Tải app trên IOS

Đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
25/11/2024 14:01 PM

Tại Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.

Đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế

Đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (Hình từ Internet)

Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố Đề cương Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, trong đó đã đề xuất điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.

Đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế

Cụ thể, Bộ Tài chính đã đề ra các mục tiêu cụ thể trong việc xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) như sau:

- Thực hiện mở rộng cơ sở thuế; rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế; nghiên cứu điều chỉnh ngưỡng cũng như mức thuế suất thuế TNCN đối với một số loại thu nhập để đảm bảo phù hợp với bản chất của từng loại thu nhập và mục tiêu điều tiết của thuế thu nhập cá nhân.

- Nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp với bối cảnh mới; giảm số bậc thuế của Biểu thuế suất lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước giai đoạn tới đây và thông lệ quốc tế.

- Đơn giản trong thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, ngăn chặn các hành vi trốn, tránh thuế.

- Sửa đổi bất cập các quy định hiện hành để đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật.

Tại Tờ trình, Bộ Tài chính đã nêu ra lý do về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh:

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.

Luật Thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ 01/01/2009) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 (áp dụng từ 01/7/2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Đồng thời bổ sung quy định: Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Ngày 02/6/2020 UBTVQH đã ban hành Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân.

Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như hiện nay thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì hiện nay cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố thì thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người.

Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là bằng hơn 2,21 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng ), tương đương thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất.

Việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại, đảm bảo công bằng xã hội. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã được sử dụng để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân cần đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh sống của người nộp thuế đặt trong bối cảnh KH-XH.

Thời gian qua có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh vẫn còn thấp, nhưng cũng có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không thấp khi so sánh với mặt bằng chung về mức sống, thu nhập của người dân hiện nay, có nhiều người lao động hiện đang có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, cần quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng, mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị, thành phố lớn cần phải cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn; cũng có ý kiến cho rằng phải có chính sách thuế điều tiết cao hơn đối với cá nhân ở các đô thị, thành phố lớn để hạn chế nhập cư, di dân vào các đô thị lớn...

Về bản chất, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh..., vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế. Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì Luật Thuế thu nhập cá nhân đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp này.

Đối với nước ta, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới.

Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo cho thời gian tới đây, đồng thời không làm giảm vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong hệ thống thuế.

Mức giảm trừ “quá cao” sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong việc thực hiện các chức năng của sắc thuế này (đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập) và vô hình sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân trở lại “chính sách thuế đối với người có thu nhập cao” như giai đoạn trước đây.

Đồng thời, có thể cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước trong từng thời kỳ.

Xem thêm: Mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc năm 2024 là bao nhiêu? Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc năm 2024 có những gì?

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,105

Bài viết về

Thuế thu nhập cá nhân

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]