Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Kinh doanh đường sắt: Những văn bản hướng dẫn cần biết

Kinh doanh đường sắt là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Dưới đây là quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động kinh doanh đường sắt.

Hoạt động kinh doanh đường sắt là gì?

Hoạt động kinh doanh đường sắt bao gồm kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị:

Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ hoạt động đầu tư, sử dụng, bán, cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt để phục vụ hoạt động vận tải đường sắt và các dịch vụ thương mại khác nhằm mục đích sinh lợi (Khoản 20 Điều 3 Luật Đường sắt năm 2017).

Kinh doanh vận tải đường sắt là việc thực hiện vận chuyển hành khách, hành lý và hàng hóa bằng đường sắt nhằm mục đích sinh lợi (Khoản 21 Điều 3 Luật Đường sắt năm 2017).

- Kinh doanh đường sắt đô thị là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các công đoạn từ đầu tư đến vận chuyển hành khách trong đô thị nhằm mục đích sinh lợi (khoản 22 Điều 3 Luật Đường sắt năm 2017).

Hoạt động kinh doanh đường sắt là hoạt động kinh doanh có điều kiện.

(Tổng hợp văn bản hướng dẫn về Kinh doanh đường sắt. Nguồn hình: Internet)

Điều kiện doanh nghiệp cần đáp ứng khi kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt 

Căn cứ theo Điều 20 Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt như sau:

- Có bộ phận phụ trách công tác an toàn. Người phụ trách bộ phận an toàn kết cấu hạ tầng đường sắt phải có trình độ đại học về chuyên ngành xây dựng công trình đường sắt và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp một trong các lĩnh vực: Xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

- Có ít nhất 01 người quản lý doanh nghiệp có trình độ đại học và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp một trong các lĩnh vực: Xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

- Kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc trách nhiệm quản lý của doanh nghiệp phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Điều kiện doanh nghiệp cần đáp ứng khi kinh doanh vận tải đường sắt

Căn cứ theo Điều 21 Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường sắt như sau:

Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải có đủ các điều kiện sau:

- Có bộ phận phụ trách công tác an toàn vận tải đường sắt.

- Có ít nhất 01 người phụ trách công tác an toàn có trình độ đại học về chuyên ngành vận tải đường sắt và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp về quản lý, khai thác vận tải đường sắt.

- Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý kỹ thuật khai thác vận tải phải có trình độ đại học và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc về khai thác vận tải đường sắt.

Điều kiện đối với kinh doanh đường sắt đô thị

Căn cứ theo Điều 22 Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định điều kiện đối với kinh doanh đường sắt đô thị như sau:- Hệ thống đường sắt đô thị khi được đưa vào kinh doanh, khai thác phải có chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định của pháp luật.

- Có bộ phận phụ trách công tác an toàn kết cấu hạ tầng đường sắt, công tác an toàn vận tải đường sắt, trong đó:

+ Người phụ trách bộ phận an toàn kết cấu hạ tầng đường sắt có trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp một trong các lĩnh vực: Xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt;

+ Người phụ trách bộ phận an toàn vận tải đường sắt có trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực khai thác vận tải đường sắt.

- Có ít nhất 03 người quản lý, điều hành doanh nghiệp có trình độ từ đại học trở lên, trong đó:

+ 01 người có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp một trong các lĩnh vực: Xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt;

+ 01 người có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực khai thác vận tải đường sắt;

+ 01 người có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp về quản lý, vận dụng, sửa chữa đầu máy, toa xe;

- Đối với các tuyến đường sắt đô thị lần đầu tiên đưa vào khai thác, trong thời gian 03 năm kể từ thời điểm bắt đầu khai thác mà chưa bố trí được nhân lực có điều kiện về số năm kinh nghiệm công tác theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Nghị định 65/2018/NĐ-CP thì trong 03 năm đầu khai thác phải đảm bảo các điều kiện sau:

+ Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt phải có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành xây dựng công trình đường sắt, có bằng hoặc chứng chỉ đào tạo chuyển giao công nghệ về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt của tuyến đường sắt đô thị được giao quản lý;

+ Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý khai thác vận tải đường sắt phải có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành khai thác vận tải đường sắt hoặc kinh tế - vận tải đường sắt, có bằng hoặc chứng chỉ đào tạo chuyển giao công nghệ về quản lý, khai thác vận tải của tuyến đường sắt đô thị được giao quản lý;

+ Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý đầu máy, toa xe phải có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành đầu máy, toa xe, có bằng hoặc chứng chỉ đào tạo chuyển giao công nghệ về đầu máy, toa xe đường sắt đô thị được giao quản lý.

- Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị phải có đầy đủ các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình vận hành, khai thác.

Tổng hợp văn bản hướng dẫn về Kinh doanh đường sắt

1

Luật Đường sắt 2017

- Luật Đường sắt năm 2017 số 06/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt. Trong đó cần lưu ý một số quy định sau hướng dẫn về kinh doanh đường sắt:

+ Điều 49 quy định về hoạt động kinh doanh đường sắt;

+ Điều 50 quy định về kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt;

+ Điều 50 quy định về kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt;

+ Điều 54 quy định về hợp đồng vận tải hành khách, hành lý;

+ Điều 55 quy định về hợp đồng vận tải hàng hóa;

+ Điều 70 quy định về yêu cầu chung đối với đường sắt đô thị.

2

Luật Đầu tư 2020

Luật Đầu tư 2020 số 61/2020/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài.

Tại Phụ lục IV Luật này quy định về các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bao gồm một số hoạt động kinh doanh đường sắt sau:

- Kinh doanh vận tải đường sắt;

- Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt;

- Kinh doanh đường sắt đô thị.

3

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Mục 5 Chương 3 Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính về kinh doanh đường sắt.

4

Nghị định 65/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đường sắt

Nghị định 65/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Điều kiện kinh doanh đường sắt; hỗ trợ đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trong việc thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội được quy định cụ thể tại Chương IV, Chương V Nghị định này.

5

Thông tư 49/2019/TT-BGTVT hướng dẫn về quy trình, hồ sơ thanh quyết toán, thủ tục hỗ trợ giá cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, nhiệm vụ an sinh xã hội do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 49/2019/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2020 quy định quy trình, hồ sơ thanh quyết toán, thủ tục hỗ trợ giá cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, nhiệm vụ an sinh xã hội.

6

Thông tư 09/2018/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 09/2018/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 quy định về vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.

7

Thông tư 24/2018/TT-BGTVT quy định về xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 24/2018/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 quy định việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia; điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng; giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư.

Việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện.

8

Thông tư 11/2019/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 24/2018/TT-BGTVT quy định về xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 11/2019/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/05/2019 sửa đổi một số điều Thông tư 24/2018/TT-BGTVT. Một số quy định đã được sửa đổi như sau:

+ Khoản 1 Điều 1 sửa đổi Điều 17 Thông tư số 24/2018/TT-BGTVT quy định về giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt;

+ Khoản 2 Điều 1 sửa đổi Điều 21 Thông tư số 24/2018/TT-BGTVT quy định về điều chỉnh giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt;

+ Điều 2 bãi bỏ Khoản 3 Điều 18 của Thông tư số 24/2018/TT-BGTVT quy định về nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt.

9

Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo đối với cơ sở đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 15/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/09/2023 quy định về Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu và điều kiện, nội dung sát hạch cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị trên Đường sắt đô thị tại  Mục 2 Chương II và Chương VI.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.16.51.237
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!