Cho vay tiêu dùng là gì? Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
06/12/2022 19:00 PM

Cho vay tiêu dùng là gì? Và lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính được quy định thế nào? - Hoàng Khánh (Tiền Giang)

Cho vay tiêu dùng là gì? Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính

Cho vay tiêu dùng là gì? Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cho vay tiêu dùng là gì?

Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN thì cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng). 

Mức tổng dư nợ quy định tại khoản này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật.

Theo đó, nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 18/2019/TT-NHNN) bao gồm:

- Mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình;

- Chi phí học tập, khám, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao;

- Chi phí sửa chữa nhà ở.

2. Điểm giới thiệu dịch vụ cho vay tiêu dùng của công ty tài chính

Điểm giới thiệu dịch vụ cho vay tiêu dùng theo Điều 6 Thông tư 43/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 18/2019/TT-NHNN) như sau:

- Công ty tài chính thực hiện cho vay tiêu dùng được mở điểm giới thiệu dịch vụ tại nơi cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng để giới thiệu các sản phẩm cho vay tiêu dùng, thu thập thông tin, nhu cầu vay vốn của khách hàng nhằm hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng.

Công ty tài chính không được thực hiện hoạt động khác tại điểm giới thiệu dịch vụ.

- Công ty tài chính phải ký kết hợp đồng về việc mở điểm giới thiệu dịch vụ với bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nơi công ty tài chính mở điểm giới thiệu dịch vụ, trong đó phải quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan và thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

- Công ty tài chính chịu trách nhiệm về hoạt động của điểm giới thiệu dịch vụ, bảo đảm thông tin về sản phẩm cho vay tiêu dùng cung cấp cho khách hàng tại các điểm giới thiệu dịch vụ được thống nhất, đầy đủ và trung thực.

- Công ty tài chính báo cáo Ngân hàng Nhà nước theo quy định sau đây:

+ Khi có phát sinh thay đổi người quản lý, phụ trách điểm giới thiệu dịch vụ, công ty tài chính phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi có điểm giới thiệu dịch vụ theo quy định sau đây:

++ Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo được lập bằng văn bản, gửi đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo một trong các hình thức sau: gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua hệ thống thư điện tử của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố;

++ Thời hạn gửi báo cáo: trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thay đổi người quản lý, phụ trách điểm giới thiệu dịch vụ;

++ Đề cương báo cáo theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 18/2019/TT-NHNN.

Phụ lục số 01

+ Trường hợp mở, chấm dứt hoặc dự kiến mở, chấm dứt điểm giới thiệu dịch vụ, công ty tài chính phải báo cáo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi công ty tài chính mở, chấm dứt, dự kiến mở, chấm dứt điểm giới thiệu dịch vụ theo quy định sau đây:

++ Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo được lập bằng văn bản, gửi đến Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo một trong các hình thức sau: gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua hệ thống thư điện tử của Ngân hàng Nhà nước;

++ Thời gian chốt số liệu: tính từ ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của quý báo cáo đến ngày cuối cùng của tháng cuối cùng của quý báo cáo;

++ Thời hạn gửi báo cáo: trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc đầu tiên của tháng đầu tiên quý liền kề quý báo cáo;

++ Đề cương báo cáo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng theo Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư 18/2019/TT-NHNN; đề cương báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư 18/2019/TT-NHNN.

Phụ lục số 02
Phụ lục số 03

3. Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính

Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo Điều 9 Thông tư 43/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 18/2019/TT-NHNN) như sau:

- Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

- Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.

- Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung khung lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải thực hiện: 

Gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi công ty tài chính đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ báo cáo về khung lãi suất cho vay tiêu dùng theo Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư 18/2019/TT-NHNN.

Phụ lục số 04

4. Phương thức cho vay tiêu dùng của công ty tài chính

Theo Điều 8 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định công ty tài chính thỏa thuận với khách hàng việc áp dụng các phương thức cho vay tiêu dùng sau đây:

- Cho vay từng lần: Mỗi lần cho vay, công ty tài chính và khách hàng thực hiện thủ tục cho vay và ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

- Cho vay theo hạn mức: Công ty tài chính xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. 

Trong hạn mức cho vay, công ty tài chính thực hiện cho vay từng lần. Mỗi năm ít nhất một lần, công ty tài chính xem xét, xác định lại mức dư nợ cho vay tối đa và thời gian duy trì mức dư nợ này phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng.

5. Hợp đồng cho vay tiêu dùng của công ty tài chính

Hợp đồng cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo Điều 10 Thông tư 43/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 18/2019/TT-NHNN) như sau:

* Hợp đồng cho vay tiêu dùng phải được lập thành văn bản, trong đó tối thiểu có các nội dung sau đây:

- Tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của công ty tài chính; tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của khách hàng;

- Số tiền cho vay; hạn mức cho vay đối với trường hợp cho vay theo hạn mức;

- Mục đích sử dụng vốn vay;

- Phương thức cho vay;

- Thời hạn cho vay; thời hạn duy trì hạn mức đối với trường hợp cho vay theo hạn mức;

- Lãi suất cho vay tiêu dùng theo thỏa thuận và mức lãi suất cho vay tiêu dùng quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó; 

Nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay;

- Giải ngân vốn cho vay và việc sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay;

- Việc trả nợ gốc, lãi tiền vay và thứ tự thu hồi nợ gốc, lãi tiền vay; hình thức thông báo cho khách hàng về lịch trả nợ gốc, lãi tiền vay khi có điều chỉnh;

- Quy định về việc trả nợ trước hạn, trong đó bao gồm điều kiện trả nợ trước hạn, phí trả nợ trước hạn và hình thức thông báo cho khách hàng về kế hoạch trả nợ gốc, lãi đối với dư nợ gốc còn lại trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn một phần khoản vay tiêu dùng;

- Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được công ty tài chính chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hình thức và nội dung thông báo về việc chuyển nợ quá hạn. 

Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn;

- Các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan; biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng cho vay tiêu dùng;

- Trách nhiệm của khách hàng trong việc phối hợp với công ty tài chính và cung cấp các tài liệu liên quan đến khoản vay để công ty tài chính thực hiện thẩm định và quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;

- Các trường hợp chấm dứt cho vay; thu nợ trước hạn; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ trước hạn khi công ty tài chính chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn; hình thức và nội dung thông báo chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn. 

Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn;

- Xử lý nợ vay; phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; quyền và trách nhiệm của các bên;

- Hiệu lực của hợp đồng cho vay tiêu dùng.

* Ngoài các nội dung quy định ở trên thì các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác phù hợp với quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan.

* Hợp đồng cho vay tiêu dùng quy định  được lập dưới hình thức hợp đồng cho vay cụ thể (đối với cho vay từng lần) hoặc hợp đồng hạn mức và hợp đồng cho vay cụ thể (đối với cho vay theo hạn mức).

* Công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, trong đó bao gồm:

- Quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay tiêu dùng;

- Các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ;

- Biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được công ty tài chính cung cấp thông tin theo quy định, để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

* Trường hợp sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải thực hiện:

- Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính;

- Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được công ty tài chính cung cấp đầy đủ thông tin.

>>> Xem thêm: Bị công ty tài chính gọi điện thoại khủng bố, nhắn tin đe dọa nhiều lần, hướng giải quyết như thế nào?

Công ty tài chính vụ cho vay tiền online có được phép liên hệ cho người thân của người vay tiền để nhắc trả nợ hay không?

Thế nào là vay trả góp? Thủ tục, hồ sơ vay trả góp cần những giấy tờ gì? Những lưu ý quan trọng khi vay trả góp?

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 21,482

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn