Kiến nghị tăng mức thu nhập từ tiền lương, tiền công chịu thuế TNCN tối thiểu từ 18 triệu đồng/tháng (Hình từ Internet)
Bộ Tài chính ban hành Công văn 13772/BTC-CST ngày 16/12/2024 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Công văn 13772/BTC-CST |
Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh theo Công văn 942/BDN ngày 06/11/2024 của Ban Dân nguyện về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nội dung kiến nghị như sau:
- Cử tri Thành phố Hà Nội phản ánh hiện nay giá cả, chi phí sinh hoạt của người dân đều tăng, quy định cá nhân không có người phụ thuộc phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng là chưa phù hợp. Đề nghị nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi nâng mức thu nhập từ tiền lương, tiền công phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tối thiểu từ 18 triệu đồng/tháng.
- Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
- Cử tri tỉnh Vĩnh Long phản ánh mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa thực sự phù hợp với mức chỉ tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân của cán bộ, công chức, người lao động. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tỉnh thuế TNCN cho phù hợp với thực tế đời sống hiện nay sau khi Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2.34 triệu đồng/tháng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP.
- Cử tri tỉnh Trà Vinh đề nghị tăng mức quy định đóng thuế TNCN từ 11 triệu đồng lên 15 triệu đồng, vì tình hình kinh tế hiện nay lương tăng, giá cả tăng... do đó, thu nhập chưa đảm bảo cuộc sống.
Theo đó, Bộ Tài chính trả lời như sau:
- Các kiến nghị của cử tri Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh liên quan đến điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và mức giảm trừ cho người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của Luật thuế TNCN.
- Theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định... số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.
- Luật thuế TNCN (áp dụng từ 01/01/2009) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN 2012 (áp dụng từ 01/7/2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời bổ sung quy định: Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biển động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
- Ngày 02/6/2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN.
- Quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh..., vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế. Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế TNCN.
Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế TNCN là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì Luật thuế TNCN đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp này. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toàn một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chỉ tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.
- Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố thì thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người. Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần); đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc cũng gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
- Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN.
- Tại khoản 4 Điều 1 Luật thuế TNCN 2012 quy định:
"Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biển động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo".
- Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì chỉ số CPI năm 2020 tăng 3,23%, CPI năm 2021 tăng 1,84%, CPI năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020), do đó, theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
- Thuế TNCN điều tiết vào thu nhập của cả nhân. Việc thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế TNCN đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chỉ cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
- Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã có Công văn 12738/BTC-CST ngày 22/11/2024 lấy ý kiến rộng rãi tổ chức, cá nhân có liên quan và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNCN (thay thế).
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, nghiên cứu ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân, cũng như tiến hành rà soát, đánh giá Luật thuế TNCN để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế (trong đó có nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và mức giảm trừ người phụ thuộc của người nộp thuế), phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Xem thêm tại Công văn 13772/BTC-CST ban hành ngày 16/12/2024.