Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới

21/01/2024 20:45 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 có rất nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 260 điều

Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 260 điều, hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của ĐảngNghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.

Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.

Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Luật Đất đai (sửa đổi) có khoảng 65 điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết

Liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi), trả lời câu hỏi của phóng viên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nêu rõ, khi trình dự thảo Luật, Chính phủ cũng đã gửi kèm theo các dự thảo Nghị định để hướng dẫn chi tiết thi hành Luật. 

Thống kê sơ bộ cho thấy, có khoảng 65 điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết. Và Chính phủ sẽ phải ban hành Nghị định hướng dẫn các điều, khoản này. Số lượng dự thảo cơ quan soạn thảo gửi kèm theo hồ sơ dự án Luật chỉ là dự kiến, vì trong quá trình thi hành, thì số lượng Nghị định hướng dẫn có thể tăng lên hoặc giảm xuống. 

Quan trọng nhất là nội dung hướng dẫn phải đầy đủ, có thể một Nghị định hướng dẫn nhiều điều, khoản của Luật.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế mong muốn, sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, Chính phủ sớm có có kế hoạch cụ thể để triển khai thi hành luật; trong đó, xác định cơ quan nào làm đầu mối chủ trì tham mưu soạn thảo các Nghị định.

5 nhóm vấn đề mới của Luật Đất đai (sửa đổi)

Cũng theo Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu, Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, nhóm các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng là công dân Việt Nam, kể cả định cư sinh sống ở nước ngoài; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số…

Thứ hai, việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp như quy định thu hồi đất phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Điều này được thiết kế mới, thể chế hóa đầy đủ Điều 54, Hiến pháp năm 2023, tức là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thực sự cần thiết...; mở rộng các quy định liên quan đến cơ chế thỏa thuận về đất, chuyển mục đích sử dụng đất của những người đang có đất; mở rộng quỹ đất; quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng đất như đất sử dụng kết hợp đa mục đích; thu hẹp lại trường hợp phải xin phép khi chuyển mục đích sử dụng đất…

Thứ tư, về tài chính đất đai như: tách bạch vấn đề về định giá đất với chính sách hỗ trợ miễn giảm về đất; một số chính sách để ổn định tiền thuê đất như hoạt động đầu vào hoạt động sản xuất kinh doanh…

Thứ năm, nâng cao hiệu quả, hiệu lực về quản lý nhà nước. Nhiều quy định cải cách, cắt giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,694

Bài viết về

Luật Đất đai 2024

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn