Thành phố Thủ Đức và Thành phố Hồ Chí Minh khác nhau thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
28/03/2023 08:39 AM

Thành phố Thủ Đức thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên ở Việt Nam. Vậy thành phố Thủ Đức và Thành phố Hồ Chí Minh khác nhau thế nào? - Hoài Nam (Bình Dương)

Thành phố Thủ Đức và Thành phố Hồ Chí Minh khác nhau thế nào?

Thành phố Thủ Đức và Thành phố Hồ Chí Minh khác nhau thế nào? (Hình từ internet)

Vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thành phố Thủ Đức và Thành phố Hồ Chí Minh khác nhau thế nào?

Theo Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:

- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);

- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);

- Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);

- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc Trung ương còn thành phố Thủ Đức là thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. 

Mặc dù cùng mang danh xưng "thành phố" nhưng Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh, còn thành phố Thủ Đức là đơn vị hành chính cấp huyện.

2. Tiêu chuẩn của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương

Tiêu chuẩn của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Điều 5 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi tại Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15) như sau:

- Quy mô dân số từ 150.000 người trở lên.

- Diện tích tự nhiên từ 150 km2 trở lên.

- Đơn vị hành chính trực thuộc:

+ Số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên;

+ Tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65% trở lên.

- Đã được công nhận là đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III.

- Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ Lục ban hành kèm theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi tại Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15).

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương

Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương theo Điều 52 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015:

- Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

- Quyết định những vấn đề của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền.

- Kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã.

- Chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương cấp tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

- Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương

Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Điều 55 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015:

- Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên.

Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương loại I có không quá ba Phó Chủ tịch; thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương loại II và loại III có không quá hai Phó Chủ tịch.

Ủy viên Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.

- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương gồm có các phòng và cơ quan tương đương phòng.

Võ Văn Hiếu

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 52,183

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn