Sắp xếp tinh gọn bộ máy là một trong những nội dung của kỳ họp Quốc hội tháng 2-2025

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
04/02/2025 16:45 PM

Tại kỳ họp bất thường lần 9 vào tháng 2-2025, một trong nội dung chính của kỳ họp Quốc hội là vấn đề liên quan đến sắp xếp tinh gọn bộ máy.

Sắp xếp tinh gọn bộ máy là một trong những nội dung của kỳ họp Quốc hội tháng 2-2025

Sắp xếp tinh gọn bộ máy là một trong những nội dung của kỳ họp Quốc hội tháng 2-2025 (Hình từ internet)

Những nội dung liên quan đến sắp xếp tinh gọn bộ máy theo các Nghị quyết của Chính phủ

Cụ thể, trong Nghị quyết 14/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2025 do Chính phủ ban hành ngày 18/01/2025 có đề cập:

** Về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi): Chính phủ đánh giá cao Bộ Nội vụ đã chủ động chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.

Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, ý kiến các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, đáp ứng các yêu cầu sau:

- Dự án Luật cần tập trung giải quyết hài hòa, hợp lý, hiệu quả, rõ ràng, cụ thể mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ bao gồm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các bộ, cơ quan ngang bộ; giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan ở Trung ương như Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao... và giữa các cơ quan của Chính phủ với chính quyền địa phương.

- Rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm bao quát, toàn diện, chặt chẽ, thể hiện đúng vị trí, chức năng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Hiến pháp.

- Phân cấp, phân quyền phải gắn với bảo đảm nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, trong đó lưu ý xác định rõ những nhiệm vụ, quyền hạn không phân cấp và những nhiệm vụ, quyền hạn cần đẩy mạnh phân cấp hoặc ủy quyền; đồng thời, quy định mang tính nguyên tắc về phân cấp, phân quyền, ủy quyền làm cơ sở pháp lý để Chính phủ quyết định phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ tại Phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); đồng thời tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để gửi xin ý kiến Thành viên Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, tháng 02 năm 2025.

**Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi):

Chính phủ đánh giá cao Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương trong thời gian ngắn đã xây dựng dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Thống nhất sự cần thiết ban hành Luật để cụ thể hoá đầy đủ quy định của Hiến pháp và thể chế hoá các chủ trương, đường lối trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, nhằm tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở, sự chủ động của chính quyền địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật theo hướng:

- Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương: căn cứ quy định của Hiến pháp, cần hoàn thiện theo hướng phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Đối với mô hình tổ chức chính quyền ở hải đảo, nghiên cứu quy định nguyên tắc, căn cứ tình hình thực tế Chính phủ quy định việc tổ chức chính quyền cấp xã phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

- Về nguyên tắc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương: việc quy định chức năng của các cấp chính quyền phải phù hợp với vị trí, vai trò của mỗi cấp được quy định trong Hiến pháp, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, qua đó tạo sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh trên địa bàn.

- Về quy định giao Chính phủ quyết định điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương: không đưa nội dung này vào dự án Luật, việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương quy định trong các luật chuyên ngành phải bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ tại Phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật; đồng thời tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để gửi xin ý kiến Thành viên Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời, kịp thời trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, tháng 02 năm 2025.

**Tiếp đó, ngày 20/01/2025, Chính phủ có Nghị quyết 15/NQ-CP năm 2025 về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Trong đó, về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước:

- Chính phủ cơ bản thống nhất với tên gọi của dự thảo Nghị quyết và 03 Chính sách do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình số 06/TTr-BTP ngày 12 tháng 01 năm 2025 trên cơ sở tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ và Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2025, cụ thể:

+ Chính sách 1: Xử lý những vấn đề chung, có tính nguyên tắc nhằm bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

+ Chính sách 2: Xử lý các vấn đề liên quan đến thẩm quyền nội dung của một số chủ thể, tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể này được quyền quy định khác luật của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và trình tự, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị và thẩm quyền quy định các nội dung trên.

+ Chính sách 3: Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý đối với các vấn đề khác phát sinh sau khi các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng chưa dự liệu được hết trong Nghị quyết nhằm không làm gián đoạn hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, người dân, doanh nghiệp và việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

- Trên cơ sở thể chế hóa 03 nội dung Chính sách, Chính phủ cơ bản thống nhất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình số 07/TTr-BTP ngày 13 tháng 01 năm 2025. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, bảo đảm cơ sở pháp lý cho bộ máy nhà nước đi vào hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn sau khi thực hiện sắp xếp, thực hiện đúng ý kiến kết luận của Bộ Chính trị và các yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết này.

**Ngày 21/01/2025, Chính phủ có Nghị quyết 17/NQ-CP năm 2025 thông qua dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) do Bộ Nội vụ trình tại Tờ trình số 417/TTr-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2025.

Giao Bộ Nội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.

**Nghị quyết 18/NQ-CP năm 2025 về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) do Chính phủ ban hành, trong đó Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) do Bộ Nội vụ trình tại Tờ trình số 412/TTr-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2025 về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.

Như vậy, các nội dung liên quan đến sắp xếp tinh gọn bộ máy tại các văn bản vừa nêu sẽ là một trong những nội dung tại kỳ họp bất thường lần 9 trong tháng 2 – 2025.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]