Dự kiến trình Quốc hội Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vào tháng 2 năm 2025

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
01/02/2025 17:00 PM

Dưới đây là nội dung về việc dự kiến trình Quốc hội Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vào tháng 2 năm 2025, theo Nghị quyết của Chính phủ.

Dự kiến trình Quốc hội Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vào tháng 2 năm 2025

Dự kiến trình Quốc hội Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vào tháng 2 năm 2025 (Hình từ internet)

Chính phủ ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 18/01/2025 về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2025.

Dự kiến trình Quốc hội Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vào tháng 2 năm 2025

Theo đó, về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi):

Chính phủ đánh giá cao Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Chính phủ thống nhất sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cụ thể hóa tư tưởng đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua.

Chính phủ giao Bộ Tư pháp khẩn trương tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan; thẩm định dự án Luật để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để gửi xin ý kiến Thành viên Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội dự án Luật này tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, tháng 02 năm 2025, đáp ứng các yêu cầu cụ thể sau:

- Thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng pháp luật tại Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Quy định 178-QĐ/TW về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là ý kiến kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn 12918-CV/VPTW ngày 06 tháng 01 năm 2025 của Văn phòng Trung ương Đảng về Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.

- Quán triệt tinh thần đổi mới, thông thoáng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật; quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trình dự án luật trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua luật; không nhất thiết phải thông qua luật tại 02 kỳ họp.

- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường kiểm soát quyền lực, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

- Rà soát, xác định những quy định của Luật hiện hành còn phù hợp, được thực tiễn kiểm nghiệm, đa số đồng tình, ủng hộ, thực hiện có hiệu quả để kế thừa, quy định tại dự thảo Luật; những nội dung sửa đổi, bổ sung cần được thuyết minh, giải trình đầy đủ, rõ ràng, có số liệu, lập luận để bảo đảm tính thuyết phục; việc đề xuất chính sách mới cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi của quy định; tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm thể chế chính trị và mô hình tổ chức bộ máy của Việt Nam.

Về một số nội dung cơ bản của dự án Luật, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan của Quốc hội trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm sự đồng thuận cao về những nội dung cơ bản, quan trọng của dự án Luật, trong đó cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

- Về đổi mới Chương trình lập pháp của Quốc hội: Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể hóa trình tự, thủ tục thực hiện Chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội và việc tách quy trình xây dựng chính sách ra khỏi quy trình xây dựng Chương trình lập pháp hằng năm để bảo đảm tính khả thi; đồng thời có giải trình, thuyết minh cụ thể để tạo sự thống nhất, đồng thuận từ phía Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

- Về đổi mới trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh: Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, quy định hợp lý các loại văn bản quy phạm pháp luật phải xây dựng chính sách, bảo đảm rõ ràng, thống nhất trong cách hiểu và tổ chức thực hiện. Rà soát kỹ quy trình xem xét, thông qua luật để bảo đảm cơ chế phân công, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan, tổ chức trình dự án luật với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chủ trì thẩm tra; tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc phản biện nội dung dự thảo luật; xác định đúng vị trí, vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình này, bảo đảm thông suốt trong quá trình thực hiện; không “tuyệt đối hóa” vai trò của cơ quan, tổ chức trình dự án luật, tránh dẫn đến vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn: Chính phủ cơ bản thống nhất sự cần thiết bổ sung một số trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn và quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục đặc biệt để đáp ứng yêu cầu xử lý những vấn đề khẩn cấp, cấp bách phát sinh trên thực tiễn. Bộ Tư pháp rà soát, quy định rõ các trường hợp áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tránh lạm dụng trong quá trình tổ chức thực hiện và bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

- Về bổ sung hình thức nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật: Chính phủ thống nhất việc bổ sung hình thức nghị quyết của Chính phủ để xử lý một hoặc một số vấn đề cụ thể phát sinh từ thực tiễn, áp dụng cho một hoặc một số đối tượng trong khoảng thời gian nhất định và quy định thí điểm một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ; đồng thời quy định quy trình riêng cho hình thức Nghị quyết này, bảo đảm ban hành nhanh, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Về việc phân định rõ thẩm quyền lập pháp, lập quy: Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước và các văn bản liên tịch; đối với các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương thì giao Chính phủ quy định chi tiết. Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khái niệm “văn bản quy phạm pháp luật” để thể chế hóa yêu cầu của Bộ Chính trị về việc tăng cường ban hành các đạo luật đa ngành, luật để giải quyết một số vấn đề cụ thể của thực tiễn.

- Về giải thích áp dụng văn bản quy phạm pháp luật: Bộ Tư pháp rà soát kỹ các trường hợp giải thích, thẩm quyền giải thích, hình thức văn bản giải thích và quy trình ban hành văn bản giải thích để bảo đảm tính khả thi, tránh kéo dài thời gian giải quyết, xử lý vấn đề thực tiễn phát sinh.

- Về việc thể chế hóa Quy định 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật: Bộ Tư pháp nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật một số nguyên tắc về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp, luật, trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và một số quy định đặc thù cần phải cụ thể hóa vai trò, quy trình xin ý kiến cấp ủy Đảng (nếu cần thiết); những nội dung khác thực hiện theo quy định cụ thể tại Quy định 178-QĐ/TW.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trực tiếp chỉ đạo Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định.

Xem thêm nội dung tại Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 18/01/2025.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]