Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản về quản lý cây xanh đô thị hiện hành

Quản lý cây xanh đô thị gồm các hoạt động quy hoạch, trồng, chăm sóc, ươm cây, dịch duyển, bảo vệ và chặt hạ. Các hoạt động này phải tuân theo quy định tại các văn bản dưới đây:

1. Cây xanh đô thị là gì?

Tại Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 2 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định:

Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ, khái niệm được hiểu như sau:

2. Cây xanh đô thị là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị.

3. Cây xanh sử dụng công cộng đô thị là các loại cây xanh được trồng trên đường phố (gồm cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông); cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị.

4. Cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị là cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng.

5. Cây xanh chuyên dụng trong đô thị là các loại cây trong vườn ươm hoặc phục vụ nghiên cứu.

Như vậy, cây xanh đô thị gồm 03 loại là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị.

Việc quản lý cây xanh đô thị phải tuân thủ theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Nghị định 64/2010/NĐ-CP.

Tổng hợp văn bản về quản lý cây xanh đô thị hiện hành (Hình từ Internet)

2. Điều kiện chặt hạ cây xanh đô thị

Nội dung này được quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 64/2010/NĐ-CP. Theo đó, cây xanh đô thị sẽ được chặt hạ khi:

- Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm;

- Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn;

- Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.

3. Cây xanh đổ gãy làm bị thương hoặc gây chết người, ai chịu trách nhiệm?

Tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định chung về trồng, chăm sóc cây xanh đô thị như sau: “Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.

Tại Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ: chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

Tuy nhiên, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 lại quy định trường hợp không phải bồi thường nếu thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng. Theo đó Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 đã giải thích “sự kiện bất khả kháng là sự kiện được xảy ra một cách khách quan, không lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Từ những quy định trên, để có thể xác định được trách nhiệm bồi thường trong trường hợp cây xanh đổ gãy gây bị thương hoặc chết người thì cần phải xem xét đơn vị quản lý cây xanh trong trường hợp này đã thực hiện hết trách nhiệm của mình hay chưa và người bị thiệt hại có lỗi hay không.

4. Danh mục văn bản quy định về quản lý cây xanh đô thị

1

Luật Quy hoạch đô thị 2009

Nội dung quản lý cây xanh đô thị trong hệ thống các công trình hạ tầng và không gian ngầm đô thị theo quy hoạch được quy định tại Điều 68 Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 có hiệu lực từ ngày 01/01/2010.

2

Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị

Nghị định 64/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/07/2010 quy định về quản lý cây xanh tại các đô thị trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, quy định các nội dung quan trọng trong hoạt động quản lý cây xanh đô thị như: quy hoạch, trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ và chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị; trách nhiệm quản lý cây xanh đô thị.

3

Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng

Tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định chi tiết nhiều vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, có hiệu lực từ ngày 28/01/2022. Theo đó, hành vi vi phạm về quản lý cây xanh đô thị được quy định tại Điều 54 với mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc trồng cây xanh đô thị đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, chủng loại, tiêu chuẩn cây tùy vào từng hành vi vi phạm.

4

Thông tư 20/2005/TT-BXD hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị do Bộ Xây dựng ban hành

Khuyến khích các hộ gia đình tự trồng cây xanh, đặc biệt trồng và chăm sóc cây trước mặt nhà, trên các tuyến phố theo quy hoạch và các quy định về chủng loại cây được duyệt, quy định tại Khoản 4 Mục VI là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 20/2005/TT-BXD áp dụng từ ngày 21/01/2006

5

Thông tư 14/2017/TT-BXD về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

Thông tư 14/2017/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/02/2018 hướng dẫn xác định và quản lý chi phí các dịch vụ công ích đô thị sau:

- Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đô thị;

- Duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị;

- Duy trì, phát triển hệ thống cây xanh đô thị.

Một số dịch vụ công ích đô thị khác  thì Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nội dung hướng dẫn của Thông tư này áp dụng cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

6

Thông tư 20/2009/TT-BXD sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2005/TT-BXD hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị do Bộ Xây dựng ban hành

Tiêu chuẩn cây xanh đưa ra trồng quy định tại Điều 4 là nội dung nổi bật tại Thông tư 20/2009/TT-BXD, có hiệu lực từ ngày 15/08/2009. Cụ thể:

- Đối với cây tiểu mộc có chiều cao tối thiểu từ 2,0 m trở lên và đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn từ 4,0 cm trở lên;

- Đối với cây trung mộc và đại mộc có chiều cao tối thiểu từ 3,0 m trở lên và đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn từ 5,0 cm trở lên.

- Tán cây cân đối, không sâu bệnh, thân cây thẳng.

7

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8270:2009 về Quy hoạch cây xanh sử dụng hạn chế và chuyên dụng trong đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế

TCVN 8270:2009 được công bố tại Quyết định 3099/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2009. TCVN 8270:2009 quy định tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong các đô thị; quy định các chỉ tiêu diện tích đất cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong các đô thị.

8

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 về Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế

TCVN 9257:2012 được công bố tại Quyết định 3621/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2012. TCVN 9257:2012 quy định tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị; quy định các chỉ tiêu diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng áp dụng cho các loại đô thị.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.239.3.196
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!