Các điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông đường bộ từ 2025 (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 35 Nghị định 165/2024/NĐ-CP thì các điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông đường bộ bao gồm:
- Tổ chức tư vấn thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải được thành lập theo quy định của pháp luật, bảo đảm quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Đường bộ 2024:
“Điều 29. Thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông đường bộ
...
4. Tổ chức kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải đáp ứng các điều kiện về ngành, nghề đầu tư kinh doanh, bảo đảm độc lập với đơn vị thi công và tổ chức tư vấn thiết kế đã lập hồ sơ dự án, thiết kế công trình đối với công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoặc tổ chức quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường đối với công trình đường bộ đang khai thác.”
Và đáp ứng điều kiện về năng lực như sau:
+ Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A và nhóm B, phải có ít nhất 10 người là thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 04 thẩm tra viên là kỹ sư công trình đường bộ, 01 thẩm tra viên là kỹ sư hoặc cử nhân vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 thẩm tra viên là người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông;
+ Đối với dự án nhóm C và công trình đường bộ đang khai thác, phải có ít nhất 05 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 01 thẩm tra viên là kỹ sư công trình đường bộ, 01 thẩm tra viên là kỹ sư hoặc cử nhân vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 thẩm tra viên là người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông.
- Thẩm tra viên thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải được đào tạo và được cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ còn giá trị sử dụng.
- Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông, ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định 165/2024/NĐ-CP, còn phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
+ Đảm nhận chức danh Chủ nhiệm lập dự án, lập đồ án thiết kế ít nhất 03 công trình đường bộ;
+ Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành công trình đường bộ, có thời gian làm việc về thiết kế, thẩm tra thiết kế công trình đường bộ ít nhất 07 năm;
+ Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành giao thông đường bộ (công trình đường bộ, vận tải đường bộ) và có thời gian ít nhất 10 năm tham gia hoạt động trong các lĩnh vực: quản lý giao thông, vận tải đường bộ, xây dựng đường bộ, bảo trì đường bộ; trong đó, đã tham gia một trong các công việc sau: thiết kế, thẩm tra hoặc thẩm định dự án xây dựng, dự án sửa chữa của ít nhất 03 công trình an toàn giao thông đường bộ;
Cơ sở kinh doanh đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ phải là cơ quan, tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật và đáp ứng các điều kiện được quy định cụ thể tại Điều 36 Nghị định 165/2024/NĐ-CP, bao gồm:
- Về cơ sở vật chất
+ Bảo đảm phòng học có diện tích tối thiểu đạt 1,5 m2/chỗ học, có thiết bị âm thanh, nghe nhìn, gồm: màn chiếu, máy chiếu, máy vi tính, bộ tăng âm, micro kèm loa;
+ Phương tiện, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập ngoài hiện trường, tối thiểu có: 50 áo phản quang, 01 máy đo độ phản quang của biển báo hoặc sơn kẻ đường.
- Về đội ngũ giảng viên
+ Có số giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy ít nhất 40% số lượng chuyên đề của chương trình khung đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ;
+ Tiêu chuẩn của giảng viên theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 165/2024/NĐ-CP.