ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 85/QĐ-UBND
|
Tuyên Quang, ngày
03 tháng 3 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Ở VÙNG CÓ ĐÔNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC MÔNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HÀM YÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Ngân sách
Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư
công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số
40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Đầu tư công năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH14
ngày 18/11/2019 của Quốc hội (khóa XIV) phê duyệt Đề án tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/NQ-QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV
phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -
xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày
15/02/2020 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14
ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế -
xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Quyết định số 861/QĐ-TTg
ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực
III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban dân tộc
về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số 1227/QĐ-TTg
ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp
nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số
1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày
28/01/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác Dân tộc giai đoạn
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 90/QĐ-TTg
ngày 18/01/2022 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc
gia Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg
ngày 22/02/2022 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc
gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Thông tư số
15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính về Quy định quản lý, sử dụng
kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế
- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai
đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;
Căn cứ Nghị định số
27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ về quy định cơ chế quản lý, tổ chức
thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số
652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu
tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021- 2025 cho các địa
phương thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 18/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên
Quang về việc thực hiện Đề án “đấu tranh, ngăn chặn tiến tới xóa bỏ tổ chức bất
hợp pháp Dương Văn Mình” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;
Căn cứ Kế hoạch số
127/KH-UBND ngày 05/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch
thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 và năm
2022;
Căn cứ Tờ trình số 65/TTr-UBND ngày 03/3/2023 của
Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên về đề nghị phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế - xã
hội, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng có đông đồng bào dân tộc Mông trên địa
bàn huyện Hàm Yên; Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư số 78/BC-SKH ngày
28/02/2023;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án
Phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng có đông đồng
bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Hàm Yên, với nội dung chủ yếu sau:
I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
CỦA ĐỀ ÁN
1. Phạm vi: Đề án thực
hiện tại địa bàn 13 thôn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống thuộc 4 xã
trên địa bàn huyện Hàm Yên gồm: Thôn 3 Thuốc Hạ, thôn 2 Thuốc Thượng (xã Tân
Thành); thôn Thài Khao, thôn Quảng Tân, thôn Ngòi Sen, thôn Tháng 10 (xã Yên
Lâm); Thôn 1 Minh Tiến, thôn 5 Minh Tiến, thôn 6 Minh Tiến, thôn 7 Minh Tiến,
thôn 8 Minh Tiến, thôn Cây Đa (xã Minh Hương); thôn 1A Thống Nhất (xã Yên Phú).
2. Đối tượng: Hệ thống
chính trị, các hộ đồng bào dân tộc Mông tại 13 thôn thuộc 4 xã trong phạm vi của
Đề án.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC
TIÊU
1. Quan điểm
- Vùng đồng bào dân tộc
Mông còn nhiều khó khăn, kinh tế xã hội chậm phát triển, trình độ dân trí thấp,
đời sống rất khó khăn, còn tiềm ẩn những phức tạp về an ninh - trật tự, cần sự
quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế
- xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, khơi dậy ý chí vươn lên của đồng bào dân
tộc Mông thoát nghèo bền vững.
- Thực hiện Đề án
phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc
Mông trên địa bàn huyện Hàm Yên tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh
kế, giải quyết những khó khăn về sản xuất và đời sống, giảm nghèo bền vững,
nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát
triển giữa vùng đồng bào dân tộc Mông với các vùng khác; xây dựng hệ thống
chính trị trong sạch vững mạnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội.
- Lồng ghép,
huy động đa dạng và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện đề án;
chú trọng phát huy, khơi dậy nguồn lực trong nhân dân và huy động đóng góp của
các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân.
- Quá trình thực hiện
Đề án phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, toàn diện của các cấp ủy, sự điều
hành chủ động, quyết liệt, linh hoạt của chính quyền, phát huy sức mạnh của cả
hệ thống chính trị, sự đồng thuận tham gia của nhân dân.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
Phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, nâng cao
thu nhập, cải thiện rõ rệt đời sống của đồng bào dân tộc Mông; cơ bản xóa nhà tạm,
nhà dột nát, khắc phục tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt;
phát triển toàn diện giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; đầu tư các công trình hạ
tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở
trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc,
củng cố niềm tin của đồng bào Mông với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
2.2. Mục tiêu cụ thể
2.2.1. Mục tiêu đến hết năm 2024
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm.
- Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc Mông dưới 28%.
- Hoàn thành sửa chữa, xây mới 280 nhà cho hộ
nghèo, cận nghèo.
- Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ trên
20%; hầu hết trẻ trong độ tuổi vào lớp 1; trên 97% học sinh hoàn thành chương
trình tiểu học vào trung học cơ sở; trên 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở
học trung học phổ thông hoặc học nghề.
- Duy trì tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế
98%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 21%.
- Trên 90%hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn
hóa, 86% thôn đạt danh hiệu văn hóa.
- Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Mông được sử dụng nước
hợp vệ sinh đạt 95%.
- 100% cán bộ, công chức xã có trình độ chuyên môn
từ trung cấp trở lên, trong đó trên 90% có trình độ đại học trở lên; trên 70%
chi bộ được đánh giá xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; có trên 70% trưởng ban
công tác Mặt trận, trưởng chi đoàn, chi hội là đảng viên; tỷ lệ thu hút, tập hợp
đoàn viên, hội viên vào tổ chức đoàn thể đạt trên 30%; trong giai đoạn năm
2022-2024, mỗi Chi bộ phấn đấu kết nạp từ 01 đảng viên trở lên là người Mông,
không có chi bộ từ 2 năm trở lên không kết nạp được đảng viên mới; 100% trưởng
thôn là đảng viên.
2.2.2. Mục tiêu đến hết năm 2026
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm.
- Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc Mông dưới 10%.
- Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ trên
35%, 100% trẻ trong độ tuổi vào lớp 1; trên 98% học sinh hoàn thành chương
trình tiểu học vào trung học cơ sở; trên 80% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở
học trung học phổ thông hoặc học nghề.
- Duy trì tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế
98%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 18%.
- Trên 92% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn
hóa, 87% thôn đạt danh hiệu văn hóa.
- Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Mông được sử dụng nước
hợp vệ sinh đạt 98%.
- 100% cán bộ, công chức xã có trình độ chuyên môn
từ đại học trở lên; trên 80% chi bộ được đánh giá xếp loại hoàn thành tốt nhiệm
vụ; có trên 80% trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng chi đoàn, chi hội là đảng
viên; tỷ lệ thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên vào tổ chức đoàn thể đạt trên
40%; trong giai đoạn từ năm 2025-2026, mỗi Chi bộ phấn đấu kết nạp từ 01 đảng
viên trở lên là người Mông, 100% trưởng thôn là đảng viên.
III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Giải quyết tình trạng
khó khăn về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, chuồng
trại chăn nuôi
1.1. Đối với nhà ở
Hỗ trợ xây dựng nhà ở đảm bảo 3 cứng, diện tích phù
hợp. Tổng số hộ có nhà tạm, dột nát là 280 hộ, kinh phí thực hiện dự kiến
36.910 triệu đồng.
(Chi tiết có biểu
số 02 kèm theo)
1.2. Đối với đất ở
Rà soát điều chỉnh, bổ sung hoạch sử dụng đất giai
đoạn 2021-2030 trên địa bàn 04 xã, thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng và
xây dựng hạ tầng, lập phương án giao đất ở không thu tiền sử dụng đất cho các hộ
đồng bào dân tộc Mông thiếu đất ở.
1.3. Quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư
- Quy hoạch, sắp xếp ổn định khu dân cư thôn 6 Minh
Tiến, xã Minh Hương: Quy hoạch diện tích 08 ha cho 57 hộ: trong đó quy hoạch lại
khu dân cư hiện hữu 2 ha để sắp xếp lại; quy hoạch bổ sung mới 6 ha để san ủi,
tạo mặt bằng, xây dựng rãnh thoát nước, đường nội bộ, hạ tầng kỹ thuật bố trí
cho 37 hộ; khái toán kinh phí thực hiện: 27.661 triệu đồng.
- Quy hoạch khu dân cư tại thôn Quảng Tân, xã Yên
Lâm: Quy hoạch diện tích 3,0 ha tạo mặt bằng, xây dựng rãnh thoát nước, đường nội
bộ, hạ tầng kỹ thuật để giao đất ở không thu tiền sử dụng đất cho 30 hộ đồng
bào dân tộc Mông thiếu đất ở trên địa bàn xã Yên Lâm; khái toán kinh phí thực
hiện: 9.000 triệu đồng.
- Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư cho 09 hộ thôn
2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành diện tích 0,3 ha; kinh phí thực hiện: 622 triệu đồng.
- Huy động các nguồn lực thực hiện di dân ra khỏi
vùng thiên tai nguy hiểm và vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn thôn Quảng Tân,
xã Yên Lâm theo Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Tuyên Quang.
(Chi tiết có biểu
số 03 đính kèm)
1.4. Đối với đất sản xuất
- Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thực hiện điều
chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, chuyển một số diện tích đất rừng phòng hộ hiện không
có rừng, ít chức năng phòng hộ trên địa bàn thôn Cây Đa, xã Minh Hương sang đất
rừng sản xuất bảo đảm theo các tiêu chí quy định; rà soát diện tích đất do các
Công ty lâm nghiệp trên địa bàn xã Yên Lâm đã trả lại địa phương không có vướng
mắc, để giao đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc Mông tại thôn Ngòi Sen, Quảng
Tân, Tháng 10.
- Rà soát diện tích đất lâm nghiệp do xã đang quản
lý, diện tích đất các Công ty lâm nghiệp đang quản lý để đề nghị Tổng công ty
giấy Việt Nam trả lại cho địa phương trên địa bàn 04 xã để xây dựng phương án
giao đất lâm nghiệp cho các hộ đồng bào dân tộc Mông thuộc hộ nghèo thiếu đất sản
xuất.
- Hỗ trợ thực hiện đo đạc, giao đất, cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình; kinh phí thực hiện:
3.500 triệu đồng.
(Chi tiết có biểu
số 03 đính kèm)
1.5. Đối với nước sinh hoạt
- Hỗ trợ những hộ có khó khăn về nước sinh hoạt 03
triệu đồng/hộ để mua bồn chứa nước, hộ gia đình đóng góp phụ kiện, công lắp đặt
01 triệu đồng/hộ. Tổng số 502 hộ, kinh phí thực hiện: 2.008 triệu đồng.
(Chi tiết có biểu
số 04 kèm theo)
- Thực hiện sửa chữa 03 công trình cấp nước tập
trung tại thôn 3 thuốc Hạ, xã Tân Thành và thôn 6 Minh Tiến, thôn Cây Đa xã
Minh Hương, kinh phí thực hiện: 573 triệu đồng.
- Hỗ trợ khoan 10 giếng, lắp đặt hệ thống điện, máy
bơm tại các khu dân cư thôn 6 Minh Tiến, thôn 7 Minh Tiến, xã Minh Hương; kinh
phí thực hiện: 700 triệu đồng.
1.6. Hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh, chuồng
trại chăn nuôi
- Hỗ trợ xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh, chuồng trại
chăn nuôi hợp vệ sinh các hộ có nhu cầu hỗ trợ: 522 hộ; khái toán kinh phí hỗ
trợ: 7.830 triệu đồng (Kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND
ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, mức hỗ trợ bằng 5 triệu đồng/hộ,nhân
dân đóng góp 10 triệu đồng/hộ)
(Chi tiết có biểu
số 04 kèm theo)
2. Phát triển sản xuất, nâng
cao thu nhập, giảm nghèo bền vững
- Tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
nông, lâm nghiệp; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng sản xuất hàng
hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế
cụ thể cho từng hộ gia đình, phân công cụ thể từng tổ chức, cá nhân giúp đỡ, hỗ
trợ để phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ
sản phẩm để các hộ có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Liên kết các
doanh nghiệp với các hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo.
- Tổ chức dạy nghề cho lao động
phù hợp với kiến thức của người dân, để dễ tiếp thu kiến thức, áp dụng được kiến
thức sau khi kết thúc khóa học; liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức đào tạo
nghề và vận động người dân đi lao động tại các nhà máy chế biến gỗ, nhà máy giầy,
nhà máy may để giải quyết việc làm…
- Tiếp tục thực hiện các cơ chế,
chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, giảm nghèo như: các Chương
trình mục tiêu quốc gia; chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND
ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh gồm: vay vốn có hỗ trợ lãi suất để
chăn nuôi cá, nuôi trâu, bò, chuyển rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, hỗ trợ về vật
tư, giống cây trồng, vật nuôi…
- Thực hiện Dự án 2 thuộc
Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững về đa dạng hóa sinh kế, phát
triển mô hình giảm nghèo. Hỗ trợ máy móc, giống cây trồng, vật nuôi cho phát
triển sản xuất nông, lâm nghiệp và các mô hình giảm nghèo như phát triển chăn
nuôi đàn gia súc, trồng cây dược liệu có giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao
cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Thực hiện Dự án 3 thuộc Chương trình mục
tiêu giảm nghèo bền vững về hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng.
Trong đó: Tiểu dự án 1 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp
hỗ trợ kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống
cây trồng, vật nuôi; thiết bị, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc
bảo vệ thực vật và thú y cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào Mông.
- Huy động các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ các hộ
nghèo, cận nghèo mỗi hộ 01 con trâu hoặc bò; trong đó số hộ có nhu cầu nuôi
trâu: 347 con, nuôi bò: 93 con; kinh phí thực hiện: 12.735 triệu đồng.
- Hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế theo Dự án
9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi, mức hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ, nhân dân đóng
góp 10 triệu đồng/hộ; kinh phí thực hiện: 6.028 triệu đồng. Trong đó:
- Đẩy mạnh cho vay vốn tín dụng phát triển kinh tế
từ nguồn tín dụng chính sách xã hội, tín dụng nông nghiệp, nông thôn: 25.000
triệu đồng.
(Chi tiết có biểu
05, 06, 07 kèm theo)
3. Đầu tư các công trình hạ tầng
thiết yếu
- Các công trình hạ tầng thiết yếu, cấp thiết đề
nghị tỉnh hỗ trợ nguồn vốn ngân của sách tỉnh: Đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng
mới các tuyến đường nội bộ khu dân cư, tuyến đường kết nối các khu dân cư, rãnh
thoát nước; xây dựng nhà lớp học mầm non điểm trường Quảng Tân 1, Quảng Tân 2,
xã Yên Lâm; xây dựng bếp ăn điểm trường mầm non thôn 6 Minh Tiến, xã Minh
Hương; xây dựng mới 02 trạm biến áp và đường dây 0,4Kv tại thôn 3 Thuốc Hạ, xã
Tân Thành và thôn 7 Minh Tiến, xã Minh Hương.
- Các công trình hạ tầng đã được phê duyệt nguồn vốn
trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025:
+ Hạ tầng chợ nông thôn: Cải tạo, nâng cấp Chợ
trung tâm xã Yên Lâm.
+ Hạ tầng văn hóa: Đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng
mới nhà văn hóa ở các thôn: Thôn Thài Khao, thôn Quảng Tân, thôn Ngòi Sen, xã
Yên Lâm.
+ Hạ tầng giáo dục: Đầu tư xây dựng các công trình
phục vụ học tập, sinh hoạt bán trú tại các Trường phổ thông dân tộc bán trú
THCS Yên Lâm, xã Yên Lâm; Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Minh Tiến,
xã Minh Hương;
- Kinh phí thực hiện: 84.942 triệu đồng.
(Chi tiết có biểu
số 08 đính kèm)
4. Phát triển các lĩnh vực văn hóa
- xã hội
4.1. Phát triển giáo dục đào tạo
- Đổi mới phương pháp dạy học phù hợp
với đối tượng học sinh; tổ chức khảo sát phân loại năng lực học tập của học
sinh ngay từ đầu năm học để xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu.
- Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống,
rèn luyện kĩ năng sống; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường,
gia đình và địa phương trong quản lí, giáo dục học sinh, xây dựng nếp sống văn
minh, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường, tuyên truyền trong gia đình, cộng đồng
về xóa các hủ tục lạc hậu (việc cưới, việc tang, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống,
sinh đông con…)
- Phân công cán bộ quản lí, giáo viên
phụ trách học sinh đến từng thôn, bản, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, từ đó kịp
thời động viên, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với các tổ chức
đoàn thể vận động học sinh dân tộc Mông đến lớp, nhất là vận động học sinh người
Mông đi học các lớp nội trú, bán trú, đào tạo nghề.
- Huy động cơ bản trẻ trong độ tuổi mẫu
giáo ra lớp, tăng tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ; ưu tiên xét tuyển học sinh dân
tộc Mông vào học các trường dân tộc nội trú, bán trú, cử tuyển vào các trường
cao đẳng, đại học nhằm đào tạo cán bộ là người dân tộc Mông.
- Thực hiện tốt công tác phân luồng học
sinh theo các trường nghề hoặc vào học tại các trường trung học phổ thông,
trung học phổ thông nội trú theo điều kiện, nhu cầu của học sinh. Nâng cao hiệu
quả của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên …; liên kết với
các doanh nghiệp trong đào tạo nghề để giải quyết việc làm tại các nhà máy,
trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
- Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch
83/KH-UBND ngày 25/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về phát triển hệ
thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú giai đoạn 2021- 2025; Quyết định
số 668/QĐ-UBND ngày 3/11/2021 về ban hành Đề án thí điểm mở lớp học Chương
trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông kết hợp liên kết đào tạo
trung cấp nghề tại xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
4.2. Xây dựng thiết chế văn hóa, bảo tồn và
phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc
- Xây dựng, chỉnh trang khuôn viên các nhà văn hóa
và hỗ
trợ mua sắm các thiết chế nhà văn hóa thôn. Phấn đấu 100% số thôn có đầy đủ các
thiết chế văn hóa thông tin, 60% số hộ đồng bào Mông có các phương tiện nghe
nhìn.
- Khôi phục các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống của
đồng bào Mông. Hỗ trợ, hướng dẫn đội văn nghệ, đội thể thao thôn hoạt động thường
xuyên. Gắn các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống vào các
lễ hội để quảng bá du lịch. Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng phục vụ du khách đến
trải nghiệm;
tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông. Trung tâm Văn hóa tỉnh,
Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tổ chức
các buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ, chiếu phim lưu động có lồng tiếng dân tộc
Mông.
- Thực hiện tốt biện pháp bảo tồn và phát huy bản sắc
văn hóa truyền thống như tiếng nói, trang phục, nét sinh hoạt văn hóa truyền thống
gắn với hướng dẫn, xây dựng các quy ước, hương ước; loại bỏ những phong tục, tập
quán còn lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ
hội phù hợp, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tuyên truyền, vận động, hướng
dẫn, hỗ trợ đồng bào dân tộc Mông khôi phục và duy trì lễ hội Gầu Tào, các trò
chơi Lảy Pao (Ném Pao), đánh Yến, khôi phục và thành lập đội đánh quay, múa
khèn, thổi kèn lá tại các xã.
- Xây dựng hương ước, quy ước cụ thể áp dụng cho
toàn bộ người dân tại các địa bàn nói chung, người dân tộc Mông nói riêng trong
sinh hoạt, đời sống văn hóa tinh thần, vừa gìn giữ, phát huy những giá trị truyền
thống của người dân tộc Mông vừa cập nhật những xu hướng phát triển tiến bộ của
xã hội.
- Tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn
nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống các dân tộc phù hợp với điều kiện cụ thể, để
người dân cùng tham gia nâng cao tinh thần đoàn kết, xóa bỏ khoảng cách giữa
người dân tộc Mông với các dân tộc khác.
- Thường xuyên tổ chức các hội thi văn hóa, văn nghệ
(thi trang phục, thi hát, múa khèn, ẩm thực…) giữa các thôn, xã có người dân tộc
Mông sinh sống để gìn giữ và phát huy những bản sắc tốt đẹp của người Mông.
4.3. Nâng cao chất lượng y tế, chăm sóc sức
khỏe nhân dân; tăng cường công tác vệ sinh môi trường
- Quan tâm thực hiện nhiệm vụ công tác
dân số - kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền phổ biến pháp luật về hôn nhân và
gia đình, thực hiện chính sách dân số để góp phần giảm thiểu tình trạng tảo
hôn, hôn nhân cận huyết thống. Triển khai chiến dịch truyền thông, vận động, lồng
ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình để người dân
áp dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên.
Thực hiện tốt Tiểu dự án 2 Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững,về cải thiện dinh dưỡng, về tăng cường việc tiếp cận với
can thiệp trực tiếp phòng chống, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho
bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình thuộc là
đồng bào mông.
- Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ, y đức cho đội ngũ cán bộ y tế các cấp; đảm bảo cơ sở vật
chất khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân; thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe nhân
dân, công tác phòng chống dịch, tiêm chủng vắc xin, nhất là vắc xin Covid - 19.
Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm y tế xã, đội ngũ nhân viên
y tế thôn; áp dụng các chính sách về bảo hiểm y tế, thực hiện tốt chính sách bảo
hiểm y tế cho người dân.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân
dân giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở; xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh,
chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm hợp vệ sinh; phân loại rác, đào hố chôn rác hữu
cơ, xây dựng lò đốt rác để giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường; tổ chức vệ sinh
đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng.
5. Xây dựng hệ thống
chính trị vững mạnh
- Cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện
nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng; chấp hành, duy trì có nền nếp
chế độ sinh hoạt đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tập trung lãnh đạo,
chỉ đạo củng cố, kiện toàn chi bộ, thay thế bí thư chi bộ yếu kém; phân công
cán bộ cấp xã, cấp ủy viên cơ sở có trách nhiệm phụ trách, nắm chắc tình hình,
hướng dẫn chi bộ thôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định, nâng cao
chất lượng sinh hoạt chi bộ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
- Thực hiện tốt công tác rà soát, quy
hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ nói chung, nhất là cán bộ dân tộc
Mông, phấn đấu xã Yên Lâm, xã Minh Hương có cán bộ, công chức, người hoạt động
không chuyên trách xã là người dân tộc Mông. Xây dựng kế hoạch phát triển đảng
viên, chú trọng từ khâu phát hiện, lựa chọn, giới thiệu nguồn, bồi dưỡng, giúp
đỡ quần chúng phấn đấu, hướng dẫn thực hiện trình tự, thủ tục kết nạp đảng viên
mới đảm bảo nhanh gọn, đúng quy định.
- Chính quyền xã thực hiện tốt chức
năng quản lý nhà nước ở cơ sở; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao tinh thần,
trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Quan tâm kiện
toàn, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, người hoạt động không chuyên trách xã,
thôn; bố trí mỗi thôn một phó thôn, ưu tiên người dân tộc Mông.
- Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức
chính trị - xã hội tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào, cuộc
vận động theo hướng thiết thực, cụ thể; kịp thời củng cố, kiện toàn ban công
tác mặt trận, trưởng chi đoàn, chi hội; phát huy tốt vai trò của người có uy
tín; tổ chức thực hiện tốt việc thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên vào các
đoàn thể và tổ chức các hoạt động thu hút đoàn viên, hội viên tham gia.
- Phân công cán bộ của huyện, xã theo
dõi, đôn đốc việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống
chính trị ở các xã, thôn có đông đồng bào dân tộc Mông. Nghiên cứu, đề xuất cơ
chế đặc thù trong việc cử đi đào tạo, tuyển dụng cán bộ, công chức là người
Mông. Chú trọng việc bồi dưỡng trình độ tiếng dân tộc Mông cho cán bộ cấp
cơ sở để phục vụ công tác.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng
các mô hình mới, cách làm hay, những gương người tốt, việc tốt, người có uy tín
trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa tạo sức lan tỏa. Thường
xuyên phát hiện biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành
tích tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh
tế gia đình, thực hiện tốt công tác tuyên truyền xóa bỏ những hủ tục lạc hậu,
….
IV. KHÁI TOÁN VỐN VÀ NGUỒN VỐN
1. Tổng vốn giai đoạn 2022-2026: 217.509 triệu
đồng. Cụ thể:
1.1. Ngân
sách nhà nước: 103.563 triệu đồng (chiếm 47,6%). Trong đó:
- Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:
45.533 triệu đồng.
+ Vốn đầu tư phát triển: 40.416
triệu đồng.
+ Vốn sự nghiệp: 5.117,0 triệu đồng.
- Nguồn vốn ngân sách tỉnh: 56.730
triệu đồng.
+ Vốn đầu tư phát triển: 53.610
triệu đồng.
+ Vốn sự nghiệp: 3.120 triệu đồng.
- Nguồn vốn ngân sách huyện: 1.300
triệu đồng.
+ Vốn đầu tư phát triển: 800 triệu
đồng.
+ Vốn sự nghiệp: 500 triệu đồng.
1.2. Vốn
tín dụng: 33.400,0 triệu đồng (chiếm 15,4%).
1.3. Nguồn
vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ và nguồn vốn khác:
57.634 triệu đồng (chiếm 26,5%).
1.4. Nhân
dân đóng góp: 22.912 triệu đồng(chiếm 10,5%).
2. Phân kỳ
đầu tư:
- Năm 2022: 32.325 triệu đồng.
- Năm 2023: 74.022 triệu đồng.
- Năm 2024: 52.376 triệu đồng.
- Năm 2025: 46.990 triệu đồng.
- Năm 2026: 5.000 triệu đồng.
(Chi tiết có biểu
11 kèm theo)
V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
- Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tập
trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai Đề án phát triển kinh tế - xã hội,
xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Hàm
Yên bảo đảm đồng bộ, toàn diện, gắn kết với công tác giữ vững an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội, thực hiện chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo.
- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách
hỗ trợ phù hợp để hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng các công trình
hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần,giảm nghèo bền vững cho vùng đồng
bào dân tộc Mông.
- Chủ động quy hoạch, sắp xếp, bố trí,
luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở có uy tín, năng lực công
tác phù hợp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của
Đề án.
- Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc,
các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát,
phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
- Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn,
đôn đốc thực hiện Đề án; kịp thời nắm bắt, giải quyết, những khó khăn, vướng mắc
phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án từ cơ sở.
- Thành lập Ban chỉ đạo, các Tổ công tác kiểm tra,
hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Đề án. Lựa chọn cán bộ thường xuyên
gặp gỡ, nắm bắt tình hình nhân dân, là đầu mối để triển khai thực hiện các nội
dung Đề án.
2. Công tác thông tin, tuyên truyền,
vận động
- Đổi mới nội dung, biện pháp tuyên truyền, vận động
cho phù hợp với từng địa bàn, đối tượng để đạt được hiệu quả, trọng tâm là
tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật
của Nhà nước; tuyên truyền, vận động đồng bào ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản
xuất, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, giúp đỡ nhau
trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá tốt
đẹp, thực hiện nếp sống văn hóa, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, tăng cường
đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc.
- Trong quá trình tuyên truyền, vận động phải phân
loại các đối tượng để có nội dung, phương pháp tuyên truyền cho phù hợp. Phát
huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức
quần chúng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để làm nòng cốt
trong công tác tuyên truyền, vận động.
- Nâng cao chất lượng các trạm truyền thanh cơ sở,
phát triển mạng lưới thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua mạng xã hội, bằng
các ấn phẩm phát thanh, băng, đĩa hình bằng tiếng Mông.
- Tập trung lựa chọn xây dựng, bồi dưỡng phát huy
vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc,
người có uy tín trong tôn giáo để làm cầu nối đưa những chủ trương, đường lối của
đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với nhân dân.
- Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, lắng
nghe ý kiến của nhân dân về các vấn đề chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội có
đại diện các ban, ngành của huyện để ghi nhận, giải đáp các đề xuất, kiến nghị
của người dân, kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ.
3. Công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh
- Ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành
vi lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo gây mất ổn định an ninh, trật tự.
- Đấu tranh, ngăn chặn, xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đẩy lùi tệ nạn xã hội.
- Làm tốt công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật; phát huy vai trò của người có uy tín, cán bộ, đảng viên trong vùng đồng
bào dân tộc Mông để tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách
pháp luật của Nhà nước.
- Giải quyết nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng
bào người dân tộc Mông theo quy định của pháp luật để đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc
hậu, không tin theo các loại tà đạo, tổ chức bất hợp pháp.
- Tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng;
kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, âm mưu hoạt động của các thế lực thù
địch, các loại tội phạm lợi dụng vấn đề dân tộc, sự xâm nhập của các tà đạo, đạo
lạ.
- Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn thế trận
an ninh nhân dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự;
thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
4. Huy động, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Đề
án
- Nguồn vốn thực hiện Đề án từ ngân sách Nhà nước
thực hiện các nội dung, công trình thiết yếu.
- Đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực thực
hiện Đề án, lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các
chương trình, dự án khác trên địa bàn, nguồn vốn của các cá nhân, doanh nghiệp;
đẩy mạnh cho vay nguồn vốn tín dụng, nhất là tín dụng chính sách xã hội, tín dụng
đối với nông nghiệp, nông thôn.
- Vận động cộng đồng, người dân tham gia đóng góp
tiền, vật liệu, ngày công để góp phần hoàn thành các mục tiêu của Đề án.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì phối hợp với
các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định kế hoạch phân bổ vốn đầu tư cho các
công trình, dự án để thực hiện Đề án đảm bảo theo tiêu chí, định mức của các
Chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch vốn hàng năm được Trung ương giao.
- Phối hợp với các
cơ quan, đơn vị có liên quan tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phân bổ các nguồn
vốn thực hiện Đề án cho cả giai đoạn và hàng năm.
- Theo dõi, kiểm
tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện đề án theo nhiệm vụ được phân công.
2. Sở Tài chính
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình
Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt các chính sách hỗ trợ đối với Đề án.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và
Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí các nguồn kinh phí thực hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư, các sở, ban ngành có liên quan hướng dẫn việc
quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án theo đúng quy định; cân đối phân bổ
kinh phí thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh cho huyện Hàm Yên theo phân kỳ đầu tư
trong Đề án.
- Hướng dẫn việc sử dụng hiệu quả
và quản lý tốt các nguồn vốn hỗ trợ, vốn lồng ghép; quản lý và cấp phát kinh
phí kịp thời, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn thanh quyết toán kinh phí đúng quy
định.
3. Ban Dân tộc
tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban,
ngành và Uỷ ban nhân dân huyện Hàm Yên triển khai thực hiện có hiệu quả Chương
trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ưu tiên bố trí
kinh phí cho các dự án của chương trình đối với khu vực có đồng bào Mông và các
nội dung của Đề án này.
- Phối hợp với các sở, ngành liên
quan thực hiện chính sách về đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số, từng bước
nâng cao trình độ, năng lực cán bộ người dân tộc, tạo nguồn cán bộ thực hiện
nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
4. Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn
- Chủ trì tham
mưu, hướng dẫn triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy
hình thành và phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết trong sản xuất, chế biến,
tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn các xã, thôn thuộc phạm vi của đề
án, gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo kế hoạch của tỉnh.
- Triển khai thực hiện các cơ chế
chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là cơ
chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp,
sản xuất, chế, biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ
cho đồng bào Mông sinh sống.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều
chỉnh quy hoạch phân 3 loại rừng, điều chỉnh một số diện tích rừng phòng hộ hiện
tại không còn tính chất phòng hộ mà nhân dân đang sản xuất thành rừng sản xuất
để giao cho người dân.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường, Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên rà soát, đánh giá tình hình sử dụng đất sản
xuất, nghiên cứu đề xuất biện pháp phân bổ, giao đất sản xuất cho đồng bào
Mông.
- Phối hợp với các Sở, ngành, Uỷ ban
nhân dân huyện Hàm Yên hướng dẫn triển khai thực hiện và lồng ghép, sử dụng có
hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất ở các xã, thôn có đông đồng
bào Mông sinh sống.
5. Sở Tài
nguyên và Môi trường
- Chủ trì phối hợp với các sở ngành
có liên quan hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên thực hiện rà
soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện trình tự
thủ tục giao đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc Mông theo đúng quy
định của pháp luật về đất đai.
- Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Ủy
ban nhân dân tỉnh thu hồi một phần diện tích đất các Công ty lâm nghiệp đang quản
lý, sử dụng để tạo quỹ đất ở, đất sản xuất thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch
sử dụng đất, giao đất đáp ứng nhu cầu của các hộ dân tộc Mông thuộc diện hộ
nghèo thiếu đất.
6. Sở Lao động,
Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, tham mưu cụ thể hóa Chương
trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gắn với thực hiện các mục tiêu,
nhiệm vụ của Đề án. Hướng dẫn thực hiện công tác thông tin, truyền thông về giảm
nghèo, đánh giá thực trạng, giải pháp cụ thể để nhân rộng mô hình giảm
nghèo bền vững.
- Chủ trì tổ chức, hướng dẫn các địa phương mở các lớp đào tạo nghề, hướng
nghiệp cho lao động nông thôn; tham mưu cụ thể hóa và thực hiện kế hoạch đào tạo, dạy nghề cho lao động người dân tộc thiểu số tại các địa
phương. Giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp,
cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
7. Sở Giáo dục và
Đào tạo
- Chủ trì hướng dẫn, đôn đốc các địa
phương trong đề án đầu tư và hoàn thiện các công trình giáo dục, chuẩn hóa về
cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và chuyển đổi số đối với các trường PTDT
nội trú, bán trú thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
- Tiếp tục tham mưu, thực hiện tốt việc
tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phân loại học sinh để định hướng học tập, định
hướng nghề nghiệp cho phù hợp.
- Tham mưu thực hiện tuyển sinh vào học
ở hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú theo hướng mở rộng đối tượng, địa
bàn tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào
dân tộc Mông.
8. Sở Y tế
- Chủ trì tham mưu thực hiện việc duy
trì, nâng cấp, phát huy hiệu quả hoạt động của các trạm y tế xã, công tác phòng
chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tham mưu xây dựng trạm y tế xã Yên Phú,
Yên Lâm đảm bảo cơ sở vật chất khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, chỉ
đạo duy trì thường xuyên chế độ phục vụ của trạm y tế, y tế thôn bản.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thuộc phạm vi của Đề
án đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch theo quy định.
9. Sở Văn hóa -
Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn,
đôn đốc các địa phương thuộc phạm vi Đề án tiếp tục đầu tư và hoàn thiện hệ thống
cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà văn hóa xã, thôn theo mục tiêu, nhiệm vụ của
Đề án.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên hướng
dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang phù hợp với văn hóa
dân tộc Mông, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn phục dựng, duy trì
tổ chức lễ hội truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông.
- Phối hợp với chính quyền địa phương khai thác tiềm
năng để phát triển du lịch; hướng dẫn xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng,
du lịch sinh thái gắn với tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa truyền
thống của đồng bào dân tộc thiểu số; quảng bá kết nối các điểm du lịch, góp phần
thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi.
10. Sở Giao
thông vận tải
Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng
dẫn Uỷ ban nhân dân huyện Hàm Yên xây dựng và tổ chức thực hiện đầu tư kết cấu
hạ tầng giao thông được phê duyệt trong Đề án.
11. Sở Xây dựng
Chủ trì, tham mưu thực hiện, quản lý
quy hoạch chi tiết xây dựng tại các khu dân cư; thẩm định các công trình hạ tầng
kỹ thuật thuộc thẩm quyền, chức năng của sở xây dựng; kiểm tra nghiệm thu các
công trình thuộc thẩm quyền trước khi bàn giao đưa vào sử dụng.
12. Sở Công
Thương
- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành
tham mưu trong việc xây dựng, đấu nối mạng lưới điện; thẩm định, kiểm tra nghiệm
thu các công trình điện trước khi bàn giao đưa vào sử dụng; chỉ đạo công
ty điện lực Tuyên Quang xây dựng kế hoạch ưu tiên đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới
điện đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất và sinh hoạt tại vùng
đồng bào dân tộc Mông.
- Hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản
cho nhân dân, tạo điều kiện cho hàng hóa sản xuất lưu thông thuận lợi tiếp cận
với thị trường trong và ngoài tỉnh.
13. Sở Khoa học
và Công nghệ
Phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban
nhân dân huyện Hàm Yên thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền các cơ chế,
chính sách về phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ của tỉnh; hướng dẫn
triển khai, nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ mang lại hiệu
quả vào sản xuất.
14. Sở Thông tin
và Truyền thông
Chủ trì tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn,
đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông đầu tư và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng
thông tin và truyền thông, hướng dẫn các địa phương tăng cường cơ sở vật chất
cho hệ thống thông tin và truyền thông ở cơ sở; xóa các vùng lõm về sóng điện
thoại di động, đảm bảo tất cả các xã, thôn khó khăn đều có sóng điện thoại.
15. Sở Tư pháp
Hướng dẫn, tổ chức công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn
tiếp cận pháp luật; quản lý đăng ký hộ tịch.
16. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hàm
Yên và các cơ quan có liên quan hằng năm rà soát xây dựng kế hoạch tuyển dụng
công chức, viên chức đảm bảo đủ số người làm việc còn thiếu, trong đó có tính
toán đến cán bộ, công chức là người đồng bào dân tộc Mông; Rà soát, điều chỉnh,
bổ sung kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại các xã thực hiện đề
án.
- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban
nhân dân huyện Hàm Yên tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp thực hiện có hiệu
quả công tác cải cách hành chính tại các xã thuộc đề án.
17. Công an tỉnh
Chủ trì, phối hợp với Bộ chỉ huy Quân
sự tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả
các vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, không để lan rộng, kéo dài, gây phức tạp
tình hình, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự tại các địa bàn vùng có
đông đồng bào dân tộc Mông. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu
tranh, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.
18. Bộ chỉ huy
Quân sự tỉnh
- Chỉ đạo lực lượng quân đội triển
khai công tác nắm bắt tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp
với cơ quan Công an cùng cấp, các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị -
xã hội vận động quần chúng không nghe theo luận điệu xuyên tạc của các tổ chức
bất hợp pháp.
- Làm đầu mối tổ chức cho bộ đội hỗ
trợ nhân dân lao động sản xuất; xây dựng các công trình thiết yếu; sắp xếp, vệ
sinh nhà ở, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng vùng đồng bào Mông.
19. Ngân hàng
Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang
Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các ngân
hàng thương mại bố trí đủ nguồn vốn cho các đối tượng được vay vốn phát triển sản
xuất, làm nhà ở và tích cực triển khai các hoạt động an sinh xã hội... đảm bảo
hoàn thành các mục tiêu của Đề án.
20. Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.
Đẩy mạnh cho vay tín
dụng chính sách xã hội, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo; Thẩm định phương án vay,
quản lý tốt nguồn vốn, đảm bảo nguồn vốn vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục
đích.
21. Liên minh hợp tác xã tỉnh
Tuyên truyền, vận động
phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã. Thực hiện các chương trình, dự án, dịch vụ
công hỗ trợ phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
trong vùng đồng bào dân tộc Mông.
Phối hợp với Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang và các tổ chức thành viên; các tổ chức xã hội
khác trong việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện pháp luật về hợp tác xã,
liên hiệp hợp tác xã.
Tuyên truyền, vận động
các hộ gia đình, tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa trong vùng đồng bào
dân tộc Mông phát triển thành các hợp tác xã; tổng kết và phổ biến kinh nghiệm
của các hợp tác xã điển hình tiên tiến.
22. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp
tỉnh
- Chủ động tuyên truyền, vận động, tạo
sự đồng thuận cao trong xã hội, phát huy vai trò, trách nhiệm và sự vào cuộc với
vai trò chủ thể của đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tham gia thực hiện Đề án.
- Thực hiện tốt vai trò giám sát phản
biện trong quá trình thực hiện đề án, từ đó kiến nghị các giải pháp, cơ chế,
chính sách cụ thể để thực hiện có hiệu quả.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ
trì thực hiện Đề án xóa nhà tạm, dột nát ưu tiên bố trí thực hiện cho các xã,
thôn thuộc Đề án.
23. Ủy ban nhân
dân huyện Hàm Yên
- Căn cứ Đề án được phê duyệt, chủ động
xây dựng Kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ;
định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời các tổ chức,
có nhân có thành tích trong quá trình thực hiện Đề án.
- Làm tốt công tác tuyên truyền, vận
động, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhân dân địa phương
trong thực hiện Đề án. Huy động, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự
án, chính sách có cùng mục tiêu trên địa bàn hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra cấp xã
thực hiện quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đúng địa bàn, đối tượng, định
mức, đảm bảo tiến độ, chất lượng và phát huy hiệu quả thiết thực.
- Hằng năm, căn cứ vào số lượng vị trí việc làm,
nhu cầu tuyển dụng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng kế hoạch tuyển
dụng công chức, viên chức trong đó xác định những vị trí việc làm cần tuyển là
người dân tộc thiểu số, trong đó có người dân tộc Mông trình cấp có thẩm quyền
xem xét, phê duyệt.
- Biên tập các nội dung phát trên hệ
thống loa truyền thanh không dây của các thôn phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc
Mông.
24. Uỷ ban nhân
dân xã thuộc Đề án
- Căn cứ Đề án, Kế hoạch thực hiện
phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc
Mông trên địa bàn huyện Hàm Yên được duyệt; xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án
phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc thù của từng xã.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận
động cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương thực hiện tốt các chủ trương đường
lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, của huyện, của xã về
phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc
Mông.
- Chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo,
chủ động, trực tiếp tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế
- xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc Mông tại địa
phương theo đúng quy định.
- Quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu
quả các nguồn lực theo quy định hiện hành (nguồn vốn huy động của nhân dân và cộng
đồng doanh nghiệp).
- Thành lập Ban chỉ đạo cấp xã, thường
xuyên theo dõi, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn xã.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh,
Giám đốc các Sở, ban, ngành của tỉnh (là thành viên Ban chỉ đạo CTMTQG tỉnh Tuyên
Quang giai đoạn 2021-2025); Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Hàm Yên và Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (Báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (Báo cáo);
- Chủ tịch UBND tỉnh (Báo cáo);
- Các PCT UBND tỉnh (Báo cáo);
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Như Điều 2;
- Các Phó Chánh VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KT, NC (Toản).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Việt Phương
|