6/19 tỉnh, thành phía Nam đã kiềm chế, từng bước đẩy lùi dịch bệnh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
31/08/2021 09:32 AM

06 tỉnh gồm Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau đã kiềm chế, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế.

Đây là nội dung tại Thông báo 226/TB-VPCP ngày 30/8/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Kết luận nêu rõ: Công tác phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả nhất định. Một số tỉnh, thành phố, trong đó có 6 tỉnh (Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) đã kiềm chế, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế;

13 tỉnh, thành phố (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng) đã thực hiện được một số tiêu chí kiểm soát dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế nhưng cần tiếp tục quyết liệt, mạnh mẽ, tích cực triển khai hiệu quả hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch;

Đặc biệt còn 4 tỉnh, thành phố (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang) tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh do đặc thù địa bàn với nhiều khu vực tập trung đông dân cư, nhà trọ, là trung tâm giao thương kinh tế lớn của cả nước, có tính đặc thù rất lớn, vì vậy, Thành phố đã cố gắng rồi cần tiếp tục cố gắng hơn nữa, quyết liệt, thực hiện triệt để hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới:

- Xác định mỗi người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch.

- Lãnh đạo các địa phương, nhất là lãnh đạo cấp cơ sở cần quán triệt sâu sắc, thấm nhuần tinh thần chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung đã được quy định tại Nghị quyết 86/NQ-CP, Công điện 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 và Công điện 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021.

- Phòng dịch vẫn là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

- Khi dịch bệnh bùng phát, triển khai ngay thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”, đặc biệt cách ly triệt để, chặt chẽ, nghiêm ngặt các ổ dịch, nguồn lây; tranh thủ “thời gian vàng” thực hiện giãn cách, tổ chức triển khai xét nghiệm thần tốc trên diện rộng để nhanh chóng phát hiện, tách nguồn lây (F0) ra khỏi gia đình, cộng đồng để phân loại, chăm sóc, điều trị kịp thời, hiệu quả; rút ngắn chu kỳ xét nghiệm bao phủ và trả kết quả; ngăn chặn, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra vùng nông thôn nơi có hạ tầng y tế còn hạn chế; tổ chức ưu tiên tiêm chủng an toàn, hiệu quả cho các đối tượng cần thiết theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình thực tế tại địa phương.

- Khi thực hiện giãn cách, phải bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, lưu ý hỗ trợ người không có điều kiện, thiếu lương thực, thực phẩm (người bị đứt bữa), người yếu thế, những người “lang thang, cơ nhỡ”, kể cả các gia đình có điều kiện nhưng có khó khăn mặt nào thì hỗ trợ mặt đó.

Xem thêm tại Thông báo 226/TB-VPCP được ban hành ngày 30/8/2021.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,918

Bài viết về

Phòng chống COVID-19

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn