Hướng dẫn thanh toán kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa từ 01/01/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
25/11/2024 12:45 PM

Sau đây là bài viết về thanh toán kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa từ 01/01/2025 được quy định trong Thông tư 37/2024/TT-BGTVT.

Hướng dẫn thanh toán kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa từ 01/01/2025

Hướng dẫn thanh toán kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa từ 01/01/2025 (Hình từ Internet)

Ngày 15/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 37/2024/TT-BGTVT quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo chất lượng thực hiện.

Hướng dẫn thanh toán kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa từ 01/01/2025

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 37/2024/TT-BGTVT thì việc thanh toán kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo chất lượng thực hiện được thực hiện như sau:

- Nhà thầu được thanh toán kinh phí trong kỳ thanh toán tương ứng với tỷ lệ điểm nghiệm thu đạt được. Ngoài ra, trong thời gian thực hiện Hợp đồng, nhà thầu còn bị giảm trừ số điểm đạt được đối với các trường hợp sau:

+ Giảm trừ 25% số điểm còn lại của hạng mục công việc của tháng được nghiệm thu khi lần thứ 2 được đánh giá đạt dưới 75%;

+ Giảm trừ 50% số điểm còn lại của hạng mục công việc của tháng được nghiệm thu khi lần thứ 3 được đánh giá đạt dưới 75% hoặc lần thứ 2 đánh giá đạt dưới 50%.

- Xem xét chấm dứt hợp đồng và không được tham gia dự thầu thực hiện quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa năm tiếp theo khi có hạng mục công việc lần thứ 4 đánh giá đạt dưới 75% hoặc lần thứ 3 đánh giá đạt dưới 50%.

- Đối với các tồn tại hiện trường được xác định khi nghiệm thu mà nhà thầu chưa khắc phục theo thời gian quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 37/2024/TT-BGTVT thì phần chưa khắc phục được tính cộng vào kết quả giám sát, nghiệm thu chưa hoàn thành của tháng liền kề.

- Giá trị hợp đồng của từng hạng mục công việc trên tuyến, đoạn tuyến đường thủy nội địa được chia đều cho các tháng làm cơ sở thanh toán và giảm trừ kinh phí.

Quy định về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa

Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định 45/2018/NĐ-CP bao gồm:

- Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa (bao gồm vùng đất, vùng nước gắn với tài sản) gồm:

+ Đường thủy nội địa: Luồng chạy tàu thuyền; âu tàu; các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá vụng, vịnh, ven bờ thủy nội địa, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy;

+ Hành lang bảo vệ luồng;

+ Cảng thủy nội địa;

+ Bến thủy nội địa;

+ Khu neo đậu ngoài cảng;

+ Kè, đập giao thông;

+ Báo hiệu đường thủy nội địa;

+ Các công trình phụ trợ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành giao thông đường thủy nội địa.

- Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia được xác định theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Xem thêm Thông tư 37/2024/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025 và thay thế Thông tư 08/2019/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo chất lượng thực hiện.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 171

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]