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi.

- Lực lượng nòng cốt bao gồm:

+ Dân quân tự vệ, dân phòng;

+ Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và của Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương.

- Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.

- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

(Điều 35 Luật Phòng thủ dân sự 2023)

*Thẩm quyền chỉ đạo phòng thủ dân sự

 - Chính phủ chỉ đạo phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước.

 - Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ chỉ đạo về phòng thủ dân sự.

 - Các Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

  - Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện phòng thủ dân sự tại địa phương theo quy định của pháp luật.

(Điều 32 Luật Phòng thủ dân sự 2023)

Như vậy, có thể thấy phòng thủ dân sự ngoài lực lượng chức năng còn có sự chung tay tham gia của toàn thể người dân để cùng đối phó và vượt qua các vấn đề thiên tai, thảm họa…đe dọa đến tính mạng sự sống của người dân. Vì thế mọi người nên nắm một số quy định về phòng thủ dân sự để có thể phối hợp ứng biến với các lực lượng chức năng khi chẳng may có sự cố nguy hiểm xảy ra.

Trên đây là một số quy định về phòng thủ dân sự tại Việt Nam được quy định trong Luật Phòng thủ dân sự 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 513

Bài viết về

lĩnh vực Quốc phòng - An ninh

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn