Khủng bố mạng là gì? Cần làm gì khi xảy ra khủng bố mạng?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
15/05/2024 15:15 PM

Cho tôi hỏi, thế nào là khủng bố mạng và cần làm gì khi xảy ra khủng bố mạng? – Thu Hoài (Sóc Trăng)

 

Khủng bố mạng là gì? Cần làm gì khi xảy ra khủng bố mạng?

Khủng bố mạng là gì? Cần làm gì khi xảy ra khủng bố mạng? (Hình từ internet)

Khủng bố mạng là gì? Cần làm gì khi xảy ra khủng bố mạng?

Khủng bố mạng là việc sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật An ninh mạng 2018, khi xảy ra khủng bố mạng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện ngay các biện pháp sau:

- Vô hiệu hóa nguồn Internet sử dụng để thực hiện hành vi khủng bố;

- Ngăn chặn việc thiết lập và mở rộng trao đổi thông tin về các tín hiệu, nhân tố, phương pháp và cách sử dụng Internet để thực hiện hành vi khủng bố, về mục tiêu và hoạt động của các tổ chức khủng bố trên mạng;

- Trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn kiểm soát các nguồn Internet, tìm và kiểm soát nội dung của trang tin điện tử có mục đích khủng bố;

- Và các biện pháp về phòng, chống khủng bố khác.

Tuy nhiên, việc bị khủng bố an ninh mạng cho dù có khắc phục được thì cũng sẽ có thể để lại những hậu quả không nhỏ như bị mất dữ liệu,… Cho nên phòng ngừa khủng bố xảy ra luôn là ưu tiên hàng đầu.

Điều 20 Luật An ninh mạng 2018 đã có những hướng dẫn chi tiết trong việc phòng ngừa khủng bố mạng, cụ thể như sau:

- Chủ quản hệ thống thông tin thường xuyên rà soát, kiểm tra hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý nhằm loại trừ nguy cơ khủng bố mạng.

- Khi phát hiện dấu hiệu, hành vi khủng bố mạng, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải kịp thời báo cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng. Cơ quan tiếp nhận tin báo có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ tin báo về khủng bố mạng và kịp thời thông báo cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.

- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành có liên quan triển khai công tác phòng, chống khủng bố mạng, áp dụng biện pháp vô hiệu hóa nguồn khủng bố mạng, xử lý khủng bố mạng, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra đối với hệ thống thông tin

- Đối với hệ thống quân sự: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành có liên quan triển khai công tác phòng, chống khủng bố mạng, áp dụng biện pháp xử lý khủng bố mạng.

- Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành có liên quan triển khai công tác phòng, chống khủng bố mạng, áp dụng biện pháp xử lý khủng bố mạng xảy ra đối với hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.

Tuyển chọn, đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng

Theo Điều 30 Luật An ninh mạng 2018, lực lượng bảo vệ an ninh mạng được chia thành 03 nhóm, gồm:

- Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

- Lực lượng bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

- Tổ chức, cá nhân được huy động tham gia bảo vệ an ninh mạng.

Hiện nay, nước ta đang ưu tiên đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng có chất lượng cao kết hợp với phát triển cơ sở đào tạo an ninh mạng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Khuyến khích liên kết hợp tác về an ninh mạng giữa tư nhân, nhà nước và nước ngoài.

Để có thể được tuyển chọn vào lực lượng bảo vệ an ninh mạng thì cần đáp ứng điều kiện là công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, sức khỏe, trình độ, kiến thức về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, công nghệ thông tin, có nguyện vọng.

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,645

Bài viết về

lĩnh vực Quốc phòng - An ninh

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn