BỘ QUỐC PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
130/2014/TT-BQP
|
Hà Nội, ngày 24
tháng 09 năm 2014
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU NGHỊ ĐỊNH SỐ 162/2013/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG
11 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN CÁC VÙNG
BIỂN, ĐẢO VÀ THỀM LỤC ĐỊA CỦA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành
chính năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 162/2013/NĐ-CP
ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính
trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam;
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP
ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Tư lệnh Cảnh sát
biển,
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn
thực hiện một số điều Nghị định số 162/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của
Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm
lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn thực
hiện một số điều Nghị định số 162/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của
Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm
lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết gọn là Nghị định
số 162/2013/NĐ-CP).
2. Các quy định khác về xử phạt vi phạm hành chính
trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam không hướng dẫn tại Thông tư này thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản
pháp luật có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam và cá nhân, tổ chức nước
ngoài có hành vi vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Người có thẩm quyền xử phạt,
thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định, tại Nghị định số
162/2013/NĐ-CP ; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Điều 3. Biện pháp khắc phục hậu
quả
Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại
các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 4 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP thực
hiện theo các bước sau:
1. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong
đó có ghi biện pháp khắc phục hậu quả.
2. Công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
3. Sử dụng phương tiện, công cụ hỗ trợ và các biện
pháp khác theo quy định của pháp luật yêu cầu thực hiện các nội dung biện pháp
khắc phục hậu quả đã được ghi trong quyết định xử phạt hành chính.
Điều 4. Sử dụng biểu mẫu trong
xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Việc sử dụng biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính
trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các quy định khác của
pháp luật.
Chương II
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH
CHÍNH TRÊN CÁC VÙNG BIỂN, ĐẢO VÀ THỀM LỤC ĐỊA CỦA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Điều 5. Hành vi vi phạm quy định
về đi qua không gây hại trong lãnh hải quy định tại Điều
5 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP
1. Hành vi dừng lại, neo đậu trái phép trong lãnh hải
Việt Nam quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP
là hành vi của tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt
Nam nhưng dừng lại hoặc neo đậu trong lãnh hải Việt Nam mà không phải do gặp sự
cố hàng hải, sự cố bất khả kháng, gặp nạn hoặc vì mục đích phải cứu giúp người, tàu thuyền hay tàu bay đang gặp nạn.
2. Hành vi đi vào vùng cấm hoặc
vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị
định số 162/2013/NĐ-CP là hành vi của tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại
trong lãnh hải Việt Nam đã đi vào vùng cấm hoặc vùng hạn chế hoạt động trong
lãnh hải Việt Nam do Chính phủ Việt Nam thiết lập để bảo vệ chủ quyền, quốc
phòng, an ninh và lợi ích quốc gia hoặc an toàn hàng hải, bảo vệ tài nguyên,
sinh thái biển, chống ô nhiễm, khắc phục sự cố, thảm họa môi trường biển, phòng
chống lây lan dịch bệnh mà không được phép của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam.
Vùng cấm, vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt
Nam theo quy định tại Luật Biển Việt Nam năm 2012; Nghị định số 161/2003/NĐ-CP
ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển và
các văn bản khác có liên quan.
Điều 6. Hành vi vi phạm về treo
Quốc kỳ Việt Nam và treo cờ quốc tịch quy định tại Điều
7 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP
1. Treo cờ đối với tàu thuyền tại cảng biển thực hiện
theo quy định tại Điều 75 Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21
tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải (sau đây
viết gọn là Nghị định số 21/2012/NĐ-CP).
2. Treo Quốc kỳ trên tàu biển Việt Nam thực hiện
theo quy định tại Thông tư số 07/2012/TT-BGTVT ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về
chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm
việc trên tàu biển Việt Nam.
3. Treo cờ quốc tịch và treo Quốc kỳ Việt Nam đối với
tàu thuyền nước ngoài khi hoạt động trong khu vực biên giới biển thực hiện theo
quy định tại Điều 15 Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18
tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển.
Điều 7. Hành vi xâm phạm vùng
biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định
tại khoản 3 Điều 8, Điều 9, Điều 11, Khoản 6 Điều 13
Nghị định số 162/2013/NĐ-CP
1. Hành vi xâm phạm vùng biển, đảo và thềm lục địa
của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Khoản 3
Điều 8, Điều 9, Điều 11, Khoản 6 Điều 13 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP là
hành vi của cá nhân, tổ chức nước ngoài sử dụng, điều khiển tàu thuyền hoặc phương tiện khác đi vào và thực hiện các hoạt động
điều tra, thăm dò, nghiên cứu khoa học tài nguyên biển; hoạt động du lịch; khai
thác, mua, bán thủy sản; xây dựng, lắp đặt, sử dụng các đảo nhân tạo, thiết bị,
công trình trong vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam mà chưa được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho
phép.
2. Đối với cá
nhân, tổ chức nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho
phép sử dụng, điều khiển tàu thuyền hoặc phương
tiện khác đi vào vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam để điều tra, thăm dò, nghiên cứu khoa học tài nguyên biển; hoạt
động du lịch; khai thác, mua, bán thủy sản; hoạt động liên quan đến đảo nhân tạo,
thiết bị, công trình mà vi phạm thì không phải là hành vi xâm phạm vùng biển, đảo
và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 8. Hành vi “gây cản trở”
quy định tại Điều 12 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP
Hành vi “gây cản trở” quy định tại Khoản
1, Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP là hành vi của cá nhân, tổ
chức hoạt động trên biển làm cho các phương tiện giao thông trên biển phải thay
đổi tốc độ, thay đổi hướng đi; tàu, thuyền đánh cá phải thay đổi quy trình thu,
thả, dắt lưới; tàu thăm dò địa chấn phải thay đổi lộ trình; tàu tìm kiếm, thăm
dò, khai thác dầu khí và các loại tài nguyên thiên nhiên khác thay đổi lộ trình
theo kế hoạch và các hoạt động hợp pháp khác trên biển tiến hành không được
bình thường.
Điều 9. Hành vi vi phạm quy định
về vận chuyển, mua bán, trao đổi, sang mạn hàng hóa trái phép trên các vùng biển,
đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 15 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP
1. Hành vi vận chuyển hàng hóa trên biển mà không
có hợp đồng hoặc giấy tờ tương tự theo quy định của pháp luật quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP là hành vi
vận chuyển hàng hóa trên biển mà không có tài liệu chứng minh hoạt động vận
chuyển hàng hóa trên biển; bao gồm:
a) Vận chuyển hàng hóa theo chuyến mà không có hợp đồng vận chuyển bằng văn bản theo quy định
của Bộ luật Hàng hải năm 2005 và văn bản khác có liên quan;
b) Vận chuyển hàng hóa theo chứng từ vận chuyển mà
không có một trong các loại giấy tờ sau: Hợp đồng vận chuyển bằng văn bản theo
quy định của Bộ luật Hàng hải năm 2005 và các văn bản khác có liên quan; vận
đơn đường biển; giấy gửi hàng hóa đường biển hoặc chứng từ vận chuyển khác do
người vận chuyển và người thuê vận chuyển
thỏa thuận về nội dung, giá trị.
Đối với vận đơn đường biển của hàng hóa kinh doanh
tạm nhập, tái xuất, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày
27 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về hoạt động tạm nhập,
tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa.
2. Hành vi sử dụng phương tiện vận chuyển không phù hợp với
loại hàng hóa theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 15 Nghị định
số 162/2013/NĐ-CP bao gồm:
a) Sử dụng phương tiện vận chuyển xăng dầu không phù hợp theo quy định Nghị định số
84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của
Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
b) Sử dụng phương tiện vận chuyển không phù hợp với loại hàng hóa không phải là xăng dầu
theo quy định của pháp luật.
3. Hành vi sang mạn xăng dầu, quặng và các loại
hàng hóa khác không đúng địa điểm theo quy định tại Điểm c Khoản
1 Điều 15 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP bao gồm:
a) Sang mạn xăng dầu không đúng địa điểm theo Khoản 7 Điều 9 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm
2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
b) Sang mạn các loại hàng hóa không phải là xăng dầu
không đúng địa điểm theo quy định của pháp luật.
4. Hành vi vận chuyển, mua bán, trao đổi, sang mạn
loại hàng hóa không phải là hàng hóa kinh doanh, vận chuyển có điều kiện mà
không có giấy tờ, không đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa quy định tại Khoản 2 Điều
15 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP bao gồm:
a) Trường hợp
không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu, vận chuyển từ
nơi làm thủ tục hải quan vào nội địa theo quy định tại Điều 5
Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12 tháng 5 năm 2011 của
các Bộ trưởng: Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Bộ Công an hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu
lưu thông trên thị trường;
b) Trường hợp
hàng hóa được vận chuyển để xuất khẩu mà không có tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã
làm thủ tục hải quan và được Chi cục hải quan cửa khẩu xuất xác nhận “hàng đã qua khu vực giám sát”;
c) Trường hợp hàng hóa nhập khẩu đang vận chuyển về
địa điểm làm thủ tục hải quan mà không có đầy đủ các loại chứng từ phải nộp để
làm thủ tục hải quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư
số 128/2013/TT-BTC ngày 10 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy
định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám
sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu;
d) Trường hợp vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp
pháp;
đ) Trường hợp
vận chuyển hàng hóa là lâm sản không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng hồ sơ không phù hợp với lâm sản thực tế vận chuyển; gỗ
không có dấu búa kiểm lâm đối với loại gỗ theo quy định của pháp luật phải có.
Hồ sơ lâm sản hợp
pháp được xác định theo quy định tại
Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản và Thông tư số
42/2012/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 01 năm 2012 quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và
kiểm tra nguồn gốc lâm sản;
e) Trường hợp
hàng hóa sản xuất, vận chuyển kinh doanh nội địa không thuộc các trường hợp quy
định tại các điểm a, b, c, d và đ Khoản 4 Điều này, không có hoặc không đầy đủ
giấy tờ chứng minh tính hợp pháp sau:
- Hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng
theo mẫu và quy định tại Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2013 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14
tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch
vụ (sau đây viết gọn là Thông tư số 64/2013/TT-BTC);
- Các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản
lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi
bán đại lý theo mẫu quy định tại Thông tư số 64/2013/TT-BTC .
Việc xác định hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp
hóa đơn thực hiện theo quy định tại Điều 20 và Điều 21 Thông tư
số 64/2013/TT-BTC;
- Trường hợp
vận chuyển, mua bán, trao đổi, sang mạn hàng hóa khác không có giấy tờ, không đầy
đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa thực hiện theo quy định của
pháp luật.
5. Hành vi vận chuyển, mua bán, trao đổi, sang mạn
hàng hóa kinh doanh vận chuyển có điều kiện mà tại thời điểm kiểm tra, không có
hoặc không đầy đủ giấy tờ đi liền kèm theo để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa đó quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP bao gồm:
a) Không có hóa đơn, chứng từ; chứng từ được in,
phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội
bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý theo quy định tại Thông tư số
64/2013/TT-BTC ;
b) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập
khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm
theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường.
Danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện thực hiện
theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng
hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với
nước ngoài;
c) Danh mục hàng hóa kinh doanh, vận chuyển có điều
kiện thực hiện theo Phụ lục III Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm
2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm
kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và các văn bản khác
có liên quan.
Điều 10. Hành vi vi phạm quy định
về đăng ký, đăng kiểm quy định tại Điều 16 Nghị định
số 162/2013/NĐ-CP
1. Các loại tài liệu, giấy chứng nhận của tàu thuyền
quy định tại Khoản 1 Điều
16 Nghị định 162/2013/NĐ-CP thực hiện theo quy định tại Quyết định
54/2005/QĐ-BGTVT ngày 27 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
về ban hành Danh mục giấy chứng nhận và tài liệu của tàu biển và tàu công vụ Việt
Nam và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Giấy phép rời cảng cuối cùng quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định 162/2013/NĐ-CP là văn bản do Cảng vụ hàng hải hoặc cơ quan có thẩm
quyền nơi tàu thuyền rời cảng cuối cùng cấp hoặc xác nhận theo quy định tại Nghị
định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển
và luồng hàng hải (sau đây viết gọn là Nghị định số 21/2012/NĐ-CP).
Trường hợp tàu thuyền đã được cấp giấy phép rời cảng
mà vẫn lưu lại tại cảng quá 24 giờ kể từ thời điểm nhận Giấy phép rời cảng thì
phải làm lại thủ tục rời cảng theo quy định
tại Nghị định số 21/2012/NĐ-CP .
Điều 11. Hành vi vi phạm quy định
về chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, số thuyền viên và hộ chiếu thuyền
viên; vi phạm quy định về an toàn sinh mạng trên tàu biển quy định tại Điều 17 và Điều 18 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP
1. Hành vi vi phạm về chứng chỉ chuyên môn quy định
tại Điều 17 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP là hành vi thuyền
viên làm việc trên tàu thuyền không có đủ chứng chỉ chuyên môn theo quy định tại
Thông tư số 11/2012/TT-BGTVT ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền
viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam (sau đây viết gọn là Thông
tư số 11/2012/TT-BGTVT); Thông tư số 51/2013/TT-BGTVT ngày 11 tháng 12 năm 2013
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung Thông tư số
11/2012/TT-BGTVT và các văn bản khác có liên quan.
2. Hành vi không bố trí đủ định biên an toàn tối
thiểu quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP
là hành vi không bố trí đủ định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam
theo quy định tại Thông tư số 11/2012/TT-BGTVT ; Thông tư số 51/2013/TT-BGTVT
ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung
Thông tư số 11/2012/TT-BGTVT và các văn bản khác có liên quan.
3. Hành vi vi phạm về
số thuyền viên hoặc hộ chiếu thuyền viên quy định tại Điều 17
Nghị định số 162/2013/NĐ-CP là hành vi thuyền viên làm việc trên tàu thuyền
không có hoặc không đầy đủ số thuyền viên hoặc hộ chiếu thuyền viên theo quy định
tại Thông tư số 07/2012/TT-BGTVT ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải và Thông tư số 04/2013/TT-BGTVT ngày 01 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền
viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.
Điều 12. Hành vi vi phạm quy định
về bảo đảm an toàn hàng hải quy định tại Điều 20 Nghị
định số 162/2013/NĐ-CP
Việc xác định mức độ tai nạn hàng hải để xác định
hành vi vi phạm tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 20 Nghị định số
162/2013/NĐ-CP thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BGTVT
ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về báo
cáo và điều tra tai nạn hàng hải.
Điều 13. Hành vi vi phạm quy định
khác về an ninh, an toàn trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 21
Nghị định số 162/2013/NĐ-CP
1. Sĩ quan an ninh tàu biển quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP là một người
trên tàu, chịu trách nhiệm trước thuyền trưởng, được Công ty chỉ định, có trách
nhiệm đối với an ninh của tàu, bao gồm cả việc thực thi và duy trì Kế hoạch An ninh Tàu và giữ liên lạc với Nhân viên An ninh Công ty và các Nhân viên
An ninh Bến cảng, theo quy định tại Bộ luật Quốc tế về An ninh Tàu và Bến cảng;
Thông tư số 27/2011/TT-BGTVT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải áp dụng sửa đổi, bổ sung
năm 2002 của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974
ban hành kèm theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển.
2. Tên tàu biển, cảng đăng ký
của tàu biển quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 21 Nghị định
số 162/2013/NĐ-CP thực hiện theo quy định tại Nghị
định số 161/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về đăng ký và
mua, bán, đóng mới tàu biển.
3. Giấy tờ, danh mục hàng hóa nguy hiểm, các quy định
về vận tải hàng hóa nguy hiểm quy định, tại Điểm b Khoản 3 Điều
21 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP trên đường thủy nội địa thực hiện theo quy định
tại Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định
danh mục hàng hóa nguy hiểm và việc vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.
4. Các quy định về vận chuyển
hàng hóa nguy hiểm bằng tàu biển theo quy định tại Bộ luật Hàng hải năm 2005 và
các văn bản khác có liên quan.
5. Trang thiết bị an toàn hàng hải và phòng ngừa ô
nhiễm môi trường biển lắp đặt trên tàu biển
Việt Nam hoạt động tuyến nội địa thực hiện theo quy định tại Quyết định
59/2005/QĐ-BGTVT ngày 21 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
ban hành Quy định về trang thiết bị an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi
trường biển lắp đặt trên tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa.
6. Tuyến, vùng hoạt động của
phương tiện thủy nội địa thực hiện theo quy định tại Thông tư số
16/2013/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định về quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam và
các văn bản khác của pháp luật có liên quan. Tuyến, vùng hoạt động của phương
tiện thủy nội địa còn được xác định trong "Giấy chứng nhận đăng ký phương
tiện" hoặc "Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật."
7. Tuyến, vùng hoạt động của tàu biển thực hiện
theo quy định tại Thông tư số 12/2010/TT-BGTVT ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia "Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép";
Thông tư số 05/2013/TT-BGTVT ngày 02 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép - Sửa đổi
lần 1 năm 2013. Tuyến, vùng hoạt động của tàu biển còn được xác định trong hồ
sơ của tàu biển.
Điều 14. Hành vi vi phạm quy định
về bảo vệ môi trường biển khi tàu thuyền nước ngoài chạy bằng năng lượng hạt
nhân hoặc tàu thuyền chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại hoặc nguy hiểm khi
đi qua lãnh hải Việt Nam quy định tại Điều 24 Nghị định
số 162/2013/NĐ-CP
1. Tàu thuyền nước ngoài chạy bằng năng lượng hạt
nhân hoặc tàu thuyền chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại hoặc nguy hiểm đi
qua lãnh hải Việt Nam là trường hợp tàu thuyền đang thực hiện quyền đi qua
không gây hại trong lãnh hải, gồm:
a) Đi ngang qua nhưng không đi vào nội thủy Việt
Nam, không neo đậu lại trong một công
trình cảng, bến hay nơi trú đậu ở bên ngoài nội thủy Việt Nam;
b) Đi vào hoặc rời khỏi nội thủy Việt Nam hay đậu lại
hoặc rời khỏi một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu ở bên ngoài nội thủy Việt
Nam,
2. Tài liệu kỹ thuật liên quan đến tàu thuyền và
hàng hóa trên tàu thuyền quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định
số 162/2013/NĐ-CP được áp dụng như
sau:
a) Đối với
tàu thuyền chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại hay nguy hiểm thực hiện theo
Quy định 4, Quy định 7-2, Quy định 10, Quy định 16 Chương VII Công ước quốc tế về
an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974; trường
hợp tàu thuyền chạy bằng năng lượng hạt
nhân thực hiện theo Quy định 10 Chương VIII Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng
con người trên biển năm 1974;
b) Hồ sơ vận chuyển chất độc hại bằng đường biển thực
hiện theo Quy định 4 Phụ lục III, Quy định 11 Phụ lục II Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra
năm 1973, sửa đổi bởi Nghị định thư năm 1978 (sau đây viết gọn là Công ước
MARPOL 73/78).
3. Tài liệu về bảo hiểm dân sự bắt buộc là những
tài liệu chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu, chứng nhận bảo hiểm
hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại ô nhiễm dầu hoặc
các chứng nhận bảo hiểm khác theo quy định của các công ước quốc tế có liên
quan mà Việt Nam là thành viên.
Điều 15. Hành vi vi phạm quy định
về bảo vệ môi trường biển do tàu thuyền gây ra quy định tại Điều 25 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP
1. Việc ghi nhật ký dầu, nhật ký bơm nước la canh
buồng máy, nhật ký đổ thải quy định tại Khoản 1 Điều 25 Nghị định
số 162/2013/NĐ-CP được thực hiện theo quy định tại Phụ lục I Công ước
MARPOL 73/78.
2.
Kế hoạch ứng phó sự cố dầu tràn; kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu, ô nhiễm hóa chất
quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP được thực hiện theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14
tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự
cố tràn dầu.
3. Các loại chất độc hại bao gồm
chất lỏng độc hại loại A, B, C, D; nước dằn, nước rửa, các cặn khác hoặc các hỗn
hợp chứa các chất này. Phân biệt các chất độc hại như sau:
a) Chất lỏng độc hại loại A là chất khi thải xuống
biển được tích tụ trong sinh vật biển hoặc cơ thể con người gây ra mối nguy hiểm
lớn, được nêu trong TCVN 6276:2003 và các chất tạm thời được đánh giá như chất
loại A;
b) Chất lỏng độc hại loại B là chất có khả năng
tích tụ một tuần hoặc ít hơn, được nêu
trong TCVN 6276:2003 và các chất tạm thời được đánh giá như chất loại B;
c) Chất lỏng độc hại loại C là chất có khả năng gây nên vài mức độ nguy hiểm nhỏ cho sinh vật
biển, được nêu trong TCVN 6276:2003 và các chất tạm thời được đánh giá như chất
loại C;
d) Chất lỏng độc hại loại D là chất có khả năng gây
nên vài mức độ có thể gọi là nguy hiểm cho sinh vật biển, được nêu trong TCVN
6276:2003 và các chất tạm thời được đánh giá như chất loại D.
4. Trường hợp những hành vi vi phạm của tàu thuyền
gây ô nhiễm môi trường trùng với hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng hải ngoài
vùng nước cảng biển mà hình thức và mức xử phạt khác nhau thì áp dụng như sau:
a) Đối với
hành vi vi phạm đã xảy ra hậu quả về môi trường thì áp dụng hình thức, mức xử
phạt tại điều khoản quy định trong mục này;
b) Đối với
hành vi vi phạm chưa xảy ra hậu quả về môi trường thì áp dụng hình thức, mức xử
phạt tại điều khoản quy định trong mục hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng hải
ngoài vùng nước cảng biển.
Điều 16. Hành vi vi phạm quy định
về vận chuyển chất thải nguy hại quy định tại Điều
26 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP
1. Chất thải nguy hại được quy
định tại Điều 26 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP là những loại chất thải được phân
định, phân loại theo quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14 tháng 4
năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định, về quản lý chất thải
nguy hại (sau đây viết gọn là Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT) và Quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại ban hành kèm theo
Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
2. Vận chuyển chất thải nguy hại là quá trình
chuyên chở chất thải nguy hại từ nơi phát sinh đến nơi xử lý, có thể kèm theo
việc thu gom, đóng gói, bảo quản, lưu giữ tạm thời, trung chuyển, sơ chế chất
thải nguy hại.
3. Giấy phép quản lý chất thải
nguy hại là tên gọi chung cho các loại giấy phép sau: Giấy phép hành nghề quản
lý chất thải nguy hại, Giấy phép hành nghề vận chuyển chất thải nguy hại, Giấy
phép hành nghề xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số
12/2011/TT-BTNMT ;
4. Hồ sơ đăng ký kèm theo Giấy
phép quản lý chất thải nguy hại là hồ sơ quản lý chất thải nguy hại của chủ xử
lý, tiêu hủy, vận chuyển hoặc chủ nguồn thải theo quy định tại Thông tư số
12/2011/TT-BTNMT .
5. Hệ thống định vị vệ tinh (GPS) được trang bị đối
với phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại có tính nguy hại cao để có thể
xác định vị trí chính xác và ghi lại hành trình vận chuyển chất thải nguy hại của
phương tiện theo yêu cầu của cơ quan xác nhận Bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc của cơ quan cấp phép;
6. Phương tiện, thiết bị chuyên dụng thu gom, vận
chuyển, đóng gói, bảo quản và lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại không đáp ứng
yêu cầu kỹ thuật khi không có một trong những điều kiện sau:
a) Phương tiện vận chuyển chưa được đăng ký lưu hành;
b) Phương tiện vận chuyển không lắp đặt thiết bị cảnh
báo và xử lý khẩn cấp sự cố khi vận hành;
c) Đối với phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại
có tính nguy hại cao mà không trang bị hệ thống định vị vệ tinh (GPS);
d) Không được thiết kế bảo đảm phòng ngừa rò rỉ hoặc
phát tán chất thải nguy hại vào môi trường, không làm lẫn các loại chất thải
nguy hại với nhau; được chế tạo từ các vật
liệu không có khả năng tương tác, phản ứng
với chất thải nguy hại;
đ) Không có dấu hiệu cảnh báo; phòng ngừa theo Tiêu
chuẩn Việt Nam TCVN 6707-2009 về “Chất thải nguy hại - Dấu hiệu cảnh báo, phòng
ngừa”.
Chương III
THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VÀ THẨM
QUYỀN LẬP BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN CÁC VÙNG BIỂN, ĐẢO VÀ THỀM LỤC ĐỊA
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Điều 17. Thẩm quyền xử phạt
1. Trong trường hợp vi phạm
hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều lực lượng khác nhau quy định tại
Chương 3 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP thì việc xử phạt vi phạm hành chính do lực lượng thụ lý đầu
tiên thực hiện.
2. Thẩm quyền xử phạt hành chính của lực lượng Cảnh
sát biển và các lực lượng khác quy định tại các nghị định khác của Chính phủ
quy định xử phạt hành chính trong các lĩnh vực có liên quan, thì áp dụng nghị định
đó để thực hiện.
3. Các quy định khác về thẩm quyền xử phạt hành
chính của lực lượng Cảnh sát biển và các lực lượng khác theo quy định tại Luật
Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản có liên quan.
Điều 18. Cảnh sát viên, Trinh
sát viên có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
Cảnh sát viên Cảnh sát biển quy định tại Điều 28 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP, Trinh sát viên Cảnh sát biển quy định tại Khoản 2
Điều 33 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành
chính là người được bổ nhiệm theo quy định tại Thông tư số 94/2010/TT-BQP ngày
12 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về tiêu chuẩn và thủ tục
bổ nhiệm, miễn nhiệm Cảnh sát viên, Trinh
sát viên thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12
tháng 11 năm 2014 và thay thế Thông tư số 137/2005/TT-BQP ngày 20 tháng 9 năm
2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn
thực hiện Nghị định số 137/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ
quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển và thềm lục địa của
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 20. Điều khoản chuyển tiếp
Trong trường hợp
văn bản viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp
dụng văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
Điều 21. Trách nhiệm thi hành
1. Tư lệnh Cảnh sát biển, Thủ trưởng các lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
tổ chức và chỉ đạo việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định
số 162/2013/NĐ-CP , Thông tư này và các văn bản khác có liên quan; kiểm tra việc
tuân thủ pháp luật để bảo đảm thực hiện
thống nhất trong toàn lực lượng, đúng quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị
kịp thời phản ánh về Bộ Quốc phòng để xem xét, phối
hợp giải quyết;
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc
hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Thủ trưởng BQP, Chủ nhiệm TCCT;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng;
- Cục Kiểm tra văn bản/Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế BQP;
- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng;
- Lưu: VT, CSB; Hung 225b.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung
|