Biểu thuế lũy tiến từng phần dự kiến sẽ điều chỉnh giảm số bậc thuế TNCN từ tiền lương, tiền công

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
25/11/2024 19:04 PM

Dưới đây là nội dung đề xuất của Bộ Tài chính về Biểu thuế lũy tiến từng phần dự kiến sẽ điều chỉnh, giảm số bậc thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

Biểu thuế lũy tiến từng phần dự kiến sẽ điều chỉnh giảm số bậc thuế TNCN từ tiền lương, tiền công

Biểu thuế lũy tiến từng phần dự kiến sẽ điều chỉnh giảm số bậc thuế TNCN từ tiền lương, tiền công (Hình từ internet)

Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố Đề cương Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Biểu thuế lũy tiến từng phần dự kiến sẽ điều chỉnh giảm số bậc thuế TNCN từ tiền lương, tiền công

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định về Biểu thuế lũy tiến từng phần được áp dụng đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú (đã trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề bắt buộc).

Định hướng sửa đổi thông qua việc rà soát các mức thuế suất tại Biểu thuế lũy tiến từng phần và các mức thu nhập tính thuế tương ứng; nghiên cứu để đơn giản hóa Biểu thuế lũy tiến từng phần hiện nay.

Hiện nay, Biểu thuế lũy tiến từng phần dùng để tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 gồm có 7 bật như sau:

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/năm

(triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng

(triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 60

Đến 5

5

2

Trên 60 đến 120

Trên 5 đến 10

10

3

Trên 120 đến 216

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 216 đến 384

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 960

Trên 80

35

Tại Tờ trình, Bộ Tài chính đã lý giải: Khoản 2 Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.

Qua quá trình thực tế thực hiện, có quan điểm cho rằng Biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.

Việc áp dụng thu thuế TNCN theo các mức thuế suất lũy tiến từng phần là chính sách được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Theo đó, hầu hết các nước đều áp dụng biểu thuế lũy tiến có nhiều bậc khác nhau để áp dụng thu thuế theo các mức khác nhau đối với các nhóm người nộp thuế có mức thu nhập khác nhau, qua đó, đảm bảo tính công bằng theo chiều dọc của chính sách thuế (số thuế phải trả tăng theo sự gia tăng thu nhập).

Tuy cách thức và phương thức thiết kế biểu thuế các nước cũng khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm thiết kế chính sách thuế TNCN của mỗi nước. Xu hướng chung được một số quốc gia thực hiện gần đây là thực hiện đơn giản hóa của Biểu thuế thông qua việc giảm số bậc trong Biểu thuế.

Qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của Biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp; cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao.

Bộ Tài chính cho rằng nếu thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.

Ngoài ra, Bộ cũng lưu ý việc sửa đổi Biểu thuế TNCN sẽ được nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng và cần phù hợp với định hướng được đặt ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đảm bảo phù hợp với bối cảnh Kinh tế - Xã hội, thu nhập và mức sống của người dân và với thông lệ quốc tế, đặc biệt là với các nước có điều kiện tương đồng, vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động, khuyến khích sự phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,207

Bài viết về

Thuế thu nhập cá nhân

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]