Công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội (Hình từ internet)
Ngày 06/02/2025, Văn phòng Chính phủ có Công văn 14/VPCP-QHĐP công tác bảo đảm an ninh, an toàn, thông tin phục vụ Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, nhằm thực hiện ý kiến kết luận tại cuộc họp liên tịch giữa Đảng ủy Chính phủ và Đảng ủy Quốc hội ngày 06/02/2025, để bảo đảm tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:
(1) Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng các phương án cụ thể và triển khai các công tác bảo đảm y tế, phòng, chống dịch bệnh cả trước và trong thời gian diễn ra Kỳ họp của Quốc hội.
(2) Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác nắm chắc tình hình, triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ trong thời gian diễn ra Kỳ họp của Quốc hội; chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
(3) Thanh tra Chính phủ, các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài; giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp ngay tại địa phương, cơ sở.
(4) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động không để tập trung khiếu kiện đông người, gây mất an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc Hội.
Trên đây là các công tác đảm bảo an ninh, an toàn, thông tin phục vụ Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV theo Công văn 14/VPCP-QHĐP ngày 06/02/2025.
Cụ thể, trong Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 18/01/2025 và Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 20/01/2024 của Chính phủ ban hành, đã có đề cập đến các dự án Luật sẽ trình Quốc hội trong kỳ hợp tháng 02 tới, bao gồm:
(1) Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi):
Chính phủ đánh giá cao Bộ Nội vụ đã chủ động chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ tại Phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); đồng thời tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để gửi xin ý kiến Thành viên Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, tháng 02 năm 2025.
(2) Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Chính phủ đánh giá cao Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương trong thời gian ngắn đã xây dựng dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.
Thống nhất sự cần thiết ban hành Luật để cụ thể hoá đầy đủ quy định của Hiến pháp và thể chế hoá các chủ trương, đường lối trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, nhằm tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ tại Phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật; đồng thời tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để gửi xin ý kiến Thành viên Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời, kịp thời trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, tháng 02 năm 2025.
(3) Nghị quyết 15/NQ-CP năm 2025 về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước:
- Chính phủ cơ bản thống nhất với tên gọi của dự thảo Nghị quyết và 03 Chính sách do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình số 06/TTr-BTP ngày 12 tháng 01 năm 2025 trên cơ sở tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ và Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2025, cụ thể:
+ Chính sách 1: Xử lý những vấn đề chung, có tính nguyên tắc nhằm bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
+ Chính sách 2: Xử lý các vấn đề liên quan đến thẩm quyền nội dung của một số chủ thể, tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể này được quyền quy định khác luật của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và trình tự, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị và thẩm quyền quy định các nội dung trên.
+ Chính sách 3: Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý đối với các vấn đề khác phát sinh sau khi các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng chưa dự liệu được hết trong Nghị quyết nhằm không làm gián đoạn hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, người dân, doanh nghiệp và việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
- Trên cơ sở thể chế hóa 03 nội dung Chính sách, Chính phủ cơ bản thống nhất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình số 07/TTr-BTP ngày 13 tháng 01 năm 2025. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, bảo đảm cơ sở pháp lý cho bộ máy nhà nước đi vào hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn sau khi thực hiện sắp xếp, thực hiện đúng ý kiến kết luận của Bộ Chính trị và các yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết này.