ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4129/QĐ-UBND
|
Quảng Nam, ngày
18 tháng 12 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH NỘI DUNG, MỨC CHI HỖ TRỢ CÁC HOẠT ĐỘNG
PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT LIÊN KẾT THEO CHUỖI GIÁ TRỊ GẮN SẢN XUẤT VỚI TIÊU THỤ SẢN
PHẨM; PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN VÀ CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số
52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Nghị định số
83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông;
Căn cứ Nghị định số
98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển
hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
Căn cứ Quyết định số
1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số
1760/QĐ-TTg ngày 10/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh, bổ sung Quyết
định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình
mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số
490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi
xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020;
Căn cứ Thông tư số
05/2017/TT-BNNPTNT ngày 01/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn một số
nội dung thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020
(Thông tư 05) và Thông tư số 04/2019/TT-BNNPTNT ngày 01/4/2019 của Bộ Nông nghiệp
và PTNT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 05;
Căn cứ Thông tư số
43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính về quy định quản lý và sử dụng
kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2016-2020 (Thông tư 43) và Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/01/2019 của Bộ
Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43;
Căn cứ Quyết định số
4781/QĐ-BNN-VPĐP ngày 21/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ban hành Sổ tay
hướng dẫn phát triển sản xuất trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số
1599/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Chương trình Mỗi
xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”;
Theo đề nghị của Chánh Văn
phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh tại Tờ trình số
85/TTr-VPĐPNTM ngày 29/11/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định nội dung, mức
chi hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản
xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát triển ngành nghề nông thôn và Chương trình Mỗi
xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và
thay thế Quyết định số 2834/QĐ-UBND ngày 20/9/2018 của UBND tỉnh.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo các
Chương trình MTQG tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể; Chánh Văn
phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh; Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND cấp xã và thủ trưởng các đơn vị có
liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, TC;
- Văn phòng Điều phối NTM TW;
- TTTU, HĐND, UBMT TQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các thành viên BCĐ tỉnh;
- Phòng, ban liên quan và UBND cấp xã
(do UBND cấp huyện sao gửi);
- CPVP;
- Lưu VT, TH, KTTH, KTN (Tâm).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Trí Thanh
|
QUY ĐỊNH
NỘI DUNG, MỨC CHI HỖ TRỢ CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT
LIÊN KẾT THEO CHUỖI GIÁ TRỊ GẮN SẢN XUẤT VỚI TIÊU THỤ SẢN PHẨM; PHÁT TRIỂN
NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN VÀ CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG
NAM, GIAI ĐOẠN 2018-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4129/QĐ-UBND ngày 18/12/2019 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Quảng Nam)
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
- Các xã trên địa bàn tỉnh Quảng
Nam, được chia ra các địa bàn như sau:
+ Địa bàn khó khăn, huyện
nghèo, gồm: Các xã thuộc huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày
07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ; các xã khó khăn thuộc Chương trình 135 theo
Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ; các thôn đặc
biệt khó khăn theo Quyết định số 414/QĐ-UBDT ngày 11/7/2017 của Ủy ban Dân tộc (hoặc
các Quyết định sửa đổi, bổ sung nếu có).
+ Địa bàn trung du miền núi,
bãi ngang, gồm: Các xã thuộc các huyện miền núi thấp: Hiệp Đức, Tiên Phước,
Nông Sơn (trừ các xã khó khăn thuộc Chương trình 135 theo Quyết định số
900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ hoặc các Quyết định, sửa đổi,
bổ sung, nếu có); các xã khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo
Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/012017 của Thủ tướng Chính phủ và các xã miền
núi thuộc các huyện đồng bằng (gồm các xã miền núi thuộc khu vực I, khu vực
II ở các huyện đồng bằng theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ
tướng Chính phủ hoặc các Quyết định sửa đổi, bổ sung nếu có).
+ Địa bàn đồng bằng, gồm: Các
xã thuộc các vùng còn lại (trừ các xã, thôn thuộc địa bàn khó khăn, huyện
nghèo và địa bàn trung du miền núi, bãi ngang).
- Riêng Chương trình Mỗi xã một
sản phẩm thực hiện ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với
các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX,
tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân (gọi chung là cơ sở) có sử
dụng và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách Nhà nước các cấp trong
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020 (viết tắt là
Chương trình NTM) và nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách tỉnh bố trí để
thực hiện các hoạt động/dự án: Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị
gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát triển ngành nghề nông thôn và Chương
trình Mỗi xã một sản phẩm (sau đây gọi chung là dự án).
Điều 2.
Nguyên tắc, nguồn kinh phí thực hiện
1. Nguyên tắc thực hiện
- Trong cùng một nội dung hỗ trợ,
nếu một cơ sở được ngân sách Nhà nước hỗ trợ từ Quy định này thì không được hưởng
hỗ trợ ngân sách Nhà nước từ các cơ chế, chính sách khác hoặc đã được hỗ trợ
ngân sách Nhà nước từ các cơ chế, chính sách khác thì không được hỗ trợ kinh
phí theo Quy định này.
- Đối tượng hỗ trợ dự án phát
triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị (liên kết trong sản xuất, sơ chế
hoặc chế biến) gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, dự án phát triển ngành
nghề nông thôn phải đảm bảo các điều kiện theo quy định, phải xây dựng dự án và
được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đối tượng được hưởng hỗ trợ từ
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (viết tắt là OCOP) phải đăng ký tham
gia (theo phiếu đăng ký sản phẩm đã có hoặc đăng ký sản phẩm mới) được
UBND cấp xã xác nhận, UBND cấp huyện thống nhất đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp
và PTNT đưa vào Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP hằng năm và khi triển khai
thực hiện phải tuân thủ theo Chu trình OCOP quy định tại Quyết định số
490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Nguồn kinh phí thực hiện
- Kinh phí sự nghiệp kinh tế
ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình NTM;
- Kinh phí sự nghiệp kinh tế
ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã bổ sung thực hiện dự án
phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản
phẩm, phát triển ngành nghề nông thôn và Chương trình OCOP.
Điều 3.
Nội dung, mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung
ương, ngân sách tỉnh:
1. Chi hỗ trợ tư vấn xây dựng
liên kết (chỉ áp dụng đối với xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị mới) trong
dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, bao gồm:
Chi phí khảo sát đánh giá chuỗi giá trị, tư vấn, nghiên cứu để xây dựng phương
án, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, xây dựng quy trình kỹ thuật (sản xuất,
chế biến, bảo quản), phát triển thị trường. Mức hỗ trợ tối đa 100% theo dự
toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 300 triệu đồng (theo
quy định Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ
về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu
thụ sản phẩm nông nghiệp), trong đó chi tiền công theo quy định tại Quyết định
số 07/2017/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định định mức xây
dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công
nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (viết tắt là
Quyết định 07). Chi công tác phí, hội thảo, hội nghị, học tập kinh nghiệm:
Theo quy định tại Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND ngày 19/7/2017 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị áp dụng đối với
các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh (viết tắt là Nghị quyết 20), Quyết định số
3407/QĐ-UBND ngày 19/9/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện quy định
về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị
thuộc tỉnh (viết tắt là Quyết định 3407).
2. Chi tập huấn, hướng dẫn kỹ
thuật, nâng cao năng lực quản lý, quản trị chuỗi giá trị, phát triển thị trường;
chi hội nghị, hội thảo, tập huấn; tham quan học tập kinh nghiệm; biên soạn tài
liệu: Hỗ trợ tối đa 100% chi phí thực hiện theo dự toán được cấp có thẩm quyền
phê duyệt. Nội dung chi, mức chi: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 20,
Quyết định 3407; Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính Hướng
dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 76/2018/TT-BTC
ngày 17/8/2018 của Bộ Tài chính Hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương
trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục
nghề nghiệp và các quy định hiện hành có liên quan. Riêng đào tạo, bồi dưỡng, tập
huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho đối tượng là nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp,
HTX, tổ hợp tác, trang trại (những đối tượng không được hưởng lương từ ngân
sách Nhà nước) thì chi theo chính sách bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo tại Điều
27 Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông (viết
tắt là Nghị định 83), Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ Tài
chính Quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước
thực hiện hoạt động khuyến nông và các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh về thực
hiện Nghị định 83. Được sử dụng các báo cáo viên là nông dân nòng cốt đã qua các
lớp đào tạo giảng viên (TOT), được chi trả thù lao và các chế độ liên
quan theo mức chi báo cáo viên là cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các
đơn vị cấp huyện.
3. Chi truyền thông, thông tin
tuyên truyền; chi triển khai quy trình lập, phê duyệt dự án liên kết theo chuỗi
giá trị, chi triển khai chu trình OCOP thường niên: Hỗ trợ tối đa 100% chi phí
thực hiện theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm:
- Chi truyền thông, thông tin
tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, gồm: Chi nhuận bút, thù
lao đối với tin, bài biên tập, đăng trên website, các báo, tạp chí, bản tin, tập
san, chuyên san, sổ tay; chi xây dựng tài liệu hướng dẫn, tập huấn, chi các hoạt
động quảng bá phục vụ Chương trình OCOP, tuyên truyền trên Đài Phát thanh -
Truyền hình, thông tin lưu động, hội chợ, triển lãm, sự kiện truyền thông; xây
dựng và duy trì hoạt động cho Website của Chương trình OCOP; chi in ấn các tài
liệu, ấn phẩm tuyên truyền, xuất bản sách, sổ tay và các hoạt động khác có liên
quan. Nội dung và mức chi thực hiện theo Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày
14/3/2014 của Chính phủ Quy định về nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản,
Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 20/3/2015 của UBND tỉnh ban hành quy định chế
độ nhuận bút đối với các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện
tử, bản tin trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và theo quy định liên quan được cấp có
thẩm quyền phê duyệt.
- Chi các nội dung triển khai
quy trình lập, phê duyệt dự án liên kết theo chuỗi giá trị: Gồm chi nước uống,
tài liệu, hội trường, họp phân tích chuỗi giá trị, xây dựng thuyết minh dự án,
xăng xe, thuê xe đi khảo sát thực địa, công tác phí, chi thù lao cho Hội đồng
đánh giá về thuyết minh dự án (bao gồm Tổ giúp việc của Hội đồng): Thực
hiện theo quy định tại Nghị quyết 20, Quyết định 3407 và các quy định hiện
hành; riêng chi thù lao cho Hội đồng đánh giá về thuyết minh dự án thực hiện
theo Quyết định 07.
- Chi triển khai chu trình OCOP
thường niên: Gồm chi thuê chuyên gia tư vấn xây dựng đề án, kế hoạch, chi nước,
tài liệu, hội trường, họp, thù lao cho Hội đồng đánh giá sản phẩm các cấp (bao
gồm Tổ giúp việc của Hội đồng), xăng xe, thuê xe, công tác phí, hội thi;
chi thù lao cho giảng viên tập huấn, đào tạo; chi tổ chức đi tham quan, học tập
kinh nghiệm trong, ngoài tỉnh và tham quan, học tập kinh nghiệm quốc tế (theo
chỉ đạo của cấp có thẩm quyền); chi thuê chuyên gia đánh giá, phân hạng sản
phẩm; chi vận chuyển và bảo quản sản phẩm; chi tổ chức chấm thi, kiểm tra chất
lượng sản phẩm, tổ chức công bố kết quả sản phẩm. Nội dung và mức chi: Thực hiện
theo quy định tại Nghị quyết 20, Quyết định 3407 và các quy định hiện hành;
riêng chi thù lao cho Hội đồng đánh giá sản phẩm các cấp thực hiện theo Quyết định
07.
Ngoài ra, các địa phương được
chi hỗ trợ chủ thể sản xuất thuê khoán tư vấn có trình độ, năng lực, kinh nghiệm
phù hợp để trợ giúp các chủ thể lập hồ sơ, đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đúng
quy định, với mức hỗ trợ tối đa không quá 03 triệu đồng/hồ sơ, với điều kiện sản
phẩm đó tham gia đánh giá, phân hạng ở cấp huyện đạt từ 50 điểm trở lên.
4. Chi hỗ trợ áp dụng quy trình
kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ (bao gồm các quy trình thực hành sản
xuất nông nghiệp tốt và các chứng nhận chất lượng sản phẩm theo hướng dẫn của Bộ
Nông nghiệp và PTNT; sản xuất nông nghiệp hữu cơ). Nội dung chi, mức chi thực
hiện theo quy định tại Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng
Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất
nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và Thông tư liên tịch
số 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 16/10/2013 của liên Bộ: Nông nghiệp và
PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn thực hiện Quyết định số
01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như sau:
- Hỗ trợ tối đa 100% kinh phí về
điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí
để xác định các vùng sản xuất tập trung thực hiện các dự án sản xuất nông, lâm,
thủy sản áp dụng VietGAP, hữu cơ, GACP-WHO, ISO, HACCP theo dự toán do cấp có
thẩm quyền phê duyệt. Trong đó chi điều tra khảo sát thực hiện theo Thông tư số
109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính Quy định lập dự toán, quản lý,
sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều
tra thống kê quốc gia; các chi phí phân tích theo mức phí quy định của cơ quan
có thẩm quyền.
- Đào tạo, tập huấn cán bộ quản
lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông các cấp; dạy nghề cho lao động nông
thôn áp dụng VietGAP, hữu cơ, GACP-WHO, ISO, HACCP trong sản xuất, sơ chế sản
phẩm an toàn; biên soạn, in ấn tài liệu, biểu mẫu phục vụ các lớp đào tạo, tập
huấn: Hỗ trợ tối đa 100% theo dự toán được cấp thẩm quyền phê duyệt; mức chi
theo Khoản 2 Điều này.
- Hỗ trợ một lần kinh phí thuê
tổ chức tư vấn và đánh giá chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo quy trình hữu
cơ, VietGAP, GLOBALGAP, GMP, ISO, HACCP…: Hỗ trợ tối đa 100% theo dự toán được
cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không quá 100 triệu đồng/cơ sở, cụ thể:
+ Hỗ trợ dự án áp dụng VietGAP:
Dự án có diện tích dưới 10 ha hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/cơ sở; dự án trên 10
ha, cứ tăng thêm đủ 5 ha được hỗ trợ thêm 15 triệu đồng.
+ Hỗ trợ tư vấn chứng nhận hữu
cơ; GlobalGAP; GMP; GACP-WHO: Không quá 100 triệu đồng/cơ sở.
+ Hỗ trợ xây dựng các Hệ thống
quản lý chất lượng tiên tiến khác như ISO, HACCP…: Hỗ trợ theo quy mô tổ chức,
cơ sở dưới 50 người hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/cơ sở, cơ sở từ 50 người trở
lên, cứ thêm 01 người hỗ trợ thêm 01 triệu đồng, nhưng tối đa không quá 100 triệu
đồng/cơ sở.
Điều kiện và danh mục sản phẩm
được hỗ trợ các nội dung nêu trên phải đảm bảo theo quy định tại Thông tư số
53/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (hoặc các văn
bản sửa đổi, bổ sung, nếu có) và theo đúng các quy định hiện hành của Nhà
nước.
- Hỗ trợ áp dụng tiến bộ kỹ thuật
mới trong sử dụng giống kháng sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo
vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản
lý cây trồng tổng hợp (ICM): Ưu tiên xây dựng và nhân rộng các mô hình theo Khoản
3, Điều 8 Nghị định 83. Nội dung, mức hỗ trợ theo Khoản 1 (trừ điểm đ, e),
Điều 29 Nghị định 83 và theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến
thương mại: Nội dung, mức hỗ trợ theo gạch (-) đầu dòng thứ 3, Khoản 9 Điều này.
5. Chi hỗ trợ thiết kế bao bì,
nhãn mác và mua bao bì, nhãn mác sản phẩm (bao gồm bao bì: Giấy, carton, thủy
tinh, đồ gốm, kim loại, gỗ, hàng dệt, mây, nứa, tre đan, vật liệu nhân tạo như
chất liệu polyme, cao su nhân tạo, màng chất dẻo): Hỗ trợ tối đa 100% nhưng
không quá 30 triệu đồng/cơ sở (mỗi cơ sở được hỗ trợ tối đa 3 vụ/chu kỳ sản
xuất).
6. Chi hỗ trợ giống, vật tư thiết
yếu (gồm: Các loại phân bón, thức ăn chăn nuôi, hóa chất (gồm thuốc bảo vệ
thực vật, chế phẩm sinh học, vắc xin, hóa chất xử lý ao nuôi thủy sản))
trong dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
Hỗ trợ tối đa 100% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu ở địa bàn khó
khăn, huyện nghèo. Hỗ trợ tối đa 70% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu ở
địa bàn trung du miền núi, bãi ngang. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí mua giống và
các vật tư thiết yếu ở địa bàn đồng bằng.
Cụ thể:
a) Đối với chuỗi liên kết sản
xuất trong trồng trọt: Hỗ trợ chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,
chế phẩm sinh học.
b) Đối với chuỗi liên kết sản
xuất trong chăn nuôi: Hỗ trợ chi phí mua giống, thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ chi
phí mua vắc xin và bảo quản vắc xin để tiêm phòng đối với các bệnh (Lở mồm
long móng, tụ huyết trùng trâu, bò; dịch tả lợn, cúm gia cầm).
c) Đối với chuỗi liên kết sản
xuất trong lâm nghiệp (hỗ trợ trồng cây lâm nghiệp, dược liệu, lâm sản ngoài
gỗ): Hỗ trợ chi phí mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm
sinh học.
d) Đối với chuỗi liên kết sản
xuất trong nuôi trồng thủy sản, động vật lưỡng cư, nhóm bò sát: Hỗ trợ con giống,
thức ăn, hóa chất cải tạo ao nuôi và hóa chất xử lý nước thải.
e) Đối với chuỗi liên kết sản
xuất nấm: Hỗ trợ chi phí mua meo giống và nguyên, vật liệu làm nấm.
g) Đối với chuỗi chế biến, cung
cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn: Hỗ trợ các nội dung có liên quan
theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không được cao hơn các định
mức hỗ trợ quy định tại Quyết định này.
Các nội dung tại Điểm a, b, c,
d, e, g nêu trên hỗ trợ theo quy mô thực tế về diện tích, số lượng vật nuôi và
định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (Quyết
định số 299/QĐ-SNN&PTNT ngày 16/7/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng
Nam Ban hành Danh mục định mức kỹ thuật cây trồng, vật nuôi áp dụng trong các
chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (Quyết định 299) và các Quyết định
ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật của các Bộ, ngành liên quan. Trường hợp vật
tư thiết yếu, hoặc những loại cây trồng, vật nuôi chưa được quy định tại Quyết
định 299 thì các đơn vị, địa phương gửi văn bản về Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh
Quảng Nam để tham gia ý kiến bằng văn bản về sự phù hợp quy hoạch, nội dung hỗ
trợ, quy mô, định mức kinh tế - kỹ thuật làm căn cứ thực hiện các bước tiếp
theo).
Trường hợp có nhiều hộ cùng
tham gia dự án liên kết theo chuỗi giá trị thì tùy điều kiện của địa phương và
nhu cầu của người dân, có thể hỗ trợ cho mỗi hộ từ 1 đến 3 lần (bao gồm hỗ
trợ giống và vật tư thiết yếu) trong giai đoạn 2018-2020 (trong 3 năm).
Mức hỗ trợ cho từng hộ tham gia dự án liên kết chuỗi giá trị do cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
7. Chi hỗ trợ mua máy móc, thiết
bị phục vụ sản xuất, thu hoạch; máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sơ chế,
chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm: Mức hỗ trợ tối đa 30% đối với dự
án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; tối đa 50% đối với dự
án phát triển ngành nghề nông thôn và Chương trình OCOP nhưng tối đa không quá
300 triệu đồng/dự án/cơ sở (áp dụng đối với cả 03 địa bàn quy định tại Khoản
1, Điều 1 Quy định này). Riêng nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách trung
ương hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP không được hỗ trợ máy móc thiết
bị, dây chuyền công nghệ sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm.
Ngoài việc được hỗ trợ máy móc,
thiết bị như nêu trên, các HTX nông nghiệp (hoạt động trong các lĩnh vực
nông, lâm, ngư và diêm nghiệp) được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc
và quy định của Luật HTX năm 2012 tham gia Chương trình OCOP được ưu tiên hỗ
trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày
15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển
HTX giai đoạn 2015-2020 (Quyết định 2261). Các HTX nông nghiệp chuyển đổi
theo Luật HTX năm 2012 tham gia Chương trình OCOP được ưu tiên hỗ trợ đầu
tư cơ sở hạ tầng theo quy định tại Quyết định số 46/2014/QĐ-UBND ngày
24/12/2014 của UBND tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát
triển HTX trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 124/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (Quyết
định 46). Nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng này không sử dụng nguồn kinh phí
theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Quy định này mà sử dụng từ nguồn kinh phí bố
trí theo kế hoạch hằng năm của Quyết định 2261 và Quyết định 46.
8. Chi hỗ trợ xây dựng/nâng cấp
điểm bán hàng, trung tâm OCOP và phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm
tại các cơ sở sản xuất
- Hỗ trợ xây dựng/nâng cấp điểm
bán hàng đối với cơ sở kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm (như siêu thị Mini
Mart, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, shop,…) có hợp đồng
liên kết để tiêu thụ sản phẩm từ các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị,
ngành nghề nông thôn, Chương trình OCOP: Mức hỗ trợ tối đa 100% ở địa bàn khó
khăn, huyện nghèo, tối đa 70% ở địa bàn trung du miền núi, bãi ngang, tối đa
50% ở địa bàn đồng bằng nhưng không quá 100 triệu đồng/điểm bán hàng để sửa chữa
nhỏ, mua giá, kệ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, tủ bảo quản sản phẩm, trang trí
điểm bán hàng và các hạng mục cần thiết, phù hợp khác bên trong điểm bán hàng.
Điều kiện được hỗ trợ: Có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các cơ sở sản xuất, hộ
nông dân với tổng giá trị hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tối thiểu phải đạt từ: 200
triệu đồng/năm trở lên đối với địa bàn khó khăn, huyện nghèo, từ 300 triệu đồng/năm
trở lên đối với địa bàn trung du miền núi, bãi ngang, từ 500 triệu đồng/năm trở
lên đối với địa bàn đồng bằng và điểm bán hàng OCOP phải cam kết bằng văn bản
là hoạt động đúng mục đích tối thiểu đủ 03 năm liên tục.
- Hỗ trợ Trung tâm OCOP (khuyến
khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng Trung tâm OCOP và quản lý sau
này; ngân sách nhà nước hỗ trợ để trang trí, bảng hiệu, cửa kính, tủ, giá, kệ,
mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ Trung tâm OCOP, các nội dung khác có
liên quan đầu tư cơ sở vật chất của Trung tâm OCOP nhưng không có tính chất xây
dựng cơ bản), cụ thể:
+ Trung tâm OCOP cấp huyện: Mức
hỗ trợ tối đa 100% ở địa bàn khó khăn, huyện nghèo; tối đa 70% ở địa bàn trung
du miền núi, bãi ngang; tối đa 50% ở địa bàn đồng bằng nhưng không quá 500 triệu
đồng cho 01 Trung tâm OCOP cấp huyện. Điều kiện được hỗ trợ: Có hợp đồng tiêu
thụ sản phẩm với các cơ sở sản xuất, hộ nông dân với tổng giá trị hợp đồng tiêu
thụ sản phẩm tối thiểu phải đạt từ: 1.000 triệu đồng/năm trở lên đối với địa
bàn khó khăn, huyện nghèo, từ 1.500 triệu đồng/năm đối với địa bàn trung du miền
núi, bãi ngang, từ 2.000 triệu đồng/năm đối với địa bàn đồng bằng và Trung tâm
OCOP cấp huyện phải có cam kết bằng văn bản là hoạt động đúng mục đích tối thiểu
đủ 05 năm liên tục.
+ Trung tâm OCOP cấp tỉnh: Mức
hỗ trợ tối đa 50% nhưng không quá 1.000 triệu đồng cho 01 Trung tâm OCOP cấp tỉnh.
Điều kiện được hỗ trợ: Có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các cơ sở sản xuất, hộ
nông dân với tổng giá trị hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tối thiểu phải đạt từ
3.000 triệu đồng/năm và Trung tâm OCOP cấp tỉnh phải có cam kết bằng văn bản hoạt
động đúng mục đích tối thiểu đủ 10 năm liên tục.
Trung tâm OCOP cấp huyện và
Trung tâm OCOP cấp tỉnh hỗ trợ theo danh mục ban hành kèm theo Phụ lục số 02
Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 của UBND tỉnh và các văn bản có liên
quan khác.
- Phòng trưng bày để giới thiệu
quảng bá sản phẩm tại các cơ sở sản xuất: Chi sửa chữa nhỏ, mua giá, kệ trưng
bày sản phẩm, bảng hiệu, tủ bảo quản sản phẩm, trang trí phòng trưng bày và các
hạng mục cần thiết, phù hợp khác bên trong phòng trưng bày. Mức hỗ trợ tối đa
50%, nhưng không quá 50 triệu đồng/phòng trưng bày. Điều kiện được hỗ trợ: Cơ sở
sản xuất có sản phẩm đạt 03 sao cấp tỉnh trở lên do UBND tỉnh công nhận.
* Các nội dung hỗ trợ nêu tại
Khoản 7 và Khoản 8 Điều này hỗ trợ sau đầu tư, khi có đầy đủ chứng từ theo quy
định, biên bản nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Ngân sách tỉnh bố trí kinh
phí hằng năm theo kế hoạch để hỗ trợ cho các nội dung này.
9. Chi hỗ trợ xúc tiến thương mại,
quảng bá, mở rộng thị trường
- Hỗ trợ chủ thể xây dựng câu
chuyện sản phẩm: Mức hỗ trợ không quá 03 triệu đồng/01 câu chuyện sản phẩm, với
điều kiện sản phẩm đó được cấp huyện đánh giá, phân hạng đạt từ 50 điểm trở
lên.
- Hỗ trợ xây dựng trang thông
tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; hỗ trợ tư vấn thương hiệu,
nhãn hiệu; chi phí đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu (bao gồm nhãn hiệu tập thể,
nhãn hiệu cá nhân), hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu/nhãn hiệu và hỗ
trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa; chi hỗ trợ quản lý nhãn hiệu các sản
phẩm OCOP, in tem, giấy chứng nhận. Hỗ trợ tối đa 50% tổng chi phí các nội dung
trên theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ
sở.
- Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến
thương mại đối với các đơn vị/cơ sở thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị,
ngành nghề nông thôn, các chủ thể có sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận xếp
hạng từ 03 sao trở lên:
+ Tham gia hội chợ, triển lãm
trên địa bàn tỉnh: Hỗ trợ 100% chi phí thuê, trang trí gian hàng, nhưng không
quá 05 triệu đồng cho 01 lần tham gia. Trong 01 năm hỗ trợ không quá 02 lần.
+ Tham gia hội chợ, triển lãm
ngoài địa bàn tỉnh (trong nước): Hỗ trợ 80% giá thuê, trang trí gian
hàng, nhưng không quá 10 triệu đồng cho 01 lần tham gia. Trong 01 năm hỗ trợ
không quá 02 lần.
Riêng các doanh nghiệp/HTX/cơ sở/chủ
thể sản xuất ở địa bàn khó khăn, huyện nghèo, trung du miền núi, hải đảo khi
tham gia hội chợ, triển lãm được hỗ trợ thêm chi phí vận chuyển hàng hóa nhưng
không quá 03 triệu đồng/lần tham gia đối với hội chợ, triển lãm trong tỉnh và
không quá 05 triệu đồng/lần tham gia đối với hội chợ, triển lãm ngoài địa bàn tỉnh
(trong nước). Trong 01 năm hỗ trợ không quá 02 lần.
+ Chi hỗ trợ 100% chi phí vé
máy bay cho các chủ thể có sản phẩm được UBND tỉnh công nhận xếp hạng từ 03 sao
trở lên đi tham gia khảo sát, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài. Số người được
hỗ trợ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
10. Chi hỗ trợ quản lý chất lượng,
bảo hộ sở hữu thương hiệu
- Hỗ trợ tối đa 70% kinh phí để
phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, phân tích thành phần định lượng của
hàng hoá theo quy định hiện hành của Nhà nước về nhãn hàng hoá theo mức phí của
cơ quan có thẩm quyền quy định; tối đa 70% kinh phí thẩm định, điều kiện hành
nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực an toàn thực thẩm, dược phẩm theo mức phí của
cơ quan có thẩm quyền. Mức hỗ trợ các nội dung trên không quá 10 triệu đồng/sản
phẩm.
- Hỗ trợ tối đa 100% chi phí
thiết lập, máy móc, thiết bị in mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Mã vạch, mã QR
Code (Quick Response Code), nhưng mức hỗ trợ tối đa 25 triệu đồng/cơ sở (hoặc
hỗ trợ bằng tem điện tử tương đương với mức hỗ trợ tối đa 25 triệu đồng), với
điều kiện sản phẩm đó có tham gia Chương trình OCOP và được UBND tỉnh công nhận
đạt 03 sao trở lên.
- Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu
công nghiệp, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: Hỗ trợ
tối đa 100% theo định mức hỗ trợ quy định tại Điều 20 Quyết định số
2868/QĐ-UBND ngày 10/9/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết
số 02/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh về quy định một số cơ chế,
chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh
Quảng Nam, giai đoạn 2019-2025.
- Hỗ trợ xây dựng và áp dụng
tiêu chuẩn cơ sở; đánh giá và công bố hợp chuẩn, hợp quy; áp dụng các công cụ
nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hoàn thiện, cải tiến, ứng dụng, đổi mới
công nghệ; đánh giá chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cho các sản phẩm hàng hóa đã
có tiêu chuẩn quốc gia; đánh giá chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nước ngoài cho
các sản phẩm hàng hóa chủ lực và xuất khẩu: Hỗ trợ tối đa 100% cho các nội dung
nêu trên theo định mức hỗ trợ quy định tại Quyết định số 708/QĐ-UBND ngày
14/02/2015 của UBND tỉnh Ban hành Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Đề
án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp vừa và
nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2012-2020 và Quyết định số
4492/QĐ-UBND ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh Sửa đổi Khoản 1, 2, 3 Điều 6 quy định
hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm,
hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn
2012-2020” ban hành kèm theo Quyết định số 708/QĐ-UBND ngày 14/02/2015 của UBND
tỉnh.
11. Chi hỗ trợ thành lập mới
doanh nghiệp, HTX có phương án kinh doanh tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị/ngành
nghề nông thôn/OCOP:
- Hỗ trợ thành lập mới doanh
nghiệp (chỉ áp dụng đối với địa bàn khó khăn, huyện nghèo): Hỗ trợ tối
đa 100% nhưng không quá 8 triệu đồng/doanh nghiệp (để thực hiện các nội dung
hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, dự án thành lập doanh nghiệp và chi phí liên
quan đến thành lập doanh nghiệp).
- Hỗ trợ thành lập mới HTX,
liên hiệp HTX: Mức hỗ trợ theo Điểm b, Khoản 9, Điều 2 Quyết định số
46/2014/QĐ-UBND ngày 24/12/2014 của UBND tỉnh.
12. Chi thưởng cho chủ thể sản
xuất có sản phẩm được UBND tỉnh công nhận, xếp hạng: Sản phẩm xếp hạng 5 sao:
10 triệu đồng/sản phẩm; sản phẩm xếp hạng 4 sao: 04 triệu đồng/sản phẩm; sản phẩm
xếp hạng 3 sao: 03 triệu đồng/sản phẩm.
13. Đối với nhóm Dịch vụ du lịch
nông thôn (nhóm thứ 6 của Chương trình OCOP tại Điểm b, Khoản 4, Điều 1 Quyết
định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ): Hỗ trợ xây dựng
và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn
nhân lực du lịch; hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch;
hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Nội dung hỗ trợ cụ thể cho các nội
dung này, được áp dụng theo các quy định tại Điểm 3.2, 3.3, 3.4 và 3.5, Khoản
3, Điều 1 Quyết định 364/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 của UBND tỉnh về việc triển
khai thực hiện Nghị quyết số 47/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh Quy
định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến
2025.
14. Chi phí quản lý
a) Chủ đầu tư được trích tối đa
03% kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho dự án để thực hiện các nội dung
khảo sát, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, tổng kết dự án, quyết toán. Cụ thể:
Chi hội nghị, họp, thù lao Hội đồng đánh giá dự án, chi thuê chuyên gia, lao động
kỹ thuật (nếu có); chi báo cáo kết quả thực hiện dự án; chi làm thêm giờ theo
chế độ quy định; văn phòng phẩm, photo tài liệu, điện thoại, bưu chính, điện nước;
chi công tác phí, xăng dầu, thuê phương tiện và chi khác (nếu có) theo định mức,
chế độ tài chính hiện hành.
b) Tổ chức chủ trì và đơn vị
triển khai thực hiện dự án được trích tối đa 05% kinh phí hỗ trợ từ ngân sách
Nhà nước cho dự án để chi cho công tác tổ chức thực hiện, quản lý, chỉ đạo, kiểm
tra, giám sát, nghiệm thu, quyết toán và chi khác. Mức chi thực hiện theo quy định
hiện hành.
15. Ngoài nội dung chi, mức chi
nêu trên, doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia
đình, cá nhân thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn
sản xuất với tiêu thụ sản phẩm còn được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước
theo quy định của pháp luật về đất đai; được áp dụng các chính sách tín dụng
khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết.
Điều 4.
Lập, phân bổ, thanh, quyết toán
1. Trên cơ sở nội dung, định mức
hỗ trợ quy định tại Quyết định này và mức kinh phí phân bổ hằng năm từ Chương
trình NTM, ngành nghề nông thôn và Chương trình OCOP của UBND tỉnh, UBND cấp
huyện, các cơ quan, đơn vị được giao kinh phí lập dự án, dự toán trình cấp có
thẩm quyền phê duyệt để tổ chức, triển khai thực hiện.
2. Quy trình triển khai
- Dự án phát triển sản xuất
liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm: Thực hiện theo
các Bước quy định tại Phần II Quyết định số 4781/QĐ-BNN-VPĐP ngày 21/11/2017 của
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Ban hành Sổ tay hướng dẫn phát triển sản xuất
thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (UBND cấp
huyện phê duyệt thuyết minh dự án và dự toán). Tùy điều kiện cụ thể của địa
phương, UBND cấp huyện xem xét có văn bản phân cấp, ủy quyền cho các Phòng, ban
liên quan hoặc UBND cấp xã thực hiện một số Bước trong quy trình này (không
phân cấp, ủy quyền việc phê duyệt thuyết minh dự án và dự toán).
Riêng dự án liên kết theo chuỗi
giá trị cấp tỉnh thực hiện (dự án thực hiện trên phạm vi nhiều huyện),
trên cơ sở quy mô thực tế, UBND tỉnh sẽ phê duyệt mức hỗ trợ cụ thể cho từng dự
án. Đối với dự án chuỗi chế biến, cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an
toàn quy định tại Điểm g, Khoản 6, Điều 3 Quy định này nếu sử dụng nguồn kinh
phí sự nghiệp kinh tế hằng năm được phân bổ cho Sở Nông nghiệp và PTNT thì giao
Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án, dự toán để tổ chức
thực hiện.
Ngoài ra, khi UBND tỉnh có văn
bản triển khai cơ chế, quy trình, hồ sơ thủ tục theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP
ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác,
liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (gọi chung là quy
trình Nghị định 98) thì được thực hiện các nội dung hỗ trợ có liên quan
theo quy trình Nghị định 98 từ nguồn kinh phí sự nghiệp trong Chương trình NTM
(bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh).
- Dự án phát triển ngành nghề
nông thôn: Cơ quan, đơn vị được giao chủ đầu tư lập dự án, dự toán (dự án cấp
tỉnh do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư, dự án cấp huyện do Phòng Nông
nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế làm chủ đầu tư, dự án cấp xã do UBND xã làm chủ đầu
tư), trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện (đối với dự án
cấp tỉnh thực hiện thì UBND tỉnh phê duyệt; đối với dự án cấp huyện, xã thực hiện
thì UBND cấp huyện phê duyệt, UBND cấp huyện giao nhiệm vụ cho Phòng, ban liên
quan thẩm định dự án, dự toán trước khi trình UBND cấp huyện phê duyệt). Mức
hỗ trợ kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương từ Chương trình NTM cho dự án
ngành nghề nông thôn tối đa 50% nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án, theo như
quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP .
- Chương trình OCOP: Triển khai
theo Chu trình OCOP quy định tại Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 của
UBND tỉnh. UBND cấp huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế hoặc Văn
phòng Điều phối NTM cấp huyện triển khai việc hỗ trợ và thanh, quyết toán theo
quy định.
3. Các nội dung khác không quy
định tại Quyết định này thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số
43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 và Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/01/2019 của
Bộ Tài chính. Khi văn bản dẫn chiếu để áp dụng tại Quyết định này được sửa đổi,
bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ
sung hoặc thay thế.
Điều 5.
Điều khoản chuyển tiếp
1. Đối với các dự án thuộc nguồn
kinh phí Chương trình NTM trên địa bàn tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt
trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành và đang triển khai thực hiện thì
tiếp tục triển khai theo nội dung, mức hỗ trợ của dự án đã được phê duyệt,
không điều chỉnh theo nội dung quy định tại Quyết định này.
2. Đối với các dự án thuộc nguồn
kinh phí Chương trình NTM đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chưa triển
khai thực hiện hoặc đang thực hiện một phần hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị
thì được thực hiện điều chỉnh theo nội dung, mức hỗ trợ quy định tại Quyết định
này kể từ ngày Quyết định có hiệu lực thi hành.
3. Đối với Chương trình OCOP, nếu
sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương
trình NTM thì nội dung chi thực hiện theo quy định tại Điều 20a và Điều 20b
Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/01/2019 của Bộ Tài chính và các quy định hiện
hành có liên quan.
Điều 6.
Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng
Điều phối NTM tỉnh: Chủ trì hướng dẫn các địa phương và đơn vị liên quan triển
khai thực hiện; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện gắn với việc thực hiện mục
tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình NTM; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu phân
bổ kế hoạch kinh phí từ Chương trình NTM, Chương trình OCOP, ngành nghề nông
thôn, ngân sách tỉnh để thực hiện. Rà soát, ban hành các định mức kinh tế - kỹ
thuật của cây trồng, con vật nuôi, thủy sản cho phù hợp với điều kiện từng
vùng. Hướng dẫn mẫu thiết kế, trang trí chung cho các điểm bán hàng, trung tâm
OCOP để thống nhất trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và PTNT, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tham mưu bố trí kinh phí sự nghiệp từ
Chương trình NTM, Chương trình OCOP, ngành nghề nông thôn, ngân sách tỉnh hằng
năm để thực hiện các nội dung hỗ trợ tại Quyết định này.
- Hướng dẫn các Sở, ngành và địa
phương thanh toán, quyết toán các nguồn kinh phí được giao theo đúng quy định
hiện hành.
3. Các Sở, ngành liên quan,
Liên minh HTX tỉnh: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối
NTM tỉnh hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, các Hội, đoàn thể các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng phối
hợp thông tin tuyên truyền, vận động thực hiện tốt các nội dung quy định tại
Quyết định này.
5. UBND cấp huyện:
- Tuyên truyền, phổ biến rộng
rãi các nội dung và định mức hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn biết
và thực hiện; phân công đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện
các dự án; thực hiện nghiệm thu, quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí hỗ trợ và thực
hiện thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định hiện hành; định kỳ sơ kết,
tổng kết, đánh giá việc thực hiện các nội dung hỗ trợ theo quy định và báo cáo
UBND tỉnh (qua Văn phòng Điều phối NTM tỉnh) để theo dõi chỉ đạo.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn,
UBND cấp xã lập, trình phê duyệt kế hoạch đầu tư hỗ trợ hằng năm cho các dự án
theo đúng quy định; tổng hợp kế hoạch của các xã trình UBND cấp huyện phê duyệt
kế hoạch chung của cấp huyện; tổ chức triển khai, nghiệm thu, đánh giá kết quả
bảo đảm đúng quy trình quy định.
- Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện
việc lập dự toán, quyết toán và kiểm tra phê duyệt quyết toán kinh phí ngân
sách Nhà nước đối với nguồn vốn được giao theo quy định.
- Hằng năm, bố trí thêm ngân
sách địa phương (ngoài ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh) để thực hiện
các dự án.
Trong quá trình tổ chức triển
khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản
ánh bằng văn bản về Văn phòng Điều phối NTM tỉnh để tổng hợp, trình UBND tỉnh
xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.